Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI




(Cn 8:22-31; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15)
THIÊN CHÚA BA NGÔI: TRUNG TÂM CỦA ĐỨC TIN
“Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói:
Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con” (Ga 16,15)
.
Các bài đọc ngày Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi trình bày cho chúng ta những chứng cứ trong Thánh Kinh về Ba Ngôi Thiên Chúa. Bài đọc I trích từ sách Châm Ngôn là bài ca ngợi khen Đức Khôn Ngoan. Dù chưa phải là mạc khải rõ ràng về một ngôi vị Thiên Chúa khác với Chúa Cha, nhưng có thể tìm thấy những tương quan với Ngôi Lời mà thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng thứ tư. Trong Tân Ước, mạc khải về Ba Ngôi được trình bày rõ ràng hơn bởi chính Chúa Giêsu cũng như các Tông đồ.

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cn 8, 22-31)
Đức Khôn Ngoan trong sách Châm ngôn được nhân cách hóa, được diễn tả như một ngôi vị, và được gọi là người phụ nữ Khôn Ngoan. Đoạn trích sách Châm ngôn chúng ta nghe trong bài đọc I hôm nay là một bài ca, gồm những lời ngợi ca mà chính Đức Khôn Ngoan ngợi khen mình. Trước hết Đức Khôn Ngoan nói về nguồn gốc nguyên thủy của mình: Người được Thiên Chúa tạo thành đầu tiên, trước tất cả mọi loài thụ tạo khác. Người là chứng nhân khi Thiên Chúa tạo thành thế giới vũ trụ bởi vì Người đã hiện diện trước từ đời đời. Bằng hai cách diễn tả: Đức Khôn Ngoan hiện hữu “trước khi” các sự vật được tạo thành, và “khi” các sự vật được tạo thành Đức Khôn Ngoan đã hiện diện, tác giả sách Châm ngôn nhấn mạnh sự hiện diện của Đức Khôn Ngoan trong suốt công trình tạo dựng và như thế làm nổi bật sự trổi vượt của Đức Khôn Ngoan trên hết mọi loài thụ tạo. Đức Khôn Ngoan hiện diện bên Thiên Chúa và như là dụng cụ của Người; Đức Khôn Ngoan làm vui lòng Thiên Chúa và là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.
Như thế, Đức Khôn Ngoan được trình bày như một sự nhân cách hóa ám dụ của phẩm tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng phẩm tính này để tạo thành và hướng dẫn vũ trụ và các loài cư ngụ trong đó cách quan phòng. Chính Đức Khôn ngoan sẽ là thầy dạy, hướng dẫn những người không được học hỏi để họ có thể tham dự vào quyền năng tạo thành của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan cũng ban sự sống và những lời cố vấn cho các vua để họ có thể lãnh đạo cách đúng đắn. Đức Khôn Ngoan còn là trung gian giữa Đấng sáng tạo và thế giới được tạo thành, Người làm cho thế giới nhận biết về Thiên Chúa, dạy cho họ biết ý định của Thiên Chúa dành cho con người, và hướng dẫn con người tuân theo những quy luật để điều hành vũ trụ như cộng tác vào chương trình của Đấng sáng tạo.

2. Bài đọc II (Rm 5,1-5)
Thánh Phaolô giải thích cho các tín hữu Roma hệ quả của niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Nhờ đức tin, các tín hữu được cứu độ và nên công chính, và nhờ đó được hòa giải với Thiên Chúa và tận hưởng sự bình an mà không có đau khổ nào có thể xâm chiếm, cũng như mang lấy một niềm hi vọng vững bền và sự tin tưởng vào sự bảo đảm chắc chắn của ơn cứu độ. Như thế hệ quả đầu tiên của sự công chính chính là sự bình an. Đây không chỉ đơn giản là sự bình an trong tâm trí hay lương tâm vì được tha tội, nhưng là bình an vì được sống trong quan hệ tràn đầy với Thiên Chúa. Chính trong sự bình an này mà không có đau khổ khó khăn nào làm cho người tín hữu chao đảo hay thất vọng. Chính nhờ Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng, và nhờ chính sự chết và sống lại của Người, con người thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được tha thứ, giao hòa, và cứu độ. Đức Giêsu chính là đấng trung gian và đấng giao hòa con người với Thiên Chúa.
Hiệu quả thứ hai của ơn công chính là niềm hi vọng vào vinh quang của Thiên Chúa. Đây chính là mục đích của cuộc sống con người, nhưng vì tội lỗi mà họ đã lạc xa niềm hi vọng này. Nay nhờ Đức Giêsu, đấng trung gian, và nhờ ân sủng của sự chết và sống lại của Người, con người có thể đạt tới niềm hi vọng vĩnh cửu trong vinh quang của Thiên Chúa. Chính niềm hi vọng này giúp tín hữu chịu đựng các gian nan thử thách. Niềm hi vọng vào vinh quang của Thiên Chúa không phải là ảo huyền, hay làm cho người ta thất vọng, ngược lại là một niềm hi vọng vững chắc vì được đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người, tình yêu mà Thiên Chúa đổ tràn đầy trong tâm hồn con người nhờ Chúa Thánh Thần mà Người đã ban. Thánh Phaolô lần đầu tiên nhắc đến Chúa Thánh Thần và vai trò của Người. Vai trò của Chúa Thánh Thần được nói đến ở đây chính là phương thế mà Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu của Người cho loài người.
Như thế thánh Phaolô trong đoạn thư gửi giáo đoàn Roma đã nhắc đến Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc loài người. Thiên Chúa Cha yêu thương loài người sa ngã vì tội lỗi, chịu đựng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đã sai chính Ngôi Hai Con Một Người đến để cứu độ họ. Đức Giêsu chính là con Thiên Chúa trở thành Đấng trung gian giao hòa con người với Thiên Chúa bằng chính sự chết và sống lại của Người. Công trình cứu độ loài người còn được sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, đấng làm chứng và thánh hóa tâm hồn con người.

3. Bài Tin Mừng (Ga 16,12-15)
Trước khi rời bỏ các môn đệ, Đức Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho họ. Chúa Thánh Thần chính là Đấng bàu chữa, Đấng an ủi, và trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Người được gọi là Thần Chân lý. Là Thần Chân lý vì công việc của Người là hướng dẫn các môn đệ của Đức Giêsu tới chân lý vẹn toàn. Khi Đức Giêsu còn ở giữa họ, Người dạy dỗ họ nhiều điều, nhưng họ chưa thể thấu hiểu. Khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ hướng dẫn họ mỗi ngày đi vào chiều sâu của chân lý, để họ có thể hiểu những điều mà trước đây họ chưa thể cảm nhận được. Sự hiểu biết này sẽ không dừng lại ở sự thông hiểu của trí tuệ nhưng còn dẫn đến một cuộc sống tương xứng với những giáo huấn của Đức Giêsu.
Chúa Thánh Thần không tự nói điều gì nhưng chỉ những gì Người nghe, những điều mà Chúa Con đã dạy các môn đệ, hay là những điều mà Chúa Cha đã mạc khải. Điều này nhấn mạnh sự liên kết hòa hợp giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con. Người tham gia vào việc thông truyền mạc khải nhờ sự liên hệ của Người với Đức Giêsu, như Đưc Giêsu đã thông truyền mạc khải nhờ bởi sự liên hệ với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không dạy về chính mình, nhưng là về Chúa Con, Người tôn vinh Chúa Con và chứng tỏ rằng Người đến để tiếp tục công việc của Chúa Con, Người là Đấng được Chúa Con sai đến để dạy dỗ các môn đệ. Soi sáng hướng dẫn các môn đệ hiểu rõ về giáo huấn của Đức Giêsu, làm cho họ hiểu hơn biết hơn về con người và sứ vụ của Đức Giêsu, chính là làm cho Đức Giêsu được tôn vinh.
Chúa Thánh Thần, như Đức Giêsu, cũng là sứ giả của Chúa Cha. Người không chỉ giải thích và hướng dẫn các môn đệ về giáo huấn của Đức Giêsu, nhưng còn giới thiệu Chúa Cha cho mọi người, vì chính khi nhận biết Chúa Con cũng là nhận biết Chúa Cha.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ý thức hơn khi làm dấu Thánh Giá: tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
2. Chúc tụng Thiên Chúa Cha vì tình yêu Người dành cho nhân loại. Tin tưởng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Vì thế, dầu cho khó khăn nguy hiểm, thử thách đau khổ, chúng ta luôn tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa, Cha chúng ta.
3. Tin tưởng vào Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, Đấng trung gian giao hòa ta với Chúa Cha. Người đã hi sinh vì tội lỗi chúng ta. Ghi nhớ điều này để cố gắng hoán cải thay đổi cuộc sống, tránh xa con đường tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa.
4. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống. Biết chọn lựa theo sự hướng dẫn của lương tâm chân chính với niềm tin Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi thông dự vào sự sống và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu tình thương cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi cho mọi người. Xin cho các thành phần trong Hội thánh luôn hiệp nhất yêu thương, và phản ánh trung thực tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng
2. Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang khát khao tìm kiếm chân lý được ơn nhận biết Chúa là Thiên Chúa thật, và luôn biết sống chia sẻ trao ban trọn vẹn theo gương yêu thương của Chúa.
3. Đức Kitô là Ðấng cứu độ duy nhất của trần gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn xác tín và kiên trì bước theo Chúa Kitô, trung thành thực thi giáo huấn và noi theo gương Người, hầu xứng đáng được hưởng nhờ ơn cứu độ.
4. Chúa Thánh Thần là Ðấng thánh hóa nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ngoan ngoãn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nên thánh mỗi ngày qua việc chu toàn bổn phận Chúa trao.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã giao hòa thế gian với Chúa trong Đức Kitô và ban Thánh Thần thánh hóa nhân loại; xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn can đảm tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống, để xứng đáng với danh nghĩa là con cái Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG




(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC BAN THÁNH THẦN ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
(Ga 20,21b.22b).
Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu một bước ngoặt mới trong đời sống mỗi người Kitô hữu và Giáo Hội về phương diện đức tin cũng như thực hành. Các bài đọc hôm nay cho thấy chiều kích Ba Ngôi giữa Chúa Cha với Chúa Giêsu Phục Sinh và với Chúa Thánh Thần trong công cuộc cứu độ và trong việc sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cứu độ đó cho người khác.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 2,1-11)
Trong bối cảnh Lễ Ngũ Tuần, được cử hành 50 ngày sau Lễ Vượt Qua theo truyền thống của người Dothái, Đức Giêsu Phục Sinh đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ để các ông ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nếu Lễ Ngũ Tuần được cử hành để tưởng nhớ biến cố trao ban Giao Ước Sinai, một biến cố hoàn tất cuộc Vượt Qua của Dân Israel và khai sinh Dân Thiên Chúa với những hệ luận thực hành trong đời sống của họ, thì biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống hoàn tất cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu và hình thành Giáo Hội là Dân Israel mới; đồng thời kéo theo hệ luận trong đời sống của Dân này, đó là loan báo Tin Mừng.
Thánh Thần đã đến với họ qua những dấu chỉ khả giác: “gió” ùa vào phòng và “hình lưỡi lửa” đậu trên đầu các môn đệ. Theo truyền thống Dothái, “gió” làm liên tưởng đến cuộc sáng tạo trong St 1 và 2,7; như thế, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Giáo Hội và khởi đầu mọi hành động, nhất là việc loan báo Tin Mừng, của các môn đệ.Lửalà biểu lộ sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúavới Dân như đã xảy ra khi ban “Mười Lời/ Điều răn) ở trên Núi Sinai (Xh 19,18). Lưỡiliên quan đến sứ vụ rao giảng làm chứng bằng lời. Những “lưỡi lửalà Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ và biến họ thành những người thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4), tương tự như Thần Khí Chúa đến với những ai được trao cho nhiệm vụ ngôn sứ trong Cựu Ước (Mk 3,8; Is 61,1; Dcr 7,12; Nkm 9,30). Ngoài ra, Ngôn sứ Isaiah còn được Tổng Lãnh Thiên Thần Seraphim lấy “cục than đỏ lửa thanh tẩy môi miệng để ông xứng đáng mà bắt đầu loan báo lời Chúa (Is 6,6-9tt).
            Như thế, Chúa Thánh Thần đã thanh tẩy tâm hồn, đổi mới con người và ban cho các môn đệ đặc sủng là ơn ngôn ngữ để có thể bắt đầu thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: làm chứng cho Đức Giêsu Kitô Phục Sinh và loan báo Tin Mừng cứu độ đến khắp mọi miền trái đất.
2. Bài đọc II (1Cr 12,3b-7.12-13)
Bài đọc II nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mỗi tín hữu. Tự bản chất, yếu tính của Chúa Thánh Thần thì đơn thuần, còn quyền năng của Người thì đa dạng. Vì thế, dù chỉ có một Chúa Thánh Thần duy nhất, nhưng quyền năng đa dạng của Người làm cho đời sống của Giáo Hội được phong phú qua các đặc sủng Người ban cho từng người.
Các đặc sủng tuy khác nhau về mức độ và cách thể hiện nhưng đều có một gốc chung là Thần Khí và vì ích chung, nghĩa là để xây dựng Giáo Hội. Sự đa dạng của đặc sủng và sự khác biệt nơi mỗi người được ví như các chi thể trong một thân thể. Mọi chi thể đều có tầm quan trọng riêng của nó, nhưng các chi thể luôn hiệp thông, liên đới với nhau và bổ túc cho nhau.
Hình ảnh các chi thể liên kết với nhau trong một thân thể duy nhất cho thấy Đức Giêsu Phục Sinh đã nhờ Thánh Thần của Người để liên kết các Kitô hữu nên một trong một thân thể là Giáo Hội.Do đó, các Kitô hữu cần tránh sự chia rẽ; ngược lại, cần liên đới và cộng tác với nhau theo khả năng riêng của mỗi người để cùng hợp lực xây dựng thân thể Giáo Hội.
3. Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23)
Bài tin Mừng theo Thánh Gioan cho thấy Đức Giêsu Phục Sinh đã trao ban Thánh Thần của Người và sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các môn đệ lúc Người hiện ra với các ông vào chiều ngày Phục sinh. Tuy nhiên, theo Sách Tông Đồ Công Vụ, biến cố này lại xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần. Điều này cho thấy biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng những dấu chỉ khả giác “gió” và “lưỡi lửa” trên các môn đệ là sự hoàn tất biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu và đánh dấu thời điểm các môn đệ bắt đầu thi hành sứ vụ  loan báo Tin Mừng đã được giao phó cho mình.
Trong khi các môn đệ đang sợ người Dothái sau cái chết của Thầy Giêsu, thì chính Đức Giêsu hiện đến và ban cho các ông bình an. Bình an mà Đấng Phục sinh trao ban là bình an đích thực của Thiên Chúa, sự bình an đặc trưng của thời Mêsia như đã được các ngôn sứ loan báo trong Cựu Ứớc: đó chính là ơn cứu độ.
Sự “bình an-ơn cứu độ” này được trao ban cho các môn đệ, nhưng không phải để thủ đắc một mình mà còn ra đi loan báo để cho người khác cũng được chung hưởng sự bình an cứu độ đó. Chính vì thế, Đức Giêsu Phục sinh đã sai các môn đệ ra đi để tiếp nối sứ vụ mà chính Đức Giêsu đã thi hành: “như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
 Để các môn đệ biết can đảm, hăng say và có khả năng hầu có thể thi hành sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Đây là hành động sáng tạo như khi Thiên Chúa thổi sinh khí để trao ban cho con người sự sống (St 2,7). Đức Giêsu thổi “Thần Khí” vào các môn đệ nhằmi tạo họ thành những con nguời mới với tinh thần mới, để xây dựng Israel mới là Giáo Hội. Cũng chính Thánh Thần đã được ban sẽ là Đấng hướng dẫn, an ủi phù trợ các môn đệ chu toàn sứ vụ  loan báo Tin Mừng của mình. Như thế, Chúa Thánh Thần là nguồn của cuộc sống và hoạt động của các môn đệ, và cũng là của chính Giáo Hội.


II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,4). Đời sống và svụ mỗi Kitô hữu cũng như của của Giáo Hội luôn gắn liền với sự hướng dẫn và thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Vì thế, cần làm thế nào để những hoạt động của Giáo Hội luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để đời sống của Giáo Hội thật sự sinh động, tràn đầy sinh lực, nơi cho người khác đến kín múc ơn cứu độ của Thiên Chúa. Quả thật, Chúa Thánh Thần đã thanh tẩy tâm hồn, đổi mới con người, và ban cho các tín hữu các ơn cần thiết để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: làm chứng cho Đức Giêsu Kitô Phục Sinh loan báo Tin Mừng cứu độ đến khắp mọi miền trái đất. Nói cách khác, đó là truyền giáo. Chính vì thế, CĐ Vatican II, trong Hiến Chế Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, đã khẳng định rằng biến cố Lễ Hiện Xuống nối kết chặt chẽ với khởi đầu lịch sử Giáo Hội và sứ vụ tông đồ, và sứ vụ của Giáo Hội được bắt đầu vào ngày lễ Hiện Xuống (x. TG, số 4). Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta có để cho Thần Khí của Đấng Phục sinh tác động và biến đổi chúng ta thành con người mới để có thể thi hành sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày hay không?
2. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí”. Chỉ có một Chúa Thánh Thần duy nhất, nhưng quyền năng đa dạng của Người làm cho đời sống của Giáo Hội được phong phú qua các đặc sủng Người ban cho mỗi Kitô hữu. Như thế, dù khác nhau về mức độ và cách thể hiện nhưng các đặc sủng đều có một gốc duy nhất là Thần Khí và vì ích chung. Cụ thể hơn, mỗi thành phần trong Giáo Hội có những vai trò khác nhau, nhưng cùng nhau xây dựng thân thể Giáo Hội duy nhất. Chính vì thế, CĐ Vatican II đã khẳng định: Chúa Thánh Thần thống nhất Giáo Hội bằng kết hiệp và phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội bằng nhiều ân sủng khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 4). Chúng ta có nhận ra rằng đời sống và sứ vụ của mỗi Kitô hữu và Giáo Hội đều do một Thần Khí Chúa duy nhất tác động hay không? Chúng ta có ý thức rằng mỗi thành viên trong Giáo Hội/ Dòng tu/ giáo xứ/ hội đoàn, nhóm… như là một chi thể trong thân thể, tuy khác nhau nhưng cần sự đoàn kết, phối hợp và bổ túc cho nhau để xây dựng đời sống cộng đoàn mình hay không?
1. “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21). Đức Giêsu Phục Sinh đã ban bình an-là ơn cứu độ” cho các môn đệ để các ông vượt qua được nỗi thất vọng, lo âu, sợ hãi; đông thời, sai các ông đi loan báo sự bình an cứu độ đó cho người khác. Mỗi Kitô hữu cũng được mời tiếp nối bước chân rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, nối dài bàn tay của Đức Giêsu để đem sự bình an cho mọi người. Tuy nhiên, mình không thể đem đến cho người khác điều mình không có. Do đó, chúng ta “cần phải để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần tràn ngập chúng ta, để Người rộng mở con tim của chúng ta cho Thiên Chúa và phải khẩn nài Chúa Thánh Thần mỗi ngày trong suốt cuộc sống của người Kitô hữu” (ĐTC Phanxicô, bài Huấn dụ về Hoạt động của Chúa Thánh Thần vào thứ Tư ngày 15-5-2013). Chúng ta có để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng tâm hồn và mở rộng con tim cho Thiên Chúa mỗi ngày trong đời sống để có sự bình an đích thực của Chúa hay không? Chúng ta có nổ lực thi hành sứ vụ đem bình an, loan truyền ơn cứu rỗi của Đức Kitô Phục Sinh cho những anh chị em đang sống trong mặc cảm, cô đơn, lo âu, tuyệt vọng, sợ sệt bằng sự viếng thăm chia sẻ Tin Mừng với họ hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô phục sinh đã xin Thiên Chúa Cha ban tặng Thánh Thần cho các tông đồ và tất cả những ai tin vào danh Người. Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:
1. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết vâng theo sự hướng dẫn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trung thành diễn tả dung mạo của Chúa Kitô phục sinh cho thế giới hôm nay.
2. Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế biết quan tâm mưu cầu hòa bình đích thực cho thế giới qua những hoạt động bảo vệ công lý và phục vụ người nghèo.
3. “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và thánh hóa trở nên những con người mới luôn ý thức và hăng say với sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày.
4. “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết quí trọng và sử dụng hiệu quả ân huệ của Chúa Thánh Thần, biết chăm lo cho phần rỗi của bản thân và người khác; đồng thời, tích cực xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện. Xin ban xuống trên chúng con tràn đầy ân huệ Thánh Thần, giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.




Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Dễ thương và Khó thương







"Một cậu bé đến gặp ông mình để kể cho ông nghe về nỗi bực tức của mình khi bị bạn cùng lớp chơi xấu...
Sau khi nghe xong câu chuyện, người ông liền nói: "Để ông kể cho cháu nghe chuyện này. Đôi lúc, ông cũng cảm thấy rất ghét những người như vậy, nhưng rồi ông không buồn vì những gì họ làm. Bởi vì sự thù hận, bực bội chỉ làm cho cháu mệt mỏi chứ không làm đau kẻ thù của cháu. Điều đó cũng giống hệt như cháu uống thuốc độc nhưng lại đi cầu nguyện cho kẻ thù của mình chết. Ông đã phải đấu tranh với những cảm xúc như thế này nhiều lần rồi!".

Ngừng một lúc, ông lại nói tiếp: "Cũng giống như có hai con sói bên trong ông, một con thì rất hiền và chẳng bao giờ làm hại ai. Nó sống hòa hợp với tất cả mọi thứ xung quanh và nó không bao giờ tấn công ai cả, bởi vì sự tấn công đã không được dự tính sẵn. Nó chỉ đánh nhau khi điều đó là đáng để làm và làm theo một cách rất khôn ngoan, đúng đắn".
Người ông từ tốn nói tiếp: "Nhưng con sói còn lại thì không như thế! Nó lúc nào cũng giận dữ. Một việc thật nhỏ nhặt cũng có thể khiến nó nổi giận. Nó đánh nhau với tất cả mọi người, mọi vật bất kể lúc nào, mà không hề có lý do. Nó không nghĩ rằng đó là do sự tức giận và thù hận của nó quá lớn. Thật khó để hai con sói này cùng sống trong ông. Cả hai con đều cùng muốn chiếm lĩnh tâm hồn ông".
Cậu bé nhìn chăm chú vào mắt người ông rồi hỏi: "Ông ơi! Vậy con sói nào thắng hả ông?"
Người ông nói một cách nghiêm nghị: "Đó là con sói mà cháu vẫn hằng nuôi dưỡng!". (Nguồn: Inspiretoday)
Nếu cứ duy trì sự bực bội thù hằn trong tâm trí chẳng khác nào đang "uống thuốc độc nhưng lại đi cầu nguyện cho kẻ thù của mình chết" hoặc như đang nuôi dưỡng con sói dữ trong lòng, khó có thể giữ được sự bình an. Người ông đã dạy cho đứa cháu trai cách chế ngự sự thù hận và tức giận thật hay. Bài học của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ còn tuyệt vời hơn thế: Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,44-45)
Lời dạy của Chúa Giêsu thật tuyệt hảo, nhưng để thi hành được không phải dễ, có khi phải mất cả một đời người mà chỉ áp dụng được chút ít. Người Kitô hữu biết Chúa là Cha và nhân loại là con cái của Ngài. Nhưng có những anh chị em ta có thể thương yêu một cách dễ dàng, lại có những người, ta phải cố gắng lắm mới đến gần giao tiếp được. Vì thế, để thực thi Lời Chúa ta phải tranh đấu với bản tính tự nhiên của mình luôn mãi.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin dạy con biết yêu, yêu Chúa và yêu mọi người, để tâm hồn luôn được bình an bên tình Chúa bao dung. Amen.
Sưu tầm

(nguồn:  http://caominhmancd.violet.vn)