Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Giám Mục Phụ Tá cho giáo phận Vinh và Hưng Hóa

VATICAN. Ngày 15-6-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm 2 GM phụ tá cho giáo phận Vinh và Hưng Hóa.
PopeFrancis-15Jun2013-01.jpg

Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Tổng đại diện giáo phận Vinh, được bổ nhiệm làm GM phụ tá giáo phận này với hiệu tòa là Megalopoli di Proconsolare.

Đức Cha Phêrô Viên năm nay 48 tuổi, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1965 tại Hướng Phương tỉnh Quảng Bình, giáo phận Vinh. Sau khi mãn tiểu học và trung học, theo học tại Đại học Huế và đậu cử nhân khoa học kinh tế (1987-1992). Năm 1984 thi hành nghĩa vụ quân sự và năm 1993 gia nhập Đại chủng viện Vinh Thanh, thụ phong linh mục ngày 3-10-1999 thuộc giáo phận Vinh.

Sau khi thụ phong Linh Mục, cha Phêrô Viên được gửi đi học tại Học viện Công Giáo ở Sydney, Australia, từ năm 200 0 đến 2009, đậu tiến sĩ thần học, và trong thời gian học cũng làm việc mục vụ cho cộng đoàn Việt Nam tại Sydney.

Trở về nước năm 2009, Cha làm Phó Giám đốc kiêm Giáo sư Tín Lý tại Đại chủng viện Vinh Thanh.

Từ năm 2010, cha làm Tổng đại diện của giáo phận Vinh.

ChaNguyenHuuLong.jpgChaNguyenVanVien.jpg

- Vị thứ hai là Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, thuộc tu đoàn Xuân Bích, Giám đốc đại chủng viện Huế, được ĐTC bổ nhiệm làm tân GM Phụ tá giáo phận Hưng Hóa, với hiệu tòa Gummi di Bizacena.

Đức Cha Alphongsô Long năm nay 60 tuổi, sinh ngày 25-1 năm 1953, theo học tại tiểu chủng viện thánh Gioan ở Đà Nẵng từ năm 1965 đến 1972, rồi tại Đại chủng viện Hòa Bình cũng tại giáo phận này từ năm 1972 đến 1978. Từ 1978 đến 1982 cha thi hành nghĩa vụ dân sự tại tỉnh Quảng Nam. Thầy Long thụ phong linh mục ngày 29-12 năm 1990 thuộc giáo phận Đà Nẵng và gia nhập Tu đoàn Xuân Bích.

Sau khi thụ phong linh mục, Cha Alphongsô Long đảm nhận các công việc sau đây:

- 1990 đến 1994: Phó Xứ Tam Kỳ, Đà Nẵng

- 1994 đến 1998: theo học và đậu cử nhân giáo luật tại Học Viện Công Giáo Paris, Pháp.

- 1999-2001: Cha sở giáo xứ Hà Lam, giáo phận Đà Nẵng

- 2001 - 2003: Cha Sở Trà Kiệu, giáo phận Đà Nẵng

- 2003 - 2011: Linh hướng và Giáo Sư giáo luật, Giáo Sử và Huấn giáo tại Đại chủng viện Huế

- Từ 2011: Giám đốc Đại chủng viện Huế


(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 15-06-2013)

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN C




(1V 17,17-24; Gl 1,11-19; Lc 7,11-17)
Chủ đề:
THIÊN CHÚA
ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
“Trông thấy bà,
Đức Chúa chạnh lòng thương”
(Lc 7,13)

I. CÁC BÀI ĐỌC
Lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày rõ qua các bài đọc hôm nay. Thiên Chúa đã thể hiện tình thương đến với bà góa nghèo ở Sarépta khi bà đau khổ trước cái chết của đứa con trai. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy sự đau khổ của con người và thực hiện phép lạ cứu sống đứa con trai của bà góa thành Naim. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trong cuộc sống và ơn gọi tông đồ của mình.

1. Bài đọc I (1 V 17,17-24)
Trong thời gian xảy hạn hán ở Israel, Thiên Chúa sai ngôn sứ Êlia đến Sarépta, thuộc Siđôn, vùng đất của dân ngoại để làm phép lạ giúp bà góa nghèo. Bà có một đứa con trai đang bị bệnh nặng. Bà đã thốt lên lời than trách như bao người khác khi đứng trước đau khổ: Tại sao Thiên Chúa đánh phạt tôi? Tôi đã làm điều gì sai phạm? Tại sao lại xảy đến cho tôi những điều tai ương? Bà góa này đã suy tư, đặt vấn nạn và cuối cùng đã đi đến kết luận rằng những gì bà đang gặp hiện nay là do tội lỗi mà bà đã mắc phạm thời xuân xanh. Bà đã xác quyết rằng chính sự hiện diện của ngôn sứ đã dẫn đến cái chết cho con trai của bà; chính sự thánh thiện của ngôn sứ đã nhắc nhở Thiên Chúa về những lỗi lầm của bà trong quá khứ, do đó đã dẫn tới hậu quả này: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi và làm cho con tôi phải chết?”. Bà cảm thấy mình có trách nhiệm đối với cái chết của con mình. Êlia đã không trả lời vấn nạn của bà góa. Ông ẵm đứa trẻ lên phòng và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ngài đã lắng nghe lời cầu xin của ngôn sứ khi cho đứa bé sống lại. Phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện qua ngôn sứ Êlia đã giúp bà góa nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi sứ vụ của Êlia: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”.
2. Bài đọc II (Gl 1,11-19)
Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu ở Galazia ơn gọi tông đồ của mình. Ngài cảm nghiệm rằng sứ vụ của mình xuất phát từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho ngài từ rất xa xưa: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người”. Qua biến cố ngã ngựa, Phaolô nhận ra và tin vào Đức Giêsu Kitô. Đây là mặc khải yêu thương mà Thiên Chúa đã ban cho Phaolô, để rồi thánh nhân dấn thân cách quyết liệt cho sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Từ một người Do Thái nhiệt thành, một người bắt bớ và gây sợ hãi cho các Kitô hữu tiên khởi, Phaolô đã trở thành một tông đồ nhiệt thành loan báo Tin Mừng Đức Giêsu.
3. Tin Mừng (Lc 7,11-17)
Đức Giêsu đi tới thành Naim, một thành ở Galilê. Khi đến gần cổng thành, Người thấy một đám đông đang khiêng một người chết đi chôn. Người này là đứa con trai duy nhất của một bà góa. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và Người đã thực hiện phép lạ làm cho đứa con trai được hồi sinh. Động từ “chạnh lòng thương” xuất hiện vài lần trong các Tin Mừng để diễn tả cõi lòng của Đức Giêsu. Người đã rung động cõi lòng trước những người đang gặp đau khổ: “Trông thấy bà, Đức Chúa chạnh lòng thương”. Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Người không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động cụ thể. Người không dừng lại ở những lời an ủi dành cho người mẹ: “Bà đừng khóc nữa”, nhưng còn thể hiện qua hành động “Người lại gần, sờ vào quan tài... Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. Đây là điều an ủi lớn lao đối với chúng ta khi chúng ta đọc đoạn Tin Mừng này; bởi vì, chúng ta cảm nghiệm rằng Thiên Chúa ở không cách xa con người, Ngài hiểu, chia sẽ và chữa lành những đau khổ của họ. Qua phép lạ này, Đức Giêsu mặc khải cho dân chúng thấy hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi và yêu thương con người: “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’”.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”. Qua lời rao giảng, việc làm của Êlia, bà góa này đã nhận biết uy quyền của Thiên Chúa, nhận biết căn tính của ngôn sứ cũng như chân nhận sự thật trong lời rao giảng của ngôn sứ. Cuộc sống của tôi có trở nên tấm gương phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho người khác để họ nhận biết Ngài?
2. “Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Được biết về Đức Giêsu là ơn sủng của Thiên Chúa. Tôi có trân trọng hồng ân cao cả này không? Tôi có biết chia sẽ và làm chứng về Đức Giêsu cho người khác?
3. “Trông thấy bà, Đức Chúa chạnh lòng thương”. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi bất cứ những ai tìm đến Ngài như nguồn mạch của sự an ủi, yêu thương. Tôi có cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống cá nhân không? Tôi có biết đến với Thiên Chúa để chia sẽ với Ngài những trăn trở, vui buồn của cuộc sống không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài và là chúa của sự sống, Người có thể lấy đi hoặc trả lại sự sống cho con người. Với niềm xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta hãy thành tâm và tha thiết cầu xin.
1. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà góa thành Naim. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và các Linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa mong ước, trở nên dấu chỉ sống động cho lòng thương xót của Chúa qua lời nói và hành động khi thi hành tác vụ Chúa trao.
2. Chúa đã an ủi bà mẹ mất con: “Bà đừng khóc nữa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người nghèo đói, đau khổ hay già yếu bệnh tật cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, thấy mình được an ủi và nâng đỡ, luôn xác tín vào tình Chúa quan phòng hầu có thêm can đảm để đón nhận và vượt qua mọi khó khăn thử thách.
3. Chúa phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy chỗi dậy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những Kitô hữu đang sống trong tội lỗi và đắm chìm trong văn hoá sự chết, được nghe tiếng Chúa thức tỉnh để chỗi dậy, dứt khoát với mọi đam mê sai trái, biết tìm đến nguồn mạch ân sủng nơi các bí tích, và sống một đời sống mới như Chúa muốn.
4. Mọi người đều ngợi khen Thiên Chúa khi chứng kiến phép lạ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và trân trọng hồng ân sự sống Chúa ban, biết dùng cuộc sống tạm đời này để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân, đồng thời chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của chính mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Thiên Chúa hằng sống, xin thương nhận những ý nguyện chúng con dâng lên Chúa và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con biết sống trọn vẹn ơn gọi ở đời này để xứng đáng được thông phần vào sự sống của Chúa ở đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.