Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH



Chủ đề: DẤU CHỨNG YÊU THƯƠNG
“Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Cv 14, 21-27)
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các Tông đồ đã đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng về các điều mình giảng dạy. Bên cạnh việc rao giảng Tin Mừng, các Tông đồ còn củng cố niềm tin của các tín hữu, an ủi họ trong những thử thách gian nan. Các ngài thực hiện sứ vụ của mình với một niềm xác tín là chính Thiên Chúa hoạt động trong các ngài; các ngài chính là những khí cụ Thiên Chúa dùng để đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Với niềm xác tín như thế, các Tông đồ đã loan báo Tin Mừng cách nhiệt thành, bằng hết lòng yêu thương để xây dựng những cộng đoàn Kitô hữu và những Kitô hữu. Cũng với tình yêu của Chúa Phục Sinh, các ngài đã khao khát đem Tin Mừng cho mọi dân, không giới hạn màu da sắc tộc. Tình yêu Phục sinh là tình yêu phổ quát, được trao tặng cho tất cả mọi người để cùng được cứu độ và cùng xây dựng xã hội mới và con người mới với yêu thương là đặc tính tiêu biểu và căn tính.
2. Bài đọc 2 (Kh 21, 1-5a)
Trong bài đọc II hôm nay tác giả sách Khải huyền thuật lại việc nhìn thấy trời mới đất mới cùng với thành Giêrusalem mới. Đây là các hình ảnh diễn tả một cuộc tạo thành mới, trong đó Thiên Chúa làm mới mọi sự. Người sẽ hiện diện ở giữa dân Người và xóa tan những đau buồn tang tóc cũng như tiêu diệt sự chết. Những hình ảnh tác giả nhìn thấy có thể nói đó là hình ảnh chiến thắng của Đức Kitô Phục sinh, khi Người trỗi dậy từ cõi chết là Người bẻ gãy xiềng xích của sự chết, giải thoát con người khỏi sự thống trị của tội lỗi, giao hòa mọi người với Thiên Chúa. Nhờ hồng ân của Chúa Phục sinh mỗi người cũng đang được thanh luyện đổi mới để trở nên những thụ tạo mới cùng bước vào trong sự sống mới. Điều quan trọng là cần đón nhận Tin Mừng và để cho Tin Mừng biến đổi mình nên những Kitô hữu đích thực.
3. Bài Tin Mừng (Ga 13, 31-33a. 34-35)
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của buổi chiều Tiệc Ly. Có thể coi đây là những lời tâm huyết của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của mình, những lời lưu dấu sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Ngài gọi họ là “các con bé nhỏ” để cho thấy ý nghĩa sâu sắc của những lời trăng trối sau cùng. “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy”. Đây là lệnh truyền, là điều răn mới, hay hơn thế nữa, là quà tặng được trao ban cho nhau. Yêu thương là điều răn quan trọng vì xuất phát từ chính tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con.”
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho các môn đệ khi cúi xuống rửa chân cho từng người. Người cũng muốn các môn đệ học theo gương của mình: yêu thương và phục vụ. Yêu thương không phân biệt, yêu thương cả người sẽ phản bội mình, yêu thương những người yếu đuối tội lỗi, yêu thương người đau khổ khốn khó. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến dâng hiến chính mạng sống mình để cứu độ loài người. Tình yêu của Ngài đã được tôn vinh. Chính khi Ngài tự hiến vì yêu thương trên thập giá là chính lúc Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Tình yêu của Ngài không dừng lại ở mức độ giác quan tình cảm, nhưng còn mang lại ơn cứu độ và sự sống.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thuơng nhau”. Mỗi người chúng ta đã yêu thương những anh chị em xung quanh mình chưa? Cộng đoàn của chúng ta có phải là cộng đoàn yêu thương không?
2. Những hành động cụ thể chúng ta có thể làm để bày tỏ tình yêu cho những người xung quanh: giúp đỡ, an ủi, thăm viếng, chia sẻ thời giờ hay của cải... Chúng ta có làm một cách mau mắn không tính toán hơn thua hay lợi lộc?


Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Tâm tình với Đức Giáo hoàng Phanxicô


 
Kính Thưa Đức Thánh cha,
Tháng ba vừa qua, là một khoảng thời gian thật đặc biệt, mà chúng con cùng với người Công giáo bốn phương, đã bùi ngùi và xúc động chia tay với vị tiền nhiệm của cha, và cùng mọi người nguyện cầu tha thiết, để rồi hồi hộp, hân hoan đón chào người đại diện mới của Chúa Kitô!


Chúng con vui mừng khôn tả khi thấy hình ảnh cha xuất hiện lần đầu tiên tại Vatican để chào tín hữu thành Roma và xin họ cầu nguyện cho mình. Cha nói rằng các hồng y đã “đi đến tận cùng trái đất để chọn” người kế vị thánh Phêrô. Kitô hữu chúng con cảm nhận một luồng gió mới thật mạnh mẽ thổi vào Giáo hội qua những nghĩa cử và lời nói của cha.
Thái độ và hành động của cha gắn liền với tinh thần của vị thánh mà cha chọn như danh hiệu Giáo hoàng: Phanxicô. “Một Giáo hội nghèo và cho người nghèo”, chúng con rất tâm đắc với hướng đi mục vụ mà cha đã nêu lên và cảm thấy gần gũi với cha, do hoàn cảnh sống của nhiều người trong chúng con là những người khuyết tật. Cha còn một lá phổi và cao tuổi hơn chúng con, nhưng vẫn tìm đến với những bệnh nhân, những người ở bên lề xã hội…
Noi gương cha, dù khiếm khuyết thể lý, chúng con có thể đến thăm viếng nhau, đến với anh chị em bệnh nhân khác hoặc tìm đến với những người ở trong hoàn cảnh xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh Chúa Kitô.
Thưa cha, chúng con đang chứng kiến và đồng cảm nhận với bao nỗi “trống vắng, cô đơn, lạnh lẽo” của nhiều người, đặc biệt là các thanh thiếu niên, đồng thời cảm thấy trăn trở, “nhức nhối” trước những chuyện đau lòng trong xã hội hôm nay. Nhưng lời cha kêu gọi các bạn trẻ trong Thánh lễ Tiệc ly tại Trung tâm Casal del Marmo hôm thứ Năm Tuần Thánh, đã vực dậy niềm hy vọng còn non nớt của chúng con: “Đừng để ai đánh cắp đi niềm hy vọng của các bạn!”.
Xin cha cầu nguyện cho chúng con giữ vững niềm hy vọng và tín thác nơi Thiên Chúa là chủ của lịch sử , ước mong mỗi người chúng con biết góp phần nhỏ bé của mình, nhờ sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, vào việc canh tân bộ mặt trái đất này, bắt đầu từ việc canh tân lòng trí của chính chúng con.
Magnificat  Mùa Phục sinh 2013

“Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”

WHĐ (25.04.2013) – Giáo hội không phải là cơ cấu hành chính, nhưng là một câu chuyện về tình yêu. Nếu “Giáo hội lập ra các cơ quan và trở nên phần nào quan liêu, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất chính yếu của mình và có nguy cơ biến thành một tổ chức phi chính phủ. Nhưng Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ”.

Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại ý tưởng trên trong Thánh Lễ sáng thứ Tư 24-04 tại nhà nguyện của Nhà khách Thánh Martha. Trong số những người hiện diện, có các nhân viên của Viện Giáo vụ (IOR). Vì vậy Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội là một câu chuyện về tình yêu ... Nhưng ở đây có các nhân viên IOR ... tôi xin lỗi, … có những thứ cần thiết, cần có các văn phòng... Vâng! Nhưng chỉ cần đến một mức độ nào đó: như một sự trợ giúp cho câu chuyện về tình yêu này. Nhưng khi tổ chức chiếm vị trí ưu tiên, tình yêu sẽ rơi xuống hàng thứ yếu và Giáo hội, đáng buồn thay, sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Và đây không phải là con đường đi tới”.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay kể lại câu chuyện cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên phát triển và gia tăng số môn đệ. Đức Thánh Cha nói, đó là điều tốt, nhưng điều đó có thể đẩy người ta đến chỗ “mặc cả” để có “nhiều ngưởi tham gia hơn vào liên doanh này”. “Thay vào đó, con đường mà Chúa Giêsu muốn cho Giáo hội của Người đi theo là con đường khác: con đường của những khó khăn, con đường thập giá, con đường của bách hại... Và điều này khiến chúng ta tự hỏi: Giáo hội này là gì đây, Giáo hội của chúng ta như thế chẳng có vẻ gì giống như một nghiệp đoàn của con người”. Giáo hội là “điều gì hơn thế nữa”. Không phải các môn đệ đã xây dựng Giáo hội. Họ chỉ là những sứ giả được Chúa Giêsu sai đi và Chúa Kitô cũng được Chúa Cha sai đi. Giáo hội được sinh ra từ trái tim của Chúa Cha, Đấng đã có ý tưởng này –hay đúng hơn, đã có tình yêu này– là câu chuyện về tình yêu, đã bắt đầu và cứ kéo dài mãi mà vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đang ở giữa câu chuyện về tình yêu ấy: mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi tình yêu ấy. Và nếu chúng ta không hiểu được điều này, chúng ta cũng chẳng hiểu gì về Giáo hội.
“Giáo hội không phát triển nhờ sức mạnh của con người: một số Kitô hữu đã có những sai lầm vì lý do lịch sử, họ đã đi sai, họ đã có quân đội, và họ tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo: đó là một câu chuyện khác, không phải là câu chuyện về tình yêu này. Cả chúng ta cũng phải học –qua những sai lầm của mình– để biết câu chuyện về tình yêu diễn tiến ra sao. Nhưng diễn tiến thế nào? Như Chúa Giêsu đã nói: như hạt cải, nó lớn lên như men trong bột, chẳng ồn ào. “Giáo hội phát triển từ dưới lên, một cách tiệm tiến”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Khi Giáo hội tự mãn về số lượng và cơ cấu hành chính, thiết lập các cơ quan và một cách nào đó trở thành bộ máy hành chính, khi đó Giáo hội đánh mất bản chất của mình và rơi vào nguy cơ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ nhưng là câu chuyện về tình yêu.”
Đức Thánh Cha kể: “Một vị lãnh đạo quốc gia hỏi rằng đoàn vệ binh giáo hoàng to lớn như thế nào”, Nhưng Giáo hội không phát triển “nhờ quân đội”, mà nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì Giáo hội không phải là một tổ chức. “Không, Giáo hội là một người mẹ. Ở đây có rất nhiều bà mẹ, trong Thánh Lễ này. Các chị em cảm thấy thế nào nếu có ai đó hỏi chị em: ‘Bà có phải là quản gia trong nhà bà không?’ ‘Không, tôi là người mẹ’. Giáo hội là Mẹ. Và chúng ta ở giữa một câu chuyện về tình yêu được kể bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần; và chúng ta, tất cả chúng ta cùng với nhau, là một gia đình trong Giáo hội Mẹ của chúng ta”.
(Nguồn: WHĐ)

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

Kêu gọi người dân góp ý, khi người dân góp ý không đúng với dự thảo của đảng thì bị Công An đánh..., CÔNG LÝ Ở ĐÂU??

Kính mời các bạn theo dõi bản tin dưới về người thanh niên không đồng ý bản dự thảo của đảng và ủng hộ ý kiến của HĐGMVN đã bị đánh. Xin phổ biến rộng rãi cho mọi người biết

Huế và Sài Gòn: Tiếp tục cưỡng ép dân đồng ý với dự thảo HP 1992

VRNs (23.04.2013) – Sài Gòn – Từ Huế, cha Phêrô Phan Văn Lợi cho biết: “Nhà cầm quyền CSVN bắt đầu tiến hành việc cưỡng bức nhân dân tại Thừa Thiên Huế đồng thuận với bản Hiến pháp (1992 và dự thảo sửa đổi) hết sức sai trái, phản dân chủ và phi nhân quyền của họ. Hiến pháp này chỉ là đảng pháp mà thôi, cần phải bị loại bỏ”.
Như vậy, một mặt, nhà cầm quyền cho Uỷ ban soạn thảo sửa đổi HP 1992 chuẩn bị công bố phiên bản dự thảo thứ hai, mặt khác họ lại vẫn muốn ép dân phải đồng thuận với phiên bản thứ nhất đã bị dân chúng khắp nơi chỉ ra có nhiều điều không phù hợp với một HP của một đất nước bình thường.


Trước đó, ngày 08.04.2013, tại Sài Gòn, công an quận 8 đã đánh một thanh niên trong đồn công an phường 4. Lý do công an đánh người thanh niên này là vì người thanh niên này đã ghi vào bản góp ý sửa đổi HP là “không đồng ý” vớii dự thảo, và yêu cầu Ủy ban soạn thảo sửa lại theo góp ý của Hội đồng giám mục VN.

Khi được hỏi, người đánh có mặt sắc phục công an không? Người nhà của thanh niên này cho biết “không mặc sắc phục”. Vậy tại sao khẳng định người hành hung người thân của mình là công an? Người nhà cho biết “anh Nguyễn Chi Khanh, công an khu vực sau khi dẫn ngừơi thanh niên vào và giới thiệu người mặc thường phục là công an quận xuống làm việc”.Gia đình người thanh niên này còn cho biết, viên công an đánh người đe dọa người thân của họ: “Mày làm như vậy là sai, không được quyền làm như vậy !”

Còn chính người thanh niên bị đánh là Đoàn Thiên Nam, sinh năm 1990 thì nêu ra một thắc mắc: “Tôi thấy nội dung góp ý của các Đức cha là đúng, tôi đồng ý. Vậy mà công an lại đánh tôi?”

Việc làm của công an quận 8 chứng tỏ họ không phải là lực lượng bảo vệ nhân dân, mà sẵn sàng xâm phạm nhân dân với bất cứ lý do nào. Mặc khác chứng tỏ, dù nhà cầm quyền tuyên bố trên truyền hình có hơn 20 triệu người đồng tình với Bản dự thảo sử đổi HP 1992, mà chỉ cần một ý kiến của một người khác với họ đã làm cho họ run sợ, phải dùng bạo lực.

Hiện nay người thanh niên và gia đình này đang rất lo sợ, vì có thể tiếp tục bị công an quấy nhiễu và đe dọa. Chúng tôi kêu gọi anh chị em giáo dân và những người thành tâm thiện chí ở khu vực phương 4 quận 8 (đường Phạm Hùng) hãy sẵn sàng bảo vệ người thanh niên này.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH - CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU





Mời xem thêm hình ảnh về Ngày Giới thiệu Ơn gọi:
https://plus.google.com/photos/110081242330019192266/albums/5869674956421232625?banner=pwa&authkey=CMmsnsGehf75dQ


Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô


Chúa nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa nhật Chúa chăn chiên lành và là Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Dĩ nhiên là cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ nhiệt tình và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa để dấn thân trong đời sống linh mục và tu sĩ, nhưng đừng quên còn phải cầu nguyện cho chính các linh mục, để họ sống đúng với ơn gọi cao quý Chúa đã ban và trở thành những mục tử như lòng Chúa ước mong.

Đức giáo hoàng Phanxicô mới thi hành thừa tác vụ thánh Phêrô được một tháng nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nơi lòng người. Qua hình ảnh của ngài, có thể thấy được những nét đẹp trong chân dung linh mục mà Dân Chúa ước mong. Cha Roger Landry, bình luận viên của cơ quan thông tấn EWTN về Mật nghị hồng y 2013, đã tóm tắt những nét chính trong chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô.
Trước hết là sự đơn giản trong đời sống linh mục. Dù các linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo, nhưng các ngài được kêu gọi sống đời giản dị. Đáng tiếc là nhiều khi, người tín hữu không cảm nhận được điều này khi thấy hàng giáo sĩ đi những loại xe đắt tiền, ra vào những nhà hàng sang trọng, và nhà ở của linh mục đầy những thiết bị xa hoa. Lối sống của Đức giáo hoàng Phanxicô khi là hồng y ở Buenos Aires chắc hẳn là lời mời gọi các linh mục xét lại cách sống của mình: ngài ở trong một căn hộ nhỏ thay vì ở dinh thự giám mục, sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe hơi với tài xế riêng.
Thứ hai, trong suốt thời gian làm Tổng giám mục Buenos Aires, ngài phê phán mạnh mẽ những linh mục có lối sống “hai mặt”. Năm 2010, trong cuốn El Jesuita, cuốn sách hình thành từ những cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về câu nói quen thuộc của một số tín hữu: “Tôi tin Chúa nhưng tôi không tin các linh mục”, Đức hồng y Bergoglio đã thẳng thắn trả lời: “Nhiều linh mục sống không xứng với lòng tin của các tín hữu”. Ngài muốn thay đổi điều đó bằng cách kêu gọi, giúp đỡ, đòi hỏi các linh mục sống đúng với căn tính của mình.
Gắn liền với đòi hỏi trên là sự sòng phẳng. Người ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Tân giáo hoàng, ngay hôm sau khi được bầu, đã ghé nhà trọ để đích thân trả tiền phòng và lấy đồ. Không chỉ đơn giản là một cử chỉ đẹp, đó còn là dấu chỉ thực sự về quan niệm sống bình đẳng với mọi người, không cho phép mình nhận bất cứ sự ưu đãi nào.
Điều thứ tư là việc sử dụng quyền bính. Như ngài đã nhấn mạnh trong bài giảng khai mạc thừa tác vụ thánh Phêrô, quyền bính của linh mục là để phục vụ, để chăm sóc và bảo vệ con người, cách riêng là những người nghèo, yếu đuối, bị bỏ rơi. Giống như vị Mục tử nhân lành, linh mục phải trở thành tôi tớ chứ không phải ông chủ của người khác. Đây là điều hoàn toàn ngược lại với quan niệm tìm kiếm địa vị và lợi lộc trong hàng giáo sĩ.
Thứ năm, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các linh mục trở thành những người có lòng thương xót. Trong cuốn El Jesuita, bất cứ khi nào có linh mục xin ngài cho lời khuyên, ngài đều trả lời : “Hãy biết thương xót”. Châm ngôn của ngàiMiserando atque eligendo (Được chọn và được thương xót) làm nổi bật ơn gọi của chính ngài, phát xuất từ cảm nghiệm về lòng Chúa thương xót năm 17 tuổi khi đi xưng tội vào ngày lễ thánh Matthêu, vị tông đồ bị coi là kẻ tội lỗi công khai nhưng lại được Chúa kêu gọi. Trong huấn từ đầu tiên khi đọc kinh Truyền Tin, ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta không mệt mỏi, đó cũng là lời mời gọi các linh mục không ngừng ban tặng lòng thương xót của Chúa cho mọi người, trong cử hành bí tích cũng như trong đời sống hằng ngày.
Thứ sáu, ngài kêu gọi các linh mục sống tinh thần phụng vụ đích thực. Chúng ta biết ơn Đức Bênêđictô XVI về những cải tổ phụng vụ. Đức Phanxicô sẽ tiếp tục sự cải tổ đó. Đức Bênêđictô XVI chịu ảnh hưởng của Romano Guardini, Đức Phanxicô cũng từng viết luận án tiến sĩ về Romano Guardini. Tuy nhiên đối với ngài, điều quan trọng là chiều kích nội tâm chứ không chỉ là những thay đổi bên ngoài. Chính Chúa Giêsu, chứ không phải linh mục, mới là trung tâm của phụng vụ, linh mục phải giúp cộng đoàn tập trung vào Chúa Giêsu hơn là vào bản thân mình. Đúng như Đức Bênêđictô XVI nói, nếu phụng vụ chỉ là hành động của con người, là những show biểu diễn cá nhân, thì nó sẽ hết sức nghèo nàn và không thể dẫn chúng ta vào thế giới của Thiên Chúa.
Cuối cùng, Đức giáo hoàng Phanxicô muốn đào tạo các linh mục thành những sứ giả hăng say của Tân Phúc Âm hóa. Trong cuốn El Jesuita, ngài nói đến cơn cám dỗ muôn thuở của các linh mục là chỉ muốn làm nhà quản trị thay vì là mục tử. Linh mục không thể chỉ đóng khung trong nhà xứ của mình nhưng cần “bước ra để gặp gỡ người dân”, nhất là những con chiên lạc. Trong thời đại mà nhiều linh mục bị nhận chìm trong công việc quản trị và bàn giấy, ngài thúc đẩy các linh mục hãy đặt sứ vụ truyền giáo làm ưu tiên hàng đầu của mình.
Chiêm ngắm vị giáo hoàng được chọn làm mục tử của Giáo hội phổ quát, thiết nghĩ là cách cụ thể để mỗi linh mục “khơi dậy ân huệ Thánh Thần” đã lãnh nhận trong ngày chịu chức, rà soát lại đời sống của mình, để có thể sống đúng và sống đẹp theo hình ảnh Đấng chăn chiên lành.

Thiên Triệu
WHĐ

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LINH MỤC – TU SĨ


Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.
(Lc 10,2)

1. Ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi
Cuộc khủng hoảng ơn gọi sống đời thánh hiến trên thế giới đã phát sinh ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong thời gian diễn ra Công Đồng Vatican II đã chọn ngày Chúa nhật IV Phục Sinh là Ngày cầu nguyện cho “ơn thiên triệu”. Chúa nhật này còn được gọi là Chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành. Bởi vì vào ngày Chúa nhật này, Hội Thánh luôn luôn trích đọc một đoạn Tin Mừng trong chương 10 của Tin Mừng Thánh Gioan.


Trong thời đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, hằng năm vào ngày thế giới cầu nguyện cho ơn kêu gọi, ngài đều gửi một thông điệp tới tất cả các Kitô hữu và kêu gọi họ cầu nguyện cho “ơn thiên triệu”. Đức Thánh Cha Benedicto XVI không chỉ giữ truyền thống tốt đẹp đó và còn đi xa hơn, vì ngài không chỉ kêu gọi cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, mà còn kêu gọi mọi tín hữu hãy cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi để phục vụ Hội Thánh.

2. Ơn gọi đến từ đâu

Theo cái nhìn Kitô giáo, “ơn gọi” là một cuộc gọi từ Thiên Chúa. Từ “ơn gọi” có  gốc từ vocare la-tinh có nghĩa là gọi. Tiếng gọi của Thiên Chúa được thể hiện theo hai cách: thứ nhất bởi một khát vọng cá nhân từ bên trong và thứ hai bởi một tiếng gọi của Hội Thánh từ bên ngoài. Tiếng gọi gọi của Hội Thánh được thể hiện qua nhu cầu của một cộng đoàn, qua sự chất vấn của một linh mục và cuối cùng là qua tiếng gọi chính thức của giám mục. Tiếng gọi của Thiên Chúa liên quan đến kỹ năng đầy đủ để trả lời cuộc gọi (nhân bản, nội tâm, trí thức và phục vụ). Thiên Chúa không đòi hỏi những điều không thể.

3. Làm thế nào để biết được Thiên Chúa gọi?

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Để biết ơn gọi của mình, người trẻ phải tìm hiểu xem các khát vọng bên trong có phải nó đến từ Thiên Chúa. Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận biết nhờ cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Để phân định một ơn gọi sống đời thánh hiến không phải là một điều dễ dàng, do đó, người trẻ phải cần sự giúp đỡ và đồng hành thiêng liêng.

4. Chúng ta có thể can thiệp để đánh thức một ơn gọi tu sĩ hay linh mục?

Đôi khi “ơn gọi” đến từ một lời gợi ý nhằm khơi lên suy nghĩ cho người trẻ về “tiếng gọi”. Chẳng hạn “Bạn có muốn làm linh mục không?”. Lời gợi ý này thường đến từ người khác và nó đã khơi dậy những ước muốn thầm kín bên trong của người bạn trẻ. Lời gợi ý này luôn tôn trọng sự do đáp trả của họ. Một người đàn ông đã lập gia đình cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, tôi đã nghĩ về việc mình sẽ trở thành linh mục, nhưng không ai hỏi tôi hoặc gợi ý cho tôi cả”.  Như vậy, hỏi một người trẻ các câu hỏi về ơn gọi, đó chính là cho họ một cơ hội để suy nghĩ về những gì họ muốn làm gì với cuộc sống của mình trong tương lai.

Lm. Gs Lê Ngọc Ngà

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH C




(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)
ĐỨC KITÔ - MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).
Hình ảnh mục tử và đoàn chiên rất quen thuộc với các dân tộc Cận Đông. Nếu như các dân ngoại xem những vị thần của họ là mục tử, thì dân Israel đã tôn vinh Thiên Chúa là mục tử của mình. Các Sách Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã diễn tả sự dẫn dắt, chở che và quan phòng và quy tụ đoàn chiên của Đức Chúa đối với Israel như vị Mục tử tốt lành đối với đoàn chiên. Trong thời Tân ước, Đức Chúa đã cho biết “Tôi chính là Mục tử tốt lành” (Ga 10,11). Các bài đọc Chúa Nhật IV Phục Sinh trình bày cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Kitô làvị Mục Tử được Chúa Cha sai đếnđể ban sự sống đời đời cho đoàn chiên và đoàn chiên về hiệp thông với Chúa Cha. Sau Phục sinh, các Tông Đồ cũng ra đi tiếp nối sứ vụ này của Đức Giêsu Kitô.


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 13,14.43-52)
Một trong những sứ vụ quan trọng của Đức Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, là vì biết có những con chiên khác chưa thuộc ràn này, nên Người phải ra đi để quy tụ họ về một mối (x. Ga 10,16). Sau Phục Sinh, sứ mạng này được các Tông Đồ tiếp nối. Thật vậy, sau khi bị dân Dothái khước từ sứ điệp Tin Mừng, phản đối và nhục mạ các ông Phaolô và Barnabê vì đám đông đã quy tụ nghe lời Thiên Chúa, các ông đã rời cộng đoàn Dothái tại Antiôkhia miền Pixiđia và đến với dân ngoại để quy tụ họ về với Chúa. Nhờ đó, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin Mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy nên dân ngoại đã có cơ hội nhận lãnh ơn cứu độ. Khi làm như thế, các Tông đồ thi hành vai trò mục tử của Đức Giêsu mà các ngài đã lãnh nhận: quy tụ các con chiên chưa thuộc này về một mối để ban cho họ sự sống đời đời.

2. Bài đọc II (Kh 7,9.14b-17)
Đức Giêsu là Mục Tử quy tụ và chăn dắt đoàn chiên, nhưng vào ngày chung thẩm, Người lại là Con Chiên chiến thắng chăn dắt và dẫn đưa đoàn chiên này tới nguồn nước trường sinh. Trong một cuộc thị kiến mang tính cánh chung, thánh Gioan Tông Đồ đã thấy một đoàn người quy tụ quanh Chiên Con. Đoàn người này có đặc điểm: 
- Thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ;
            - Đứng trước ngai Con Chiên, vì họ đã vượt qua mọi thử thách và đã chiến thắng, và đã được cứu độ nhờ máu Con Chiên;
            - Thờ Phượng Thiên Chúa và trú ngụ trong Đền Thờ của Người, được no thỏa hạnh phúc;
- Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
Đó là hình ảnh về Nước Trời mai sau, có đoàn chiên quy tụ bên “Con Chiên” để hưởng niềm vui cứu độ trước Nhan Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng (Ga 10,27-30)
Khi tuyên bố “Tôi chính là Mục Tử Tốt Lành”, Đức Giêsu xác định vai trò Mêsia của Người qua việc:
- thiết lập mối tương giao mật thiết giữa mục tử và chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”;
- ban ơn cứu độ cho đoàn chiên: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”;
- đưa chiên vào hiệp thông với Chúa Cha: “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”… “không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”.
Đắc biệt trong bài Tin Mùng, Đức Giêsu nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi (Ga 10,27). Câu này diễn tả một tương quan thông hiệp sâu sắc và hỗ tương giữa người Mục Tử Tốt Lành với đoàn chiên. Đây là một tương quan dựa nền tảng hiệp thông giữaChúa Cha và Chúa Con: “Như Chúa Cha biết tôi” (Ga 10,15) và “Tôi với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Từ tương quan nền tảng đó, Đức Giêsu đã nối dài việc “biết” này tới chiên: Tôi biết chúng…” (Ga 10,27).  Động từ  biết” trong Tin Mừng Gioan, không chỉ là một cấp độ của trí tuệ, nhưng còn là sự hiệp thông cuộc sống bao gồm cả lý trí lẫn tình yêu. “Tri” đi với “mộ”. Sự thông hiệp này đã có giữaChúa Cha và Chúa Con. Đức Giêsu cũng thiết lập sự hiệp thông như thế giữa Người và các con chiên. Đức Giêsu là vị Mục tử tốt lành, Người biết lịch sử cuộc đời chúng ta, biết các vấn đề, các khiếm khuyết, các đặc điểm và phẩm chất của chúng ta. Sự “biết” này rất trọn vẹn bao gồm cả “yêu”: biết bằng cả khối óc lẫn con tim.
Để đáp lại một tương quan như thế, chiên cũng cần biết về mục tử của mình bằng cách nghe tiếng tôi…chúng theo tôi” (Ga 10,27). Chúng ta cần ngày càng biết Đức Giêsu hơn và tăngtriển tương quan hiệp thông trọn vẹn với Người, một tương quan mang dấu ấn của “biết” bao gồm lòng yêu mến” thiết tha.
Nếu có sự thông hiệp như thế, thì người kitô hữu chúng ta là “chiên”, sẽ được Đức Giêsu là “Mục Tử tốt lành” ban cho sự sống đời đời và được thông hiệp với Chúa Cha.


II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Đức Giêsu là vị Mục tử Tốt lành. Chúa Nhật IV Phục Sinh là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, là ơn gọi đảm nhận cách đặc biệt vai trò mục tử của Đức Giêsu. Có nhiều điểm quy chiếu cho ơn gọi này. Trước hết, là từ Đức Giêsu. Kế đến, là từ gương sáng và lời mời gọi của các chủ chăn trong Hội Thánh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho những bài học quý giá về tấm gương tận tụy hy sinh cho đoàn chiên, nhất là những con chiên lạc, những con chiên bị gạt ra bên lề hay chưa thuộc về ràn này là Hội Thánh. Riêng với Giáo Hội Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ các Vị Giám Mục Việt Nam vào năm 2010 tại Thánh Địa La Vang, ĐHY Ivan Dias đã nhắn gửi các mục tử ý thức sống vai trò của mình qua 3 chữ D: Doctrine, Discipline, Dévotion. Cụ thể là Doctrine: vững vàng về giáo thuyết; Discipline: nghiêm túc về kỷ luật; Dévotion: sốt sắng về lòng đạo đức. Là mục tử, chúng ta có ý thức những điều này không?
Còn đối với anh chị em giáo dân, chúng ta có ý thức việc hiệp thông và cộng tác và với các mục tử, về mặt tinh thần cũng như vật chất, để giúp các ngài biết sống như lòng Chúa mong ước:  biết chiên” và “nghe tiếng” của chiên, nghĩa là thấu hiểu những ưu tư và khắc khoải, quan tâm đến những hoàn cảnh nhu cầu của con người thời nay…để săn sóc và dẫn đưa “đoàn chiên” tới nơi có “đồng cỏ tốt tươi” và “suối nước trong lành”, cho đoàn chiên được hưởng ơn cứu độ hay không?
2. Đức Giêsu là vị Mục Tử tốt lành đến để quy tụ chiên về một ràn. Người không chỉ là vị Mục Tử của một thời nào đó, hay của một vùng đất nào đó. Người vẫn đến với mọi người chúng ta, mọi nơi mọi lúc để bảo vệ, chở che, hướng dẫn chúng ta đi đúng đường ngay nẻo chính và nhất là chăm sóc chúng ta. Về phần mình, chúng ta có nghe tiếng Đức Giêsu, có đi theo Người, có tin tưởng phó thác cuộc đời của mình để cho Người chăn dắt hay không? Có khi nào chúng ta mi nghe những tiếng gọi của trần gian mà quên mất tiếng Chúa, tìm kiếm những lạc thú đời này, chạy theo những hạnh phúc tạm thờimà quên theo Chúa để Người đẫn đưa tới nơi có hạnh phúc đích thực đời sau hay không?
3. Đoàn chiên của Chúa thật đông, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Những lời này thôi thúc chúng ta thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng (truyền giáo).Chúng ta đã có nổ lực nào để đem những con chiên khác chưa thuộc ràn này về quy tụ trong Hội Thánh, quanh Đức Giêsu Kitô? Vì đã chịu Phép Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào vai trò mục tử của Đức Giêsu. Do đó, mỗi người chúng ta trở nên mục tử với anh chị em mình qua sự quan tâm đến hoàn cảnh và nhu cầu của người khác, biết và chia sẻ những thất vọng, nỗi đau, khó khăn về tinh thần cũng như vật chất của tha nhân, chở che và bảo vệ những người cô thế cô thân, và nhất là đem cho họ cơ hội đón nhận sự sống đời đời. Chúng ta có ý thức được những điều đó hay không?
 
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành, đến trần gian để quy tụ nhân loại thành một đoàn chiên duy nhất. Trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi hôm nay, chúng ta hân hoan cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời nguyện xin:
1. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh sẵn sàng quên mình, tận tình phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó, đem đến cho họ sức sống dồi dào.
2. Trên thế giới hiện nay còn nhiều người chưa thuộc về ràn chiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai chưa tin nhận Chúa được đón nhận hồng ân đức tin, qui tụ về một đoàn chiên duy nhất và được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
3. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.” Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều người trẻ biết lắng nghe và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, dấn thân trong đời sống tu trì và nỗ lực trở nên những thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo bao la.
4. Cỗ võ và nâng đỡ ơn gọi là trách nhiệm chung của mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo linh mục tu sĩ, bằng lời cầu nguyện cùng với hy sinh và những trợ giúp vật chất.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn nhận biết tiếng của Đức Kitô Mục Tử, cùng hăng hái sống theo gương yêu thương phục vụ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.