Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

LỊCH SỬ ĐỨC MẸ DÒNG SÔNG MÊ KÔNG- CAMBODIA

ĐỨC MẸ DÒNG SÔNG MÊ KÔNG- GIÁO HỌ BÃI CẢI-CAMBODIA
nơi anh em nhóm Mục vụ vừa thăm viếng.
“Hương lành đồn xa”
Nhiều người truyền tai nhau: “Có một bà được vớt từ dòng sông Me-Kong lên rất linh thiêng, bất cứ ai đến xin ơn gì, bà ấy cũng ban cho”. Bà ấy là ai? Tại sao được vớt từ dòng sông Mê Kông lên? Những dòng chữ dưới đây có thể giúp giải đáp một vài thắc mắc về người nữ kỳ lạ này.


Một ngày kia có ghe đánh cá của dân tộc người Chàm đánh chà rà cách xa bến đò Arey Khsath khoảng 250m đã mắc vào một miếng sắt ở đáy sông.
Anh lặn xuống tháo gỡ chà rà, lấy dây buộc miếng sắt để kéo lên ghe nhưng không thể được. Anh liền đi báo cho anh em Việt Nam nuôi cá bè gần đấy. Anh nói: Người nào cho anh 30.000 ria anh sẽ trao khúc sông có miếng sắt ấy cho mà lặn lấy sắt”.

Ngày 15/4/2008, tổ Việt Nam gồm 08 người đạo Phật gồm: anh Phiệt, anh Liền, anh Độ, anh Thu, anh Gấm, anh Phệt, anh Đề; đồng ý nộp 30.000 ria cho người Chàm để sẽ được lặn lấy khối sắt kiếm tiền nuôi gia đình.

Ngày đầu tiên lặn xuống, họ chỉ tìm được một miếng sắt nhỏ có chiều dài khoảng 2,5m.

Ngày hôm sau là thứ tư, ngày 16/4/2008, họ tiếp tục bàn luận và góp ý kiến với nhau, rồi lấy máy bơm bắn nước xuống đáy sông khoảng 1,5 – 2m. Lúc đó họ phát hiện được một khối sắt lớn bèn lấy dây cột trục kéo lên ghe. Khi họ nhìn thấy cục sắt thì phát hiện ra là tượng một người nữ nên đem về để trên bè cá của mình.

Lúc ấy có người hàng xóm của 8 thợ lặn tên là Lý, anh đã nhận ra bức tượng đó là của người Công giáo, anh liền báo cho anh Khui Chanh Đa họ đạo Arey Khsath, anh Khui Chanh Đa đến thấy tượng Đức Mẹ liền nói với những người thợ lặn: “Đây là tượng Đức Mẹ Maria, các anh đừng đạp bể, đừng cưa, để cho ban hành giáo Arey Khsath đến thỏa thuận rồi chuộc tượng Đức Mẹ lại. Hai bên thỏa thuận xong, 5 giờ chiều ngày 16 tháng 4 năm 2008 tượng Đức Mẹ được rước về đặt dưới cuối nhà thờ của họ đạo Arey Khsath (Bãi Cải)

Đêm 16/4/2008, anh Thiệt là một trong các thợ lặn thấy tượng Đức Mẹ hiện ra bay 3 đến 4 vòng trên bè cá của anh. Trong suốt đêm hôm đó, anh không thể ngủ vì sợ hãi, sợ có nạn gì xảy ra đối với mình và gia đình. Sáng thức dậy anh kể cho mọi người biết chuyện đã xảy ra đêm qua. Khoảng 7 giờ sáng ngày 17 tháng 4 năm 2008, 8 người thợ lặn đến trước cửa nhà thờ quỳ trước tượng Đức Mẹ Maria vừa bái lạy vừa van xin cho được bình an, xin Mẹ đừng chấp nhất đến sự thiếu tôn kính, những xúc phạm vì thiếu hiểu biết của họ.

Để đền ơn cho các chú thợ lặn, ban Hành giáo đi quyên góp các gia đình Công giáo trong họ đạo được số tiền là 2.000.000 ria (hai triệu ria), trao cho 8 người thợ lặn nhưng họ không nhận. Ban Hành giáo đã làm một bữa tiệc đãi nhóm thợ lặn, mua gạo, mua mì gói cho họ mỗi lần một ít cho đến khi hết số tiền ấy.

Nhờ tấm lòng hảo tâm đóng góp của các ân nhân và khách hành hương xa gần, linh địa núi Đức Mẹ sớm được hòan thành. Hiện nay tượng Đức Mẹ cao 1,50m, nặng 130kg được đặt trên núi cao 1,80m bên cạnh ngôi thánh đường.

Hàng ngày có nhiều khách hành hương xa gần Công giáo cũng như tôn giáo khác đến cầu nguyện van xin. Nhiều ơn lành hồn xác mà Mẹ Maria ban xuống cho họ, đặc biệt là ơn lành bệnh, ơn may mắn trong việc làm ăn, ơn hòa thuận an vui trong gia đình, bình an trong cuộc sống và nhiều ơn lành khác nữa…

Khi đến Arey Khsath hành hương Đức Mẹ dòng sông Mê Kông, khách hành hương không khỏi thắc mắc và đặt ra nhiều câu hỏi: Tượng Đức Mẹ được vớt tự địa điểm nào trên dòng sông Mê Kong? Mẹ đã âm thầm lặng mình trong dòng nước mùa đục mùa trong, cùng đồng hành với con cái Mẹ bao nhiêu năm?

Khách hành hương cũng không ngớt thắc mắc tượng Đức Mẹ làm bằng chất liệu gì? Được làm vào thời điểm nào? Tại sao tượng Đức Mẹ lại ở dưới dòng sông?... Và còn rất nhiều câu hỏi khác cũng được đưa ra nhưng tất cả đều chưa có câu trả lời chính xác.

Chỉ biết rằng Mẹ Maria rất yêu thương các con của Mẹ, Mẹ muốn ở bên cạnh để nâng đỡ, an ủi và ban phúc lành cho từng người tha thiết nài van. Đôi tay Mẹ luôn chắp lại giống như cách thức của người Campuchia khi cầu khấn van nài. Ánh mắt Mẹ luôn ngước nhìn lên trời trong tư thế cầu thay nguyện giúp cho đoàn con cái. Mẹ không bao giờ từ chối những ai có lòng đến cầu khẩn Mẹ.

Vài nét sơ lược về việc vớt Đức Mẹ
tại Arey-Ksath (Bãi Cải) Phnom Penh
Ngày 19/11/2012

Thông tin từ bạn bè tại Phnom Penh

Ông Phan Văn Hú sinh năm 21953, sinh sống tại xóm Arey-Ksath, xã Arey-Ksath, huyện L-vi-em, tỉnh Condal.Ông là người đạo Phật, trước đây ông làm nghề thợ lặn, nhưng hiện nay ông đã nghỉ làm nghề được 6 năm.

Bỗng đêm 18 tháng 11 năm 2012, ông chiêm bao thấy một tượng bằng đồng giang tay, hình thù một người thanh niên to lớn, ông nghe tiếng phát ra từ tượng đó: “Hãy vớt tôi lên, Tôi đang nằm dưới đáy sông Mekong, Tôi gần nơi mà các người đã vớt Đức Mẹ lần trước”. Ông vội vàng đi vớt lên nhưng nặng quá ông phải thuê máy cẩu hết 300 dollars Mỹ mà vẫn không vớt lên được; nhưng đó chỉ là giấc chiêm bao.

Sáng sớm tinh mơ, ông ngồi quán café của người Công giáo, ông nói: Hôm nay tôi sẽ đi lặn vớt Chúa Giêsu lên, vì đêm qua tôi mơ thấy Chúa, mọi người nghe ông nói nhưng chưa đủ lòng tin.Ông gọi 2 người con trai của ông là Phan văn Ì và Phan văn Mận cùng đi với ông. Ông chủ động chỉ chỗ cho hai con xuống lặn, chỉ một lát sau anh Mận đã chạm vào tượng.Ba cha con dùng máy bắn bùn ra khỏi tượng rồi lấy dây cột và dùng cầu lắc cẩu tượng lên. Khi đưa tượng lên gần mặt nước, ông gọi điện cho anh Nguyễn Hoàng Anh là người hàng xóm và cũng là cựu Ban hành giáo giáo họ Arey-Ksath đến giúp ba cha con ông đưa tượng lên ghe.

Vào lúc 12g38 phút trưa ngày 19/12/2012, tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con cao 2m30 đã được đưa về bờ sông Arey-Ksath cách tốt đẹp.Tất cả mọi người trong xóm đổ xô đến ngắm nhìn sự kiện lạ này. Khoảng 50 thanh niên tiếp sức đưa Đức Mẹ lên bờ, đưa về nhà thờ Arey-Ksath (Bãi Cải) để tôn kính, lúc đó là 13 giờ chiều ngày 19/11/2012.Tất cả tín hữu trong họ đạo Bãi Cải cảm thấy rất mừng vui và hãnh diện đến nỗi chảy nước mắt. đây là lần thứ hai giáo dân Bãi Cải được đón tượng Đức Mẹ từ đáy dòng sông Mekong.

Ông Phan văn Hú (người chiêm bao) nói: Khi vớt được Đức Mẹ lên ghe, tôi có cảm giác không phải là tượng, nhưng là một thân thể của người đang sống như chúng ta, tôi vừa mừng vừa run, và tôi thầm thì cầu xin Mẹ ban cho vợ tôi được khỏi bệnh vì vợ tôi mắc rất nhiều bệnh, đã từng đi chữa tại bệnh viện Việt Nam nhiều lần. Tôi xin dâng tượng Đức Mẹ cho nhà thờ Bãi Cải, không tính toán hơn thiệt.

Sent from my iPad

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A



(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)
Chủ đề: TỈNH THỨC ĐỂ CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN CỨU ĐỘ
Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ,
 thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44)


I. CÁC BÀI ĐỌC
Hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Phụng Vụ mới bằng Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa của hân hoan mong đợi với ba tâm tình: 1) chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, lễ kính nhớ Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; 2) hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế; giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình 3) sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp người Kitô hữu sống tốt ba tâm tình đó.
1. Bài đọc I (Is 2,1-5):
Bài đọc I hôm nay trích từ sách Ngôn sứ Isaia tiên báo về cuộc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã chọn cách đến làm người và sống với Dân Israel để cứu độ họ, và nơi đó, được biểu tượng bằng Núi Thánh Sion. Núi Thánh-Nhà Đức Chúa sẽ “kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi”, vì đó là nguồn ơn cứu độ. Chính vì thế, “dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi để “đến đây, ta cùng lên Núi Đức Chúa” hầu cùng được hưởng ơn cứu độ. Đây là viễn ảnh ngày cánh chung. Đó là ngày hoan lạc, ngày của bình an đích thực, khi mà Người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Nước này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.
Vì đã giao hòa với nhau, nhờ  ánh sáng Chúa soi đường,  muôn dân sẽ tuôn về Nhà Đức Chúa trên Núi Thánh Sion để phụng thờ  Thiên Chúa (liên hệ đến ánh sao lạ của Đức Chúa đã chỉ đừng cho các đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi giáng sinh ở Bếtlêhem), để gia nhập Israel mà lãnh nhận ơn cứu độ đã được Thiên Chúa hứa ban. Đó là thời bình an đích thực, bình an cứu thoát.
Nhà Đức Chúa trên núi Thánh Sion này là hình ảnh tiên trưng của Giáo Hội do Đức Giêsu thiết lập. Nhở Giáo Hội và qua Giáo Hội, Đức Giêsu sẽ giao hòa mọi người với Thiên Chúa và với nhau. Nhiều người từ muôn dân nước sẽ gia nhập Giáo Hội để hưởng bình an cứu độ mà Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể đem lại cho loài người Chúa thương.
2. Bài đọc II (Rm 13,11-14):
Bài đọc II trích thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma nhắc nhở chúng ta rằng dù con người có thái độ hướng về ngày tận thế như thế nào đi chăng nữa, thì ngày đó đã gần đến, ngày mà chúng ta sẽ đối mặt với Đức Giêsu Kitô Quang Lâm. Thánh Phaolô lấy hình ảnh ngày sắp ló rạng để nói về thời khắc Chúa đến, và vì thế chúng ta đang ở trong đêm tối của sự lầm lạc mê muội của tội lỗi. Do đó, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức sẵn sàng chứ đừng ngủ mê nữa, vì ngày Thiên Chúa cứu độ-ngày tận thế sắp đến gần rồi.
Tỉnh thức sẵn sàng là từ bỏ lối sống với những việc làm đen tối trước kia, và cầm lấy vũ khí của sự sáng, là Thiên Chúa. Đó là thực hành các nhân đức và các hành vi luân lý Kitô giáo mà chiến đấu để khử trừ các tệ nạn xã hội, loại trừ  sự dữ và cổ vũ sự lành, dấn thân cho hòa bình và công lý. Bên cạnh, tỉnh thức còn là đổi mới cuộc sống: không còn theo lối sống của bóng đêm, là ma quỷ và sử dữ; chẳng hạn như không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cõ ghen tương, cũng không chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Nói cách khác, cần canh tân lối sống để có một đời sống mới mặc lấyChúa Giêsu Kitô. Đó là thái độ và lối sống mà người Kitô hữu phải có để chuẩn bị đón Chúa đến.

3. Bài Tin Mừng (Mt 24,37-44):
Bài Tin Mừng hôm nay, thuộc phần Bài giảng về thời cách chung trong Mt 24-25, giúp chúng ta hướng về ngày tận thế bằng cách sống tỉnh thức và sẵn sàng ở giây phút hiện tại trong Mùa Vọng này. Bài Tin Mừng cho thấy Con Người sẽ đến bất ngờ trong ngày tận thế, với uy quyền của một vị vua và cũng là thẩm phán. Sự bất ngờ đó nhắc nhở người Kitô hữu phải tỉnh thức sẵn sàng. Đức Giêsu sẽ đến xét xử, nên lúc này người Kitô hữu cần có lối sống xứng đáng, vì mỗi người sẽ được thưởng phạt tùy theo các hành vi mà mình đã thực hiện trước đó. Như thế, hướng về tương lai bằng cách chuẩn bị ở hiện tại.
Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, đó là họ nghĩ rằng Chúa sẽ đến nay mai. Vì thế, xảy ra hai trường hợp: hoặc là thụ động, không còn thực hiện các nghĩa vụ trần thế nữa mà chỉ chờ Chúa đến; hoặc ngược lại, vì chờ lâu quá rồi đâm ra chán nản nên lơ là, không còn sẵn sàng và tỉnh thức.
Tin Mừng nhắc lại cho các Kitô hữu tiên khởi và cũng cho mọi người chúng ta hôm nay rằng Chúa sẽ đến nhưng không ai biết được giờ nào. Chính vì thế, cần có một thái độ tích cực trong việc chờ đón này. Đó là không thụ động, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình, đồng thời  phải nghĩ tới yếu tố bất ngờ để có thái độ và lối sống xứng đáng, trong tư thế sẵn sàng ra đón Chúa. Bài Tin Mừng nhấn mạnh rằng hai người đều làm một việc bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng chỉ một người được đem đi, vì họ đã sẵn sàng từ bên trong để lên đường ngay khi được Chúa gọi. Quả thật chỉ người nào có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng thì mới có thể được gia nhập vào đoàn người của Chúa mà thôi.
I. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Trong tương lai, núi Nhà Ðức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: “Ðến đây, ta cùng lên núi Ðức Chúa.” Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 1 của Mùa Vọng. Khi dân Israen đang sống trong tình cảnh bi đát, thất vọng tột cùng vì phải sống trong chiến tranh, bị đàn áp bởi ngoại bang, thì ngôn sứ Isaia lại thắp lên một niềm hy vọng mãnh liệt nói về viễn ảnh tương lai: sống trong cảnh hòa bình và muôn dân sẽ về Núi Thánh Sion để cùng thờ lạy Đức Chúa. Mùa vọng là mùa chuẩn bị để kỷ niệm việc “Ngôi Hai làm Người” đem bình an cứu độ cho toang thể nhân loại. Như thế, lễ Giáng sinh là lễ của quy tụ mọi người để làm nên một Hội Thánh của những người được cứu thoát, và để hướng về lễ đó, cần có thái độ giao hòa, dẹp bỏ mọi sự chiến tranh hận thù. Chúng ta có ý thức được điều đó để sống tốt tâm tình Mùa Vọng hay không?
2. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 2 và thứ 3 của Mùa Vọng. Quả thật, Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta hướng về ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để ban cho chúng ta ơn cứu độ cách viên mãn. Hướng về ngày đó không phải bằng sự chờ đợi thụ động mà là một sự chờ đợi chủ động bằng cách chuẩn bị tâm hồn, canh tân đời sống: ăn ở cho đứng đắn, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương, không chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Chúng ta có ý thức rằng chuẩn bị đón Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh bằng những hình thức bên ngoài hang đá nguy nga, những cây thông cao vút, những tháp đèn sao lộng lẫy, những hoạt cảnh công phu… là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm hồn hay không?
3. Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. cúng nhue trogn bài đọc II, lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 2 và thứ 3 của Mùa Vọng. Có lẽ tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời, ngược lại với cuộc sống hằng ngày với những bận rộn lo toan trước mắt: ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột…do đó, người ta dễ chần chừ, “để mai tính”. Chính vì thế, lời Chúa đã nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ nhằm giúp chúng ta luôn trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng. Thật ra, ngày tận thế không bất ngờ vì nó cũng  như cái chết mà mỗi người có thể phải đối mặt, nhất là trong thời đại ngày nay, không ai đoán trước được do luôn có những cái chết bất chợt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là tai nạn. Chúng ta có ý thức rằng khi nghĩ về ngày tận thế, cũng như nghĩ về cái chết đến bất ngờ sẽ giúp chúng ta biết cách sống thế nào cho phải lẽ, không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, không quá lo lắng sự đời, nhưng luôn tỉnh thức và sẵn sàng hầu có thể được Chúa đem đi về Thiên đàng với Người hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bước vào một chu kỳ phụng vụ mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải luôn tình thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Đó chính là tâm tình để sống Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Trong tâm tình hân hoan chào đón Chúa, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1.Hội Thánh có sứ mạng mời gọi mọi người “bước đi trong ánh sáng của Chúa.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực sống và làm chứng cho Phúc Âm, giúp con người thời đại nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất.
2. Thiên Chúa sẽ quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang hoang mang lạc hướng vì thiếu niềm tin trong cuộc sống, được ơn nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới đem lại ý nghĩa cho đời người.
3.Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hãy từ bỏ những hành vi đen tối và mang lấy khí giới ánh sáng. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết hướng về ngày Chúa quang lâm bằng một thái độ tích cực: tránh xa tội lỗi và canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm.
4. Chúa Giêsu nói: “Hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức, bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, và tích cực làm việc lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ý nguyện của cộng đoàn chúng con, và ban ơn Thánh Thần giúp chúng con luôn can đảm vững lòng tin cậy nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN


LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
(2 Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43)
Chủ đề: ĐỨC GIÊSU – VUA TÌNH YÊU
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).
Đức Giêsu là vua của toàn thể vũ trụ. Trong Người, toàn thể vũ trụ được tạo thành và được cứu độ. Chúng ta được mời gọi đón nhận tình yêu của Đức Giêsu để được sống trong vương quốc của Người. Hãy để Đức Giêsu là vua của tâm hồn của chúng ta.

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (2 Sm 5,1-3)
Toàn thể các chi tộc Israel công nhận Đavít là vua của họ. Ông được Thiên Chúa chọn qua việc xức dầu của ngôn sứ Samuel. Đavít xuất thân từ Bêlem, là con út của Giesê. Thiên Chúa đã không chọn những người anh của Đavít, dù họ có hình dáng bên ngoài phù hợp. Nhưng Ngài chọn Đavít để lãnh đạo dân Israel. Thiên Chúa phán với ngôn sứ Samuel: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm. Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7). Từ bé, Đavít đã tỏ ra là một người chí khí mạnh mẽ. Ông dám can đảm đứng ra thách đấu và hạ gục Gôliát, người hùng của Philitinh. Vua Saun ghen tức với Đavít và tìm cách để giết ông. Đavít chạy trốn khỏi sự truy đuổi của Saun. Thế nhưng, ngay cả khi có cơ hội để giết Saun, Đavít đã không để tay mình đụng vào máu của đấng mà Thiên Chúa xức dầu. Đavít là vị vua lý tưởng đối với con cái Israel và là hình ảnh của đấng Messia sẽ đến. Thiên Chúa phán với Đavít: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta. Chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel.”
2. Bài đọc II (Cl 1,12-20)
Thánh Phaolô nói về quyền năng và vương quốc của Thiên Chúa. Chính Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự dữ để chúng ta thuộc về vương quốc của Người trong Đức Giêsu Kitô. Đó là vương quốc tình yêu và sự sống: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc thánh tử chí ái. Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”. Trong Đức Giêsu, vũ trụ và mọi tạo vật được hiện hữu: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình”. Tất cả vũ trụ và mọi vật đều ở dưới quyền năng của Đức Giêsu, Thánh Tử của Thiên Chúa. Người là hình ảnh của Thiên Chúa giữa chúng ta và là tình yêu Thiên Chúa cho mọi thọ tạo. Chỉ trong Đức Giêsu, con người và cả vũ trụ tìm được ơn cứu độ và sự hòa giải với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã phải chấp nhận trở nên hiến tế chuộc lấy tội lỗi của con người: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.  
3. Tin Mừng (Lc 23,35-43)
Tin Mừng hôm nay nói về cách thức làm vua của Đức Giêsu. Người là vua của tình yêu. Ngai vàng của Người là thập giá và luật lệ của vương quốc Người là tình yêu. Chính tình yêu này lôi kéo mọi người đến với Người và cứu độ con người khỏi tội lỗi: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Khi bị treo trên thập giá tất cả mọi người nhạo cười Người: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô .... Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi”. Ngay cả tên gian phi bị đóng đinh bên cạnh Đức Giêsu cũng nhạo báng Người. Nhưng Đức Giêsu đã đón nhận và tha thứ tất cả họ vì tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm thay đổi và cứu độ con người. Đứng trước lời cầu xin của một người gian phi khác, cũng bị đóng đinh bên cạnh Người, Đức Giêsu hứa với ông rằng ông sẽ vào vương quốc của Người ngay hôm nay: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Tình yêu của Đức Giêsu không loại trừ ai hoán cải  và tin vào quyền năng của Người.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta. Chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel. Thiên Chúa đã chọn Đavít để lãnh đạo dân Ngài. Nhưng để cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã gởi Người Con duy nhất là Đức Giêsu đến để hướng dẫn con người trở về với Thiên Chúa. Tôi có sẵn sàng để Đức Giêsu là người hướng dẫn, là vua của tâm hồn tôi?
2. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc thánh tử chí ái. Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi. Đức Giêsu giải thoát con người khỏi tội lỗi bằng chính máu của Người đổ ra trên thập giá. Tôi có thực sự sống xứng đáng với tình yêu của Đức Giêsu?  
3. Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng. Tình yêu của Đức Giêsu bao la và vô biên. Tất cả những ai hoán cải đời sống và tin vào Người, họ sẽ hưởng niềm vui vĩnh cữu cùng với Người trên thiên quốc. Tôi có nỗ lực thay đổi và hoán cải cuộc sống mình trước tình yêu bao la của Đức Giêsu?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu Kitô là Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha đã được sai đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa. Qua cuộc tử nạn và phục sinh, Người đã hoàn tất ý định nhiệm màu của Chúa Cha và được trao vương quyền trên muôn loài trong trời đất. Chúng ta cùng cảm tạ chúc tụng Chúa và tin tưởng cầu xin.
1. Thiên Chúa đã muốn quy tụ muôn loài trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn cộng tác với nhau để có những sáng kiến phù hợp cho công cuộc loan báo Tin Mừng giữa thế giới hôm nay.
2. Giữa thế giới duy vật chất, nhiều người đang tôn thờ tiền bạc của cải hơn là Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang lầm lạc được ơn nhận biết chỉ có Vua Kitô mới đem lại hạnh phúc chân thật và vững bền cho con người.
3. Một tên trộm thưa với Chúa Giêsu: “Khi vào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi tội nhân, cách riêng các kitô hữu khô khan nguội lạnh, biết ý thức tình trạng của họ, thật lòng ăn năn thống hối, và sớm trở về cùng tình yêu Chúa.
4. “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết hết lòng phụng sự Thiên Chúa và tận tâm phục vụ mọi người, để ngày sau xứng đáng được hưởng phúc Nước Trời.
Chủ tế: Lạy Chúa Kitô là vua tình thương và là vua từng người chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn làm chứng cho Chúa bằng một đời sống thấm nhuần công bình bác ái, hầu làm cho nhiều người nhận biết và qui phục vương quyền Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM



KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(Kn 3,1-9; Gc 1,2-4.12; Lc 9,23-26)
Chủ đề: CHẾT VÌ CHÚA LÀ SỐNG TRONG BÌNH AN
“Ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống”
(Kn 3,3 // Lc 9,24)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Kn 3,1-9)
Sự dữ, đau khổ và cái chết luôn là những câu hỏi mang tính thời sự vì nó thường làm cho con người lo âu khắc khoải. Bằng ngôn ngữ và suy tư của văn hóa Hy lạp, tác giả sách khôn ngoan đã muốn trình bày cho thế giới Hy lạp thấy niềm tin của Do thái giáo về những vấn đề này:
1) Đau khổ và sự chết không thể làm gì được những người công chính vì linh hồn họ luôn ở trong tay Chúa.
2) Thân xác các ngài, trong con mắt người đời, dường như đã chết hay đi vào cõi tiêu diệt; nhưng thật sự các ngài đang sống trong bình an.
3) Khổ nhục chỉ là những thử thách giúp các ngài lập công phúc để trở nên sáng chói và chiếu tỏa như ánh lửa chiếu qua bụi lau.
4) Chính niềm tin vào Chúa đã dẫn các ngài đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu.
2. Bài đọc II (Gc 1,2-4.12)
Đâu là ý nghĩa của những thử thách trong cuộc sống? hay tại sao lại phải chịu thử thách? Những câu hỏi hóc búa này đang được nhiều người trong cộng đoàn Kitô hữu, nơi tác giả thư Giacôbê đang sống, phải đối diện. Tác giả đã nêu ra hai ý tưởng chính để soi sáng cho vấn đề này:
1) Kiên nhẫn chịu thử thách chính là phương thế làm cho đức tin được trở nên hoàn hảo, nhờ đó người tín hữu cũng được nên hoàn hảo, không còn đáng trách hay thiếu sót điều gì.
2) Vì thế, theo tác giả, kẻ biết kiên trì chịu thử thách - ấy là phúc thật, vì nó sẽ giúp họ được Thiên Chúa yêu mến và đáng lãnh nhận triều thiên sự sống.

3. Bài Tin Mừng (Lc 9,23-26)
Sau khi tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho mọi người thấy ba điều kiện ắt có và đủ cho những ai muốn theo Đức Giêsu: 1. Phải từ bỏ chính mình; 2. Vác thập giá mình hằng ngày; 3. Bước theo Ngài.
Chúa Giêsu còn chỉ ra cho mọi người thấy đâu là khôn ngoan đích thực khi suy tính để biết thế nào là “được – mất” và “lời lãi – thua thiệt” trong tư cách là người muốn theo Chúa: chỉ có một điều làm cho kẻ đã “mất mạng” lại “được sống” đó chính là họ đã dám “mất mạng vì Chúa”. Bên cạnh, nếu có kẻ nào vì muốn “lời lãi cả thế gian” mà liều mình chấp nhận mất sự sống đời đời thì việc lời lãi thế gian của nó lại trở nên một sự thua thiệt của kẻ dại dột.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Làm sao để có thể hiểu biết các chân lý về Chúa? Làm sao để có thể trung thành với Chúa trong tình yêu? Theo gợi ý của tác giả sách khôn ngoan, chính niềm tin vào Chúa sẽ dẫn con người đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu. Như thế, niềm tin chính là cửa ngõ dẫn con người đi kiếm tìm và yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, việc lắng nghe tiếng Chúa nói trong mỗi ngày sống và việc nỗ lực diễn tả tình yêu đối với Chúa trong mỗi hành động bác ái cụ thể sẽ là cách thức rõ nét nhất để diễn tả niềm tin.
2. Thử thách chỉ mang lại lo âu, khổ đau cho con người, nhưng khi vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, điều đó sẽ mang lại niềm vui cho người Kitô hữu. Thế nên, vấn đề không phải là chịu thử thách, nhưng chính là chịu thử thách vì Chúa. Nghĩa ban đầu của thuật ngữ “Martus” (μάρτυς) không phải là “tử đạo”, mà là “chứng nhân”. Do vậy, mỗi Kitô hữu vẫn có thể sống ý nghĩa của việc tử đạo, đang khi nỗ lực trở nên chứng nhân cho Chúa ngay trong những thử thách của môi trường sống và làm việc của mình.
3. Rao giảng chân dung người môn đệ Chúa Kitô với những đòi hỏi có vẻ quá khắt khe: “từ bỏ chính mình”, “vác thập giá” để “bước theo” Đức Giêsu khổ nạn - trong một xã hội đang bị tục hóa và duy hưởng thụ dường như đang là một thách đố lớn cho người môn đệ hôm nay. Do vậy, lời rao giảng có sức thuyết hơn cả cho con người thời đại vẫn luôn là nỗ lực không mệt mỏi để rập khuôn đời mình theo những đòi hỏi này: “từ bỏ chính mình”, “vác thập giá” để “bước theo” Đức Giêsu khổ nạn.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Các thánh Tử đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa, và máu của các Ngài đã nên hạt mầm đức tin cho con cháu. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã đoái thương Đất Việt, và tin tưởng dâng lời cầu xin cho Giáo Hội và cho đồng bào của chúng ta:
1. Cầu cho các Đức Giám mục và hàng linh mục Việt Nam. Xin cho các ngài luôn nhiệt thành loan báo Tin Mừng trên mọi miền đất nước, can đảm làm chứng cho sự thật, tận tình chăm sóc hướng dẫn đoàn chiên, cùng nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất của Dân Chúa.
2. Cầu cho những anh chị em đang đau khổ vì nghèo đói, bệnh tật, hoặc thiên tai. Xin cho họ luôn xác tín rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc tất cả mọi người không trừ một ai, Người vẫn hiện diện để chia sẻ và nâng đỡ con người trong mọi khó khăn thử thách.
3. Cầu cho các kitô hữu, cách riêng là các bạn trẻ giữa xã hội hôm nay. Xin cho họ luôn sống xứng danh là con cháu các vị tử đạo, biết tránh xa lối sống vô cảm, luôn dấn thân quên mình vì bổn phận và trách nhiệm, nêu cao tinh thần bác ái tốt đẹp của Kitô giáo.
4. Cầu cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn. Xin cho tất cả chúng ta luôn ý thức trân trọng di sản đức tin được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, không ngừng tái khám phá sứ điệp Tin Mừng, ra sức thực hành và hăng say loan báo sứ điệp đó cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con ca ngợi tình thương và sức mạnh của Chúa đã thể hiện nơi sự yếu đuối mỏng giòn của các Thánh tử đạo Việt Nam. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn trung thành với đức tin và gương sáng của các bậc tiền nhân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.