Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C




(St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)
LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA
“Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (St 18,1-10)
Sách Sáng Thế chương 18 mô tả Abraham là một vị chủ nhà hết sức rộng rãi, nồng hậu tiếp đón những người khách. Khi ông nhìn thấy ba vị khách dừng lại gần lều của mình, ông vội vã chạy đến chào hỏi và mời họ nghỉ chân ở đó. Ông còn mang nước cho họ rửa, dọn bánh cho họ ăn, giết bê đãi thịt, mang sữa tiếp đãi và hầu bàn trong lúc các vị khách dùng bữa. Tiếp đón khách là một điều bình thường ở các nước vùng Trung đông cổ xưa, nhất là khi các vị khách phải trải qua những cuộc hành trình dài. Người chủ giúp họ được tắm rửa cho sạch sẽ, ăn uống và nghỉ ngơi để họ đủ sức có thể tiếp tục lên đường. Điều đáng chú ý ở đây là thái độ và cung cách tiếp đón của ông Abraham. Thấy họ ông vội vàng chạy đến mời; khi họ vào nhà ông chọn những thức ăn thật ngon thật tốt tiếp đãi họ; ông còn đứng phục vụ khi họ ăn uống. Những điều này cho thấy ông đã có một sự rộng rãi, nồng hậu, quý mến đối với khách; ông không ngại gian nan tốn kém vất vả hay tính toán hơn thiệt.
Sự đón tiếp các vị khách là truyền thống xã hội, nhưng có thể hiểu được nó bắt nguồn từ quan niệm tôn giáo: con người được Thiên Chúa tiếp đón và cho cư ngụ dưới bầu trời này qua những gì Người đã dựng nên. Việc tiếp đón khách đáp trả lại việc Thiên Chúa đón tiếp con người, và mỗi người cũng là hình ảnh của Thiên Chúa và Người hiện diện nơi họ, nên đón tiếp con người cũng chính là đón tiếp Thiên Chúa.
Sự đón tiếp của ông Abraham và bà Sara không ngừng lại ở việc tiếp đãi nhưng đi xa hơn là đón nhận lời hứa của Thiên Chúa. Ông bà cần một niềm tin để đón nhận những điều tưởng như là không thể. Nhưng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Như thế, ông Abraham đã tiếp đón những người khách vô vị lợi vì lúc đầu ông chưa nhận ra Thiên Chúa đang đến với ông. Sự tiếp đón của ông có thể xem là cầu nối cho lời hứa của Thiên Chúa thực hiện nơi ông. Nhưng để tiếp nhận lời hứa của Thiên Chúa thì ông cần nhiều hơn một sự hiếu khách và tính nồng hậu; ông cần niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng dựng nên cả vũ trụ này có thể làm mọi sự.
2. Bài đọc II (Cl 1,24-28)
Thánh Phaolô nhận mình là người phục vụ Hội Thánh, chịu mang lấy những đau khổ, để thực hiện điều Thiên Chúa ủy thác là rao giảng về Đức Kitô. Với niềm xác tín kiên vững là chính qua Đức Kitô, qua lời của Người, Thiên Chúa ban cho con người được hưởng vinh quang, Thánh Phaolô, một đàng đón nhận những đau khổ, đàng khác kiên trì nhẫn nại rao giảng, dạy dỗ để cho mọi người đón nhận lời của Thiên Chúa và giúp mọi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Thánh nhân đã nghe lời Thiên Chúa và hành động theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa là rao giảng về Đức Kitô, ơn cứu độ cho con người. Con người đón nhận lời Thiên Chúa cũng phải hành động, sửa đổi con người mình nên hoàn thiện.
3. Bài Tin Mừng (Lc 10,38-42)
Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta nghe trong ngày Chúa nhật hôm nay rất là quen thuộc, kể lại cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu ở nhà của chị em Mátta và Maria. Thánh sử kể cho chúng ta nghe cách đón tiếp khác nhau mà hai chị em đã dành cho Chúa Giêsu. Hai cách đón tiếp xem ra quá trái ngược nhau: một bên bận rộn chuẩn bị nhiều thứ, còn một bên chỉ ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe. Câu trả lời của Chúa Giêsu đáp lại lời phàn nàn của bà chị Mátta có vẻ như cho chúng ta đáp số về cách tiếp đón nào là cách Chúa muốn: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy ổn với câu trả lời của Chúa Giêsu và vẫn đặt lại câu hỏi khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay: Có phải Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe Lời Chúa hơn là bận rộn lo lắng chuẩn bị nhiều việc khác nghĩa là Người loại trừ hay coi thường công việc tiếp đón của bà Mátta?
Đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay trong toàn cảnh của Tin Mừng Luca, chúng ta sẽ hiểu là Chúa Giêsu không xem nhẹ việc phục vụ, vì chính Người đã dạy các môn đệ: Người lãnh đạo là người phục vụ anh em, và chính Người đã ở giữa các môn đệ như một tôi tới phục vụ (Lc 22, 24-27). Câu trả lời của Chúa nhằm nhắc nhở Mátta, như một người môn đệ, việc lắng nghe Lời Thầy của mình là quan trọng nhất. Lòng mến của hai chị em đối với Thầy Giêsu có thể như nhau, nhưng cách quan tâm đến lời dạy của Người thì có khác nhau. Maria, như một môn đệ, khao khát lắng nghe và ngồi bên chân Chúa diễn tả lòng khao khát và sẵn sàng vâng theo lời dạy. Còn Mátta, quá bận rộn, bị chia trí với những công việc mà bà nghĩ là cách tiếp đón Chúa tốt nhất của một người chủ nhà chứ không phải của người môn đệ lắng nghe dù bà đang gọi Chúa Giêsu là Thầy. Mátta trong khung cảnh này đã xác định sai, và Chúa Giêsu đã hướng bà về điều cần trong lúc này.
Việc lắng nghe lời Chúa cũng cần phải đặt trong sự nối kết với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trong Chúa nhật tuần XV về dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Thầy tư tế hay thầy Lêvi đều là những người nghe và đọc Lời Chúa rất nhiều, nhưng họ không thật sự “lắng nghe” và do đó việc nghe của họ không sinh hoa trái, không đưa họ đến việc hành động. Còn người Samaritano trong dụ ngôn đã có lòng thương xót, và hành động để giúp đỡ. Ông được xem như con người của lắng nghe thật sự và hành động. Lời Chúa như hạt giống gieo vào lòng người phải nảy mầm sinh bông hạt.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Chúng ta nghĩ gì về tương quan của chúng ta với những người xung quanh? Chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ những người lâm cảnh khốn khó cần chúng ta trợ giúp? Chúng ta có giúp đỡ cách vô vị lợi, không so đo tính toán, hay chỉ giúp cho những người “có qua có lại” với chúng ta? Chúng ta cần cầu xin Chúa giúp ta nhìn thấy Chúa nơi những người khốn khổ này.
2. Chúng ta có phải là Mátta, bận rộn lo toan quá nhều thứ nên không chú ý đủ đến lời Chúa dạy? Hay chúng ta cũng chỉ là Maria giả hiệu, lắng nghe lời Chúa để trốn chạy trách nhiệm, thực tế, lời Chúa vào tai này lại ra tai kia? Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta lắng nghe cách khao khát như Maria và sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta đón tiếp và gắn bó mật thiết với Chúa qua việc lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa. Với tâm tình tin yêu phó thác và lòng khao khát chân thành, chúng ta cùng khẩn khoản cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng đem niềm vui cứu độ đến cho con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các thành phần Hội Thánh luôn ý thức và nhiệt tình trong công cuộc phúc âm hóa, biết can đảm chấp nhận những hy sinh đau khổ để chu toàn sứ mạng phục vụ nhân loại.
2. Con người thời đại đang chạy theo tiền của, danh vọng, thú vui mà lãng quên cùng đích của cuộc đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người, cách riêng những ai chưa tin nhận Chúa, được ơn nhận biết chỉ có Người mới là nguồn hạnh phúc đích thật và vững bền.
3. Hai chị em Matta và Maria đã niềm nở đón tiếp, lắng nghe và phục vụ Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Kitô hữu biết nhận ra Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ bất hạnh, để luôn đồng cảm và tận tình giúp đỡ cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
4. Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho tất cả mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết siêng năng học hỏi và hăng say thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để không ngừng được biến đổi và nên hoàn thiện.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin đoái thương nhìn đến những ước nguyện của chúng con và ban ơn trợ giúp để chúng con không ngớt ca khen và hết lòng phụng sự Chúa, hầu được sống mãi trong Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C




(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)
GIỮ LỆNH CHÚA TRUYỀN: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình
(Lc 10,27).

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh việc thực hành điều cốt lõi và quy tóm mọi mệnh lệnh Thiên Chúa truyền đó là  “mến Chúa và yêu người”. Hai điều răn này không chỉ là những mệnh lệnh ghi trên giấy nhưng đã được khắc ghi trong tâm khảm con người.


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Đnl 30,10-14)
Sách Đệ Nhị Luật gồm có 34 chương, thuật lại ngày cuối đời của ông Môsê, chính xác hơn, thuật lại bốn bài diễn từ cuối đời của ông (diễn từ I: 1,1‒4,43; II: 4,44‒28,66; III: 28,69‒32,52; IV: chương 33). Bài đọc I là đoạn trích trong diễn từ thứ ba, trước khi ông nhắm mắt lìa đời. Trong bối cảnh linh thiêng từ biệt Dân và để chuẩn bị cho họ vào Đất Hứa, ông Môsê đã truyền cho Dân vâng phục Đức Chúa bằng cách lắng nghe và tuân giữ các mệnh lệnh và thánh chỉ của Người. Ông Môsê nhấn mạnh rằng những giới răn đó đã được ghi trong sách Luật, tức là trong Torah/ bộ Ngũ Thư. Đối với Dân Israel, vì muốn họ đi đúng đường lối của Thiên Chúa, nên Người đã ban cho họ Lề Luật như một hành lang bảo vệ để giúp họ đi đúng đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên, với thời gian, vì quá vụ luật theo hình thức bên ngoài mà người ta đánh mất tinh thần ở bên trong, quên mất việc thể hiện tinh thần của Lề Luật qua đời sống. Bài đọc hôm này nhấn mạnh rằng việc tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền không phải dựa vào những hình thức bên ngoài, vì “lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em” và cốt để đem ra thực hành. Những lời đó được quy tóm vào trong hai giới răn, đó là “Mến Chúa và yêu người”.
2. Bài đọc II (Cl 1,15-20)
          Đoạn trích trong bài đọc 2 là một thánh thi ngợi khen Đức Giêsu Kitô về địa vị và vai trò độc nhất của Người trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Xét về bản thể, Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Xét về vai trò trong công cuộc tạo dựng, Người là nguyên nhân và cùng đích của mọi sự vì muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người. Xét về vai trò trong công cuộc cứu độ, Người là Đầu của Hội Thánh, là Đấng trung gian duy nhất hòa giải con người với Thiên Chúa bằng máu đổ ra trên thập giá, và Người đã đem lại bình an cho mọi loại trên trời dưới đất; đồng thời, làm cho tất cả mọi sự được viên mãn nơi Người. Đây không chỉ là một bài thánh thi cầu nguyện, mà còn là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô của các tín hữu tiên khởi.
Mặc dù cộng đoàn Côlôxê đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô như thế nhưng đời sống của họ chưa thể hiện hoa trái của lòng tin. Vì vậy, bài thánh thư tuyên xưng đức tin này như là tiền đề, để sau đó thánh Phaolô khuyên họ có đời sống bác ái xứng hợp với lòng tin: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, ... Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-14). Như thế, đã tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô và được Thiên Chúa yêu thương thì phải đáp lại bằng đời sống bác ái “mến Chúa yêu người”.   

3. Bài Tin Mừng (Lc 10,25-37)
Bài Tin Mừnghôm này kể lại dụ ngôn người Samari tốt lành. Đây là một dụ ngôn chỉ có trong Luca và đã góp phần làm nổi bật chủ đề “lòng thương xót” rất đặc trưng của Tin Mừng này. Dụ ngôn này như là một câu trả lời về phương diện thực hành của răn yêu thương, khởi đi từ việc người thông luật đặt câu hỏi để thử Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25).
Thiên Chúa đã tiên liệu cho Israel đi đúng đường lối hầu được sự sống đời đời qua việc ban cho họ Lề Luật, được đúc kết trong Mười Điều Răn và được tóm lược trong kinh Shema (Hãy nghe đây) mà người Dothái đọc mỗi ngày 2 lần: “Nghe đây, hỡi Israel,…” (Đnl 6,4-9). Lời kinh này không chỉ là lời cầu nguyện đơn thuần, mà còn là lời tuyên xưng đức tin của họ về “mến Chúa” và được bổ túc ở nhiều nơi khác trong Torah về “yêu người” (x. Lv 19,18). Tuy nhiên, qua dòng thời gian, Mười Điều Răn được các kinh sư và giới lãnh đạo Dothái giải thích thành 613 điều luật khác nhau, trong đó có 365 điều cấm không được làm và 248 điều buộc phải làm. Các điều luật này nhiệm nhặt đến mức người Dothái không còn biết điều nào là quan trọng nhất.
Trong khi các Tin Mừng khác thuật lại rằng chính Đức Giêsu đã trả lời người thông luật bằng cách tóm lược các điều răn vào hai điều răn quan trọng nhất là “mến Chúa yêu người” (x. Mt 22,36-39; Mc 12,29-31), thì trong Tin Mừng Luca, chính người thông luật đã tự trả lời cho mình là cần phải “mến Chúa và yêu người”, rồi Đức Giêsu chỉ xác nhận là “ông trả lời đúng lắm” (Lc 10,27-28). Qua đó, Luca cho thấy người thông luật hiểu biết rất rõ về mặt lý thuyết nhưng lại thiếu phương diện thực hành, nhất là thực hành vế thứ hai của điều răn yêu thương: “yêu người thân cận như chính mình”. Người Dothái đã tranh luận “ai là người thân cận của tôi” và không có câu trả lời giống nhau. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu kể dụ ngôn này như là một lời giải đáp giúp người thông luật kia ý thức rằng điều quan trọng không phải là tìm xem ai là người thân cận của mình, mà ngược lại cần tự xét xem mình đã trở thành người thân của người ai, nhất là của những người cần đến lòng thương xót.
Xét về lịch sử, người Samari được xem là dân ngoại và kẻ thù của dân Israel, không thể là người thân cận của Israel, nhưng trong dụ ngôn, người Samari lại trở nên người thân cận của một người Israel bị nạn bên đường đi từ Giêrusalem về Giêrikhô nhờ ra tay thi hành đức ái. Trong khi đó, hai người khác là thầy Tư tế và thầy Lêvi trên đường trở về sau khi làm việc phụng thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem thi lại không thi hành đức bác ái với tha nhân. Có thể hai ông này vụ luật, vì không muốn đụng chạm đến nạn nhân mà các ông nghĩ là đã chết, để tránh ô uế. Tuy nhiên, vì vụ luật mà các ông lại quên việc thi hành bác ái với tha nhân.
Mệnh lệnh của Đức Giêsu “ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (tức là như người Samari tốt lành đã làm) không chỉ dành cho người thông luật mà cho mọi người chúng ta để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.


II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành. Chúng ta có ý thức được rằng những gì Thiên Chúa truyền dạy chúng ta tuân giữ như là một rào chắn bảo vệ để chúng ta đi đúng lối ngay đường, nên không phải là gánh nặng cũng không vượt quá khả năng của chúng ta hay không? Chúng ta đã tập cho mình có sự nhạy cảm với những lời Chúa nói với chúng ta ngay trong chính lương tâm của mình và đem ra thực hành trong cuộc sống hay không?
2. Tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người (Đức Giêsu Kitô) và nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài trên trời dưới đất . Chúng ta có tin vào Đức Giêsu Kitô như thế hay không? Chúng ta có ý thức rằng một đức tin như thế sẽ dẫn tới hành động bằng đức ái (x. Gl 5,6) và nhất là yêu mến tha nhân “vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Gl 5,14)?
3. Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp và Ai là người thân cận của tôi?” Có thể chúng ta cũng giống như người thông luật: biết rõ lý thuyết nhưng lại thiếu thực hành. Chúng ta có ý thức rằng điều quan trọng đối với đời sống Kitô hữu không phải là biết một số điều, thậm chí biết hết về giáo lý, mà là sống giáo lý đó hay không? Có khi nào chúng ta quá nhiệm nhặt và cứng ngắc với những quy định như thầy Tư tế và Lêvi mà để cho anh em mình “chết ngất” bên vệ đường vì thiếu sự quan tâm của chúng ta hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thờ kính Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người như chính mình là giới răn căn bản của đạo Chúa và là đường đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Trong niềm xác tín và với quyết tâm chu toàn lề luật, chúng ta cùng tha thiết cầu xin Chúa giúp chúng ta biết sống yêu thương như Chúa truyền dạy.
1. Hội Thánh có sứ mạng tiếp nối sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn lắng nghe và nhận ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua những dấu chỉ thời đại, để tích cực dấn thân phục vụ những nhu cầu chính đáng của con người.
2. Nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình cho mọi loài trên trời dưới đất. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết tôn trọng sự thật và luôn hành động theo công lý, để chung xây một thế giới hòa bình thịnh vượng, đảm bảo cuộc sống dồi dào hạnh phúc cho mọi người.
3. Người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn khao khát cuộc sống vĩnh cửu, biết gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, sống theo lời Người truyền dạy, và ngày càng thêm xác tín Người chính “là đường, là sự thật và là sự sống.”
4. Chúa Giêsu nói với người thông luật “Ông cũng hãy đi và làm như vậy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy, tích cực dấn thân trong các hoạt động tông đồ bác ái, luôn nhạy bén trước nhu cầu của người chung quanh và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha từ ái, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu nguyện và xin ban Thánh Thần, để Ngài đốt lửa yêu mến Chúa trong lòng chúng con, giúp chúng con luôn trung thành tuân giữ mọi huấn lệnh Chúa truyền. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

LỜI PHẬT DẠY VỀ THỜI GIAN - NGHIỆP BÁO



Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt.
Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không xử dụng nó theo đúng ý của Ngài:
[[[[
1-Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trướcvì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phíacả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mạivì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãivì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngựcvì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài. ,_._

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM C




(2Sm 12,7-10.13; Gl 2,16.19-21; Lc 7,36-8,3)
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ VÀ HOA TRÁI CỦA NÓ
Tội bà rất nhiều nhưng đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều
(Lc 7,47).

Con người yếu đuối nên dễ phạm tội, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lại lớn lao hơn nên Người sẵn sàng thứ tha cho con người. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy để lãnh được ơn tha thứ của Thiên Chúa, con người cần biết ăn năn hối cải và sau đó cần phải có hành vi tương xứng đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa.

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (2Sm 12,7-10.13)
Bối cảnh của bài đọc này là khi vua Đavít phạm tội ngoại tình với bà Bát Seva và còn lập mưu để giết chồng bà là Urigia, một tướng quân của nhà vua, để lấy bà làm vợ. Nhằm thực hiện âm mưu đó, vua viết lệnh sai tướng quân này vào vùng giao tranh ác liệt để mượn quân địch mà giết ông. Trong tình cảnh như thế, ngôn sứ Nathan đến lên án vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, và cho biết Đức Chúa sẽ trừng phạt vua. Được ngôn sứ Nathan cảnh tỉnh, vua đã nhận ra tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Đức Chúa và tỏ lòng ăn năn sám hối khi thốt lên “Tôi đắc tội với Ðức Chúa” (x. 2Sm 12,13). Đức Chúa cũng chỉ cần có thế, vì vua Đavít tỏ lòng hoán cải nên Đức Chúa đã thứ tha tội lỗi cho vua: “Đức Chúa đã tha tội cho vua rồi, và vua sẽ không phải chết” (x. 2Sm 12,13).
Kinh nghiệm của vua Đavít cũng là kinh nghiệm của Dân Israel trong dòng lịch sử: đã bao lần Dân làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, phạm tội chống lại Người. Mỗi khi như thế, Đức Chúa đã sai các ngôn sứ hoặc gửi các hình phạt đến cảnh tỉnh Dân để họ biết ăn năn sám hối  mà quay trở về với Người. Thiên Chúa chỉ cần Dân sám hối ăn năn thì Người sẵn sàng thứ tha cho họ hết mọi tội khiên để cứu thoát họ. Chu trình tội-phạt-hối-cứu này được thần học trường phái Đệ nhị luật đã nhấn mạnh trong các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước.
2. Bài đọc II (Gl 2,16.19-21)
Đoạn này đóng vai trò quan trọng trong thư Galát vì diễn tả nội dung chính của lá thư và hàm chứa một chủ đề thần học lớn của Thánh Phaolô: “chúng ta được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm nhũng gì Luật dạy” (Gl 2,16). Trong bối cảnh Kitô hữu gốc Dothái nhấn mạnh đến việc tuân giữ Lề Luật, cụ thể là đòi buộc các Kitô hữu gốc Dân ngoại phải chịu cắt bì và tuân giữ Lề Luật, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng những người Kitô hữu gốc ngoại này đã trực tiếp gặp gỡ Đức Kitô, đã được ơn cứu thoát, được nên công chính là nhờ tin, chứ không hệ tại vào các việc làm của Lề Luật Cựu Ước. Tuy  nhiên, một người đã được nên công chính nhờ tin, thì sẽ có lòng yêu mến, và vì yêu mến, người ấy sẽ tuân giữ Lề Luật, chứ  không phải việc giữ Lề Luật là điều kiện để được nên công chính như người Dothái vẫn nghĩ. Tư tưởng này được đề cập và đào sâu trong thư gửi tín hữu Rôma.
Khi lập luận như thế, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào vai trò cứu độ của Đức Giêsu Kitô, qua cuộc khổ nạn, chết và phục sinh của Người. Phần con người, được cứu độ, được nên công chính là nhờ tin, chứ không phải nhờ làm các điều Lề Luật dạy. Dầu vậy, khi  đã được nên công  chính nhờ tin, thì sẽ nảy sinh ra lòng yêu mến, và vì yêu mến nên sẽ chu toàn Lề Luật, nhưng làm tất cả trong Đức Kitô, vì “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

3. Bài Tin Mừng (Lc 7,36-8,3)
Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh nói về thái độ con người tiếp đón Đức Giêsu. Cách người ta tiếp đón Đức Giêsu sẽ thể hiện mức độ họ tin Người là ai và hệ quả của lòng tin đó. Bài Tin Mừng này đề cao cách thể hiện lòng tin trong việc tiếp đón Đức Giêsu của người đàn bà tội lỗi đến rửa và xức dầu thơm vào chân Đức Giêsu trong bữa tiện tại nhà ông Simon.
Ông Simon là một người Pharisêu, đã đón tiếp Đức Giêsu bằng cách mời Người vào nhà của mình để ăn tiệc. Hành động này cho thấy ông đã kính trọng Đức Giêsu, nhưng chỉ ở mức cho rằng Người có thể là một ngôn sứ (Lc 7,39). Tuy nhiên, ông Simon lại bỏ qua những nghi lễ truyền thống khi tiếp khách như không rửa chân cho vị khách, cũng không hôn chào khách (Lc 7,44-45). Niềm tin của ông vào Đức Giêsu chỉ  có thế, nên ông cũng thể hiện được bấy nhiêu thôi trong việc tiếp đón.
Trong tình cảnh đó, có một người phụ nữ đi vào nhà ông, mà người phụ nữ này vốn là “một người tội lỗi trong thành” (Lc 7,37). Chị đã đến đứng phía chân Đức Giêsu mà khóc nức nở như một cử chỉ sám hối công khai. Sau đó chị đã bày tỏ niềm yếu mến và lòng biết ơn Đức Giêsu bằng cách: “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người” rồi “lấy tóc mình mà lau” (Lc 7,38. 44), lại còn “hôn chân Người” và “lấy dầu thơm mà đổ lên chân” (Lc 7,38.45.46). Hành động táo bạo của chị làm cho những người chung quanh thắc mắc và có phần lên án vì chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, trong tương quan với Đức Giêsu, chị đã vượt qua tất cả những rào cản mà hành động như thế để thể hiện lòng yêu mến Đức Giêsu. Hành động của chị có thể được hiểu theo hai cách dựa theo văn phạm:
-       Hành động này là nguyên nhân để được tha tội: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Như thế, hành động này là một cử chỉ sám hối, như trong trường hợp của Đavít trong bài đọc 1, để được tha thứ.
-        Hành động này là kết quả của việc được tha tội: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, nên chị đã yêu mến nhiều”. Như thế, hành động này là một hoa trái của hành vi sám hối. Chị đã tin vào Đức Giêsu và được Người tha tội, nên bây giờ chị tỏ lòng yêu mến qua một hành động xứng đáng với ân huệ tha tội mà chị đã nhận được. Cách hiểu này phù hợp với tinh thần của thánh Phaolô trong bài đọc 2.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1.    Ăn năn hối cải để được thứ tha. Thân phận con người là mỏng dòn yếu đuối, dễ sa ngã và phạm tội, nhưng Thiên Chúa vẫn tìm cách gửi những sứ giả hay những biến cố nào đó đến để cảnh tỉnh con người ý thức về tình trạng tội lỗi của mình để con người biết sám hối ăn năn mà được thứ tha. Chúng ta có ý thức được rằng trong cuộc sống, có khi Thiên Chúa gửi đến chúng ta những lời khiển trách nghiêm khắc như trong trường hợp của vua Đavít, hay những đau khổ nào đó là giúp chúng ta ý thức tội lỗi của mình, biết ăn năn hối cải quay về mà được thứ tha hay không? Thánh Thomas Carlyle khẳng định rằng “không nhận ra lỗi lầm là lỗi lầm lớn nhất của mọi lỗi lầm”. Chúng ta có biết rằng Thiên Chúa không chấp vì chúng ta đã phạm tội, nhưng sẽ chấp vì chúng ta đã không biết hoán cải để được tha thứ hay không?
2.    Được thứ tha là nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng được thứ tha nhiều nên phải yêu mến nhiều.Chúng ta được thứ tha, được nên công chính là nhờ lòng tin, chứ không phải do những việc làm. Có khi nào chúng ta quá chú trọng vào những hoạt động bề ngoài mà quên mất chiều sâu đức tin trong đời sống đạo hay không? Chúng ta có lưu ý rằng nếu một người có đức tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô và có lòng ăn năn hối cải, sẽ được thứ tha mọi tội lỗi; và vì được thứ tha nên sẽ dẫn tới yêu mến, vì yêu mến sẽ thúc đẩy mình hành động tương xứng với ân huệ thứ tha mà mình đã nhận được, như thánh Augustinô nói “ama et fac quod vis/  cứ yêu mến rồi làm gì cũng được” hay không?
3. Lòng bao dung thương xót sẽ giúp người ta thay đổi cuộc đời. Đức Giêsu đến trần gian để thực hiện sứ mạng cứu độ con người, nhất là người tội lỗi. Tội lỗi của con người dù có nặng đến mấy đi nữa vẫn được thứ tha, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đức Giêsu nhấn mạnh đặc tính này qua các dụ ngôn được Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại trong chương 15: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và Người Cha nhân hậu; và chính Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót này qua hành động khoan dung tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi nặng nề trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Chúa không xét đoán bên ngoài theo dư luận của đám đông dân chúng đối với người phụ nữ mà thấy rõ tấm lòng hối cải của chị ở bên trong để thứ tha. Vì chính hành vi bao dung này đã làm cho người phụ nữ này thay đổi cuộc đời. Thiên Chúa đến tìm kiếm người tội lỗi để thứ tha, nhưng ngược lại, có khi nào chúng xét đoán người khác, đã cản trở hay thậm chí loại bỏ một số người nào đó ra khỏi chương trình cứu độ của Thiên Chúa hay không?
                                  


III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, Người luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ khi người tội lỗi lầm lạc biết sám hối quay về. Chúng ta hãy trông cậy vào lòng thương xót Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội và ban phát ân sủng cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn biết gắn bó và noi gương Thầy Chí Thánh, luôn mang dung mạo hiền lành nhân hậu của Người khi thực thi sứ vụ.
2. Hận thù và bạo lực đang là nguy cơ gây ra những bất ổn xã hội tại nhiều nơi. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức và nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ công lý và gìn giữ hòa bình.
3. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ “Tội con đã được tha rồi.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang sống trong tình trạng tội lỗi, được ơn Chúa thức tỉnh, biết hồi tâm quay về với Thiên Chúa để đón nhận ơn tha thứ và vui sống trong an bình.
4. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn xác tín như thánh Phaolô, mỗi ngày trở nên giống Đức Kitô hơn trong lối sống yêu thương tha thứ.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết can đảm tránh xa dịp tội và luôn sống theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.