Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B




Is 63,16b-17.19b; 64,2b-8; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
Chủ đề: TỈNH THỨC CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN
Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến
(Mc 13,33)


I. CÁC BÀI ĐỌC
Mùa Vọng theo tiếng Latin là “adventus” có nghĩa là “đến” : “Chúa đến”. Để chờ đợi (vọng) Chúa đến, trong mùa này các Kitô hữu sống ba tâm tình: 1) chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đã đến lần thứ nhất với loài người; 2) hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế; giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình khác 3) sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay thúc đẩy các Kitô hữu sống tốt ba tâm tình Mùa Vọng đã nêu trên.

1. Bài đọc I (Is 63,16b-17.19b; 64,2b-8):
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã tha thiết cầu nguyện xin Đức Chúa đến để cứu Dân Người khỏi tội lỗi, vì tin tưởng vào ân sủng hải hà của Thiên Chúa. Đoạn văn mở và kết thúc bằng cách nại vào tình thương Đức Chúa đã dành cho tổ tiên của Israel trong thời xuất hành, thời mà Đức Chúa đã chọn các chi tộc Israel làm gia nghiệp của riêng Người. Đây vừa là lời khẩn nguyện với Chúa nhưng cũng là lời nhắc nhở Dân về cội nguồn của mình. Trong hoàn cảnh hiện tại, ngôn sứ Isaia thúc giục dân thú nhận tình trạng tội lỗi của họ. Ông nhắc cảnh báo để Dân biết rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ vì họ đã phạm tội và xa lìa Thiên Chúa. Họ đã trở nên như người nhiễm uế, khác nào chiếc áo dơ, cuộc sống của họ héo tàn như lá úa, và tội ác họ đã phạm tựa cơn gió cuốn họ đi. Chính tội lỗi làm cho dân lạc xa đường lối Thiên Chúa và vì thế Thiên Chúa đã quay mặt với họ bằng việc bắt họ phải đi lưu đày ở Babylon. H thực sự đáng bị Thiên Chúa trừng phạt như thế, nên lúc này họ cần phải thú nhận tội lỗi để dược Chúa đến cứu thoát.
Với đoàn dân từ đất lưu đày hồi hương, Isaia (đệ III) thấy Giêrusalem bị hoang tàn đổ nát, nên ông cầu xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống” để cứu Dân. Khi kêu cầu như thế, vị ngôn sứ biết rằng trong thực tế Thiên Chúa đã luôn kêu gọi Dân trở về mà cầu khẩn danh Chúa để được phục hồi nhưng vì h đã không lắng nghe. Nếu Dân biết sống theo thánh ý Thiên Chúa, đặt mình vào bàn tay Chúa như “đất sét trong tay người thợ gốm” thì chắc chắn sẽ được Chúa làm cho họ nên hoàn hảo, nghĩa là được cứu thoát. Đây cũng chính là tâm tình thứ 1 mà Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng: dọn lòng sám hối, ăn năn trở về, xưng thú các tội lỗi của mình để chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người để cứu thoát chúng ta.

2. Bài đọc II (1Cr 1,3-9):
Ngay trong phần đầu của thư gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cổ võ các Kitô hữu trung thành với Đức Giêsu cho đến cùng. Ngài nhấn mạnh rằng nơi Ðức Kitô Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho họ ân huệ phong phú về mọi phương diện: nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người, khiến họ không thiếu một ân huệ nào. Tuy nhiên trên thực tế, người Côrintô đã không đáp lại ân huệ đó của Thiên Chúa, khi họ sống chia rẽ, bè phái, kiện tụng, sống theo xác thịt, suy đồi luân lý... Chính vì thế, Thánh Phaolô nhắc họ nhớ lại ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho họ và khuyên họ sống xứng đáng hơn với những ân huệ của Thiên Chúa trong khi chờ đợi ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô. Nhờ vậy họ sẽ được vững chắc đến cùng, không ai chê trách được điều gì trong Ngày phán xét của Chúa. Đó chính là tâm tình thứ 2 mà Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng: hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế, bằng cách rời bỏ lối sống xác thịt theo kiểu người đời mà sống xứng đáng với những ân huệ mà Chúa đã ban cho mỗi người.

 3. Bài Tin Mừng (Mc 13,33-37):
Bài Tin Mừng hôm nay, thuộc phần Bài giảng về thời cách chung trong Mc 13. Đoạn Tin Mừng hôm nay làm nổi bật tinh thần tỉnh thức sẵn sàng chờ đón ngày Chúa đến, vì ngày ấy đến rất bất ngờ, không người nào biết trước được. Trong bài Tin Mừng, hình ảnh ông chủ trẩy phương xa ám chỉ việc Đức Giêsu đã rời thế gian mà đi về với Chúa Cha, và hình ảnh ông chủ trở về ám chỉ việc Đức Giêsu sẽ lại đến trong ngày quang lâm. Giữa hai thời điểm này là quảng thời gian chờ đợi, nhưng cần chờ đợi cách tích cực. Nếu khi ông chủ trẩy phương xa đã để nhà lại, trao cho các đầy tớ mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức, thì họ vừa chờ đợi vừa phải làm trọn công việc bổn phận của mình, trong tinh thần sẵn sàng đón chủ nhà, vì họ không biết khi nào chủ sẽ trở về.
Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi họ nghĩ rằng Chúa sẽ đến nay mai. Vì thế, xảy ra hai trường hợp: hoặc là thụ động, không còn thực hiện các nghĩa vụ trần thế nữa mà chỉ chờ Chúa đến; hoặc ngược lại, vì chờ lâu quá nên chán nản và lơ là, không còn sẵn sàng tỉnh thức nữa.
Tin Mừng nhắc lại cho các Kitô hữu tiên khởi và cũng cho mọi người chúng ta hôm nay rằng Chúa sẽ đến nhưng không ai biết được giờ nào. Chính vì thế, cần có một thái độ tích cực trong việc chờ đón này. Đó là sống chủ động, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình, đồng thời phải nghĩ tới yếu tố Chúa đến bất ngờ, để có thái độ và lối sống xứng đáng, trong tư thế sẵn sàng. Đó chính là tâm tình thứ 3 mà Giáo Hội muốn chúng ta thực hiện trong mùa vọng: sống tốt giây phút hiện tại với thái độ canh thức.
           
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lạy Đức Chúa,…xin Ngày mau trở lại.  Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 1 của Mùa Vọng. Khi dân Israel đang sống trong tình cảnh bi đát của thời lưu đày, và ngay cả khi hồi hương, họ không con gì để bám víu, ngôn sứ  Isaia đã giúp Dân sống tâm tình sám hối, nhìn nhận lỗi lầm của mình để được Chúa thương “xé trời ngự xuống” mà cứu thoát họ. Chúng ta có ý thức rằng để đón mừng Con Thiên Chúa từ trời xuống thế, chúng ta cần phải có thái độ ăn năn, dứt bỏ đường tà, đi theo đường lối Chúa? Chúng ta có sẵn sàng để Chúa tác động, như người thợ gốm uốn nắn cục đất sét để trở nên tác phẩm của ông, nghĩa là để Chúa tác động làm cho chúng ta trở nên người con Chúa hay không?
2. Lời chứng về Ðức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Ðức Giêsu Kitô. Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 2 của Mùa Vọng. Quả thật, Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta hướng về ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để mặc khải vinh quang của Người và làm cho ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta được viên mãn. Chúng ta đã nhận được ơn huệ phong phú từ Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô nhưng chưa đáp lại ân huệ đó cách xứng đáng, khi còn sống theo xác thịt: sống chia rẽ, bè phái, kiện tụng, suy đồi luân lý... Chúng ta có ý thức rằng chuẩn bị đón Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh không chỉ bằng những hình thức bên ngoài như những hoạt cảnh công phu, hang đá nguy nga, đèn sao lộng lẫy, cây thông cao vút, quà cáp ngập phòng…, nhưng mà còn và quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để không ai có thể trách cứ chúng ta điều gì trong ngày Ðức Giêsu Kitô quang lâm?
3. Trong Ðức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.  Trong năm “Tân phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến” 2015 này, chúng ta có để cho “Lời Chúa mà chúng ta đã được nghe” thấm nhập vào môi trường của các giáo xứ và dòng tu, đến với mọi thành phần trong các giáo xứ và dòng tu? Chúng ta có ý thức rằng mỗi người phải tự canh tân và để cho lời Chúa tác động mình mình trước khi giúp người khác thay đổi và làm cho Tin Mừng bén rễ nơi họ hay không?
4. Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 3 của Mùa Vọng. Như các đầy tớ không biết lúc nào ông chủ đi xa trở về, thì chúng ta cũng không biết khi nào Chúa sẽ lại đến. Do đó, cần có thái độ tích cực là sống chủ động trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta có ý thức rằng khi nghĩ về ngày tận thế, cũng như nghĩ về cái chết đến bất ngờ sẽ giúp chúng ta biết cách sống thế nào cho phải lẽ, luôn tỉnh thức và sẵn sàng chứ không ngủ mê trong lối sống xác thịt và tội lỗi, hầu có thể kịp thời ra đón Chúa và được Chúa cho nhập đoàn với Người hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giáo Hội cử hành Mùa Vọng hằng năm nhằm nhắc nhở người kitô hữu chúng ta phải luôn có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng chào đón Chúa. Trong tâm tình hân hoan chờ mong Chúa đến, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. “Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nêu cao tinh thần tỉnh thức sẵn sàng, hầu chu toàn tốt đẹp mọi trách vụ đã được Thiên Chúa ủy thác.
2. Ngôn sứ Isaia cầu khẩn: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người trong thế giới hôm nay đang ngủ quên trong lối sống bon chen hưởng thụ biết nhận ra các nhu cầu tâm linh và khát khao tìm kiếm chân lý.
3. “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, luôn ý thức chu toàn các bổn phận làm con cái Chúa qua các cử hành phụng vụ, tuân giữ lề luật Chúa và thực thi công bình bác ái.
4. “Trong Đức Giêsu Kitô, anh em được tràn đầy mọi ơn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm “Tân phúc âm hóa đời sống cộng đoàn” này, không ngừng canh tân đời sống và tích cực góp phần xây dựng cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sống tư cách là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Nhãn: , ,

TRẢ LỜI THẮC MẮC VỀ CÔNG GIÁO VÀ CHÍNH THỐNG


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG
và GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LAMÃ.
 
Hỏi: Nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vừa qua tại Thỗ Nhĩ Kỳ, xin Cha giải thích sự khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. 

Trả lời: Giáo Hội của Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ đã trải qua một cơn khủng khoảng đi đến rạn nứt (schism) thành hai nhánh lớn là Công Giáo La Mã  (The Roman Catholic Church) và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương nói chung  (The Orthodox Eastern  Churches) cách nay gần 10 thế kỷ.
Nguyên nhân đưa đến rạn nứt này thì có nhiều và phúc tạp nhưng  không thể nói hết được trong khuôn khổ của bài trả lời này được. Tuy nhiên, có thể tóm tắt  những điểm chính yếu như sau:
Trong mấy thế kỷ đầu, Giáo Hội vẫn hiệp nhất trong cùng một đức tin, một phép rửa , một Kinh Thánh và Truyền Thống. Dần dà về sau, những mầm mống chia rẽ bắt đầu xuất hiện và lan rộng. Những cuộc tranh luận về thần học,  tín lý, phụng vụ và nhất là về quyền bính đã nỗ ra giữa những nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Roma và Constantinople, đưa đến  hâu quả chia rẽ trầm trọng là sự rạn nứt Đông –Tây ( East-West Schism) xẩy ra vào năm 1054 giữa Thượng phụ Giáo chủ Michael Cerularius của Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) và Đức Giáo Hoàng Lêô IX của Roma. Hai bên đã ra vạ tuyệt thông (excommunication ) cho nhau vì những bất đồng vô phương hàn gắn khi đó. Sự rạn nứt này đã khiến  Giáo Hội Chính Thống Đông Phương tách khỏi Giáo Hội Công Giáo La mã từ đó.Theo lịch sử truyền giáo, thì Thánh Phêrô đã rao giảng và chịu tử đạo tại Rome, trong khi Thánh Anrê (Andrew) em của ngài đã sang truyền giáo bên miền đất gọi là Êphêsô cùng với Thánh Phaolô. Phần đất này nay  thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), nơi có Toà Thượng Phu (Patriarchate) Constantinople. Theo truyền thuyết thì Thánh Anrê đã đưa Đức Mẹ sang sống ở đây với các Tông Đồ trong một thời gian. Nay ở đây còn  căn nhà mà người ta cho là nơi Đức mẹ đã ở. Về nguồn gốc lịch sử, thì danh xưng  “Chính Thống” (Orthodox) thoạt đầu được dùng để chỉ các Giáo Hội đã chấp nhận những giáo huấn của Công Đồng Chalcedon (451) đối nghịch với các nhóm lạc giáo (heretics) chống lại Công Đồng này. Nhưng từ năm 1054 , thì từ ngữ này được dùng để chỉ các Giáo Hội Kitô giáo Đông Phương (Orthodox Eastern Churches), đứng đầu là Constantinople,  tách khỏi Giáo Hội Công Giáo Lamã.   
Những khác biệt đưa đến rạn nứt và khó hoà giải được  giữa hai Giáo Hội là :
1- Giáo Hội Chính Thống không đồng ý với Giáo Hội La Mã về từ ngữ Latinh  “Filioque” tuyên xưng Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, như đọc  trong Kinh Tin Kinh Nicene.
2- Giáo Hội Chính Thống không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng.
3- Giáo Hội  Chính thống dùng bánh có men (leavened bread) trong phụng vụ trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) trong Thánh Lễ.
4- Giáo Hội Chính Thống không buộc các linh mục giữ luật độc thân trong khi Giáo Hội Công Giáo  buộc luật này cho hàng giáo sĩ (linh mục, giám mục, Giáo Hoàng)
5- Ngôn ngữ trong phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống là tiếng Hy lạp, trong khi Giáo Hội La Mã dùng tiếng La tinh trước kia và  nay là mọi ngôn ngữ thế giới.
Ngoài những điểm dị biệt trên đây, Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo đều có chung 7 bí tích và tuyên xưng một đức tin, chung  một Kinh Thánh, trong khi các giáo phái Tin lành chỉ có một phép rửa và khác biệt với cả hai Giáo hội Công Giáo và Chính Thống về nhiều điểm quan trọng liên quan đến tín lý, phụng vụ, kinh thánh , thần học và quyền bính.
Vì thế, giáo dân Công giáo chỉ được phép tham dự nghi lễ và lãnh bí tích trong một nhà thờ thuộc Giáo Hội Chính Thống, nếu không có nhà thờ Công Giáo nào  trong vùng cư ngụ, nhưng  không được phép  tham dự bất cứ nghi thức nào của các giáo phái Tin lành. Tuy nhiên Giáo Hội Công Giáo công nhận phép rửa của đa số giáo phái Tin lành, nếu được làm với công thức Chúa Ba Ngôi và dùng nước để rửa tội.
Từ bao thế kỷ nay, nhiều cố gắng đã được thực hiện để mong hiệp nhất hai Giáo Hội . Kết quả tốt đẹp đầu tiên đã đạt được là năm 1964 hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đã tha vạ tuyệt thông cho nhau do nỗ lực  đại kết của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Ngài đã sang gặp Thương Phụ Giáo Chủ Constantinople và hai vị đã trao đổi cái hôn bình an, chấm dứt tình trạng thù nghịch giữa hai Giáo Hội anh  em từ năm 1054. Tuy nhiên, con đường đi đến hiệp thông hoàn toàn (full communion)  còn xa vì Giáo Hội Chính Thống vẫn không công nhận Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô trong vai trò và trách nhiệm lãnh đạo toàn  Giáo Hội của Chúa Kitô trên trần thế. Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống được coi là “Giáo Hoàng” của Giáo Hội này. Toà Thượng Phụ Constantinople được coi là Toà Thánh La Mã mới (The New Rome See) của Giáo Hội Chính Thống. Ngoài Constantinople, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương còn có mặt ở Hy Lạp , Nga, Roumania, Tiệp Khắc, BaLan, Latvia, Finland và Lithuania. Nhưng các Giáo Hội này đều tự trị mặc dù Toà Thượng Phụ Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ được coi là thủ lãnh của các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương chưa hiệp thông với Toà Thánh La Mã. Tổng số giáo dân chính thống có vào khoảng 300 triệu người. Từ năm 1964 đến này, bang giao giữa Toà Thánh và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đã có nhiều cải  thiện. Khi Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II qua đời, Đức Thượng phụ Bathôlômêô I của Constantinople đã  sang dự tang lễ (trừ Thượng Phụ Chính Thống Nga) và lần này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã  đến thăm Đức Thượng Phụ nhân cuộc viếng thăm của ngài ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 11 vừa qua.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

Nhãn:

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Giải đáp phụng vụ: Đồng tế có đặc thù riêng



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Đầu năm nay, tôi đến thăm một cộng đoàn tu sĩ tại các Quốc gia, và tôi thấy các linh mục đồng tế cao niên và ốm yếu chỉ mang dây các phép (stola) bên ngoài áo Dòng của họ để cử hành Thánh lễ. Kinh nguyện Thánh Thể, được sử dụng bởi bốn hoặc năm vị chủ sự Thánh lễ, thay đổi tùy theo tâm trạng của họ. Hầu như họ đọc gần hết các Kinh nguyện Thánh Thể. Tuy nhiên, không ai trong số các vị đồng tế có văn bản Kinh nguyện Thánh Thể trong tay. Tôi đã nghe nói rằng để cho việc cử hành Thánh lễ thành sự, chỉ cần họ đọc lời truyền phép trên bánh và rượu là đủ. Tuy nhiên, các lời đọc thay đổi trong các Kinh nguyện Thánh Thể khác nhau. Sau khi vị chủ tế Thánh Lễ rước Mình và Máu Thánh xong, ngài trao một mảnh Mình Thánh cho mỗi một trong hai thầy giúp lễ cho ngài. Sau đó, một thầy giúp lễ lấy bình thánh từ nhà tạm ra. Đứng ở một bên, đối diện với cộng đoàn, thầy trao Mình Thánh vào tay các linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng lên rước lễ. Còn thầy giúp lễ kia, đứng ở phía đối diện, trao Chén thánh có máu Thánh cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến gần thầy. Thưa cha, con muốn hỏi liệu Thánh lễ đồng tế như thế là thành sự và hợp pháp không? - H. H., Almaty, Kazakhstan

Đáp: Có nhiều điều cần được giải quyết ở đây. Có vấn đề thành sự, vấn đề các cử chỉ hợp pháp hay bất hợp pháp, và ở một khía cạnh khác, có thể có sự lạm dụng nghiêm trọng. Tôi sẽ cố gắng phân biệt các việc khác nhau và xem xét chúng cách riêng biệt.
Điều cần thiết là nhớ lại bối cảnh. Hình như đó là một cộng đoàn tu sĩ, mà trong đó hầu hết là các linh mục cao tuổi. Bối cảnh này có thể thay đổi câu trả lời đối với việc thực hiện một số qui định.
Trước hết, câu hỏi về mang dây các phép bên ngoài áo Dòng: huấn thị Redemptionis Sacramentum nói như sau về việc này:
"124. Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách Lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây stola trên áo alba”, trước một lý do chính đáng, ví dụ như số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng mà, nếu người ta có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng nữa. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của những sách phụng vụ.
"126. Phải dứt khoát bài trừ lạm dụng sau đây, trái ngược với những quy định của các sách phụng vụ : dù chỉ có một người tham dự, các thừa tác viên có chức thánh không được phép cử hành Thánh Lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây stola trên áo thụng của tu viện, hay trên áo tu sĩ thường, hay nữa trên áo thường. Các Đấng Bản Quyền phải sửa chữa trong thời gian ngắn nhất những lạm dụng này, và các ngài phải theo dõi cung cấp cho tất cả các nhà thờ và các nhà nguyện thuộc quyền tài phán của mình, một số lễ phục phụng vụ, may đúng quy tắc” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Mặc dù đây là một qui định nghiêm ngặt, Tòa Thánh có quyền ban phép miễn chuẩn vì lý do chính đáng. Chẳng hạn nếu các linh mục cao tuổi có xương giòn hoặc di động hạn chế nên gặp khó khăn khi mang áo dài trắng (alba), bề trên có thể xin phép chuẩn từ Tòa Thánh cho phép một linh mục đồng tế chỉ mang dây các phép, nếu có thể, áo lễ mỏng nhẹ bên ngoài áo Dòng. Trong trường hợp này, một hành vi bất hợp pháp trở thành hợp pháp.
Câu hỏi về việc đọc nhiều Kinh nguyện Thánh Thể sẽ không là một vấn đề của tính hợp pháp, miễn là các kinh khác nhau được sử dụng phù hợp với luật phụng vụ và không theo ý thích hoặc tâm trạng của chủ tế. Ba kinh nguyện Thánh Thể đầu tiên có thể được sử dụng trong bất kỳ ngày nào, còn Kinh nguyện thứ tư được dùng với mức độ hạn chế, và các lời nguyện hòa giải chỉ đọc khi thích hợp, chẳng hạn trong Mùa Chay hoặc trong một Thánh Lễ có chủ đề thống hối.
Còn các Kinh nguyện Thánh Thể cho các nhu cầu khác nhau chỉ có thể được sử dụng khi một Thánh Lễ cho các nhu cầu khác nhau được cử hành, và do đó chủ yếu là giới hạn cho các ngày trong tuần của mùa thường niên. Kinh nguyện Thánh Thể cho trẻ em là không được phép trong bối cảnh trên.
Trong tất cả lời nguyện trên, lời truyền phép là y như nhau, mặc dù đoạn mở đầu có thay đổi. Không có Kinh nguyện Thánh Thể nào đã được phê duyệt bằng tiếng Anh, mà trong đó lời truyền phép là khác nhau.
Sự gợi ý rằng thật là đã đủ cho các linh mục đọc với nhau lời truyền phép là vừa đúng vừa sai. Quả là đúng vì Thánh Lễ đã là thành sự. Nhưng quả là sai vì Thánh lễ cũng là bất hợp pháp. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói rõ ràng rằng các lời truyền phép là chưa đủ cho một vị đồng tế:
"218. Những phần mà các vị đồng tế cùng đọc, và nhất là mọi người buộc phải đọc các lời truyền phép, thì phải đọc nhỏ tiếng, để cho giọng của chủ tế được nghe rõ ràng. Bằng cách ấy, giáo dân mới lãnh hội bản văn dễ dàng hơn.
Những phần mà mọi vị đồng tế cùng đọc, mà có ghi dấu nhạc trong Sách Lễ, thì nên hát” (Bản dịch Việt Ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang)
Số sau đây của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma mô tả một cách cẩn thận các việc đọc này cho mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể. Chúng tôi xin tự giới hạn để chỉ nói những gì liên quan đến Lễ Quy Rôma:
"222. Từ kinh "Lạy Cha, xin thánh hóa" cho đến kinh "Lạy Cha, là Thiên Chúa toàn năng" (A "Quam oblationem" usque ad "Supplices"), chỉ một mình chủ tế làm các cử chỉ, tất cả các vị đồng tế cùng đọc chung, theo cách sau đây:
a. Kinh "Lạy Cha, xin thánh hoá", hai tay giơ về phía lễ phẩm;
b. Các kinh "Tối hôm trước ngày" (Qui pridie), "Cùng một thể thức ấy" (Simili modo): chắp tay;
c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ về phía bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng lên cho xem thấy và sau đó, thì cúi mình sâu;
d. Các kinh "Vì vậy, lạy Cha" (Unde et memores) và "Xin Cha đoái nhìn" (Supre quae): dang tay;
e. Kinh "Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng": cúi mình và chắp tay cho đến câu "tại bàn thờ này", rồi đứng thẳng lên và làm dấu khi đọc câu "tất cả chúng con được đầy tràn ơn phúc bởi trời" (Bản dịch như trên).
Nguyên tắc này có tầm quan trọng như vậy mà các hướng dẫn Redemptionis Sacramentum nói rằng nếu một linh mục không thể đọc chúng do khó khăn về ngôn ngữ, ông nên tránh đồng tế:
"113. Khi Thánh Lễ được nhiều linh mục đồng tế, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc trong ngôn ngữ mà tất cả các linh mục và dân chúng hiện diện trong buổi cử hành đều biết. Có thể xảy ra trường hợp, trong số các linh mục hiện diện, có vị không biết ngôn ngữ được dùng khi cử hành và không thể đọc các phần Kinh Nguyện Thánh Thể, dành riêng cho mình. Trong trường hợp này, các ngài không đồng tế, nhưng tốt hơn các ngài chỉ tham dự cử hành và mặc áo dành vào cung thánh, theo quy định” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
Vì bác ái mục vụ, tôi nghĩ rằng sẽ là tốt hơn, khi không chỉ cung cấp cho các linh mục cao niên bản văn in sẵn, mà còn đừng đưa thêm gánh nặng cho các ngài với nhiều Kinh nguyện Thánh Thể khác nhau nữa.
Cuối cùng, đúng là một sự lạm dụng nghiêm trọng, khi để cho các linh mục đồng tế rước Mình Thánh Chúa được lấy từ nhà tạm. Một lần nữa huấn thị Redemptionis Sacramentum là rõ ràng:
"3. VIỆC RƯỚC LỄ CỦA LINH MỤC
97. Mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, ngài phải rước lễ tại bàn thờ, vào lúc do Sách Lễ ấn định. Ngược lại, các vị đồng tế phải rước lễ trước khi đi trao Mình Thánh Chúa. Linh mục chủ tế hay đồng tế không bao giờ đợi dân chúng rước lễ xong để mình mới rước lễ.
98. Việc các linh mục đồng tế rước lễ phải diễn tiến theo các quy tắc được các sách phụng vụ ấn định, bằng cách luôn luôn sử dụng những bánh lễ được truyền phép trong chính cử hành Thánh Lễ ; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình. Phải lưu ý rằng, khi linh mục hoặc phó tế trao mình thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời : “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô”. (Bản dịch như trên).
Nếu có thể được, xin người đặt câu hỏi cho chúng tôi hãy trình bày câu chuyện với Giám mục sở tại và bề trên thượng cấp của cộng đoàn tu sĩ, nơi thánh lễ đồng tế như trên đã diễn ra. (Zenit.org 18-11-2014)

Nguyễn Trọng Đa

Nhãn:

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN A




LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Ed 34,11-12.15-17 ; 1Cr 15,20-26a.28 ; Mt 25,31-46
MỖI NGƯỜI SẼ BỊ XÉT XỬ VỀ TÌNH YÊU
Mỗi lần các ngươi đã không làm việc đó
cho một trong những người
bé mọn nhất này đây,
 là các ngươi đã không làm cho Ta
(Mt 25,45)


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Ed 34,11-12.15-17
Sau những lời tuyên sấm nặng nề nhằm hạch tội các mục tử nhà Israel và quyết định ‘đòi lại chiên’, Đức Chúa khẳng định mạnh mẽ rằng: chính Ngài, chứ không phải ai khác, sẽ chăm sóc và kiểm soát đoàn chiên của Ngài trong tư cách là một mục tử.
Giữa bối cảnh của một đàn chiên đang bị tan tác cũng như bị lạm dụng bởi chính những mục tử giả hiệu, Đức Chúa, vị Mục Tử đích thực, đã ra tay hành động vì đàn chiên của Ngài: kiểm điểm, giải thoát, quy tụ, đưa vào đất màu mỡ và đặc biệt hành động chăn dắt được cụ thể hóa qua việc: cho nằm nghỉ, tìm con bị mất, đem con bị lạc trở về, băng bó con bị thương, chữa con bị đau; những con mập béo sẽ được chăm sóc và chăn dắt trong sự công chính.
Và cũng chính Đức Chúa sẽ đứng ra xét xử đàn chiên của Ngài: ‘giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.’ Như thế, mỗi con chiên trong đàn chiên Israel sẽ phải chịu trách nhiệm về cách hành xử tốt–xấu  của mình trong tương quan với các con khác (x. Ed 34,21-22).
Nếu giới lãnh đạo tôn giáo Do thái bị xét xử vì không chu toàn trách nhiệm mục tử của mình thì toàn thể dân Israel, đoàn chiên của Chúa, cũng sẽ bị chính Đức Chúa xét xử về cách sống thiếu bác ái của họ trong tương quan với những người khác.

2. Bài đọc II – 1Cr 15,20-26a.28
Thánh Phaolô đưa ra nền tảng: chính biến cố Đức Giêsu phục sinh đã mở ra con đường hy vọng cho mọi kẻ đã chết. Rồi thánh nhân đặt con người chúng ta trong mối liên hệ với Adam – là cái chết, và với Đức Kitô – là sự phục sinh.
Thánh Phaolô khẳng định: Đức Kitô đã phục sinh, nhưng hiện nay ‘kẻ thù cuối cùng là sự chết’ vẫn đang hoành hành thế giới này. Thế nên Ngài phải nắm vương quyền cho đến khi, nhờ Thiên Chúa, Ngài tiêu diệt hết ‘mọi thống trị, mọi quyền năng và mọi thế lực’ và sau đó trao vương quyền cho Thiên Chúa Cha.
Nói cách khác, mãi cho đến ngày quang lâm khi muôn loài quy phục Đức Kitô, thì chính Ngài, vì là Con, nên cũng quy phục Thiên Chúa Cha, và như thế, Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.

3. Bài Tin Mừng – Mt 25,31-46
Bài tường thuật này là một phần trong bài giảng về ngày cánh chung của Tin Mừng Mátthêu, với bối cảnh của ngày Đức Kitô quang lâm: ‘Người đến trong vinh quang... có thiên thần hầu cận... Người ngự trên ngai uy linh để xét xử mọi dân được tập họp lại trước nhan Người.’
Trong ngày ấy mọi người sẽ được tách riêng ra làm hai hạng bị chúc dữ hay được chúc phúc - như ‘mục tử tách chiên ra khỏi dê.’ Nội dung của cuộc xét xử bàn về những việc người ta đã phải làm với tiêu chuẩn là việc Con Người tự đồng hóa mình với những ‘người bé mọn’, được cụ thể hóa qua những người thiếu thốn hoặc cần đến sự giúp đỡ.
Nét đặc thù của cuộc xét xử này chính là: mỗi người sẽ bị luận tội vì đã không nhạy bén đủ để nhận ra nhu cầu của anh chị em mình mà kịp thời giúp đỡ: ‘Ta đói, các ngươi cho ăn’, nghĩa là ngay cả khi họ chưa lên tiếng xin ta giúp đỡ, ta đã phải giúp họ: ta đói (nhưng chưa cần phải xin), các ngươi đã cho ăn.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta... này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.’ Thiên Chúa, theo cái nhìn của Edekiel, là vị Mục tử đích thực. Chính Ngài sẽ chăn dắt từng con chiên khi dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát. Đồng thời Ngài cũng là Đấng xét xử công minh và trả cho mỗi người xứng với việc họ làm (Tv 62,13). Như thế, biết lắng nghe để biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa mỗi ngày chính là cách sống khôn ngoan giúp ta an lòng vào ngày Chúa đến xét xử.
2.Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.’ Trong ánh sáng của lời Thánh Phaolô khẳng định, Đức Kitô Phục Sinh đã được tôn lên làm Vua và làm Đức Chúa. Tuy nhiên Vương quyền của Người vẫn còn tiếp diễn nơi trần gian này để mời gọi những ai thuộc về Người nỗ lực góp phần vào cuộc chiến đấu nhằm chiến thắng mọi thù nghịch đang hoành hành trên đàn chiên. Mỗi Kitô hữu là một chiến sĩ không mệt mỏi của Vua Giêsu trong cuộc chiến nói không với sự dữ và sự xấu nhằm làm cho vương quyền của Người mỗi ngày một ngự trị trên thế giới này hơn nữa.
3.Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống...mỗi người sẽ bị xét xử không phải chỉ về lòng thương người – ai xin thì tôi cho, nhưng còn bị xét xử về đức ái Kitô giáo: thái độ trơ lì hay thiếu nhạy bén trước nhu cầu của anh chị em xung quanh mình. Tôi đã biết chủ động đi bước trước trong việc giúp đỡ người khác hay mới chỉ dừng lại ở cơ chế ‘xin cho’?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là vị mục tử nhân lành luôn chăm sóc tận tình và cũng xét xử công minh từng con chiên trong đàn chiên của Người. Trong ngày mừng kính Chúa Kitô Vua vũ trụ, chúng ta cùng ngợi khen chúc tụng Chúa và tin tưởng cầu xin.
1. Chúa Kitô là Vua nhân từ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn theo gương Chúa Kitô, lấy yêu thương tha thứ mà chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên, để mọi người được sống an vui hạnh phúc dưới vương quyền của Thiên Chúa.
2. Chúa Kitô là Vua hòa bình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết trân trọng và yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực xóa bỏ mọi hận thù tranh chấp, cùng nhau cộng tác để xây dựng một xã hội văn minh cùng nền hòa bình viên mãn cho thế giới.
3. “Con nào bị mất, Ta sẽ tìm kiếm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đã từ bỏ Chúa và xa lìa Hội Thánh, biết nhận ra giới hạn và lầm lạc của mình, quyết tâm trở về giao hòa với Chúa và sống hiệp thông trong cộng đoàn Giáo Hội.
4. “Hãy đến và hãy lãnh nhận phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn chuyên cần thực hành yêu thương, nêu cao tinh thần phục vụ, để xứng đáng hưởng niềm vui bất tận Chúa hứa.
Chủ tế:Lạy Chúa Kitô là vua công minh và mục tử nhân lành. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban tặng Thánh Thần giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng một đời sống thấm nhuần công bình bác ái, hầu cho nhiều người nhận biết và qui phục vương quyền Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Nhãn: