Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM C




(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2, 8-19; Lc 12,32-48)
CHỦ ĐỀ: TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG bằng TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”
(Lc 12,40) .

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời thể hiện tinh thần đó bằng thái độ tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống đức tin.


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Kn 18,6-9)
Bài đọc 1 trích từ sách Khôn Ngoan nhắc chúng ta bảo toàn đức tin trong cuộc sống, hầu vượt qua những trở ngại và khó khăn và thử thách để hướng về tương lai, dựa trên kinh nghiệm của dân Israel.  Đoạn văn này ám chỉ đến biến cố vượt qua trong sách Xuất Hành, vì Thiên Chúa đã dùng mười tai ương qua trung gian ông Môsê, để tỏ lộ quyền năng tối cao của Người hầu giải thoát dân người đã chọn khỏi quyền lực của kẻ thù là Pharaô ở bên Aicập. Trong dịp đó, ông Môsê đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho Dân để chuẩn bị  biến cố vượt qua này, và điều tối cần là họ phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, nhờ đó sẽ được hưởng phần thưởng là miền Đất Hứa. Niềm tin vào hy vọng vào Thiên Chúa được thể hiện qua việc tỉnh thức sẵn sàng trong đêm vượt qua, đó là “dâng lễ tế trong nhà, và đồng tâm nhất trí với nhau về luật sau đây của Thiên Chúa là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” (Kn 18,9). Với tinh thần như thế, họ đã vượt qua được tai ương, được Thiên Chúa chúc lành: chính Thiên Chúa đã tiêu diệt quân thù và cứu thoát Dân Người đã chọn.
Sách Khôn ngoan nhắc lại biến cố vượt qua này của cha ông nhằm khuyên dạy con cháu hãy sống xứng đáng là hậu duệ của thế hệ đã xuất hành khỏi Aicập, bằng cách tin tưởng và hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa, đồng thời      tiếp tục xướng lên bài ca –bài ca diễn tả lòng tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa- do cha ông truyền lại.
2. Bài đọc II (Dt 11,1-2, 8-19)
          Bài đọc 2 cho chúng ta thấy đức tin và sự kiên nhẫn của tổ phụ Ápraham, của bà Sara vợ ông, và các con cháu là Isaác và Giacóp. Đức tin ở đây bao gồm sự tin tưởng và hy vọngvào Thiên Chúa, vì những gì Thiên Chúa hứa ban không chỉ thuộc về tương lai mà còn là điều không thấy (Dt 11,1).
Nhìn vào tấm gương đức tin của Tổ Phụ Ápraham, chúng ta thấy ông là người đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa bằng cách nghe theo tiếng gọi rời bỏ quê hương xứ sở mà hướng về Miền Đất Thiên Chúa hứa ban. Tại đây, ông đã sống trong những căn lều tạm, nhưng đầy tin tưởng và hy vọng vì ông vẫn hướng về một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng (Dt 11,10). Cũng nhờ niềm tin và hy vọng đó, tự thâm tâm, ông đang hướng về một Miền Đất Hứa đem lại hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu mang chiều kích thiên đàng. Cũng nhờ đức tin và hy vọng, bà Sara đã sinh ra người con nối dòng khi tuổi đã xế bóng. Cũng nhờ đức tin và hy vọng, ông Ápraham sẵn sàng hiến dâng người con duy nhất của mình là Isaác. Khi làm như thế, ông đã hoàn toàn phó mặc tương lai của mình cho Thiên Chúa. Chính vì vậy, các ngài trở nên mẫu gương về lòng tín thác và kiên nhẫn chờ đợi điều tốt lành từ Thiên Chúa: sống giây phút hiện tại nhưng hướng về tương lai mà Thiên Chúa sẽ lo liệu; sống lữ hành trong miền đất tạm nhưng hướng về Miền Đất vĩnh cữu mà Thiên Chúa hứa ban. Lòng tín thác và kiên nhẫn như thế trở nên mẫu mực cho mỗi người Kitô hữu chúng ta trong đời sống đức tin.  
3. Bài Tin Mừng (Lc 12,32-48)
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi, tin tưởng vào Thiên Chúa và dồn hết năng lực để phục vụ người khác. Cách người ta sử dụng năng lực và của cải vật chất sẽ quyết định họ sẽ sở hữu được kho tàng dưới đất hay ở trên trời.  Qua đó, Tin Mừng theo thánh Luca nhắc nhở rằng sự bảo đảm đích thực cho tương lai của con người không hệ tại vào sự giàu có vật chất, nhưng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 
Nhắc đến tương lai là nhắc đến ngày trở lại trong vinh quang của Đức Giêsu vào ngày cánh chung. Tuy nhiên, không ai biết được ngày đó sẽ xảy đến khi nào. Do đó, Tin Mừng mời gọi người ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, bằng cách thể hiện thái độ tin tưởng và hy vọng ngay trong đời sống hiện tại của mình. Hai dụ ngôn được kể tiếp nhau liên quan đến ông chủ và các đầy tớ minh họa cho ý tưởng trên. Ông chủ là hình ảnh Đức Giêsu Kitô lại đến trong ngày cánh chung, còn đầy tớ là những người Kitô hữu đang sống ở tại thế này.
Dụ ngôn thứ nhất liên quan đến mọi người Kitô hữu nói chung khi đề cập đến những người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn cưới về. Họ phải tỉnh thức và sẵn sàng và đến mức hễ ông chủ về bất kỳ giờ nào và gõ cửa thì ra mở cửa ngay mà đón ông chủ. Tỉnh thức ở đây liên quan đến thái độ sẵn sàng và chờ đợi. Dụ ngôn thứ hai có liên quan đến những người được giao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn Dân Chúa, khi nói về người quản lý trung thành với chủ khi ông đi xa, bằng cách chu toàn nhiệm vụ đã được giao phó cho mình. Người quản lý sẽ sai lầm khi nghĩ rằng mình có thể làm điều mình muốn khi ông chủ vắng nhà, hoặc nghĩ rằng ông chủ sẽ còn lâu mới trở về nên không sắp xếp công việc cho phù hợp với thời gian. Như thế, tỉnh thức ở đây liên quan đến việc trung thành với nhiệm vụ được giao phó và thi hành công việc đó đúng thời đúng buổi.
Ông chủ có thể đến bất ngờ nhưng lại đem đến cho những người đầy tớ trung thành, sẵn sàng tỉnh thức niềm vui vì được ra đón chủ đúng lúc ông trở về; đồng thời sẽ được ông chủ thưởng công xứng đáng.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào,….họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Chúng ta có ý thức được rằng việc tỉnh thức chờ đón Đức Giêsu lại đến mang chiều kích cộng đoàn, và thể hiện điều đó bằng việc sống tinh thần hiệp thông chia sẻ vui buồn với nhau trong đời sống hằng ngày hay không?
2. Đức tin bào đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy. Nếu chúng ta đang sống trong hy vọng về miền Đất Hứa là thiên đàng, thì điều gì có thể giúp chúng ta hướng tới niềm hy vọng vào những điều chưa thấy đó, nếu không phải là đức tin?  Chúng ta có ý thức rằng đức tin là một ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng đức tin đó không thể tăng trưởng nếu chúng ta không nuôi dưỡng đức tin đó hằng ngày hay không? Làm cách nào để nuôi dưỡng đức tin, nếu không phải là việc chăm lo đời sống phụng vụ qua các Giờ Kinh và Thánh Lễ, chuyên chăm học Giáo Lý và Kinh Thánh, thi hành các giới răn, nhất là giới răn yêu thương?
3. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời. Sự tỉnh thức và trung thành có liên hệ với kho tàng vĩnh cửu ở trên trời và cách thế mà người Kitô hữu thực hiện để đạt tới kho tàng ấy. Chúng ta có ý thức được rằng của cải vật chất là tạm bợ, chóng qua, không phải là cùng đích, mà chỉ có thể là phương thế tốt nếu chúng ta sử dụng đúng cách để giúp chúng ta đạt được kho tàng đích thực trên thiên đàng hay không?
4. Ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc…khi chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy thì thật có phúc cho anh ta. Lời này mời gọi những ai đang được trao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn, cách này hay cách khác, cần suy nghĩ về cách thế mà mình đang thi hành trách nhiệm được giao. Mình có phải là người quản lý trung thành, làm theo ý chủ khi người vắng mặt, và thi hành trách nhiệm đúng thời đúng buổi, không được trì hoãn hay không? Đây là một trách nhiệm nặng nề vì đòi hỏi người đó chẳng những không được lạm quyền, mà còn phải luôn trung tín và không được tìm cách thoái thác hay trì hoãn. Vì thế, người Kitô hữu, một mặt cần cầu nguyện nhiều cho các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội biết chu toàn trách nhiệm; mặt khác, biết cộng tác với các ngài để làm nên một cộng đoàn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Luôn trung tín trong bổn phận chính là thái độ khôn ngoan của con cái nước trời. Với quyết tâm luôn tỉnh thức chờ đợi cùng niềm cậy trông vào Thiên Chúa quan phòng, chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện:
1. Chúa Kitô đã ủy thác kho tàng đức tin cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành trong sứ vụ người quản lý trung tín, hăng say phục vụ Dân Chúa và tận tình phân phát kho tàng ơn thánh cho mọi người.
2. Chủ nghĩa hưởng thụ đang mê hoặc xã hội hiện tại. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết đặt cùng đích cuộc sống vào chính Thiên Chúa, luôn cảnh giác trước những hấp dẫn của thế gian và chăm lo tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu trên trời.
3. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng.” Chúng ta cùng cầu xin cho các bạn trẻ được thêm niềm xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, dám dấn thân trong việc loan báo tin mừng và trở nên ngọn đèn cháy sáng cho môi trường xã hội xung quanh.
4. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức bằng việc siêng năng lãnh nhận các bí tích và tích cực thực thi công bình bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn trung tín chu toàn bổn phận Chúa trao, và thêm vững bước trên hành trình về bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Đại hội giới trẻ giáo hạt Can Lộc: Dấu ấn sức trẻ


02.08.2013

GPVO - Điều gì đã làm nên hình ảnh một Giáo hội năng động, trẻ trung, giàu khát vọng vươn lên suốt dòng lịch sử nếu không phải là trái tim và khối óc của những người trẻ mang vác trong mình lý tưởng tuổi thanh xuân?
Náo nhiệt và tĩnh tại. Mộc mạc mà thân thiện, nghĩa tình. Sắc màu và giai điệu. Nối kết, sẻ chia và sục sôi cống hiến... Có thể nói, dấu ấn sức trẻ là điểm nhấn và tinh thần chủ đạo của kỳ Đại hội giới trẻ giáo hạt Can Lộc với chủ đề “Giới trẻ sống Năm Đức Tin” vừa được tổ chức trọng thể tại Nhà thờ giáo họ Tân Lập, giáo xứ Kim Lâm vào ngày 30/7/2013. Linh mục Phêrô Nguyễn Huy Hoàng, Quản hạt Can Lộc đến dự và tuyên bố khai mạc Đại hội.
Mở đầu cho các hoạt động chính thức của Đại hội là cuộc diễu hành Đức Tin được cử hành với sự tham dự của hàng ngàn bạn trẻ đến từ 10 giáo xứ trong giáo hạt. Đoàn diễu hành trong y phục chỉnh tề với tượng thánh Gioan Donbosco, long trọng khởi hành từ giáo họ Vĩnh Lộc về nhà thờ Tân Lập, địa điểm diễn ra Đại hội.
Đúng 8 giờ 30, cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng - Quản hạt Can Lộc phát biểu và tuyên bố chính thức khai mạc Đại hội. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội, nhất là trong bối cảnh Năm Đức Tin, cha Phêrô nhắn nhủ: “Vì thế hôm nay, tôi mạnh mẽ nói với các bạn: Hãy đặt Chúa Kitô vào đời sống của bạn và bạn sẽ tìm được một người bạn luôn có thể tín thác; bạn sẽ thấy đôi cánh hy vọng tăng trưởng để vui mừng tiến bước trên con đường tương lai”.
Sau màn múa chào mừng với tựa đề “Hành khúc người trẻ” của giáo xứ chủ nhà Kim Lâm là phần thi Rung chuông vàng (tìm hiểu kiến thức tôn giáo, lịch sử). Trải qua hai giờ tranh tài sôi nổi với nhiều vòng thi hấp dẫn, bổ ích, giới trẻ giáo xứ Trại Lê đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn, giáo xứ Phương Mỹ xếp hạng Nhì, các đoàn còn lại đồng hạng Ba.
Tâm điểm của ngày hội giới trẻ được tiếp nối với phần thuyết trình của các đoàn với đề tài “Giới trẻ sống Năm Đức Tin như thế nào?”. Trong thời lượng 5 phút, các đoàn lần lượt nêu lên thực trạng đời sống Đức Tin hiện nay; những vấn nạn, thách đố trong một thế giới giải thiêng, tục hoá với nhiều chủ thuyết nguy hại. Các bạn cũng mạnh dạn trình bày các suy tư, giải pháp mang tính thực tiễn và cả những khát vọng dấn thân cao đẹp của người trẻ Công giáo trong thời đại mới.
Đại hội lắng lại với Phút hồi tâm do cha Antôn Nguyễn Quang Trung, Đặc trách Giới trẻ Giáo phận hướng dẫn. Khoảnh khắc tĩnh lặng quý giá đưa các bạn trẻ về lại với chính mình, nhận ra những lỗi lầm, yếu đuối và thành tâm đón nhận bí tích Hoà giải.
Đúng 16 giờ ngày 30/7/2013, thánh lễ bế mạc Đại hội giới trẻ giáo hạt Can Lộc đã được cử hành trọng thể tại nhà thờ giáo họ Tân Lập, khép lại những thời khắc sôi động, đáng ghi nhớ của hàng ngàn bạn trẻ Công giáo.
Thánh lễ bế mạc do cha Quản hạt Can Lộc Phêrô Nguyễn Huy Hoàng chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Antôn Nguyễn Quang Trung, Đặc trách giới trẻ Giáo phận; cha Phêrô Nguyễn Đoài, Phó Chánh Văn Phòng TGM cùng quý cha thuộc giáo hạt Can Lộc. Đông đảo bà con giáo dân, quý tu sĩ, chủng sinh cùng hiện diện, hiệp dâng lời cầu nguyện cho các bạn trẻ trong hành trình và sứ vụ mới.
Bài giảng lễ của cha Antôn Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh đến giá trị của sự từ bỏ trên hành trình những người môn đệ theo Chúa. Đó là một quyết định khó khăn nhưng vô cùng cần thiết để người Kitô hữu trẻ hiện nay hăm hở lên đường cho sứ vụ loan báo Tin mừng giữa một thời đại đầy biến động và thách đố. Ngài mời gọi các bạn trẻ dấn thân không sợ hãi cho sứ vụ như một chứng nhân thực sự; sống có định hướng, sống hữu ích trong mọi môi trường mà mình học tập, sinh sống...
Tiếp nối tinh tinh thần của Đại hội giới trẻ Công giáo thế giới vừa được tổ chức tại Rio de Janeiro từ 23-28/7/2013, ngày hội giới trẻ giáo hạt Can Lộc đã chuyển tải đến những người tham dự bức thông điệp đầy hy vọng về tương lai của Giáo hội và thế giới.
Một ngày hội khởi thức cho những lý tưởng dấn thân cao đẹp. Những người trẻ Công giáo căng tràn nhựa sống tuổi thanh xuân cùng nhau hát vang bản trường ca Giêsu bất hủ. Con tim bùng cháy. Và những bàn tay mở ra nồng nàn…

Ba Lan: Điểm hẹn tiếp theo diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế giới vào năm 2016

WGPSG --  Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần tới sẽ diễn ra tại Ba Lan vào năm 2016.

Phát biểu trước khi đọc kinh Truyền Tin với các bạn trẻ  tham dự thánh lễ bế mạc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria để chuẩn bị cho Krakow, Ngài nói: "để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu tỏa trên cuộc hành trình, dẫn chúng ta đến giai đoạn tiếp theo của việc cử hành đầy phấn khởi của đức tin và của tình yêu Chúa Kitô."
Đây là lần thứ hai Ba Lan được tổ chức Đại Hội Giới trẻ Thế Giới. Lần đầu là vào năm 1991, khi ấy thành phố được chọn là Częstochowa, một thành phố nằm ở phía nam Ba Lan, bên sông Warta.
Việc quyết định nơi tổ chức Đại Hội Giới trẻ Thế Giới ở Kraków, thành phố lớn thứ nhì của Ba Lan, không gây ngạc nhiên cho nhiều người. Một người con của Ba Lan - đã từng dẫn dắt Tổng Giáo phận Krakow trong vòng 15 năm và Giáo Hội Hoàn Vũ gần 27 năm là Đức Chân phước Gioan Phaolô II  - sẽ sớm được phong thánh, và trở thành một trong những vị thánh mới nhất của đất nước này. Không lâu trước chuyến khởi hành của mình đến Brasil Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần thứ 28, vào ngày 4/7/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận việc phong thánh cho Đức chân phước Gioan Phaolô II. Quá trình điều tra phong thánh đã bắt đầu từ năm 2005, dưới triều đại của Đức Bênêđictô 16.
Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz - TGM KRAKÓW - đã diễn tả niềm hân hoan trước vinh dự của Kraków được tổ chức Đại Hội Giới trẻ Thế Giới 2016:
"Hôm nay, một niềm vui lớn lao khi chúng tôi nhận được thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần tới sẽ diễn ra tại Ba Lan vào năm 2016. Đó là một niềm vui, niềm vinh dự và trách nhiệm lớn đối với chúng tôi. Trong năm đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm bí tích Rửa Tội đầu tiên ở Ba Lan.
Cùng với toàn thể Giáo Hội tại Ba Lan, tôi sung sướng vì Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời từ các cơ quan cao nhất của nước Cộng hòa Ba Lan và các Giám mục Ba Lan gửi đến ngài. Như thế, Đức Thánh Cha đã đáp ứng sự mong mỏi của rất nhiều bạn trẻ, những người từ lâu đã muốn cử hành đức tin của họ ở ngay tại đất nước và ngay tại thành phố quê hương của Karol Wojtyla - người đã rời Kraków vào tháng 10 năm 1978 để tiến về Roma, cũng chính là Đức Gioan Phaolô II, Giám Mục Rôma - người sáng lập Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Trong rất nhiều sáng kiến mục vụ của Đức Gioan Phaolô II, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới chắc chắn nằm trong số những sáng kiến thành công, sâu rộng và hiệu quả nhất. Ngay từ đầu, Đức Giáo Hoàng đã nhận thấy những bạn trẻ chính là "người canh gác sớm mai" (Is 21:11-12), họ trông coi buổi canh thức bình minh của thiên niên kỷ thứ ba" (Tor Vergata, ngày 19 tháng 8 năm 2000).
Hôm nay, Ba Lan và Kraków mở rộng trái tim của mình, để trong thời gian ba năm nữa, chúng tôi có thể chào đón các bạn trẻ hành hương từ khắp nơi dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chúng con bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Thánh Cha vì ngài đã quyết định đến thăm đất nước của Chân phước (và sắp là Hiển thánh) Gioan Phaolô II, và mong muốn canh thức với những "người canh gác sớm mai" tại kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới diễn ra ở Kraków.
Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng con mong muốn cha đến và đồng hành cùng rất nhiều các bạn trẻ của chúng con, với sự trông đợi và niềm hân hoan lớn lao."

Thành quả của Đại hội Giới trẻ Thế giới

WHĐ (02-08-2013) – Hôm thứ Hai 29-07-2013, một Cuộc gặp gỡ về Ơn gọi do Phong trào Con đường Tân Dự tòng tổ chức đã diễn ra tại Rio de Janeiro với sự tham dự của khoảng 50.000 bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Sinh hoạt này của Giáo Hội thường được tổ chức sau mỗi kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới, với mong muốn gặt hái thành quả từ Đại hội.

Chủ trì Cuộc gặp gỡ này là Đức Tổng giám mục Orani Tempesta, Tổng giám mục Rio, cùng với các vị hồng y: Đức hồng y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Vienna; Đức hồng y Sean O’Malley, Tổng giám mục Boston; Đức hồng y George Pell, Tổng giám mục Sydney; và Đức hồng y Odilo Scherer, Tổng giám mục Sao Paulo. Ngoài ra còn có 75 giám mục và tổng giám mục cũng như nhiều giáo lý viên lưu động dạy Giáo lý khai tâm Kitô giáo cho người lớn.
Cuộc gặp gỡ quy tụ nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Riocentro và được điều hành bởi những người khởi xướng và cũng là nhóm đặc trách Phong trào Con đường Tân Dự tòng quốc tế: Kiko Arguello, Carmen Hernández và cha Mario Pezzi. Các nhóm tham dự viên đông nhất là Brazil, Hoa Kỳ, Ý và Tây Ban Nha.
Sau phần trình bày của các hồng y và giám mục khác, ông Argüello công bố nội dung cơ bản của Tin Mừng (kerygma), và trước khi kết thúc, đưa ra lời kêu gọi gửi các linh mục truyền giáo đến châu Á. Có 3.000 bạn nam đã đáp lại lời mời gọi gia nhập chủng viện và 2.000 bạn nữ đáp lời mời chọn đời sống thánh hiến. Khi trở về nước mình, các bạn trẻ này sẽ bắt đầu tiến trình phân định ơn gọi.
(Zenit.org)

Vài nét về Giáo Hội công giáo tại Brazil trước ngày ĐTC đến thăm.




Đây là chuyến viếng thăm quốc tế đầu tiên của ĐTC Phanxicô, tại Brazil, một quốc gia công giáo lớn nhất trên thế giới, với 85% dân số là tín hữu công giáo. Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô không phải là vị quyết định đầu tiên về chuyến viếng thăm này, mà là Đức Bênêđitô XVI trước đó đã quyết định Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2013 được tổ chức tại Rio de Janeiro, và rằng chính ngài sẽ đến tham dự.
 Sau biến cố Đức Bênêđitô XVI từ nhiệm, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục chương trình, giữ nguyên ngày giờ và địa điểm tổ chức Ngày Quốc Tế Giời Trẻ, cũng như giữ cam kết có Đức Giáo Hoàng đến tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô cũng đã thêm vào ba chi tiết quan trọng của chuyến viếng thăm: một là có một ngày hành hương kính Đức Mẹ tại Aparecida, hai là viếng thăm khu phố nghèo ở Rio de Janeiro, ba là viếng thăm và khánh thành Viện Cai Nghiện của Bệnh Viện Thánh Phanxicô Assisi. Chúng tôi sẽ nhắc lại trong phần tường thuật về chuyến viếng thăm. Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu vài chi tiết về Giáo Hội Công Giáo tại Brazil.

Giáo Hội công giáo tại Brazil có tất cả là 10,800 giáo xứ được phân chia trong trong 274 giáo phận, do 450 giám mục chăm sóc mục vụ, với sự cộng tác của 13,121 linh mục triều, và 7,580 linh mục dòng.

Theo con số của Trung Tâm Thống Kê của Giáo Hội Công Giáo, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2011, thì Brazil là quốc gia lớn nhất thế giới, với 85% dân số là tín hữu công giáo. Ngoài tổng số linh mục như vừa kể trên, Giáo Hội Công Giáo tại Brazil có 2,903 thầy phó tế vĩnh viễn, 2,702 nam tu sĩ không có chức linh mục, 30,528 nữ tu, và 1,985 giáo dân tận hiến trong các tu hội đời. Thêm vào con số nhân sự trên, Giáo Hội công giáo tại Brazil còn có 144,910 giáo dân dấn thân truyền giáo, và 483,104 giáo lý viên.

Trên bình diện giáo dục, giáo hội công giáo tại Brazil điều hành 5,305 trường mẩu giáo và bậc tiểu học, phục vụ cho 1,125,597 học sinh; GH CG tại Brazil điều hành 1,310 trung học tư thục công giáo, phục vụ cho 336,265 học sinh; và với 267 học viện cao đẳng và đại học, giáo hội công giáo tại Brazil phục vụ cho 478,437 sinh viên.

Trên bình diện bác ái và phục vụ xã hội, Giáo Hội công giáo tại Brazil điều khiển 369 nhà thương, 884 viện phát thuốc, 22 viện chữa trị bệnh phong cùi, 718 nhà đưỡng lão, 1,636 nhà dưỡng dục các em mồ côi. Ngoài ra, còn có 1,711 trung tâm tham vấn và hổ trợ sự sống, 3,257 trung tâm phục hồi và giáo dục xã hội. (Apic 16 JULY 2013, Đặng Thế Dũng).

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – C



 
(Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21)

Chủ đề:
TÌM KIẾM NHỮNG GIÁ TRỊ THIÊNG LIÊNG
“Anh em hãy hướng lòng trívề những gì thuộc thượng giới,
chứ đừng chú tâmvào những gì thuộc hạ giới” 
(Cl 3,2).
I. CÁC BÀI ĐỌC
Của cải vật chất và những giá trị trần thế là những cám dỗ lớn đối với con người. Nhiều khi con người đắm chìm và bị cuốn hút bởi những giá trị này. Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian và mở ra cho con người con đường hướng tới Thiên Chúa. Người mời gọi con người tìm kiếm và sống cho những giá trị thiêng liêng.

Bài đọc I (Gv 1,2; 2,21-23)
Tác giả sách Giảng Viên nhấn mạnh tới sự phù vân của vật chất. Tất cả mọi sự trên cuộc đời không tồn tại mãi mãi. Tác giả sách Giảng Viên không phải là một con người bi quan về cuộc sống, nhưng có cái nhìn thực tế và đúng đắn về cuộc sống. Con người mãi mê chìm đắm vào những gì tại thế, vất vả tìm kiếm của cải vật chất để rồi không mang theo mình mãi mãi. “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.” Sứ điệp sách Giảng Viên mời gọi con người chú tâm đến những giá trị thiêng liêng và siêu nhiên. Những giá trị này mới tồn tại mãi và đem lại cho con người ý nghĩa của đời sống.
Bài đọc II (Cl 3,1-5.9-11)
Thánh Phaolô tiếp nối sứ điệp của sách Giảng Viên khi ngài kêu mời các tín hữu Côlôxê tìm kiếm những giá trị siêu nhiên: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Những giá trị siêu nhiên không phải là những giá trị không thực tế, mà là những giá trị đích thực cho đời sống của con người. Những gì thuộc thượng giới là những giá trị của công bằng, tình yêu. Chính sự phục sinh của Chúa Giêsu làm thay đổi con người. Họ được mời gọi để trỗi dậy khỏi những yếu đuối, ích kỷ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Đừng để cho những giá trị hạ giới cản trở những giá trị thượng giới mà chúng ta đã được lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô.
Phúc Âm (Lc 12,13-21)
Một người trong đám đông xin Chúa Giêsu đứng ra làm quan tòa phân xử tài sản cho ông. Chúa Giêsu đã dùng hoàn cảnh ấy để dạy cho đám đông bài học về sự thanh thoát của tâm hồn khỏi những đam mê của cải vật chất: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu.” Của cải vật chất vẫn là cám dỗ mạnh mẽ đối với con người. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về một người phú hộ giàu có. Ông ta hài lòng và cảm thấy sự an toàn với của cải mình làm ra: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Nhưng Chúa Giêsu đã chê trách thái độ của người phú hộ này: “Đồ ngốc! Nội đem nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn với việc kêu mời mọi người hãy tìm kiếm những giá trị đích thực của Nước Trời, những giá trị làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” Của cải vật chất không đem lại cho con người ý nghĩa đích thực của đời sống, nó chỉ có giá trị tạm thời và chỉ là phương tiện phục vụ cho con người. Đừng để cõi lòng dính bén với của cải trần thế.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.” Tôi có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và về những giá trị của đời sống? Tôi có tìm kiếm những giá trị thiêng liêng của đời sống? Hay tôi bị những giá trị trần thế cuốn hút?
2. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Tôi đã được trỗi dậy với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh tẩy, vậy tôi có nổ lực tìm kiếm những giá trị thuộc thượng giới, những giá trị của tình yêu, bác ái, tha thứ, công bằng? Hay tôi vẫn còn ngập chìm trong những giá trị của hạ giới, những giá trị của trần thế, ích kỷ, hận thù?
3. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu.”Tôi có để cõi lòng mình dính bén việc ham muốn của cải vật chất? Tôi có can đảm sống cách thanh thoát khỏi mọi nô lệ của tiền bạc, danh vọng?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nơi nương tựa vững chắc và nguồn hạnh phúc đích thực cho con người. Chúng ta hãy chân thành cảm tạ và tha thiết cầu xin Chúa giúp chúng ta biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới như Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở.
1.Hội Thánh có sứ mạng loan báo sứ điệp tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại. Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn những nỗ lực phục vụ con người của Hội Thánh, để ánh sáng Phúc Âm ngày càng rạng ngời trong thế giới hôm nay.
2. Của cải vật chất là phương tiện Chúa ban để con người sinh sống và chia sẻ cho nhau. Xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức trách nhiệm tạo ra và phân phối của cải vật chất cách hợp lý, nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người.
3.Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Xin cho con người thời đại biết cảnh giác với chủ nghĩa hưởng thụ và khoái lạc, luôn khôn ngoan tìm kiếm và sống theo những giá trị Phúc Âm.
4. Làm giàu trước mặt Chúa là hết lòng vâng theo ý Chúa và yêu thương giúp đỡ mọi người. Xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta biết tương trợ và hợp tác với nhau trong bổn phận phụng sự Chúa cũng như phục vụ tha nhân.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận những ước nguyện chân thành chúng con dâng lên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và trường tồn ngay trong cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.