Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Giải đáp phụng vụ: Lễ Các Đẳng thuộc bậc lễ nào?

Giải đáp phụng vụ: Lễ Các Đẳng thuộc bậc lễ nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (Lễ Các Đẳng) diễn ra ngày 2-11 hàng năm, được xếp vào danh sách các bậc lễ. Nhưng tôi thấy hình như là bất thường, vì tôi thấy lễ này không được xếp vào bậc lễ, như lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ... Vậy, thưa cha, trường hợp này là trường hợp riêng hay sao? Nếu như vậy, nó xuất hiện như là trường hợp độc nhất trong lịch phụng vụ rồi. - A. L., Campbell, California, Mỹ.
Đáp: Mặc dù lễ Các Đẳng của năm nay đã qua, nhưng nó đáng cho chúng ta nhớ lại bậc lễ của nó.

Đúng là lễ Các Đẳng có một bậc riêng. Lễ này không phải là lễ trọng, bởi vì nó cầu cho các tín hữu đã qua đời, chứ không mừng kính họ. Lễ này có ưu tiên phụng vụ hơn lễ Chúa Nhật. Nó giống với lễ Chúa Nhật, chỉ khác một điều là khi lễ được cử hành vào Chúa Nhật, Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính không được đọc hoặc không được hát.

Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời có ba bài đọc, ngay cả khi nó rơi vào một ngày thường trong tuần. Một số Sách bài đọc cung cấp một loạt bài đọc, và cho biết thêm rằng các bài đọc của hai Thánh Lễ khác, mà một linh mục có thể cử hành trong ngày 2-11, được lấy từ Sách lễ an táng. Một số Sách bài đọc khác, chẳng hạn sách tại Ý, đưa ra ba nhóm sách bài đọc, và mỗi nhóm có ba bài.

Không giống như bậc lễ trọng, ưu tiên của Lễ Các Đẳng hơn lễ Chúa Nhật không mở rộng đến ưu tiên cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Phụng Vụ Các Giờ Kinh là Phụng vụ của Chúa Nhật hiện tại, mặc dù nó có thể được thay thế bằng Phụng vụ Cầu Hồn trong buổi đọc kinh chung.

Một lần nữa, không giống như lễ trọng rơi vào ngày Chúa Nhật, khi Lễ Các Đẳng rơi vào ngày Chúa Nhật, không có lễ Vọng cho Lễ này vào chiều thứ bảy, vì Lễ Các Thánh được cử hành trong suốt cả ngày thứ bảy ấy.

Ở các quốc gia mà Lễ Các Thánh không phải là một ngày lễ buộc, ai dự Lễ Các Thánh chiều thứ Bảy là chu toàn luật dự lễ ngày Chúa Nhật rồi.

Về mặt lịch sử, một ngày dành riêng để cầu cho các tín hữu qua đời đã diễn ra ở nhiều nơi và nhiều ngày trong năm. Các tu viện Biển Đức dâng lễ cầu cho các đan sĩ qua đời vào tuần lễ sau Lễ Hiện Xuống, và có bằng chứng rõ ràng cho tập tục này ở Tây Ban Nha trong thế kỷ VII, gần Lễ Hiện Xuống. Dường như tập tục dâng lễ cho người đã qua đời có liên quan đến một số lễ trọng như Lễ Hiện Xuống, Lễ Hiển Linh hoặc một vị thánh khá nổi tiếng trong Giáo Hội. Ví dụ, thánh Eigil (qua đời năm 822), Viện phụ ở Fulda, qui định lễ Các Đẳng vào ngày 17-12, ngày ly trần của thánh Sturmius, vị sáng lập tu viện.

Ở Đức, lễ Các Đẳng được ghi nhận là thiết lập vào ngày 1-10, khoảng năm 980. Dường như giáo phận đầu tiên tổ chức Lễ Các Đẳng là giáo phận Liège trước năm 1008. Lễ này được cử hành lần đầu ở giáo phận Milan giữa năm 1120 và năm 1125, và tổ chức vào ngày 16-10, ngày sau ngày lễ Cung Hiến Nhà thờ lớn. Cần nhắc lại rằng ngày này được duy trì cho đến thời Thánh Carôlô Borromeo (qua đời năm 1584 ), khi thánh nhân qui định lễ Các Đẳng vào ngày 2-11.

Tuy nhiên, người có ảnh hưởng nhất trong việc thiết lập và lan rộng ngày lễ này là Thánh Odo ở Cluny (qua đời năm 1048 ), người chọn tập tục này cho Dòng tu có rất nhiều tu viện. Ngài ấn định ngày 2-11, để cho nó liên quan đến Lễ Các Thánh được mừng ngày hôm trước.

Từ đó, Lễ lan rộng đến tất cả các tu viện Biển Đức khác, và việc này giúp mở rộng lễ Các Đẳng cho toàn thể Giáo Hội.

Từ những gì chúng tôi đã nói về sự kết hợp của lễ Các Đẳng với các lễ lớn, rõ ràng là có rất ít nền tảng cho giả thuyết rằng lễ Các Đẳng được thiết lập bởi Giáo Hội như một đối trọng, hoặc như một nỗ lực thánh hóa một lễ hội Celtic ngoại giáo nhằm tôn vinh người chết. Lễ hội ngoại giáo này có lẽ đã được tổ chức vào đầu tháng 11, và đã bằng cách nào đó tồn tại vào thời Trung Cổ, nhưng không có bằng chứng bằng văn bản của sự tồn tại của lễ hội này trong thời gian đó. (Zenit.org 3-12-2013)

Nguyễn Trọng Đa

Nhãn:

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Giải đáp phụng vụ: Năm nay, lễ Các Thánh và lễ Các Đẳng được cử hành đúng ngày không?


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Năm nay, Lễ Các Thánh rơi vào ngày thứ Bảy và Lễ Các Đẳng rơi vào ngày Chúa Nhật. Thưa cha, như vậy liệu thánh lễ của giáo xứ chiều thứ bảy như thường lệ là lễ trọng mừng Các Thánh hay lễ cầu cho Các Tín Hữu đã ly trần? - J. Z., New York, Mỹ.
Đáp: Điều này là tùy thuộc vào đất nước bạn đang sống và sự sắp xếp phụng vụ có hiệu lực.
Đối với nước Mỹ, Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã có hướng dẫn như sau:
"Năm 2014, Lễ Các Thánh 1-11 rơi vào ngày thứ Bảy, và lễ Các Đẳng rơi vào Chúa Nhật sau đó, ngày 2-11. Ban thư ký của Ủy ban Phụng tự muốn làm sáng tỏ tình hình liên quan đến Thánh lễ và Kinh Thần vụ trong hai ngày 1 và 2-11 này. Cả hai ngày lễ này đều được xếp ở số 3 của Bảng các ngày Phụng vụ. Do đó, vào chiều ngày thứ sáu 31-10, Kinh chiều 1 của lễ Các Thánh được đọc.

“Ngày thứ Bảy, 1-11, cà Kinh Sáng và Kinh Chiều 2 của lễ Các Thánh được đọc, mặc dầu vì lý do mục vụ, ở nơi nào có thói quen, sau Kinh chiều 2 này, người ta đọc luôn Kinh Chiều cho lễ Các Đẳng. Ngày Chúa Nhật, 2-11, các giờ kinh của Chúa Nhật 31 mùa Thường Niên được đọc, nhất là trong việc đọc cá nhân; tuy nhiên, các giờ kinh của lễ Các Đẳng có thể được sử dụng, nếu Kinh Sáng và Kinh Chiều được đọc chung cộng đoàn (xem Các Giờ Kinh Phụng vụ, tập IV, ngày 2-11).

“Chiều tối thứ sáu, 31-10, cử hành lễ trọng Kính các Thánh Nam Nữ. Chiều tối thứ Bảy, 1-11, các thánh lễ được dự trù như thường lệ đều là lễ cầu cho Các Đẳng. (Nếu mong muốn vì lý do mục vụ, một lễ các Thánh Nam Nữ, ngoài lịch được dự trù như thường lệ, có thể được cử hành vào chiều thứ Bảy).

"Vì tại Mỹ, thứ Bảy thường là ngày dành cho lễ Cưới, nên nhớ rằng thánh lễ nghi thức (tức thánh lễ hôn nhân) bị cấm cử hành trong ngày lễ Các Thánh (Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [GIRM], số 372). Trong khi thánh lễ nghi thức cho việc cử hành hôn phối bị cấm như thế, có thể cử hành thánh lễ ngày với nghi thức hôn nhân và phúc lành hôn phối. Một chọn lựa khác là, có thể sử dụng nghi thức hôn phối ngoài Thánh lễ nếu việc cử hành hôn phối diễn ra trong ngày này. (Các thánh lễ nghi thức cũng bị cấm trong ngày lễ Các Đẳng). Xin nhắc lại, lễ Các Thánh Nam Nữ không phải là ngày lễ buộc trong năm nay, theo quyết định năm 1992 của Hội Đồng Giám Mục Mỹ về hủy bỏ luật buộc dự lễ, khi ngày 1-11 rơi vào một ngày thứ Bảy hay thứ Hai. Vì vậy, thánh lễ an táng có thể được cử hành vào ngày này (xem GIRM, số 380)".

Tuy nhiên, nếu bạn đang sống ở Anh và xứ Wales, khi một lễ buộc rơi vào ngày thứ Bảy hoặc thứ Hai, lễ này được dời vào ngày Chúa Nhật. Do đó, năm nay Lễ Các Thánh sẽ được cử hành vào ngày Chúa Nhật, 2-11, và lễ Các Đẳng được cử hành vào ngày thứ Hai, 3-11.

Tại Ý và nhiều nước khác, các ngày lễ được giữ đúng ngày, và lễ Các Thánh vẫn là một lễ buộc, cho dù nó rơi vào ngày thứ Bảy. Vì vậy, các tín hữu tham dự thánh lễ Các Thánh hai lần, vào tối thứ Sáu 31-10 và ngày thứ Bảy.

Lịch phụng vụ đầy đủ nhất của nước Ý, mà tôi có hiện nay, cho thấy rằng không cử hành lễ Các Đẳng vào chiều tối thứ Bảy. Vào các thứ Bảy khác trong lịch phụng vụ, bao gồm cả giáo phận Rôma, lịch nhắc nhở đặc biệt rằng thánh lễ chiều tối thứ Bảy được cử hành theo các công thức của ngày hôm sau. Nhưng vào thứ Bảy này, 1-11, sự nhắc nhở lại bị bỏ qua.

Cũng xin nhắc lại, ở nơi nào có thói quen, kinh chiều công khai lễ Các Đẳng được đọc, sau khi kinh chiều lễ Các Thánh được đọc xong.

Mặt khác, năm nay, nhiều giáo xứ, chứ không mọi giáo xứ, cử hành thánh lễ các Đẳng chiều tối thứ Bảy, trước ngày Chúa Nhật, và Đức Thánh Cha dự trù cử hành thánh lễ Các Đẳng tại nghĩa trang chính của Rôma vào chiều tối thứ Bảy.

Tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ sự làm sáng tỏ nào từ Hội Đồng Giám Mục Ý, như Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã làm trên đây. Thật là hữu ích khi làm rõ điểm kỹ thuật này, để cho mọi người làm việc với các tiêu chí như nhau.

Sự khó khăn phát sinh một phần bởi vì lễ Các Đẳng là một lễ hơi đặc biệt. Cũng như thứ Tư Lễ Tro, lễ này không có hạng cụ thể. Nó không phải là lễ trọng, lễ kính hoặc lễ nhớ, vì nó không tôn kính một mầu nhiệm nào của Chúa, hoặc không tôn kính một vị thánh nào, tuy nhiên, nó có ưu tiên hơn ngày Chúa Nhật và các lễ khác. Vì là lễ Các Đẳng, nên không đọc kinh Vinh Danh (Gloria), ngay cả khi lễ rơi vào ngày Chúa Nhật, vì Kinh Vinh danh không hề được đọc trong lễ cầu hồn. Bất cứ khi nào lễ này rơi vào một Chúa Nhật, Thần vụ là Thần vụ của ngày Chúa Nhật, ngoại trừ khi cử hành đọc công khai.

Trong lịch của thể thức ngoại thường, vấn đề này không phát sinh, bởi vì lễ Các Đẳng được dời qua ngày 3-11, khi ngày lễ 2-11 là ngày Chúa Nhật. (Zenit.org 29-10-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
 
 
 
 
 
:: Giải đáp phụng vụ: Năm nay, lễ Các Thánh và lễ Các Đẳng được cử hành đúng ngày không? ::
Thông Tấn Công Giáo Việt Nam - Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ và Việt Nam - VietCatholic News Agency

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A



Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
THIÊN CHÚA, CHUẨN MỰC CỦA MỌI SỰ
“Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta,
ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu”
(Xh 22,22)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I - Xh 22,20-26
Đây là một trong những nội dung chính của bộ luật giao ước mà Thiên Chúa đã ban cho dân Israel qua trung gian ông Môsê. Bài đọc I đề cập tới bốn khoản luật liên quan đến cách ứng xử đối với: người ngoại kiều, mẹ góa con côi, con nợ nghèo và kẻ đi cầm cố. Nội dung của cả bốn khoản luật cho thấy rõ nền tảng chi phối mọi khoản luật chính là Thánh ý của Thiên Chúa. Ngài luôn đứng về phía những người ‘thấp cổ bé miệng’, những kẻ bị loại trừ, những hạng ở bên lề xã hội.
Khi khẳng định với dân: ‘Không được ngược đãi và áp bức người ngoại kiều vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai cập.’ Đức Chúa muốn nhắc nhở họ rằng: nếu Ngài không ra tay can thiệp thì chắc chắn dân Israel đã không thể thoát khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập.
Khoản luật: không được ức hiếp mẹ goá con côi. Những con người được xếp vào hạng ‘cùng đinh’ trong xã hội do thái. Cuộc đời của họ dường như không còn ai để nương tựa, không còn gì để bám víu. Và vì thế, chính Đức Chúa luôn đứng về phía họ, ủng hộ và là tiếng nói của họ.
Còn trường hợp: một người nghèo vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Thật là ‘bất công’ khi cho vay mà không được gọi là chủ nợ, hay cho vay mà không được lấy lãi! Điều cần lưu ý ở đây chính là: đối tượng vay. Họ là những người nghèo. Họ vay để giải quyết cái đói trước mắt. Sự sống còn chính là ưu tiên một vượt lên trên tất cả mọi khoản luật khác.
‘Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn.’ Trong khoản luật này Đức Chúa cũng không hề đề cập tới việc trả lãi. Đơn giản chỉ vì ‘Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ?’ Đối với Chúa, nhu cầu sống còn của con người vẫn luôn là ưu tiên trên hết mọi luật ưu tiên.

2. Bài đọc II - 1Tx 1,5c-10
Đây là một đoạn thư tỏ rõ thái độ hài lòng của thánh Phaolô về cách ăn nết ở của cộng đoàn tín hữu tại Thêxalônica. Thánh nhân nêu bật mấy điểm chính:
1. Anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban.
2. Anh em đã trở nên gương sáng cho người khác qua việc đón tiếp niềm nở, qua việc từ bỏ ngẫu tượng để quay về phụng sự Thiên Chúa đang khi đợi chờ Con của Người trở lại trong vinh quang.
Đây là những nỗ lực nhằm diễn tả một đức tin sống động trong tương quan với Thiên Chúa, mặt khác những nỗ lực này cũng là để diễn tả một thao thức loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

3. Bài Tin Mừng - Mt 22,34-40
Qua bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước, thánh Matthêu cho thấy những người Pharisêu muốn cấu kết với phe Hêrôđê để nhất tâm hãm hại Đức Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi nghe tin Chúa Giêsu đã làm cho nhóm Sađôc phải câm miệng, thì một lần nữa nhóm Pharisêu lại nhóm họp để thử Đức Giêsu. Họ quyết định chọn một người thông luật trong số họ để nghiên cứu đấu pháp đối đầu Đức Giêsu.
Câu hỏi người thông luật đặt ra không chỉ nan giải cho Đức Giêsu mà còn là điểm rất nóng của các cuộc tranh luận chưa có hồi kết giữa các thầy rapbi. Thật là nan giai để có thể tìm ra trong số 613 khoản luật, gồm 248 điều truyền và 365 điều cấm, điều nào là trọng nhất!
Câu trả lời của Chúa Giêsu gồm hai phần:
a. Tương quan hàng dọc: Điều răn quan trọng nhất và đứng hàng đầu: được trích lại trong kinh Shema của sách Dnl 6,5, nhấn mạnh Thiên Chúa phải là đối tượng duy nhất và tuyệt đối trong tình yêu của con người.
b. Tương quan hàng ngang: Điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất: được trích lại từ sách Lv 19,18: nhấn mạnh việc ‘thương người như thể thương thân.’
Chúa Giêsu đã không ngần ngại quả quyết: hai điều răn này gồm tóm cả ‘Lề Luật và các sách ngôn sứ’, kiểu nói để diễn tả ý tưởng trọn vẹn cả Cựu Ước.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tính công bằng trong các khoản luật, được bài đọc I đề cập tới, không đặt nền tảng trên tính logic của vấn đề được đặt ra, nhưng đặt nền trên thánh ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là chuẩn mực cho mọi quy chiếu về tính công bằng trong mối tương quan của cuộc sống con người. Trong mỗi phán đoán trước khi hành động, logic của tôi đặt nền trên tiêu chuẩn đánh giá của con người hay của Thiên Chúa?
2. Hành trình đức tin của cộng đoàn tín hữu Thêsalonica trải qua các bước: lãnh nhận toàn bộ đức tin từ thế hệ đi trước – trung thành gìn giữ đức tin và kiếm tìm những phương thế giúp đức tin đáp ứng mọi nhu cầu thời đại – thông truyền nguyên vẹn đức tin cho thế hệ tương lai. Những nỗ lực ấy đã giúp cho các tín hữu sống đức tin một cách sống động và trọn vẹn nhất.
3. Nội dung của điều răn trọng nhất, theo Chúa Giêsu, đặt nền trên một tình yêu với hai đối tượng: + Đối với Thiên Chúa: yêu trọn vẹn và tất cả; + Đối với anh chị em: yêu như chính mình. Tình yêu của mỗi người dành cho hai đối tượng này tỷ lệ thuận với nhau. Tình yêu Thiên Chúa phải luôn là nền tảng thúc đẩy làm phát sinh tình yêu dành cho tha nhân. Thế nên “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20).


III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giới răn mến Chúa yêu người là trọng tâm giáo huấn của Đức Kitô và là nền tảng của đời sống kitô hữu. Với khao khát nên hoàn thiện và quyết tâm thực thi điều Chúa dạy, chúng ta cùng thành tâm dâng lời nguyện xin.
1. Cầu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực trở nên dấu chỉ tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, hầu giúp cho nhiều người đón nhận niềm vui Tin Mừng, cùng tin nhận một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
2. Cầu cho sự phát triển và bình an của thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới, cách riêng tại những vùng đang có chiến sự, biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc, văn hóa, hay tôn giáo, để luôn sống tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh và hòa bình.
3. Cầu cho những người đang đau khổ và những hoàn cảnh bất hạnh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ tìm được sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của nhiều tấm lòng quảng đại, để có thêm can đảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, và luôn tràn trề hy vọng lạc quan trong cuộc sống hiện tại.
4. Cầu cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta. Xin cho giới răn “mến Chúa yêu người” luôn khắc ghi trong tâm hồn và thấm nhập vào cuộc sống của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta biết dành ưu tiên cho những sinh hoạt đạo đức, nhưng cũng luôn dấn thân trong các hoạt động bác ái.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và chân lý, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Hiện tượng xã hội mới ở Mỹ: Mass Mob


 
Có ai nghe tới chữ Flash Mob bao giờ chưa?
Flash là đèn chớp, giống như đèn chớp cuả máy hình, tuy chớp nhoáng nhưng để lại một dấu tích lâu dài là có một tấm hình có đủ ánh sáng.
Người ta thường dùng chữ Flash với chữ Flood để chỉ một hiện tượng mưa lũ tại các thành phố. Vì diện tích đất trống bị thu hẹp (có nhiều nhà cửa và đường xá,) cho nên mỗi khi trời mưa to, nước không có chỗ thấm, tạo ra một cơn Flash Flood () đổ xuống các đường hẹp và thấp, trôi đi xe cộ và đôi khi cả người nữa. Năm nào Tin Tức cũng cho biết có hàng chục tai nạn như thế.

Đọc thêm »

Nhãn:

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Giải đáp phụng vụ: Kinh Mân Côi và các việc khác kính Đức Mẹ



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Xin cha cho con biết các ngày trong tuần được ấn định cho việc đọc mỗi năm sự của kinh Mân Côi, và một sự sắp xếp như thế là cứng ngắt biết bao. Liệu có thay đổi được không khi chúng tôi muốn? - M. R., Hong Kong.

Hỏi 2: Liệu việc lần chuỗi Mân Côi là cách duy nhất để kính Đức Mẹ Maria không? Thưa cha, đâu là các cách khác để làm việc kính Đức Mẹ? - C. M., Nairobi, Kenya


Đáp: Bởi vì tháng Mười hàng năm là tháng Mân côi, thật là thích hợp để trả lời hôm nay các câu hỏi này.

Sau khi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tông thư "Rosarium Virginis Mariae", chu kỳ suy niệm các mầu nhiệm kinh Mân Côi là như sau:

-Năm sự vui: thứ hai và thứ bảy

-Năm sự sáng: Thứ năm

-Năm sự thương: thứ ba và thứ sáu

-Năm sự mừng: thứ tư và Chúa Nhật.

Sự phân phối này là theo thói quen và không đặt ra qui định nào, và do đó dành sự rộng rãi tùy chọn theo sự sùng mộ của cá nhân đối với Đức Mẹ. Cũng có thói quen đọc các mầu nhiệm nào thích hợp với ngày lễ tương ứng nhất. Thí dụ, nếu lễ Truyền tin rơi vào một ngày thứ sáu, việc suy ngắm theo năm sự vui trong ngày này là thích hợp hơn là đọc năm sự thương.

Tương tự như vậy, có thể có các lý do tốt để không tuân theo chu kỳ gợi ý. Chẳng hạn, trong thời gian tĩnh tâm hoặc linh thao, các mầu nhiệm Mân Côi có thể đọc tùy theo chủ đề tĩnh tâm của mỗi ngày. Cũng có thể có lý do riêng tư giúp cá nhân chọn thay đổi chu kỳ.

Không cần phải nói, người ta cũng có thể cầu nguyện nhiều hơn năm sự trong một ngày, hoặc cầu nguyện toàn bộ hai mươi sự cũng được. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mặc dù bận nhiều công việc hàng ngày, vẫn cầu nguyện toàn bộ hai mươi sự mỗi ngày. Trong trường hợp này, người ta khuyên nên đọc liên tục ít nhất năm sự được qui định cho ngày ấy, để hưởng ân xá đi kèm việc lần chuỗi Mân côi.

Sách Ân xá nói:

"Một đại xá được ban, nếu việc lần chuỗi Mân Côi được thực hiện trong một nhà thờ, một nhà nguyện công khai, chung trong gia đình, một cộng đoàn tu sĩ, hoặc đoàn thể Công Giáo hay các hiệp hội đạo đức; một tiểu xá được ban trong các trường hợp khác”.

Nếu nhiều hơn năm mầu nhiệm được đọc, chúng có thể được thực hiện một hoặc hai chục kinh vào một lúc.

Mặc dù kinh Mân Côi là kinh tuyệt vời kính Chúa Kitô và Đức Mẹ Maria, và là kinh được các Giáo Hoàng khuyến khích đọc nhiều nhất qua nhiều thế kỷ, cũng có các cách thức khác kính Đức Trinh Nữ Maria.

Sách Ân Xá cũng đưa ra nhiều gợi ý khác nhau, được Giáo Hội chấp thuận chính thức bằng cách ban đại xá hoặc tiểu xá đi kèm với các kinh đọc ấy.

Trong số các kinh này, có: kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa); kinh Truyền tin Angelus hoặc kinh Regina Caeli (Lạy Nữ Vương Thiên đàng); và các kinh "Mary Mother of Grace” (Lạy Mẹ Mria đầy ơn phúc), kinh “Memorare” (Kinh hãy nhớ) của thánh Bênađô, kinh "Salve Regina" (Kính chào Đức Nữ Vương), kinh "Sancta Maria Sucurre Miseris" (Thánh Maria), và kinh "Sub Tuum Praesidium" (Kinh Trông cậy). Kinh cuối này có lẽ là kinh cổ nhất tôn vinh Đức Mẹ với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”.

Một đại xá, tương tự như được ban khi lần chuỗi Mân Côi, cũng được ban bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho những ai đọc kinh hoặc tham dự việc đọc thánh thi Akathist (gọi như thế vì khi hát thanh thi này, người ta đứng) trong truyền thống Byzantine, một trong các bài thơ đẹp nhất diễn tả tình thương với Đức Mẹ.

Lẽ tất nhiên, có nhiều kinh và thánh thi hợp pháp khác dành cho việc kính Đức Mẹ, để cổ vũ sự sùng kính và tôn vinh Đức Mẹ, và tạo cảm hứng cho người ta bắt chước các nhân đức của Mẹ - đây là sự tôn vinh lớn nhất mà chúng ta có thể dâng lên Đức Mẹ. (Zenit.org 21-10-2014)

Nguyễn Trọng Đa
:: Giải đáp phụng vụ: Kinh Mân Côi và các việc khác kính Đức Mẹ ::






:: Giải đáp phụng vụ: Kinh Mân Côi và các việc khác kính Đức Mẹ ::
Thông Tấn Công Giáo Việt Nam - Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ và Việt Nam - VietCatholic News Agency

Nhãn:

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN A




NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO
Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21

BỔN PHẬN ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC
VÀ ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê,
cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”
Mt 22,21b

 I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài  đọc I – Is 45,1.4-6
Giữa cơn khốn khổ và tuyệt vọng của nhóm dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, sắc lệnh của vua Cyrô được ban ra, như xuất hiện một tin vui giữa giờ tuyệt vọng, nhằm cho phép các nhóm dân bị lưu đày được hồi hương trở về. Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền đất của lời đã hứa.
Mặc dầu trên thực tế vua Cyrô đã không hề được xức dầu; nhưng qua ngôn ngữ của đức tin, ngôn sứ Isaia cho thấy:
a. Người được tuyển chọn: vua Cyrô, người đã được Đức Chúa xức dầu: ‘Dù ngươi không biết Ta’ nhưng  ‘Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu.
b. Cách thức thực hiện: ‘Ta đã cầm lấy tay phải nó để bắt các dân tộc suy phục nó
c. Mục đích: ‘Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacób và của người Ta đã chọn là Itrael… và …để thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác.’
Như thế, trong cái nhìn của ngôn sứ Isaia, dầu là những nhân vật không hề biết Chúa hay dầu là những biến cố thuần tính chính trị, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể sử dụng để mặc khải cho con người biết Ngài là ai và cũng để thực hiện ý định cứu độ của Ngài cho nhân loại.

2. Bài đọc II – 1Tx 1,1-5b
Trong lời chào đầu thư, thánh Phaolô có đề cập tới hai nhân vật là Silvanô (Sila) và Timôthêô. Vì cả hai đã cùng cộng tác với thánh Phaolô trong việc thành lập giáo đoàn tại Thessalônica.
Đoạn thư này cho thấy tâm tình chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đoàn này là thái độ mong mỏi đợi chờ Chúa sắp đến. Và vì luôn tin rằng đây là những anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua lời loan báo, quyền năng, Thánh Thần và một niềm xác tín sâu xa, Thánh Phaolô đặc biệt trân trọng ‘những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em vác vì lòng mến và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông.’ Tất cả những nỗ lực này đã làm nổi bật thái độ tích cực của việc chờ mong Chúa đến nơi cộng đoàn Thessalônica.

3. Bài Tin Mừng – Mt 22,15-21
Sau ba dụ ngôn liên tiếp mà Chúa Giêsu muốn tỏ rõ thái độ không khoan nhượng của Ngài trước sự giả hình của các thượng tế và hàng kỳ mục: dụ ngôn người cha sai hai con đi làm vườn nho (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (21,33-46), dụ ngôn những người được mời nhưng không thèm dự tiệc (22,1-14).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của những người Pharisêu khi họ cấu kết với nhóm Hêrôđê để nhất tâm đưa Chúa Giêsu vào bẫy của họ.
Khởi đi từ một tiền đề kép rất tích cực và tốt đẹp: a/ Đức Giêsu là con người của sự thật: ‘Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.’ và b/ Đức Giêsu còn là người của sự công bằng ‘Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.’ Những người này đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu: ‘Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?’ Câu hỏi này sẽ trở nên thật nan giải khi trả lời ‘có’ cũng như khi trả lời ‘không’. Nếu Chúa Giêsu trả lời ‘có được phép’ chắc chắn điều này sẽ làm phật lòng đám đông dân chúng, vì trong lòng không ai chấp nhận việc nộp thuế cho hoàng đế. Va nếu Chúa Giêsu trả lời ‘không được phép’ thì nhóm Hêrôđê, phe ‘cánh hữu’ của đế quốc Rôma, chắc chắn cũng sẽ có cớ để làm hại Chúa Giêsu vì tội chống lại đế quốc!
Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Câu nói của Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho vấn đề được đặt ra, nhưng muốn đưa ra một định hướng kép: a/ khởi đi từ nền tảng của công bằng, nếu những bổn phận dân sự thực sự chính đáng, mọi người đều có bổn phận thi hành; b/ và nhân dịp này, Đức Giêsu còn muốn đẩy vấn đề đi tới mức độ cao hơn: đó là bổn phận của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Điều mà mọi người lúc đó đã không thực sự coi là một ‘điểm nóng’.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ta đã cầm lấy tay phải nó để bắt các dân tộc suy phục nó Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển vận mệnh của toàn thế giới, đặc biệt vận mệnh của dân Ngài tuyển chọn. Tất cả mọi thế lực, cho dù là sự dữ, sự ác hay sự xấu… cũng chỉ là những phương thế trong tay Thiên Chúa nhằm thể hiện cho con người biết thánh ý của Ngài. Xác tín này sẽ giúp cho người Kitô hữu có một cái nhìn quân bình hơn trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
2.Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em.’ Sống thân phận của những người được tuyển chọn là nỗ lực diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến qua cuộc sống hằng ngày. Đón nhận những nỗi khó nhọc vì lòng tin, chấp nhận những thử thách vì lòng mến, kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông luôn là những phương thế tuyệt hảo giúp người tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi của những người được tuyển chọn.
3. Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.’ Bổn phận của mỗi Kitô hữu đối với Thiên Chúa, trong lăng kính của ngày thế giới truyền giáo, chính là nỗ lực ‘đi ra khỏi chính mình’ mỗi ngày để loan Tin Mừng cho mọi người ở mọi nơi. Khi ý thức sâu sắc và biến lệnh truyền này thành nỗi thao thức mỗi ngày, người môn đệ từng bước hoàn tất ‘bổn phận’ mình trong tương quan với Thiên Chúa.
4. Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em.’ Sứ điệp của Đức Phanxicô nhân ngày thế giới truyền giáo 2014 đặc biệt muốn đề cao vai trò của niềm vui do việc loan báo Tin Mừng. Như thế, truyền giáo không chỉ là món nợ phải trả cho Thiên Chúa, mà còn là một nhu cầu để kiến tạo niềm vui cho đời tông đồ.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi rao giảng về Nước trời, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc: “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Trong ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo hôm nay, chúng ta cùng cầu xin cho mọi người biết quyết tâm sống theo giáo huấn của Chúa.
1. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến anh em trong khi cầu nguyện.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong các hoạt động loan báo Tin Mừng.
2. Chúa đã dùng vua dân ngoại là Cyrô để thực hiện ý định cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là ở những quốc gia chưa được đón nhận Tin Mừng cứu độ, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà truyền giáo hoạt động.
3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn ý thức việc truyền giáo là bổn phận của mình trong tương quan với Thiên Chúa, để tích cực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng trong mọi lúc và ở mọi nơi.
4. “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết khôn ngoan phân định các giá trị cuộc sống dựa trên những tiêu chuẩn Tin Mừng, để dứt khoát chọn lựa lối sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn phúc lành, giúp chúng con biết biến cả cuộc đời thành bài ca cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Nhãn: