Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Đức Thánh cha Phanxicô nói bần tiện là bản tính của con người nhưng không phải là của Kitô hữu

Đức Thánh cha Phanxicô nói bần tiện là bản tính của con người nhưng không phải là của Kitô hữu thumbnail
Đức Thánh cha một lần nữa lên án sự đố kỵ và ngồi lê đôi mách trong giáo xứ
Ghen ghét, đố kỵ và bần tiện là bản năng của con người, nhưng không phải là của Kitô hữu, vì sự chia rẽ nó gây ra nơi các tín hữu là việc làm của ma quỷ, Đức Thánh cha Phanxicô nói.
“Thay vì thế, Chúa muốn chúng ta trưởng thành về khả năng đến với nhau, tha thứ cho nhau và yêu thương nhau để ngày càng giống Ngài hơn”, ngài phát biểu trong cuộc biệt kiến chung hàng tuần hôm 27-8.

Một làn gió mạnh và nhiệt độ khoảng 80 độ F có thể chuyển sự kiện hàng tuần này từ hội trường biệt kiến có điều hòa không khí ở Vatican đến quảng trường Thánh Phêrô, nơi có hơn 12.000 người tập trung để nghe ngài giáo huấn và nhận phép lành của ngài.
Kinh Tin Kính miêu tả Giáo hội Công giáo “duy nhất và thánh thiện”, Đức Thánh cha nói, thế nhưng tín hữu của Giáo hội Công giáo là những người tội lỗi, “nhận thức được tính yếu đuối và đáng thương của mình hàng ngày”.
“Đó là lý do đức tin chúng ta tuyên xưng thôi thúc chúng ta hoán cải, để can đảm sống trong tình hiệp nhất và thánh thiện mỗi ngày”, ngài giải thích.
“Nếu chúng ta không hiệp nhất, nếu chúng ta không thánh thiện, đó là bởi vì chúng ta không trung thành với Đức Giêsu”, Ngài là nguồn gốc của tất cả sự hiệp nhất và thánh thiện, Đức Thánh cha khẳng định.
Chia rẽ được biểu lộ không chỉ trong ly giáo hay những rạn nứt lớn nơi Kitô hữu; nó còn thường xuyên xảy ra ở cấp địa phương, như “tội cục bộ”, trong các giáo xứ Công giáo, trường học, cộng đồng và tổ chức, Đức Thánh cha nói.
“Đôi khi trong thực tế các giáo xứ của chúng ta, vốn được gọi là nơi chia sẻ và hiệp thông, lại đầy sự ghen ghét, đố kỵ, oán giận thật đáng buồn”.
“Đây là bản tính của con người, chứ không phải là của Kitô hữu!” Đức Thánh cha khẳng định.
“Biết bao nhiêu chuyện ngồi lê đôi mách xảy ra trong các giáo xứ”, Đức Thánh cha than phiền. “Chúng ta không được làm như thế! Tôi không bảo anh chị em cắt lưỡi của mình. Không đâu, không làm thế. Nhưng hãy cầu xin Chúa ban ơn giúp chúng ta đừng làm điều đó, có được không?”
Quả vậy, từ chối ngồi lê đôi mách là một đức tính nổi bật của Kitô hữu, nó có thể làm cho một người trở thành thánh nhân trong chốc lát, Đức Thánh cha nói.
Ngài kể lại danh tiếng thật sự của một người phụ nữ lớn tuổi từng làm việc tại một giáo xứ thuộc tổng giáo phận Buenos Aires của ngài trước đây tại Argentina.
Người ta tưởng nhớ đến bà là một con người “không bao giờ nói xấu người khác, không bao giờ ngồi lê đôi mách, luôn luôn tươi cười”. Một người phụ nữ như thế có thể được tôn phong thánh vào ngày mai! Đây là điều tốt đẹp, đây là một tấm gương tốt”, ngài khen ngợi.
Xung đột xảy ra khi người ta đánh giá người khác; chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của người khác, chứ không thấy ưu điểm của họ; chú trọng đến những điểm bất đồng nhiều hơn những điểm tương đồng; cho mình quyền ưu tiên trên hết; và làm theo tham vọng và quan điểm riêng của mình, ngài nói thêm.
“Trong cộng đồng Kitô hữu, chia rẽ là một trong những tội nặng nhất vì nó biến thành dấu chỉ không phải là việc làm của Chúa mà là việc làm của ma quỷ, theo định nghĩa vốn là kẻ gây chia rẽ, phá hoại quan hệ và tạo thành kiến”.
Đức Thánh cha kêu gọi mọi người xem xét lương tâm và thành thật hối lỗi “về tất cả những lần mà chúng ta gây chia rẽ hay hiểu lầm trong cộng đồng”.
Ngài kêu gọi mọi người cầu xin ơn phản ánh tốt hơn sự hiệp nhất “tốt đẹp và hân hoan nơi Chúa Giêsu và Chúa Cha, và ơn “không nói xấu người khác, không chỉ trích, không ngồi lê đôi mách, và yêu thương nhau”.
“Đây là tính thánh thiện của Giáo hội: nhận ra nơi nhau hình ảnh của Thiên Chúa”, Người kêu gọi mọi người không ngừng hoán cải.
Mặc dù những người theo Ngài phạm lỗi lầm, “Chúa Giêsu không bao giờ bỏ chúng ta một mình, ngài không bỏ rơi Giáo hội của Ngài. Ngài đồng hành với chúng ta, đồng cảm với chúng ta, những yếu điểm và tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho chúng ta”, và còn truyền cảm hứng cho mọi người tha thứ cho nhau.
Nguồn: Catholic News Service


Nữ sinh Nhật “gây bão” với chia sẻ 7 điều không thích về người Việt

BY LỆ RƠI · 08/21/2014
 
“Em là người Nhật. Em biết về nước Việt Nam được gần hai năm và em chưa quen cuộc sống ở Việt Nam nên nhiều khi em rất bất ngờ về sự khác biệt văn hóa Việt – Nhật, và có khi lại bị lừa”… là những dòng chia sẻ của nữ sinh Nhật đang được dân mạng quan tâm.
Một nữ sinh người Nhật tên Yuki Kobayashi sống ở Việt Nam được gần hai năm đã viết một bài nói về những điều cô không thích, cả bằng tiếng Việt và tiếng Nhật:
Em là người Nhật. Em biết về nước Việt Nam được gần hai năm và em chưa quen cuộc sống ở Việt Nam nên nhiều khi em rất bất ngờ về sự khác biệt văn hóa Việt – Nhật, và có khi lại bị lừa.
Chắc là vì em chưa quen văn hóa Việt Nam chăng? Em không thích một số người Việt Nam. Nhiều lý do lắm nhưng vì khả năng tiếng Việt của em rất dở nên để em viết bằng tiếng Nhật nhé.
Em rất thích phong cảnh Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn nên có cảm giác muốn quen văn hóa Việt Nam ngay và biết nhiều về người Việt Nam. Các anh chị cho em biết những điều anh chị thích về người Việt Nam được không ạ?”

Còn đây là đoạn dịch phần viết bằng tiếng Nhật của Yuki:
“Em không thích một bộ phận người Việt Nam vì những lý do sau:
Thứ nhất, em đi giặt quần áo ở tiệm, ba ngày sau đến lấy quần áo về thì toàn bộ vết bẩn và mùi vẫn còn nguyên. Tóm lại là chưa giặt gì chỉ gấp lại, nhưng lại lấy tiền như bình thường.
Thứ hai, em rất thích cơm sườn nhưng đến tiệm mua thì em bị lấy tiền đắt hơn người khác vì lý do là người nước ngoài. Việc này không phải chỉ một lần mà là rất nhiều lần rồi. Kể cả các tiệm khác cũng vậy, menu ghi 25.000 đồng mà em thì bị lấy tận hơn 30.000 đồng.
Thứ ba, chỗ khách sạn em ở đường ống nước bị hỏng, nước không ra. Em đã báo với người của khách sạn thì họ toàn lờ đi không sửa chữa gì.
Thứ tư, ở Việt Nam người ta hay bán sổ xố ngoài đường, em nhìn những người ấy cảm thấy thương nên cũng muốn mua nhưng vì vẫn là học sinh nên chỉ đưa 5.000 đồng. Có lần em từ chối không mua thì bị bác lớn tuổi bán vé số cầm cầm tập vé ném về phía em, đến bây giờ em cũng không thể quên được. Sợ lắm.
Thứ năm, trẻ em thì nghịch ngợm quá mức. Em chơi game với người yêu thì có một đứa trẻ không biết ở đâu ra lấy game của tụi em mà mãi không chịu trả.
Chúng em đi đến siêu thị thì có cả đám trẻ dàn hàng ngang đi phía trước khiến em không thể đi được, đã thế va chạm với người khác còn không chịu xin lỗi gì cả. Người lớn cũng thế, những điều đáng ra cần phải xin lỗi thì không chịu xin lỗi mà còn cười..
Thứ sáu, khi thanh toán thì không chịu trả tiền. Nếu đi ăn với bạn thì cho tới bây giờ những bạn người Việt em quen toàn như vậy. Có lẽ trong đầu họ nghĩ em là người Nhật có nhiều tiền. Nhưng thực ra hoàn toàn không phải, nếu em lớn tuổi hơn thì làm vậy cũng không sao nhưng đằng này là bạn bè thì cần phải bình đẳng.
Thứ bảy, người lừa dối người thì rất nhiều. Em bắt gặp rất nhiều người phụ nữ ngồi ở đường ăn xin. Có người còn ôm một đứa trẻ trần truồng như để chứng minh là mình nghèo vậy.
Nếu là vậy thật thì em cũng muốn giúp chút nhưng một hôm khác thì lại thấy chính người phụ nữ ấy cùng với đứa trẻ ăn kia mặc đẹp và họ cùng ăn uống trong nhà hàng. Khi hiểu được rằng đó là lừa đảo thì em đã sốc nặng“.
Theo VnExpress

Tình yêu Vi Tính (PC)

 
Thơ sưu tầm vui vui.
Trái tim anh, em select bằng mouse
Chốn hẹn hò, forum internet
Lời yêu thương truyền bằng phương thức get
Nhận dáng hình qua địa chỉ IP
Nếu một mai em vĩnh viễn ra đi
Anh sẽ chết giữa muôn ngàn biển search
Lời tỏ tình không dễ gì convert
Lưu ngàn đời vào biến constant
Anh nghèo khó mang dòng máu Sun
Em quyền quý với họ Microsoft
Hai dòng code không thể nào hoà hợp
Dẫu ngàn lần debug em ơi
Sao không có 1 thế giới xa xôi
Sun cũng thế mà windows cũng thế
Hai chúng ta chẳng thể nào chia rẽ
Run suốt đời trên mọi platform.

o O o


Có nhiều khi gục đầu bên KeyBoard
Anh vô tình nhấn Shift viết tên em
Anh yêu em mà em chẳng Open
Mở cửa trái tim và Save anh vào đó
Cửa nhà em, mẹ đã gài Password
Anh suýt rách quần vì cố vượt FireWall
Nhớ lần đầu khi đưa em về Home
Anh kiss trộm liền xơi ngay một Tab
Anh bàng hoàng quay xe BackSpace
Ngoái nhìn em mà chẳng thể Ctrl
Anh tức giận khi thấy một thằng Alt
Cứ Insert mỗi khi mình nói chuyện
Có nhiều khi muốn thẳng tay Delete
Nhưng vì em, anh nuốt giận Cancel
Anh biết anh chỉ là Hacker nghèo
Còn hắn có @ và Esc
Em thích hắn làm lòng anh Space
Bước thẫn thờ chìm xuống vực PageDown

o O o


Em vội bước ra đi quên Logoff,
Chẳng một lời dù chỉ tiếng Standby.
Em quên hết kỷ niệm xưa đã Add
Quẳng tình anh vào khoảng trống Recyclebin.
Anh vẫn đợi trên nền xanh Desktop,
Bóng em vừa Refresh hồn anh.
Từng cú Click em đi vào nỗi nhớ,
Trong tim anh... Harddisk... dần đầy.
Anh ghét quá, muốn Clean đi tất cả,
Nhưng phải làm sao khi... chẳng biết Username.
Hay mình sẽ một lần Full Format ..
Em đã change... Password cũ còn đâu!
Anh sẽ cố một lần anh sẽ cố Sẽ Retry cho đến lúc Error.
Nhưng em hỡi làm sao anh có thể...
Khi Soft anh dùng... đã hết Free Trial!
Hình bóng em vẫn mãi Default...
o O o


Trong cơn say thấy em ở trên cao
PageUp anh lên và Undo cuộc sống
Anh vui mừng thấy lòng mình Numlock
Em bật cười: "Capslock chứ anh!"
Em thầm thì: "Em mãi là của anh
Đừng tưởng em tham @ và Esc
Đối với em tình anh là trên hết
Trái tim em mở rồi anh có thể Enter"
Chuyện tình mình đẹp như một giấc mơ
Đừng bao giờ gõ phím End em nhé!

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN A




Gr 20,7-9 ; Rm 12,1-2 ; Mt 16,21-27

CHỦ ĐỀ: CÁI ĐƯỢC - CÁI MẤT CỦA NGƯỜI THEO CHÚA
“Anh em hãy hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Rm 12,1)


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gr 20,7-9)
Cơn khủng hoảng nội tâm, được thuật lại trong bài đọc I, đã xảy ra cho Ngôn sứ Giêrêmia đang khi ông và toàn dân miền Giuđa phải sống trong thời kỳ ‘dầu sôi lửa bỏng’: tình hình chính trị của vương quốc Giuđa (miền nam) gần đi dến chỗ cáo chung, loạn lạc đang xảy ra khắp nơi vì  đạo quân của vua Babyblon, Nabucodonosor đã rất gần Giêrusalem.
Trong bối cảnh đó, Giêrêmia đã tuyên sấm. Ông chẳng có môn đệ, cũng chẳng có nhóm đạo đức nào hậu thuẫn cho ông. Những lời đe dọa của ông chỉ gây ra sự nhàm chán cho nhiều người. Các thủ lãnh và tư tế trong dân thì tức giận vì ông đang lên án một xã hội do họ tạo ra hay được họ chấp nhận.
Cơn khủng hoảng nội tâm của Giêrêmia cho thấy mấy điểm chính: vị ngôn sứ nhận ra rằng Chúa đã quyến rũ ông, và ông cũng phải thú nhận rằng ông hoàn toàn tự do chấp nhận sự quyến rũ này. Sự chấp nhận để cho Chúa quyến rũ này không hề dễ dàng cho Giêrêmia chút nào. Tâm hồn ông bị giằng co, day dứt vì thái độ dửng dưng của dân chúng trước những lời sấm thật gay gắt của ông và lòng oán ghét thù nghịch của giới lãnh đạo. Nhiều lúc ông không còn muốn nghĩ đến Chúa nữa, miệng ông không còn hứng khởi để cao rao Danh Ngài. Tuy nhiên, ông phải thú nhận rằng Đức Chúa đã mạnh hơn ông, Lời của Ngài ‘bừng cháy trong tim ông, âm ỉ trong xương cốt ông.’ Ông đã cố sức thoát khỏi sự quyến rũ của Chúa, nhưng điều này là không thể.
2. Bài đọc II (Rm 12,1-2)
Thánh Phaolô đã chỉ ra cho các tín hữu Rôma thấy đâu là việc thờ phượng phải lẽ, đâu là lễ tế sống động, thánh thiện và đẹp lòng đối với một Thiên Chúa nhân từ. Ngài nài xin họ hiến dâng thân mình làm lễ tế và đó chính là việc thờ phượng thật phải lẽ.
Nhưng hành động cụ thể của việc hiến dâng thân mình làm lễ tế là gì? Vị Tông đồ dân ngoại đưa ra hai chỉ dẫn: 1) Đừng rập khuôn theo (thói hư tật xấu) đời này; 2) Hãy thay đổi bản chất  bằng việc đổi mới nếp suy nghĩ. Nhờ đó, người tín hữu có khả năng nhận ra đâu ý Thiên Chúa, đâu là điều tốt lành, đâu là điều đẹp lòng và đâu là điều thiện hảo.
3. Bài Tin Mừng (Mt 16,21-27)
Trong lăng kính thần học của thánh sử Matthêu, chỉ sau khi thánh Phêrô tuyên tín: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’ Chúa Giêsu mới tiên báo về cuộc thương khó mà Ngài sắp phải chịu. Thế nhưng ‘Phêrô kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người...’ Phản ứng thật nhanh, thật dứt khoát và đầy bất ngờ của thánh Phêrô trước lời tiên báo về cuộc thương khó của Chúa Giêsu cho thấy hai rõ hai điều:
1/ Trước một xác tín thật mạnh mẽ mà thánh Phêrô vừa thể hiện, Chúa Giêsu dường như đã an tâm để tỏ cho các môn đệ biết về cuộc thương khó và hy vọng các ông có thể hiểu để đồng cảm mà chấp nhận với Ngài Thánh ý của Chúa Cha;
2/ Thời gian dài được ở với Chúa Giêsu trước đó dường như vẫn chưa đủ để các môn đệ có thể tẩy xóa đi nếp suy nghĩ, cách phản ứng đầy tính con người nơi các ông; và như thế, họ vẫn chưa thể có được cùng một suy nghĩ, cùng một thao thức với Thầy của mình.
Nhân cơ hội này và từ chính kinh nghiệm luôn kiếm tìm và sống thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho các môn đệ những điều kiện để có thể bước theo Ngài, đó là ‘từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.’ Sau đó, Chúa Giêsu còn đưa ra một nguyên tắc sống đầy nghịch lý xoay quanh hai khái niệm: ĐƯỢC – MẤT ‘Ai cứu sự sống mình thì sẽ mất – Ai đành mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được’ nhằm dẫn dắt thính giả phải đi đến một chọn lựa: ĐƯỢC cả thế gian này mà MẤT linh hồn nào có ích gì?

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!’ Ngôn sứ Giêrêmia dường như muốn thoái thác sứ mạng quá sức chịu đựng của ông, nhưng rồi cuối cùng ông đã chấp nhận để cho Chúa hành động. Và chọn lựa này buộc ông phải trả một giá đắt! Mỗi khi phải quyết định hay thực hiện điều gì tôi có kiên nhẫn để tìm kiếm, lắng nghe và can đảm quyết định theo những soi sáng của Chúa không?
2. ‘Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa... Hãy thay đổi bản chất bằng cách đổi mới nếp suy nghĩ.’ Mọi hành động chỉ có thể thay đổi nếu như dám thay đổi nếp suy nghĩ. Cuộc sống vốn là một cuộc giằng co giữa ý tôi và ý Chúa. Tôi vẫn quyết định hành động theo ý ai?
3. Nếu hình ảnh thánh Phêrô tuyên tín là một hình ảnh thật đẹp đẽ bao nhiêu, thì hành động can gián Chúa Giêsu của ông lại thật tương phản bấy nhiêu. Như thế, hai khuôn mặt trái ngược lại xuất hiện nơi cùng một con người và ở cùng một thời điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra cho người môn đệ Chúa Kitô. Những toan tính, suy nghĩ và hành động của tôi hôm nay đến từ đâu? Từ Chúa Giêsu hay từ những khôn ngoan thế gian?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Ngài mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và bước đi trên con đường thập giá. Với niềm tin tưởng và quyết tâm vác thập giá theo Chúa Kitô, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh đang phải đương đầu với bao chống đối và bách hại, luôn vững tin vào sức mạnh của thập giá để can đảm đón nhận và vượt qua những khó khăn thử thách hầu góp phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô.
2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia đang trải qua xung đột và chiến tranh. Xin cho các nhà lãnh đạo ở đó biết đặt lợi ích của người dân và hòa bình cho đất nước lên trên quyền lợi các phe nhóm, để có những lựa chọn khôn ngoan và chính sánh phù hợp.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đã chọn cuộc sống dâng mình cho Chúa, cách riêng các ứng sinh linh mục và tu sĩ, luôn xác tín với chọn lựa của mình, biết quảng đại từ bỏ những tiện nghi hưởng thụ, để luôn hân hoan bước theo Chúa trên đường thập giá.
4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa hôm nay: “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì”, để trong cuộc sống hằng ngày biết hướng về đời sau qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến đổi thập giá thành thánh giá đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con can đảm từ bỏ bản thân và trung thành vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.