Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Giáo phận Bắc Ninh Không Có Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu


TÒA GIÁM MỤC BẮC NINH
TP. BẮC NINH - VIỆT NAM
Tel: +84 (241) 382 1438
Fax: +84 (241) 382 4843
Email: tgmbn@yahoo.com
Bắc Ninh, ngày 28.3.2013

THÔNG BÁO
V/v: Giáo phận Bắc Ninh Không Có Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu

Trong chương trình thời sự tối ngày 26 tháng 3 năm 2013 của đài truyền hình trung ương VTV1 có đoạn phóng sự “Chức sắc tôn giáo góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992,” có dòng chữ chú thích “Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Ninh” làm cho nhiều người ngộ nhận ông Nguyễn Quốc Hiếu là linh mục của Giáo Phận Bắc Ninh.
  
Vì vậy, Văn phòng Tòa giám mục Bắc Ninh  xác nhận và thông báo  giáo phận Bắc Ninh không có linh mục nào tên là Nguyễn Quốc Hiếu.


                                                                             Trân trọng kính báo,

                                                                Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường
                                                                  Chánh văn phòng  TGM Bắc Ninh

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa




VATICAN (SD 29-3-2013) - Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, 29-3-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8.000 tín hữu, khoảng 30 Hồng y và 25 Giám mục tại Tòa Thánh.
Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng đã diễn giảng về đề tài "Được trở nên công chính nhờ niềm tin nơi Máu Chúa Giêsu Kitô".

Cha gọi biến cố Thứ Sáu Tuần Thánh này là cao điểm của Năm Đức Tin, và là lúc quyết định. Chính niềm tin này cứu thoát, niềm tin chiến thắng thế giới (x. 1Ga 5,5). Trong ngày này, chúng ta có thể đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời, quyết định mở toang các cánh cửa vĩnh cữu: tin! Tin rằng "Chúa Giêsu đã chết cho tội lỗi chúng ta và sống lại để làm cho chúng ta trở nên công chính" (Rm 4,25).

Vị giảng thuyết tại Phủ Giáo hoàng cũng đặc biệt nói đến sứ mạng của Giáo Hội và các tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng ngày nay, và khẳng định rằng "việc rao giảng Tin Mừng của Kitô giáo không phải là 'chinh phục', cũng chẳng phải là 'tuyên truyền'; đó là một món quà của Thiên Chúa cho thế giới trong Chúa Giêsu con của Ngài. Đó là mang lại cho Đầu niềm vui được cảm thấy sự sống chảy từ con tim tới toàn thân và làm cho các chi thể xa xăm nhất được sinh động. Chúng ta phải làm sao để Giáo Hội không bao giờ giống như lâu đài phức tạp và cồng kềnh như câu chuyện của văn sĩ Franz Kafka (Un messagio imperiale) và làm sao cho sứ điệp có thể xuất phát từ Giáo Hội, tự do và vui tươi như khi mới bắt đầu. Chúng ta biết đâu là những chướng ngại có thể cản trở các sứ giả: đó là những bức tường phân cách, bắt đầu là những bức tường chia rẽ các Giáo Hội Kitô với nhau, bệnh bàn giấy thái quá, những tàn tích của guồng máy, những luật lệ và tranh luận quá khứ, nay trở thành những đống gạch vụn."

Cha Cantalamessa nhắc đến những lời gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy đi tới các khu ngoại ô của cuộc sống, những khu vực tội lỗi, đau khổ, bất công, dốt nát và dửng dưng về tôn giáo, của tư tưởng và mọi hình thức lầm than. Cha nhận xét: "Cũng như với một số tòa nhà cũ kỹ. Qua các thế kỷ, để thích ứng với những đòi hỏi của giai đoạn, người ta làm đầy những tòa nhà ấy bằng những vách ngăn, những cầu thang và những phòng lớn nhỏ. Đến một lúc người ta nhận thấy tất cả những thích ứng đó không còn đáp ứng các đòi hỏi hiện nay nữa, thậm chí chúng còn là một chướng ngại, và phải có can đảm phá đổ tất cả những thứ ấy, đưa tòa nhà trở lại tìnht rạng đơn sơ, hợp với thời nguyên thủy. Đó là sứ mạng mà một hôm, một người cầu nguyện trước cây thánh giá Thánh Damiano, đã nhận lãnh: "Hỡi Phanxicô, hãy sửa lại nhà của Ta!".

Cha Cantalamessa nhắc nhở rằng công trình đó không phải là điều chúng ta tự sức mình có thể làm được, nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có khả năng trở thành những thừa tác viên của giáo ước mới, không phải bằng chữ viết, nhưng là bằng Thần Trí (x. 2Cr 2,16; 3,5-6).

Và cha kết luận: "Xin Chúa Thánh Linh, trong lúc đang mở ra cho Giáo Hội một thời kỳ mới, đầy triển vọng, khơi dậy nơi con người sự chờ đợi sứ điệp và nơi các sứ giả ý chí chuyển đạt sứ điệp cho họ, dù phải hy sinh mạng sống".

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. 120 linh mục đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Lúc 9 giờ 15 phút tối cùng ngày 29-3-2013, theo chương trình, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma. Nghi thức này được hơn 60 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Roma, đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là các gia đình Italia và Ấn Độ, người khuyết tật và những người trợ giúp, hai linh mục từ Thánh Địa, các nữ tu từ Trung Đông, 2 chủng sinh người Hoa, và các tín hữu từ Phi châu.

Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do các bạn trẻ Công giáo Liban soạn, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng y Béchérai Rai, Giáo chủ Công giáo Maronite.










G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm và cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho các tù nhân thiếu niên




ROMA (SD 28-3-2013) - Lúc 5 giờ 30 chiều 28-3-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm và cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho các tù nhân thiếu niên ở nhà tù Casal del Marmo ở Roma.
Nhà tù này cách Vatican khoảng 8 km và hiện có 46 thiếu niên, 35 nam và 11 nữ, đang được cải huấn. Xét về quốc tịch, các em gồm 8 người Ý và 38 người nước ngoài, phần lớn là người Bắc Phi và Slave.

Linh hoạt Thánh lễ do các thiện nguyện viên giúp tại nhà tù và thành viên Phong trào Canh tân trong Thánh Linh. Các bài đọc và lời nguyện giáo dân do các thiếu niêm đảm trách.

Thánh lễ thật đơn sơ, theo ý muốn của Đức Thánh Cha. Đồng tế với ngài có Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Roma, Đức Tổng Giám mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh, và Cha Gaetano Greco, Tuyên uý nhà tù Thiếu niên, Đức ông Xuareb, người Malta, bí thư riêng của Đức Thánh Cha. Ngoài ra có 2 phó tế hiện diện.

Trong số đại diện chính quyền, có bà Bộ trưởng Tư pháp Paola Severino, và bà Caterina Chinnici, Giám đốc Phân bộ Công lý Thiếu niên, và Chỉ huy trưởng Cảnh sát Nhà tù ở địa phương.

Vì là nhà tù thiếu niên, nên các ký giả truyền hình không được phép quay phim.

Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha rửa chân cho 12 thiếu niên thuộc các quốc tịch và tôn giáo khác nhau: 10 nam và 2 nữ, trong đó cũng có 1 thiếu nữ Hồi giáo.

Trong bài giảng ứng khẩu đơn sơ và ngắn gọn, Đức Thánh Cha nói:

"Thật là một cử chỉ cảm động. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Phêrô không hiểu gì và từ khước. Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho ông. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà làm điều đó! Và chính Ngài giải thích cho các môn đệ: "Các con có hiểu điều Thầy làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, và các con nói đúng, vì Thầy là như vậy. Vậy nếu là Thầy và là Chúa mà Thầy rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm như Thầy đã làm." Đó là gương của Chúa: Ngài là người quan trọng nhất, mà rửa chân, vì người nào cao trọng nhất trong chúng ta, phải phục vụ người khác. Đó là là một biểu tượng, một dấu hiệu. Rửa chân có nghĩa là "tôi là người phục vụ cho anh". Và cả chúng ta, không phải là chúng ta phải rửa chân mỗi ngày cho nhau, nhưng điều ấy có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhiều khi ta bực mình với người khác, nhưng hãy bỏ qua, và nếu người khác xin bạn giúp, thì hãy làm. Hãy giúp đỡ nhau: đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta và đó là điều tôi làm, và tôi làm hết lòng, vì đó là bổn phận của tôi. Trong tư cách là linh mục và như là giám mục, tôi phải phục vụ các bạn. Nhưng đó là một nghĩa đến với tôi từ con tim: tôi yêu mến điều đó và tôi làm vì Chúa đã dạy tôi làm. Và cả các bạn: hãy giúp đỡ nhau, khi làm như thế, chúng ta làm điều thiện. Bây giờ chúng ta cử hành nghi thức rửa chân, và chúng ta nghĩ: mỗi người chúng ta nghĩ: Tôi có thực sự sẵn sàng, phục vụ, giúp đỡ người khác hay không? Chúng ta hãy nghĩ điều đó thôi. Chúng ta hãy nghĩ rằng dấu hiệu này là một sự âu yếm mà Chúa Giêsu đã làm, vì Chúa Giêsu đã đến để làm điều đó, để phục vụ, để giúp đỡ chúng ta."

Trong cuộc viếng thăm, các bạn trẻ tù nhân trao tặng Đức Thánh Cha một Thánh giá bằng gỗ và một bàn quỳ cũng bằng gỗ cho chính họ làm trong xưởng thủ công của trại tù. Về phần Đức Thánh Cha, ngài tặng cho mọi bạn trẻ trứng sôcôla và bánh chim bồ câu, vốn là những món truyền thống trong Mùa Phục Sinh.

Khi Đức Thánh Cha đến gần nhà tù, dọc đường có rất đông người đứng chào đón ngài.


G. Trần Đức Anh OP

Chuyện chiếc thang


Chuyện chiếc thang
ảnh minh họa
Dyan và cậu con trai 9 tuổi - Jack đang thả diều trong công viên thì không may, chiếc diều bị mắc vào những bụi hoa dại trên tường. Anh vội lấy một chiếc thang, định trèo lên thì Jack nhanh nhảu: “Bố ơi, để con leo lên cho”.

Dyan âu yếm nhìn con rồi nói: “Được rồi, con muốn thì để con làm vậy”. Jack thoăn thoắt leo lên đến bậc thang cuối cùng. Gỡ xong sợi dây diều ra khỏi lùm hoa, cậu bé đang định leo xuống thì Dyan ngăn lại. Jack ngạc nhiên hỏi: “Chuyện gì vậy cha?”. “Để cha kể cho con nghe một câu chuyện trước đã, rồi con hãy xuống”, Dyan đáp lại.
Dyan bắt đầu: Có một ông bố nói với cậu con trai đang đứng trên một cái thang rất cao, con hãy nhảy xuống, cha sẽ đỡ. Cậu nhún người, nhảy xuống. Nhưng người cha nghiêng người né tránh. Cậu bé ngã nhào ra đất. Cậu khóc và hỏi cha mình tại sao làm như vậy. Người cha đáp: “Cha muốn dạy con một bài học: Ngay đến lời nói của cha mình cũng không đáng tin cậy, huống chi lời nói của kẻ khác”…
Dyan tiếp tục: “Bây giờ hai bố con mình cũng làm thử như vậy một lần nhé”. Jack mặt tái nhợt. Cha cậu động viên: “Đừng sợ, dũng cảm lên, con chỉ cần nhảy một cái là ổn thôi, cha muốn con giữ được ấn tượng sâu sắc để sau này lớn lên con không bị mắc lừa kẻ khác”.
Song, Jack vẫn không dám nhúc nhích. Dyan nói: “Khi cha đếm đến 3 thì con nhảy xuống nhé. Ở dưới này cha sẽ đưa tay ra rồi rụt lại nhé”. Jack nghiến răng, nhắm mắt nhảy xuống, tự tưởng tượng mình sẽ bị vỡ ra như một quả bí đỏ vậy. Nhưng thật bất ngờ, Dyan không thu tay lại mà đỡ lấy cậu bé, ôm chặt lấy cậu. Jack ngạc nhiên hỏi: “Tại sao cha lại dọa con?”.
Dyan vừa cười vừa nói: “Cha muốn con biết rằng lời nói của kẻ khác có lúc còn có thể tin được, huống chi là lời nói của cha mình”. Vẻ tươi tỉnh lộ rõ trên khuôn mặt ngây thơ của cậu bé. Cậu ôm chầm lấy cha, không ngừng hôn lên má người cha đáng kính của mình.

Chia sẻ Chúa Nhật Phục Sinh



Thánh Lễ Chính Ngày
(Cv 10,34a.37-43 ; Tv 117 ;
Cl 3,1-4 ; Ga 20,1-9)
Chủ đề: TRUNG TÂM NIỀM TIN KITÔ GIÁO
“.....
theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”
(Ga 20,8-9)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Cv 10,34a.37-43):
Mầu nhiệm Phục sinh là trung tâm của niềm tin Kitô giáo, do đó không lạ gì mầu nhiệm này cũng là tâm điểm của các lời giảng dạy của các Tông đồ. Lời giảng dạy của thánh Phêrô tại nhà ông Cônêliô ở Xêdarê cũng giống như những lời giảng thuyết trước đó, tập trung trên con người và sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đã được Thiên Chúa Cha xức dầu thánh hiến qua việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người, để như Đấng Mêsia, Người thực hiện lời ngôn sứ Isaia loan báo: chữa lành người đau yếu, giải thoát kẻ bị giam cầm, công bố tin mừng Nước Thiên Chúa. Người đã bị kết án tử nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Chính Phêrô và các Tông đồ là những nhân chứng về các điều họ giảng dạy. Họ không chỉ thấy Người đã sống lại nhưng còn ăn uống và trò chuyện với Người. Các Tông đồ cũng thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh là loan báo cho mọi người biết Người chính là Đấng sẽ xét xử muôn dân, nhưng những ai tin vào Người sẽ được sống.
Như thế sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, đã được Cựu Ước loan báo và chính Người đã thực hiện. Người đến cứu độ con người khỏi án phạt của tội lỗi nhờ sự chết của Người và ban cho họ sự sống mới nhờ thông phần vào sự phục sinh của Người. Người không chỉ đến để cứu người Do thái, nhưng là tất cả những ai tin vào Người, những ai sống theo sự công chính và ngay thẳng. Do đó thánh Phêrô đã tuyên bố rằng Thiên Chúa không thiên vị người nào, dù là Do thái hay dân ngoại. Những người tin vào lời giảng dạy của các Tông đồ không chỉ có người Do thái, nhưng cả dân ngoại, và họ không chỉ tin vào các Tông đồ nhưng chính là tin vào Đấng các ngài rao giảng và làm chứng, Đấng thực hiện lơi hứa cứu độ cho những ai tin tưởng vào Người.

2. Bài đọc 2 (Cl 3,1-4):
Qua phép rửa tội, tín hữu chết cho con người cũ của tội lỗi và được tham dự vào sự sống mới Chúa Kitô phục sinh trao ban. Do đó Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu, những người đã sống lại với Đức Kitô hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thánh nhân không có ý bảo các tín hữu xa lánh hay sống bên lề xã hội, không quan tâm đến cuộc sống hiện tại. Nhưng thay vì chú tâm tìm kiếm những thứ sẽ hư hao tan biến thì các tín hữu hãy biết sử dụng cuộc sống hiện tại theo một phương thế tích cực. Những lời khuyên nhủ của thánh Phaolô mang màu sắc tích cực, tìm kiếm những điều tốt, những điều thuộc về Thiên Chúa. Tâm trí của người tín hữu phải hướng đến cuộc sống vĩnh cửu, tìm thấy nơi đó chính là cuộc sống thật và mục đích của hành trình trần gian. Chính nhờ đời sống mới của họ mà tín hữu có thể ngợi khen chúc tụng Đức Kitô phục sinh, Đấng đã tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Đấng đã phục sinh và không bao giờ chết nữa.

3. Bài Tin Mừng (Ga 20,1-9):
Nếu trong mùa Phục Sinh chúng ta chờ đợi để nghe các thánh sử tường thuật lại việc Chúa Giêsu đã sống lại như thế nào thì chắc hẳn chúng ta sẽ thất vọng, vì trong các đoạn nói về Chúa Giêsu phục sinh, bốn sách Tin Mừng đều không trình bày sự kiện Chúa Giêsu đã phục sinh như thế nào, nhưng chỉ kể lại việc các phụ nữ đến viếng mồ Chúa Giêsu, việc tảng đá trước mộ đã bị lăn ra, ngôi mộ trống, các thiên thần báo tin Người đã sống lại, các cuộc hiện ra của Người, vv. Chúng ta có thể thắc mắc: đoạn Tin Mừng của ngày Chúa nhật Phục Sinh hôm nay chỉ nói về ngôi mộ trống cùng các tấm khăn liệm và các băng vải được xếp gọn, còn xác của Chúa Giêsu thì không còn ở đó. Những điều này có ý nghĩa gì đối với việc phục sinh của Chúa Giêsu và đối với niềm tin của chúng ta vào việc Chúa Giêsu phục sinh?
Thánh sử Gioan kể lại rằng bà Maria Mađalêna đã đi ra mồ lúc trời còn tối vào sáng ngày thứ nhất trong tuần và bà đã nhìn thấy tảng đá trước cửa mồ đã được lăn ra. Bà đã chạy về báo cho ông Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, và họ đã chạy đến mồ. Đến nơi họ chỉ thấy mồ trống cùng các khăn liệm vẫn còn đó và khăn che đầu được xếp lại và nằm riêng một chỗ. Thánh Gioan kể thêm: người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã thấy và đã tin. Ông thấy gì và tin gì? Có lẽ ông thấy mộ trống cùng các khăn liệm được xếp ngay ngắn nên ông tin là Chúa đã sống lại? Mồ trống có phải là dấu chỉ của việc Chúa sống lại không? Không chắc, vì như thánh Mátthêu đã viết, các lính canh Do thái đã nhận tiền để phao tin là các môn đệ của Chúa Giêsu đã đến lấy xác của Người; hay như chính bà Maria Mađalêna, khi thấy tảng đá bị lăn ra đã chạy đi báo cho các môn đệ Chúa Giêsu là “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Nhưng các tấm khăn liệm và khăn vải được xếp ngay ngắn có thể cho thấy mộ trống không phải là kết quả của một cuộc trộm xác, vì không có kẻ trộm nào lại dư giờ lột các tấm khăn rồi còn xếp ngay ngắn; hơn nữa vác một cái xác không có quấn khăn làm cho việc trộm xác dễ bị lộ diện. Các thánh sử sau khi thuật lại sự kiện mồ trống đã kể lại các lần hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria, với các môn đệ của Người. Như vậy sự kiện mồ trống và các cuộc hiện ra có một sự liên hệ: mồ trống xác nhận là Chúa Giêsu không còn ở đó, và các cuộc hiện ra xác nhận rằng Người không còn ở trong mồ vì Người đã sống lại; Người đã sống lại từ cõi chết.
Điều quan trọng thánh sử Gioan nhấn mạnh trong đoạn Tin Mừng hôm nay chính là niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu và hành trình đi đến niềm tin đó. Thánh sử đã nhấn mạnh: “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã thấy và đã tin”. Sự kiện mồ trống có thể làm cho hai môn đệ hoang mang bối rối, nhưng thánh sử đã cho thấy hành trình đến niềm tin của người môn đệ được yêu mến. Điều người môn đệ này thấy cũng là điều ông Phêrô thấy, nhưng tác giả nhấn mạnh trên niềm tin của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến. Niềm tin tác giả nói đến đây là một niềm tin thật sự, một cảm nghiệm sâu xa, niềm tin chỉ có thể giải thích bằng sự liên kết của tình yêu, cảm nhận của tình yêu. Bà Maria cũng yêu mến Chúa Giêsu nên đã đến viếng mồ từ sáng sớm. Nhưng khi thấy tảng đá bị lăn ra khỏi cửa mồ, bà chỉ nghĩ đến việc người ta đã mang Người đi. Ông Phêrô cũng yêu mến Chúa Giêsu, cũng lo lắng vội vàng chạy đến mồ khi nghe báo người ta đã mang Chúa đi, nhưng vẫn không nhận ra mầu nhiệm của những sự kiện đang nhìn thấy. Còn người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến thì khác, ông đã thấy và đã tin.
Việc thánh sử Gioan lập đi lập lại “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến” không ngoài mục đích nhấn mạnh đến tình yêu của Chúa Giêsu dành cho ông và chắc chắn tình yêu của ông đối với Người. Chính cách gọi này dẫn chúng ta đến lý do tại sao người môn đệ này “đã tin”. Tình yêu đã thúc đẩy ông cùng với ông Phêrô chạy đến mồ khi nghe bà Maria báo tin người ta đã mang Chúa đi. Tình yêu đã giúp ông nhận ra được Chúa Giêsu trong khi các môn đệ khác còn đang bối rối lo sợ. Tình yêu đã giúp ông nhận ra Người đã phục sinh ngay cả khi không được nhìn thấy Người đã phục sinh như thế nào. Có những điều lý trí không giải thích được nhưng tình yêu đã giúp cảm nhận và nắm bắt ý nghĩa của nó. Tình yêu đã soi sáng cho người môn đệ này nên khi nhìn thấy mồ trống và các khăn liệm ông tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Niềm tin của người môn đệ này giải thích ý nghĩa của sự kiện mồ trống; mồ trống không phải vì người ta đã trộm xác Chúa Giêsu, nhưng chính là vì Người đã sống lại.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Bao nhiêu lần mừng lễ Phục sinh tôi có tự hỏi việc Chúa sống lại có ý nghĩa nào trong cuộc đời tôi? Tôi có xác tín Người đã chết và sống lại vì tôi? Lễ Phục Sinh được cầu chúc “Phục Sinh vui tươi” có đúng với tôi không? Tôi có cảm nghiệm niềm vui Chúa Phục Sinh mang lại cho tôi, hi vọng Người ban cho tôi, để niềm vui Phục sinh cũng được tôi trao ban cho anh em tôi?
2. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu của bà Maria, của ông Phêrô hay của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến có chất vấn tình yêu của tôi dành cho Người và cho anh em, để có thể có một gặp gỡ, có những đồng cảm chia sẻ có thể thay đổi cuộc đời của tôi hay của anh em tôi?
3. Lời mời gọi của thánh Phaolô nhắc nhở tôi hãy thay đổi cách sống của mình để trở nên giống với những người thuộc về Thiên Chúa, những người đang sống sự sống mới được lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy, qua việc giao hòa với Thiên Chúa và anh em trong bí tích hòa giải, và nhờ sức mạnh thần linh được thông ban qua việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa.



III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Kitô chỗi dậy từ trong cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần; nơi Người, chúng ta được tái sinh và đón nhận sức sống mới. Trong niềm hân hoan mừng Chúa sống lại, chúng ta cùng tôn vinh chúc tụng Chúa và dâng lời cầu nguyện.
1. Người môn đệ được Chúa yêu “đã thấy và đã tin.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và nhiệt tâm loan báo tin mừng Phục Sinh cho con người hôm nay bằng lời rao giảng, đời sống cầu nguyện và gương sáng đức tin của mình.
2. “Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới được nghe loan báo về Đức Kitô phục sinh và tin nhận Người là “khởi nguyên và cùng đích”, để tất cả mọi người luôn sống trong tin yêu hy vọng hướng về hạnh phúc đời đời.
3. Đức Kitô phục sinh là niềm hy vọng và an ủi cho những ai u sầu thất vọng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ hồn xác được tham dự vào niềm vui phục sinh hôm nay, để thêm can đảm đón nhận và vác thập giá trong đời sống hàng ngày mà bước theo Chúa.
4. “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người tham dự phụng vụ hôm nay được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Chúa phục sinh, biết làm sống động đức tin của mình qua đời sống đạo nhiệt thành, trở nên men muối cho đời, và ánh sáng cho trần gian.
Chủ tế: Lạy Chúa, Con Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và cho niềm vui phục sinh hôm nay biến đổi chúng con trở nên những con người mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Thư Tổng Phục Vụ Dòng Phanxicô gửi nhân dịp Lễ Phục sinh 2013



 

" LẠY CHÚA, CON TIN, NHƯNG XIN GIÚP LÒNG TIN YẾU KÉM CỦA CON" (Mc 9,24)
   “Người đã trỗi dậy” (Lc24,6)
Anh chị em thân mến,
Đây là kinh nghiệm của những người đã từng ăn, từng uống với Chúa Giêsu sau khi Người sống lại (x. Cv 10,41) và cũng là kinh nghiệm của những người đã được tái sinh “trong niềm hy vọng sống động và thừa hưởng gia tài không bao giờ hư nát” (1 Pr 1,4). “Người đã trỗi dậy!” Đây chính là nền tảng của đức tin chúng ta, là lý do biện minh cho đức cậy và đức mến của chúng ta: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Nếu không có kinh nghiệm ấy, thập giá của Đức Giêsu cũng như thập giá của chính chúng ta hẳn chỉ trở thành một thảm kịch và cuộc đời của Kitô hữu là một điều phi lý. Tuy nhiên, khởi đi từ đây, chúng ta có thể hát lên cùng với phụng vụ, “O Crux, ave, spes unica”, “Kính lạy Thánh giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.” Đấng chịu đóng đinh “đã trỗi dậy vào ngày thứ ba, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,4). Đây là trung tâm điểm của đức tin chúng ta cũng như của kerygmatiên khởi; “Đây là điều chúng tôi rao giảng” (1 Cr 15,11). Sự Phục sinh là tiếng “có/đồng ý” của Chúa Cha nói với Con của Người, và nơi Người Con ấy, Chúa Cha cũng nói với chúng ta như thế. Đây cũng là chủ đề của việc loan báo và là nền tảng đức tin của chúng ta.

“Vâng, Người đã sống lại thật”
Tôi luôn có ấn tượng mạnh bởi cách các Kitô hữu Đông phương chào nhau trong mùa này: “Đức Kitô đã sống lại”, và câu đáp: “Vâng, Người đã sống lại thật.” Vâng, Người đã sống lại! Chúng ta tuyên xưng niềm tin này vào dịp này trong bối cảnh Năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI muốn có “để Giáo Hội canh tân lòng nhiệt thành trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới, để lại thắp lên niềm vui được bước đi trên con đường Người đã chỉ cho chúng ta, và để làm chứng cụ thể về sức mạnh biến đổi của đức tin” (Đức Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến 17/10/2012).

Tin, một hành trình kéo dài suốt đời
Có lẽ anh chị em lấy làm lạ khi tôi dành lá thư Phục Sinh này để nói về chủ đề đức tin. Hẳn là có những người nghĩ rằng đức tin là một tiền đề hiển nhiên trong đời sống của một người Phan sinh và một tu sĩ. Tôi lại không cho là như thế. Đức tin thực sự không bao giờ có thể là một điều đương nhiên, đặc biệt trong thời đại chúng ta, khi mà “cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức tin đã ảnh hưởng tới nhiều người” (CCĐT 2). Hơn nữa, do đang bước qua “cánh cửa đức tin” (Cv 14,27) “bước vào con đường kéo dài cả cuộc đời khởi đầu bằng việc thanh tẩy (x. Rm6,4) [...] và kết thúc bằng việc vượt qua cái chết, tiến đến sự sống đời đời (CCĐT 1), nên chúng ta nhất thiết phải canh tân đức tin của mình vào mọi thời buổi và trong mọi hoàn cảnh. Nhờ đó, đức tin của chúng ta mới có thể tăng trưởng mỗi ngày và “làm nổi bật niềm vui và niềm hưng phấn mới của cuộc gặp gỡ Đức Kitô” (CCĐT 2). Chúng ta phải can đảm tự hỏi: Tôi có phải là một tín hữu hay chỉ là một người vô thần thực hành? Tình trạng “sức khỏe” hiện nay đức tin của tôi như thế nào? Chúng ta cũng cần phải có một sự minh bạch cần thiết để đưa ra câu trả lời chân thật và sâu sắc cho những câu hỏi cốt thiết như thế.
Tôi không cho rằng tôi xa sự thật khi nói rằng cuộc khủng hoảng đức tin đang xảy ra bên trong Giáo Hội – như Đức Giáo Hoàng vẫn luôn nhìn nhận – cũng đang xảy ra giữa chúng ta. Khi nói như thế, tôi không nghĩ nhiều đến một đức tin lý thuyết hay một đức tin của các khái niệm, nhưng là một đức tin được cử hành, được sống và được tuyên xưng mọi ngày đời. Chúng ta không thể phủ nhận rằng hầu hết mọi anh em, mỗi ngày, không vênh vang, không tìm kiếm sự tán thưởng, vẫn đang nêu ra một chứng từ khiêm tốn về một đức tin được tuyên xưng, được sống và được cử hành, trong khi vẫn trung tín ngược lại mọi hy vọng và làm cho đời sống mình thành nơi cư ngụ của mầu nhiệm Vượt Qua. Cũng đúng là xu hướng duy thế tục – hiểu như là một khuynh hướng bao gồm những thái độ thù nghịch với đức tin đang tác động đến nhiều vùng rộng lớn của xã hội – có thể đã thâm nhập vào các huynh đệ đoàn và đời sống chúng ta. Cũng đúng là sự sa sút của chân trời vĩnh cửu và việc giản lược cái có thật hoàn toàn vào chiều kích trần thế đã tạo ra trên đức tin một hiệu quả giống như cát, khi quăng vào lửa, sẽ làm ngộp và cuối cùng dập tắt lửa. Tôi cho rằng chúng ta cần phải dừng lại (moratorium) để suy nghĩ sâu xa về đức tin của chúng ta, nhất là trong Năm Đức Tin này. Thật hợp thời những lời mà Đức Hồng Y Ratzinger khi ấy đã tuyên bố vào năm 1989, “tình trạng chối đạo của thời hiện đại chủ yếu là do đức tin được phản ánh quá ít nơi đời sống các Kitô hữu.”

Đức tin là đời sống
Đức giáo hoàng đương kim, trong giáo huấn đầu tiên của ngài về đức tin (17/10/2012), đã nói: “Tin vào Chúa không phải là chuyện chỉ liên hệ đến trí tuệ, lãnh vực của kiến thức thuộc trí tuệ mà thôi, nhưng là một sự thay đổi liên hệ đến toàn bộ đời sống chúng ta, liên hệ đến tất cả những gì làm nên bản thân chúng ta: các tâm tình, con tim, trí tuệ, ý chí, thể lý, các cảm xúc và các mối tương quan nhân loại.” Và cũng vào dịp này, Đức giáo hoàng Bênêđitô đã đặt câu hỏi: “Đức tin có thực sự là một sức mạnh biến đổi trong đời sống chúng ta, trong đời sống tôi chăng? Hay chỉ là một trong những yếu tố thuộc về đời sống chứ không phải là một yếu tố quyết định bao gồm toàn thể đời sống?” Anh chị em thân mến, đây là điều chúng ta phải tự hỏi vì đức tin không phải là một điều tách biệt khỏi đời sống nhưng là chính linh hồn của đời sống: “Đức tin Kitô giáo, năng động trong đức mến và mạnh mẽ trong đức cậy, không giới hạn nhưng làm cho đời sống trở nên nhân bản, quả thật đức tin làm cho đời sống nên nhân bản hoàn toàn” (Đức Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến nói trên).
Chúng ta không thể nói về đức tin mà không quy chiếu về đời sống vì chính đức tin làm cho đời sống nên dễ hiểu và hấp dẫn (x. Sant 2,1tt). Đức tin và đời sống cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau. Hơn thế nữa, khi đứng vững trong đức tin, chúng ta tin tưởng nghĩ đến việc dấn thân nhằm thay đổi những cơ cấu tội lỗi, “đang khi mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13). Chỉ nhờ liên kết đức tin với đời sống cũng như liên kết đức tin với việc dấn thân nhắm đến một xã hội sống hài hòa hơn với các giá trị Tin Mừng, chúng ta mới trở nên “những dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Đức Chúa Phục Sinh trong thế giới” (CCĐT 15). Tổng Tu nghị 2006 đã có lý khi nói trong văn kiện chung kết: “Đức tin bao hàm tất cả những gì làm nên thực chất của chúng ta... Đời sống trong đức tin là nguồn suối đích thực làm phát sinh niềm vui và niềm hy vọng cho chúng ta, là khởi điểm của hành trình bước theo dấu chân Đức Giêsu Kitô và của công cuộc chúng ta làm chứng cho Người trước mặt thế giới” (CNVCTTĐĐ, 18). Vì thế, đức tin và đời sống không thể tách rời nhau.
Trong Lời tựa của tác phẩm Breviloquium, thánh Bonaventura đã định nghĩa đức tin bằng ba hình ảnh mà tôi cho là soi sáng rất tốt cho những gì chúng ta đang đề cập đến. Đó là “fundamentum stabiliens” (nền tảng đưa lại sự bền vững), “lucerna dirigens” (ngọn đèn dẫn đường), “ianua introducens” (cửa đưa vào). Là nền tảng, đức tin là điều đưa lại cho ta sự bền vững trong cuộc sống; là ngọn đèn, đức tin là ánh sáng cho phép ta nhìn thấy và chỉ cho ta lối đi đúng hướng; và là cửa đưa vào, đức tin là điều cho phép ta tiến về phía trước và đưa ta vào sự hiệp thông với Đấng Cực Thánh. Đức tin là ánh sáng cho phép ta đi đến cửa và mở cửa ra để đi vào thế giới của Thiên Chúa và tiến đến với Người.

Đức tin: Ân sủng và trách nhiệm
Tin trước hết là đón nhận một món quà nhờ đó chúng ta được chúc lành dù không xứng đáng: Đó là món quà đức tin. “Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói.” Đây là điều sách Công vụ tông đồ thuật lại khi nói về bà Lyđia (Cv 16,14). Thánh Phanxicô cũng đã nhận ra điều này khi ngài nói trong Di Chúc: “Chúa đã ban cho tôi ơn đức tin [...] Chúa đã ban cho tôi và sẽ còn ban cho tôi ơn tin mạnh mẽ...” (x. DC 4.6). Đối với thánh Phanxicô cũng như đối với chúng ta, mọi sự đều là ân sủng (x. DC 1.2.4.6.14.25). Đức tin cũng là một ân sủng. Vì lý do này, đức tin luôn luôn nhắm đến hành động và biến đổi con người từ bên trong để đạt tới sự hoán cải lòng trí con người.
Tuy nhiên, đức tin cũng là một cam kết của cá nhân là bảo toàn và làm cho đức tin tăng trưởng. Nhằm mục tiêu này, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã đề nghị rằng trong suốt Năm Đức Tin này, chúng ta hãy “luôn ghi nhớ quà tặng đức tin cao quý ấy” (CCĐT 8). Ngay vị Giám mục thành Hyppô, ở một trong số các bài giảng của ngài về việc dâng trả tín biểu, nghĩa là khi chuyển giao Kinh Tin Kính, đã nói: “Anh chị em đã nhận [Kinh Tin Kính], nhưng anh chị em cũng phải luôn mang trong trí trong lòng mình; anh chị em phải ngâm nga trên giường ngủ, phải nghĩ tưởng lại trên các quảng trường và không được quên khi dùng bữa. Và ngay cả khi thân xác an nghỉ, anh chị em cũng phải để ý gìn giữ trong lòng” (Thánh Âutinh, Bài Giảng 215, 1). Giáo Hội tiên khởi yêu cầu phải học thuộc lòng Kinh Tin Kính (x. CCĐT9) để giữ vững đức tin và luôn nhớ hoàn cảnh riêng của các tín hữu. Việc nhớ lại và chuyển qua lòng trí một lần nữa không phải chỉ là chuyện thuộc về quá khứ, nhưng đưa đức tin vào hiện tại, thẩm định đời sống ta và đưa tới một sự tăng trưởng trong tương lai giống như hạt cải trong Tin Mừng (Mt 13,31). Vì vậy, nội dung Kinh Tin Kính – bản tóm tắt đức tin của chúng ta – làm nên lịch sử, trở nên đời sống và mở ra với những mirabilia Dei (những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa), mà Thiên Chúa vẫn đang thực hiện trong ta.
Đức tin còn là ân sủng mà ta đón nhận với lòng biết ơn chân thành và sâu sắc, là trách nhiệm giúp ta ý thức về đức tin, nhằm “khôi phục, thanh tẩy, xác nhận và tuyên xưng đức tin” (Đức Phaolô VI, Tông huấn Petrum et Paulum Apostolos, 1967). Nếu không muốn để cho đức tin cũng như ơn gọi làm muối, làm ánh sáng cho trần gian (Mt5,13-16) của mình bị tàn lụi, chúng ta phải không ngừng tái khám phá đức tin (x. CCĐT 4), phải sống trong niềm vui làm sao để chúng ta có thể tuyên xưng đức tin ấy, cả ở bình diện cá nhân và cộng đoàn, bên trong và bên ngoài (x. CCĐT8.9). Đức tin đã được ban cho tôi, cũng đã được trao phó cho tôi để tôi gìn giữ và làm cho tăng trưởng. “Với tấm lòng, ta tin [...]; với miệng lưỡi, ta tuyên xưng đức tin” (Rm 10,10). Đón nhận và trách nhiệm không thể tách rời nhau.


Đức tin: Sự trung tín với Đức Kitô và với Giáo Hội
Có một từ ngữ tóm tắt được và mô tả được đức tin, đó là sự gắn bó: sự gắn bó thân tình với một con người, với Đức Kitô, và là một sự gắn bó tươi vui với một số nội dung đã được Giáo Hội đề nghị trong Kinh Tin Kính và qua Huấn quyền. Sự gắn bó với con người Đức Giêsu Kitô, là điều thiết yếu trong cuộc sống tín hữu, bao hàm một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu qua một đời sống cầu nguyện liên lỉ, một đời sống bí tích phong phú và việc đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng trong lĩnh vực đức tin, tất cả mọi sự đều có liên hệ đến việc gặp gỡ với con người Đức Giêsu. Không có cuộc gặp gỡ ấy, sự gắn bó của chúng ta chỉ là gắn bó với một thứ ý tưởng hay với một ý thức hệ, chứ không bao giờ gắn bó với một con người hay với một lối sống. Hơn nữa, việc gắn bó với nội dung đức tin mà Giáo Hội trình bày còn bao gồm việc nhận thức, suy tư sâu sắc về nội dung ấy, cũng như một cách nhìn cùng một Giáo Hội ấy trong đức tin. Đây không phải là chuyện tuyên xưng “đức tin của tôi”, nhưng còn là nhận lấy đức tin của Giáo Hội làm đức tin của chính tôi, điều này được diễn tả trong sự vâng lời vì đức mến (x. Hn3,6) và chấp thuận “hoàn toàn đồng tâm nhất trí với tất cả những gì Giáo Hội đề nghị chúng ta tin” (CCĐT 10; MK 5; Dei Filius III). Tôi coi như là của tôi lời mời gọi của Thượng Hội Đồng vừa qua là hãy hâm nóng tâm tình nhiệt thành chúng ta vì được thuộc về Giáo Hội (x. Instrumentum Laboris 87). Chỉ khi xuất phát từ lòng nhiệt thành ấy, chúng ta mới có khả năng “tu bổ lại” Giáo Hội như thánh Phanxicô đã làm.

Đức tin theo thánh Phanxicô
Trong tư cách là những anh em hèn mọn hay những môn đệ của thánh Phanxicô, chúng ta cần phải dừng lại dù chỉ là trong giây lát, để suy tư về hành trình đức tin cũng như những lời nói của ngài. Khi đọc Tác phẩm của ngài, chúng ta có thể dễ dàng khám phá ra rằng trên hết mọi sự, đức tin của Phanxicô mang tính hướng thần với một cấu trúc rõ ràng mang tính Ba Ngôi và quy Kitô (x. Hn 1; L Ksc 22,41-55; 23,11; ĐT9,7). Kinh nghiệm thiêng liêng của ngài có đặc điểm là một tương quan mật thiết với Ba Ngôi. Mặt khác, điều bất ngờ là đức tin của ngài mang một chiều kích giáo hội, và như thế vượt khỏi một cách nhìn chỉ có tính cá nhân chủ nghĩa. Phanxicô, cũng như Giáo Hội, dạy chúng ta phải đọc: “Tôi tin” và “Chúng tôi tin” (x. CCĐT 9). Trong Di Chúc, Phanxicô đã tuyên xưng niềm tin của mình vào các nhà thờ và vào các linh mục (x. DC 4-7). Điều này cho phép chúng ta hiểu một khía cạnh khác cũng đáng lưu tâm, đó là tầm quan trọng cốt thiết của Giáo Hội trong đời sống đức tin của Phanxicô. Tầm quan trọng ấy không tùy thuộc vào sự hoàn hảo của các thành viên trong Giáo Hội, đặc biệt là hàng giáo phẩm và các linh mục, nhưng tùy thuộc việc Giáo Hội gặp gỡ Đức Kitô. Thiên Chúa đã nói với Phanxicô trong và qua Giáo Hội, ngay cả khi Giáo Hội đang gặp “nguy cơ đổ nát” (x. 2Cel10-11; BNB 13), vì khi ấy Đức Kitô cũng vẫn hiện diện trong Giáo Hội. Phanxicô không bao giờ xem Giáo Hội Rôma như một mối đe dọa đối với lối sống Tin Mừng, cho dẫu đó là một Giáo Hội “đầy thương tích” và “tội lỗi”. Khi đề cập đến các linh mục, ngài nói: “Tôi không muốn xem xét tội lỗi nơi các ngài vì tôi nhìn thấy Con Thiên Chúa nơi các ngài và các ngài là tôn chủ của tôi” (DC 9). Khởi đi từ niềm tin vào Đức Kitô như thế, cũng là niềm tin vào Giáo Hội, và là niềm tin đi qua niềm tin “vào các nhà thờ và các linh mục”, ta có thể hiểu tại sao Người nghèo thành Assisi đã chấp nhận lối sống do Đấng Tối Cao mặc khải cho (x. DC 14), để được Giáo Hội chuẩn nhận, và đã hứa trong Bản Luật là “vâng lời và kính trọng Đức Giáo Hoàng Hônôriô, các đấng kế vị được bầu chọn theo giáo luật và Hội Thánh Rôma” (L 1,2). Cũng từ quan điểm này, người ta có thể hiểu tại sao ngài đã yêu cầu anh em mình phải sống theo “đức tin và đời sống Công giáo” và tại sao đây là điều kiện để được ở lại trong huynh đệ đoàn (x. L Ksc 19,1). Cũng dễ hiểu vì sao đối với thánh Phanxicô, “đức tin Công giáo” là một trong những tiêu chuẩn nền tảng giúp biện phân một ứng sinh (x. L 2,2) và Giáo Hội là một tiêu chuẩn để phân định đức tin chân chính (x. T. Matura, Thánh Phanxicô nói về Thiên Chúa, Milano 1992).
Còn có một sự kiện khác nữa! Dọc theo hành trình của ngài, “đối với Phanxicô, mầu nhiệm Thánh Thể là trung tâm đời sống đức tin của ngài” (P. Martinelli, Dammi fede diritta, Porziuncula 2012), như chúng ta đọc được trong Huấn ngôn 1, giữa nhiều bản văn khác. Đứng trước mầu nhiệm này, theo cách diễn tả của thánh Âutinh, cần phải vận dụng con mắt trí khôn hoặc cặp mắt đức tin, để tránh nhìn theo xác thịt, và do đó, “không nhìn không tin” (x. Hn 1,8) (x. C. Vaiani, Vedere and credere. L’esperienza Christian di Francesco [Thấy và Tin. Kinh nghiệm Kitô giáo của Phanxicô], Milan 2000). Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng, đối với thánh Phanxicô, mầu nhiệm Thánh Thể được liên kết mật thiết với Lời đến nỗi Lời được nhìn xem trong cùng một lô-gích với mầu nhiệm Thánh Thể, nên ngài yêu cầu phải “tôn kính” Lời (x. T TD 34-37), bởi vì chúng ta phải tôn kính “Chúa” hiện diện trong cả hai mầu nhiệm này (x. T TD 36). Đàng sau các lời, Phanxicô đã “nhìn thấy” Lời; trong các lời, ngài nghe được Lời cứu độ của Chúa Cha vang lên trong hiện tại (x. 2 T Th 34).
Như anh chị em có thể nhận thấy, đức tin của Phanxicô không phải là một đức tin hoàn toàn trừu tượng. Ngày nay, đối với chúng ta, ngài trở thành như một chứng nhân đức tin, một đức tin ngài đã thừa nhận, đã tuyên xưng, đã cử hành và đã làm chứng bằng cả cuộc đời mình trong một môi trường không mấy thuận lợi. Phanxicô đang nói với chúng ta điều gì trong tư cách là một người tuyên xưng đức tin? Khi đề cập đến đức tin, chúng ta được mời gọi phải thay đổi điều gì?

Kết luận
Anh chị em thân mến, người ta thường cho rằng vấn đề của Giáo Hội chính là những người “ở xa”. Nhưng riêng tôi, tôi lại cho rằng vấn đề không chỉ là những người ấy, nhưng còn có thể là những người “ở gần”, khi họ không chịu bước qua nhưng chỉ đứng bên ngoài “Cánh cửa Đức tin”.
Năm Thánh chúng ta đang trải nghiệm là một lời mời gọi khẩn thiết chúng ta hãy bước qua Cánh của Đức tin và nhìn chính mình như là những người lữ hành bước đi trong bóng đêm để tìm gặp Đấng chúng ta không bao giờ có thể gặp được nếu Người không đi bước trước để tìm gặp chúng ta (x. Thánh Âutinh, Tự Thuật13,1). Như Đức Hồng Y Martini đã từng nói: Đức tin luôn luôn là một “đức tin hành khất”, giống như đức tin của các Hiền sĩ, chứ không bao giờ là đức tin theo kiểu “tiền chế” của các kinh sư (x. Mt2,1tt). Thánh Phaolô đã yêu cầu Timôthê, môn đệ của ngài, hãy “tìm kiếm đức tin” (x. 2Tm 2,22) cách kiên định như ông đã thực hiện khi còn thơ ấu (x. 2Tm 3,15). Vậy, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi này như lời mời gọi dành cho chính chúng ta và hãy tận dụng Năm Ân Sủng này để “nhớ lại quà tặng đức tin quý giá ấy” (CCĐT 8).

Chúa Kitô đã sống lại!
Vâng, Người đã sống lại thật!
Anh chị em thân mến, Chúc anh chị em một lễ Phục Sinh hạnh phúc! Chúc anh chị em hăng hái lên đường trong Năm Đức Tin này!

Roma – Ngày 19 tháng 3 năm 2013
Lễ Kính trọng thể thánh Cả Giuse
Người anh em, tôi tớ và phục vụ của anh chị em

                                                                        tu sĩ José Rodríguez Carballo, ofm
                                                                                     Tổng Phục vụ OFM