Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Một phép mầu đáng giá bao nhiêu.

Phep mau gia bao nhieu
Cô bé con đi về phòng ngủ của mình, kéo ra từ chỗ giấu bí mật sau tủ quần áo một chiếc hộp thủy tinh, dốc hộp cho ra hết số tiền bên trong rồi cặm cụi đếm. Cô đếm đến 3 lần vẫn chỉ một số ấy, không thể sai đi được. Cẩn thận đặt những đồng xu trở lại chiếc hộp, vặn nắp cẩn thận, cô bé ra khỏi nhà bằng lối cửa sau, đi qua 6 dãy nhà nữa để đến một hiệu thuốc lớn.

Cô bé kiên nhẫn chờ đợi người dược sĩ để mắt tới mình, nhưng lúc đó ông ấy đang rất bận. Cô bé lại xoay chân để tạo ra những tiếng cọ xát dưới sàn. Vẫn không ăn thua. Cô bé làm bộ súc họng, cố tạo ra những âm thanh rất đỗi bất lịch sự. Vẫn chẳng ai bận tâm về điều đó.
Cuối cùng, cô bé lấy ra một xu trong hộp, gõ keng keng trên bàn kính của quầy thanh toán. Đã có hiệu quả. “Vậy cháu muốn gì?” – người dược sĩ cao giọng, đúng kiểu đang bị làm phiền.
“Ta đang nói chuyện với anh trai mới từ Chicago về, rất lâu rồi ta chưa gặp anh ấy đấy” – dược sĩ tiếp lời, mà chẳng cần nhận được câu trả lời của cô bé từ câu hỏi trước.
“Cháu xin được nói chuyện với ông về anh trai của cháu ạ”. Cô bé trả lời với giọng điệu “bị làm phiền” không kém. “Anh ấy ốm, ốm lắm… và cháu muốn mua cho anh ấy một phép mầu”.
“Cháu nói sao cơ?” – dược sĩ hỏi. “Anh cháu tên là Andrew, và anh ấy bị cái gì rất xấu mọc lên trong đầu ấy. Bố cháu nói là chỉ có phép mầu, mới cứu được anh ấy lúc này thôi. Thế bao nhiêu tiền một phép mầu ạ?”. “Ở đây chúng ta không bán phép mầu cô bé ạ. Ta xin lỗi không giúp gì được cho cháu cả” – dược sĩ trả lời, giọng điệu đã nhẹ nhàng hơn.
“Xin hãy nghe cháu, cháu có tiền trả mà. Nếu chưa đủ, cháu sẽ lấy thêm. Cứ nói cho cháu biết một phép mầu bán bao nhiêu tiền”. Anh trai của dược sĩ là một người đàn ông ăn mặc rất sang trọng.
Lúc này ông ấy khom người xuống hỏi cô bé: “Thế anh cháu cần loại phép mầu nào?”. “Cháu không biết”, cô bé trả lời với đôi mắt chực khóc. “Cháu chỉ biết anh ấy rất ốm, và mẹ nói anh ấy cần được phẫu thuật. Nhưng bố không có đủ tiền, nên cháu muốn dùng tiền của cháu…”.
“Thế cháu có bao nhiêu?” – Người đàn ông đến từ Chicago hỏi. “1 đô la và 11 xu ạ” – cô bé trả lời rành rọt. “Và đó là tất cả số tiền cháu có, nhưng cháu sẽ kiếm thêm nếu cần”. “Ừm, thế là vừa sít cháu ạ. 1 đô la 11 xu, đó chính xác là giá của một phép mầu dành cho anh cháu đấy”.
Anh của dược sĩ, một tay cầm tiền từ cô bé, tay kia nắm lấy bàn tay bé nhỏ của cô rồi nói: “Đưa ta đến chỗ cháu ở. Ta muốn xem anh của cháu thế nào, và gặp bố mẹ cháu nữa. Để xem ta có loại phép mầu cháu cần không”.
Người đàn ông ăn mặc sang trọng ấy, chính là một tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Cuộc phẫu thuật cho anh trai cô bé hoàn toàn miễn phí. Không lâu sau Andrew đã khỏe mạnh hơn và có thể về nhà.
Bố mẹ đều rất vui, không ngớt lời kể về chuỗi sự việc, dẫn họ đến niềm hạnh phúc ngày hôm nay. “Cuộc phẫu thuật đó quả là một phép mầu” – mẹ cô bé thì thầm. “Em tự hỏi không biết nó đáng giá bao nhiêu…”.
Cô bé chỉ cười khi nghe bố mẹ nói chuyện. Cô biết chính xác một phép mầu đáng giá bao nhiêu : 1 đô la 11 xu… cộng thêm niềm tin của một đứa trẻ.
Người ta hay đùa nhau là “sống bằng niềm tin”, nhưng em nghĩ đôi khi đúng là nên như thế thật. Sự hiểu biết hay kinh nghiệm cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn, là luôn có lòng tin vào công việc mình làm.

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA


Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58
NGUỒN SỰ SỐNG BẤT DIỆT
“Ai ăn thịt và uống máu Tôi,
thì được sống muôn đời.”
(Ga 6,54)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Đnl 8,2-3.14b-16a)
Sau khi được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ của người Aicập, dân Israel bước vào một cuộc hành trình dài trong sa mạc để tiến vào vùng đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ. Đây là cuộc hành trình dài, với nhiều cám dỗ, thử thách và vấp ngã của dân. Nhưng qua những gian khổ và vấp ngã này, Thiên Chúa chứng tỏ sự trung tín và tình thương của Ngài đối với dân.
Trước hết, cám dỗ thường trực đối với dân Israel là quên những kỳ công và cánh tay uy quyền của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Họ dễ quên con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho họ, con đường tuân giữ những mệnh lệnh của Ngài. Dẫu con đường dẫn tới tự do của con cái Thiên Chúa còn dài, điều quan trọng là dân phải khắc ghi những gì Thiên Chúa đã truyền cho họ để họ không bị lạc đường.
Những trắc trở, khó khăn mà dân Israel gặp phải trên hành trình sa mạc cũng không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa. Những khó khăn đó nhằm để thử thách lòng dạ và sự trung thành của dân đối với Thiên Chúa. Đó là những cơ hội để họ chứng tỏ lòng tin tưởng và sự phó thác cuộc đời họ, hành trình của họ nơi bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Và chỉ có Thiên Chúa, chứ không một vị thần nào khác, mới có thể dẫn đưa dân đến miền đất hứa.
Sau nữa, khi để cho dân nếm trải sự khó khăn, thiếu thốn, Thiên Chúa cho dân thấy rằng sự quan phòng, chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân quan trọng dường nào. Ngài không những cho dân được ăn, uống ngay trong hoàn cảnh sa mạc khó khăn ngặt nghèo, mà hơn thế Ngài còn nuôi dưỡng dân bằng chính Lời Ngài.
Cuộc hành trình sa mạc là thời gian thanh luyện đặc biệt để dân Israel cảm nhận sâu sắc tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nộ lệ, hướng dẫn và chăm sóc họ trong những lúc khó khăn, thiếu thốn cùng cực nhất, nuôi dưỡng họ không chỉ bằng cơm bánh mà còn bằng chính Lời Ngài nữa.

2. Bài đọc 2 (1Cr 10,16-17)
Cộng đoàn Côrintô ở giữa dân ngoại nên các tín hữu dễ bị cám dỗ tôn thờ thần và thực hành những tập tục của họ. Thánh Phaolô cảnh báo họ bằng cách nhắc lại bài học về những hậu quả tai hại của việc dân Israel thờ ngẫu tượng và thực hành những tập tục ngoại giáo trong quá khứ (x. 1Cr 10,6-14), đồng thời nhắc cho các tín hữu biết đâu là cốt lõi của việc tôn thờ Thiên Chúa đích thực.
Trước hết, thánh Phaolô cho thấy rằng việc nâng Chén Chúc Tụng để cảm tạ Thiên Chúa và việc bẻ Bánh Thánh mà các tín hữu vẫn cử hành có ý nghĩa sâu xa: đó là được kết hợp với Mình và Máu Thánh của Đức Kitô. Qua việc cử hành Lễ Bẻ Bánh, các tín hữu không chỉ thực hành như bữa ăn huynh đệ để “tưởng nhớ đến Thầy” (x. 1Cr 11,24), mà còn được kết hợp với chính Đức Kitô, Đấng đã hiến thân làm của ăn và máu làm của uống nuôi sống các tín hữu. Nhờ thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô, các tín hữu được nuôi dưỡng bởi chính sự sống bất diệt từ Đức Kitô.
Sau nữa, vì Đức Kitô là tấm bánh duy nhất được bẻ ra cho tất cả, nên bất cứ ai, dù cho nhiều người, khi được chia sẻ tấm bánh ấy, đều được kết hợp để trở nên một thân thể. Một khi được thông chia cùng một tấm bánh là Đức Kitô, các tín hữu được liên kết mật thiết với nhau, đến nỗi họ không còn là những cá thể riêng biệt, mà là một thân thể duy nhất. Cũng như các bộ phận trong thân thể không thể tách rời, không có sự chia rẽ, phân biệt, các tín hữu cũng được hiệp nhất với nhau như thế nhờ cùng được hiệp thông với cùng một tấm bánh. Tấm bánh Đức Kitô được bẻ ra để tạo nên sự đoàn kết và hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Người.

3. Bài Tin Mừng (Ga 6,51-58)
Đức Giêsu nói với người Do Thái về một thứ bánh đặc biệt, bánh bởi trời; điều này gợi nhớ đến manna mà cha ông họ đã ăn xưa kia. Quả vậy, dân Israel xưa đã từng được ăn bánh bởi trời do Thiên Chúa ban để nuôi sống họ trong cuộc hành trình qua sa mạc mà vào đất hứa. Nhưng thứ bánh mà Chúa Giêsu nói ở đây hoàn toàn khác manna xưa. Nếu manna chỉ được Thiên Chúa ban để giải quyết cơn đói trước mắt thì bánh bởi trời mà Chúa Giêsu nói đến chính là thịt và máu Người (x. Ga 6,53-56), là thứ bánh sự sống để ai ăn thì được sống đời đời (x. Ga 6,58).
Đón nhận thịt và máu Đức Giêsu thì đồng thời cũng được hiệp thông với Người; Ai đón nhận thì được “ở lại” trong Người và Người “ở lại” trong người ấy (x. Ga 6,56). Động từ “μένειν” trong Tân Ước thường được dùng để chỉ sự lưu lại tại một nơi nào đó về mặt không gian (x. Ga 1,38; 7,9; Lc 8,27) hay để ám chỉ điều gì đó vẫn còn tồn tại (x. Mt 11,23; Ga 9,41; 21,22). Ở đây, động từ này lại được tác giả Tin Mừng Thứ Tư dùng với nghĩa “ở lại” để chỉ sự liên kết chặt chẽ, một sự hiệp thông trọn vẹn và sâu xa giữa Đức Giêsu và người lãnh nhận thịt và máu Người. Sự hiệp thông này liên kết Đấng trao ban và người lãnh nhận thành một, để thịt máu của Đấng trao ban trở nên thịt máu, trở nên nguồn sự sống cho người lãnh nhận.
Điểm khác biệt căn bản ở đây chính là sự sống. Bánh mà Chúa Giêsu hứa ban là thịt và máu Người, không phải để thỏa mãn cơn đói thể lý, để duy trì sự sống tạm thời trong một thời gian ngắn. Bánh Người sẽ ban là bánh đem lại cho người lãnh nhận sự sống, sự sống đời đời. Sự sống này phát xuất từ chính nguồn sống là Thiên Chúa Cha. Và cũng như Chúa Cha đã thông ban sự sống cho Chúa Giêsu thế nào, thì bất cứ ai đón nhận mình và máu Chúa Giêsu cũng được thông phần vào sự sống phát xuất từ Chúa Cha như vậy (x. Ga 6,57). Sự kỳ diệu của sự sống này là tính bất diệt. Một khi được thông phần vào sự sống bất diệt này thì dù người ta có chết đi về mặt thể lý thì cũng được chính Đức Giêsu cho sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 6,54).

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Cuộc hành trình gian khổ, thiếu thốn trong sa mạc của dân Israel giúp thanh luyện họ, để họ nhận ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng không những ban cho họ manna để khỏi chết đói mà hơn hết còn nuôi sống họ bằng Lời Ngài. Trong những lúc gian khó cuộc đời, tôi có còn đặt trọn niềm tin vào Chúa, tôi có nhận ra sự quan phòng yêu thương của Ngài? Đâu là điều quan trọng nhất tôi kiếm tìm nơi Chúa: lương thực nuôi sống thể xác hay Lời Chúa nuôi dưỡng tâm hồn?
2. Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô rằng việc cử hành Lễ Bẻ Bánh không phải là một thói quen nhàm chán mà mỗi lần cử hành là cơ hội các tín hữu được thông phần Mình và Máu Đức Kitô. Tôi có tâm tình nào mỗi khi tham dự Thánh Lễ? Phải chăng Thánh Lễ đối với tôi chỉ là một thói quen nhàm chán, một bổn phận buộc phải chu toàn, một nghĩa vụ phải làm vì sợ tội? Tôi có xác tín sự hiệp thông của tôi với Mình và Máu Đức Kitô mỗi khi rước lễ?
3. Đoạn Tin Mừng Gioan nhấn mạnh sự sống đời đời dành cho những ai đón nhận Mình và Máu Đức Kitô. Được kết hợp với Mình và Máu Đức Kitô là được kết hợp với chính Thiên Chúa là nguồn sự sống. Tôi có xác tín về hồng ân sự sống mà Thiên Chúa thông ban cho tôi qua Mình và Máu Đức Kitô? Tôi có tìm cách “ở lại” trong Đức Kitô để luôn kín múc lấy sự sống từ nơi Người? Sự sống nơi Mình và Máu Đức Kitô mà tôi đón nhận qua từng Thánh Lễ giúp ích gì cho cuộc sống hiện tại của tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, là dấu chứng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua đó, Chúa Giêsu tiếp tục ở lại với Hội Thánh và dưỡng nuôi chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Với tâm tình tin thờ và yêu mến, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. Bí tích Thánh Thể là nguyên lý hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa được thêm lòng yêu mến và siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, để qua việc kết hiệp với Chúa Giêsu, mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa và luôn hiệp nhất với nhau.
2. Bí tích Thánh Thể là nguồn sống thần linh cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới trong khi chăm lo đời sống vật chất cho dân chúng cũng biết quan tâm đến nhu cầu tâm linh của con người, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện thuân lợi cho các hoạt động tôn giáo.
3. Bí tích Thánh Thể là chốn tựa nương trong cuộc đời lữ hành. Chúng ta cùng cầu xin cho những người già yếu bệnh tật, các nạn nhân của chiến tranh bạo lực, và những ai đang trải qua khó khăn thử thách, luôn đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa Giêsu Thánh Thể và tìm được nơi Người nguồn ủi an nâng đỡ.
4. Bí tích Thánh Thể là bài học yêu thương quên mình cho mọi Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn theo sát gương hy sinh tự hiến của Chúa Giêsu, biết dấn thân phục vụ mọi người, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân hầu đem lại sự sống và hạnh phúc cho người khác.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Chúa đã yêu thương và còn yêu thương chúng con mãi mãi, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con khi siêng năng kết hiệp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, cũng biết sẵn sàng hiến thân phục vụ Chúa trong mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

CHIẾC LÁ SẠCH



Trong cuộc sống bạn sẽ gặp nhiều biến cố thăng trầm, những điều tệ hại xảy đến với bạn nhưng rồi những thứ đó cũng trôi đi giống như nước dội vào chiếc lá, càng muốn ấn chìm chiếc lá thì chiếc lá càng nổi lên cao và cảng trở nên sạch sẽ hơn. Hãy làm chiếc lá để cho mọi thứ không hay trong cuộc đời càng tấn công thì càng rửa sạch bạn thêm.
~~~~~~~~~~~~~~~


Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế chùa Nhiên Đăng, thưa rằng :

- Con là một thư sinh luôn biết Tam cương-Ngũ thường.. từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn xỉ nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi trần, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử !                          
Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng :
- Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì.

Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy dùm cho mình một cái thùng và một cái gáo múc nước.

Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư.

Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai :
- Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy.

Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói :
- Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, xỉ nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không ?

Chàng trai thở dài gật đầu thưa :
- Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng.

Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói :
- Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ.

Vừa nói, vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước.

Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng :
- Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào ?                                
Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ.

Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư :
- Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần..

Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng :
- Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn..không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước ( những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm.

Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng.

Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước.

Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng :
- Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt.

Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng :
- Vì sao Ngài lại nói như thế ?

Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi.

Đại sư bảo chàng trai :
- Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi ..rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang.

Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Thích Tế :
- Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi.

Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ.




Thoáng Nhìn



Nói đến nhìn là nói đến mắt. Có nhiều loại ánh mắt: Hiền từ, dữ tợn, thật thà, gian xảo, ngây thơ, đểu cáng,... Mắt cũng có nhiều dạng: Tròn, đen, xanh, nâu, to, nhỏ, đẹp, xấu,..
.
Ánh mắt có thể “nói” nhiều thứ. Người ta thường ví von: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Chính “cửa sổ” đó có thể tiết lộ nhiều thứ. Ca dao so sánh:
Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi
Như chuyên gia khoa tâm lý học, tiền nhân còn “bật mí” thế này:
Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người
Do đó mà người ta cần tỉnh táo mà “chọn mặt gởi vàng”. Cuộc sống luôn có những chuyện bất ngờ, bất ngờ ở nhiều dạng. Có những việc làm giản dị mà vĩ đại, có những con người vô danh tiểu tốt nhưng vẫn có cách sống anh hùng. Đó là những người sống tốt. Quả thật, đời người cần lắm tình yêu thương!
Ở thị xã Bảo Lộc, H. đang uống cà-phê và thấy một thanh niên sàm sỡ với cô gái bán quán, H. không thể cầm lòng vì trái tai gai mắt nên anh ra ngăn cản. Nhưng một nhóm thanh niên xông vào hành hung và đâm H. chết. Cái chết của Hải tưởng như vô lý nhưng lại rất ý nghĩa và nhân bản. Đã và đang có những “Lục Vân Tiên” ở khắp nơi, nhưng vẫn không triệt hết những kẻ gian tà!
Trong khu phố nọ chỉ có vài gia đình Công giáo, có một phụ nữ thường xuyên đi lễ. Có lần đứa cháu ngoại khóc vì bị đứa trẻ khác chọc ghẹo. Chị ta “nhảy” ra xỉa xói và la lối đứa trẻ kia thậm tệ. Thực ra cũng tại lỗi nhiều ở đứa cháu ngoại của chị ta. Rồi lần khác, chị ta cãi nhau với một phụ nữ khác. Phụ nữ kia chỉ to tiếng nhưng không dùng những từ ngữ “khó nghe”, còn chị ta vừa lớn tiếng át người kia vừa dùng những từ ngữ tục tĩu và thô bỉ, nghe mà rùng mình. Tôi đẩy cửa ra xem sao rồi đóng cửa lại. Không hiểu sao bỗng dưng chị ta giảm cường độ và âm độ. Quả thật, lần thứ hai tôi chứng kiến và nghe cách nói của chị, tôi phải tự đặt một dấu hỏi lớn: “Người Công giáo mà có thể xử sự như vậy ư?”.
Sống tốt vừa dễ vừa khó. Sống tốt không chỉ là tránh điều xấu mà còn phải tích cực làm điều tốt. Không có dịp sai phạm chưa hẳn là người tốt, có dịp sai phạm mà không vi phạm thì mới thực sự là người tốt. Có qua lửa mới biết vàng thật hay giả. Lòng tốt và đạo đức có hệ lụy với nhau. Lòng tốt rất cần trong cuộc sống dù có thể bị người khác nhìn thấy… “lạ”! Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!” (Để Gió Cuốn Đi).
Mạnh Tử xác định: “Ngẩng lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người, đó là điều vui sướng”. Người vui sướng là người hạnh phúc, thanh thản, tất nhiên vì người đó sống tốt. Sống thật thì chẳng sợ gì cả!

Người ta thường nói “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”. Vì thế, “lương tâm không bằng lương tháng”. Đó là một thực-tế-buồn, rất có thể là một phần do suy thoái đạo đức, ảnh hưởng nhiều thứ – dù ai cũng “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tầm nhìn của người ta cũng dễ bị “thu hẹp” vì ích kỷ và “biến tướng” vậy. Do đó mà luôn phải tỉnh thức!
Người ta chưa xác định câu: “Xin hãy dạy con tôi chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử” có phải của cố tổng thống Hoa kỳ Abraham Lincoln hay không. Nhưng dù thế nào thì câu đó vẫn tuyệt vời, dù đó là của ai. Người Việt cũng có câu: “Thà chết vinh hơn sống nhục”. Xã hội có nhiều loại người, nhưng tóm gọn 2 loại chính: Trung thực và lọc lừa, dĩ nhiên mỗi loại có mức độ rất khác nhau.
Sống trung thực sẽ “mất” sự gần gũi, thân thiện, thiếu thoải mái,… nhưng “được” những cái vô giá: Sự khâm phục, nể trọng, quý mến,… Dám sống trung thực là điều không dễ. Những người sống trung thực thường cảm thấy “cô đơn”, lạc lõng giữa xã hội phức tạp. Người ta có xu hướng “an phận”, ai sao mình vậy, không dám đấu tranh vì Chân-Thiện-Mỹ, chỉ cần hai chữ “bình an”. Xưa nay, trong mọi lĩnh vực: Xã hội, tôn giáo, chính trị, giáo dục,… những người dám thể hiện tính trung thực, nói thẳng nói thật, không xu nịnh là “hàng hiếm”. Người dám trung thực cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, vì “nói thì dễ mà làm thì khó”, rất cần phải có lòng dũng cảm, dám sống “trong” dù đời “đục”. Đó là tầm nhìn sâu sắc, xa và rộng.
Trong cuộc sống, đối với bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy. Dám làm thì phải dám chịu. Không gì hơn là “cứ là chính mình”. Đó là một dạng trung thực. Người ta có thể che mắt người khác nhưng không thể giấu giếm được chính mình. Sống trung thực, MẤT thì có MẤT, mà ĐƯỢC thì vẫn ĐƯỢC. Theo tôi, cái ĐƯỢC nhiều nhất là tâm hồn mình thanh thản, dù người khác có thể không muốn “gần gũi” mình, chẳng qua là họ ngại và tự thẹn thôi.
Lịch sử thế giới đã và đang cho chúng ta thấy những tấm gương trung thực, dù người đó có thể bị người khác “xa lánh”, nhưng thời gian sẽ cho người ta biết câu trả lời chính xác nhất.
Viết bài thơ QUAN TÂM, thi sĩ Katherin N. Davis nói:
Hãy dùng thời gian để làm việc
Là con đường dẫn đến thành công
Hãy dùng thời gian để suy xét
Tư tưởng phân biệt những con người
Hãy dùng thời gian để vui chơi
Đó là hạnh phúc thời xuân trẻ
Hãy dùng thời gian đọc tất cả
Để phong phú hóa cuộc đời ta
Hãy dùng thời gian để giúp đỡ
Hạnh phúc chính là biết sẻ chia
Hãy dùng thời gian để mơ ước
Cho lòng thanh thoát tới ngàn xa
Hãy dùng thời gian để hài hước
Niềm vui xóa dấu vết âu lo
Hãy dùng thời gian để thương mến
Đó là ý nghĩa cả đời ta
Thiết tưởng đó là tầm nhìn trong sáng và tích cực mà tất cả chúng ta, không trừ ai, đều phải cố gắng đạt tới. Tầm nhìn liên quan đôi mắt. Tốt hay xấu có thể sinh ra bởi mắt nhìn.
 TRẦM THIÊN THU