Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN A




Chủ đề:
HOÁN CẢI ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG ƠN CỨU ĐỘ
TỪ ĐỨC GIÊSU KITÔ DUY NHẤT
“Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Is 8,23b-9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23
Các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta thấy viễn ảnh và sứ vụ của người Kitô hữu, hoán cải để bước vào một tương quan mới với Thiên Chúa và với Đức Giêsu, từ đó bắt đầu thi hành sứ vụ của mình là loan báo Tin Mừng Nước Trời cho tất cả mọi người. 

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is 8,23b-9,3)
Bài đọc I trích từ sách ngôn sứ Isaia cho chúng ta rằng tại đất Galilê, thời đó được kể là vùng đất của dân ngoại vì bị đế quốc Assyria xâm chiếm sau khi dân Israel bị đưa đi lưu đày, “dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Đám người đang sống trong bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Ở đây, ngôn sứ Isaia nhắc dân Israel vào thời ấy nhớ rằng ánh sáng của Thiên Chúa luôn chiếu sáng và hướng dẫn họ để giúp họ vượt ra khỏi bống tối của tù tội, của áp bức và bạo tàn, của đau khổ và thất vọng ở chốn lưu đày. Ngôn sứ Isaia mời gọi họ hết lòng tin tưởng vào ánh sáng của Thiên Chúa, đó là ánh sáng đích thực có thể soi dẫn họ ra khỏi cảnh đen tối.
Lời ngôn sứ Isaia khi ấy tiên báo về một vị vua lý tưởng thuộc dòng dõi Đavít sẽ đến Galilê, khai mở thời công lý và hòa bình, nhưng vị vua ấy cũng được gọi là Emmanuel như đã tiên báo trước đó (Is 7,14). Thiên Chúa, qua vị vua này, sẽ giải thoát dân khỏi cảnh đen tối của áp bức lưu đày để khởi đầu một thời kỳ đầy tươi sáng và tràn niềm vui. Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu khi Người khai mở thời kỳ cứu độ từ Galilê, bằng việc khai sáng tâm hồn người ta để kêu gọi họ sám hối và tin vào Tin Mừng mà Người rao giảng.
2. Bài đọc II(1Cr 1,10-13.17)
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cho thấy Đức Giêsu đã sai ngài đi làm phép rửa và rao giảng Tin Mừng để tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu xưa, qua đó cho thấy sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá. Còn đối với người Kitô hữu, là những người đã được đón nhận ánh sáng Tin Mừng, cần hiệp nhất với nhau trong Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Côrintô hãy tránh sự chia rẽ trong cộng đoàn, vì như thế sẽ làm tổn hại đến sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô và làm mất ý nghĩa của sứ vụ loan báo Tin Mừng mà ngài và các tông đồ khác đã thực hiện.
Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy hiệp nhất với nhau trong lời ăn tiếng nói và cả hành động bằng cách không chia rẽ, nhưng sống hòa thuận và một lòng một ý với nhau ngay trong mỗi cộng đoàn và giữa các cộng đoàn khác. Quả thật, với cộng đoàn của Côrintô thời ấy, mỗi vị tông đồ đóng góp một vai trò nhất định nào đó cho cộng đoàn, vì thế nảy sinh sự phân rẽ trong dân: “tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Ðức Kitô”. Không thể xảy ra như thế, không thể để “Ðức Kitô bị chia năm sẻ bảy” mà tất cả đều thuộc về Đức Giêsu Kitô mà thôi. Bởi vì tất cả đều chịu một phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, có cùng một đức tin, chia sẻ chung một tấm bánh, cùng sống vì ích chung và nhất là được chính một Đức Giêsu đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh để ban ơn cứu độ có mọi người.
3. Tin Mừng (Mt 4,12-23)
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai tại miền Galilê. Sau khi chịu Phép Rửa của ông Gioan tại sông Giođan (Mt 3,13-17), Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1-11). Sau đó, khi nghe ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê, rồi bỏ Nadarét, đến Caphácnaum và từ đó, Người bắt đầu rao giảng Tin Mừng (Mt 4,12-17). Ngay khi vừa bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Mt 4,18-22), và dân chúng rất đông ở khắp miền Galilê đến để nghe Người rao giảng và được chữa lành (Mt 4,23-25).
Bài Tin Mừng trình thuật tóm lược sứ vụ của Đức Giêsu và nội dung lời loan báo của Người. Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ ở miền Galilê bằng việc “rao giảng Tin Mừng Nước Trời” và “chữa lành hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”. Hành động này của Đức Giêsu là cách hiện thực hóa lời tiên báo của ngôn sứ Isaia trong bài đọc I, đã được Tin Mừng trích dẫn trước đó: “Hỡi Galilê, miền đất dân ngoại, đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
Lời đầu tiên của sứ điệp Tin Mừng là kêu gọi người ta “sám hối” hay “hoán cải”. Sự hoán cái này không chỉ là hành động quay trở về qua việc ăn năn hối cải vì những tội lỗi trong quá khứ, mà còn là một lời kêu gọi thay đổi tận căn để bước vào một tương quan mới với Thiên Chúa và với Đức Giêsu từ nay về sau. Thật vật, “hoán cải” theo tiếng hylạp là “metanoia”, nghĩa là một sự thay đổi tận căn trong tâm khảm, từ cách suy, nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói và mọi hành vi. Đó là sự thay đổi toàn diện để bắt đầu một lối sống mới.
Ngay bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Việc các ông lập tức từ bỏ mọi sự mà theo Người vô điều kiện là một cách đáp trả tận căn lời kêu gọi “hoán cải” trong lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu. Các ông là những người dấn thân trọn vẹn qua việc từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ, của cải vật chất, nghề nghiệp và cả những tương quan trần thế, kể cả cha mẹ và anh em ruột thịt để theo Đức Giêsu, trở thành những môn đệ “kề cận” của Người. Ơn gọi này được khởi xướng từ Đức Giêsu, nhưng để thành sự thì hoàn toàn do thái độ đáp trả của người được gọi. Nhờ vậy, họ thiết lập với Đức Giêsu một sự hiệp thông sâu xa để có thể trải nghiệm được toàn bộ đời sống của Đức Giêsu qua các lời giáo huấn và hành động của Người, và tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân để quy tụ mọi người về trong một Giáo Hội duy nhất, như quy tụ “cá vào trong lưới”.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1.Đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Đức Giêsu chính là ánh sáng huy hoàng đã chiếu soi cho mọi người. Có nhiều thứ bóng tối đang bao phủ đời sống chúng ta: bóng tối của bất công và tàn bạo, ích kỷ và mưu mô, gián trá và lường gạt, ghen ghét và thù hận, đam mê và nghiện ngập…. Những bóng tối thường làm cho chúng ta cảm thấy cô đơn và sợ hãi, đau khổ và bệnh hoạn. Chúng ta có ý thức rằng Tin Mừng của Đức Giêsu là ánh sáng có thể soi chiếu để giúp chúng ta thoát khỏi những bóng tối đó hay không? 
          2.Hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau.” Nhờ cùng chịu một phép rửa và có chung một niềm tin, người Kitô hữu được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong một thân thể duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có ý thức rằng chia rẽ chính là mầm mống làm tan nát thân thể Đức Giêsu Kitô là Giáo Hội hay không? Chúng ta có ý thức rằng phải loại bỏ mọi sự phân rẽ phe nhóm trong các giáo xứ, dòng tu, hội đoàn…vì bất cứ lý do và hình thức nào, vì nếu không, chúng ta sẽ làm cho “Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy” hay không?   
           3. Đức Giêsu bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” Sự từ bỏ mọi sự này như là một đòi buộc cốt yếu đối với sứ vụ của người làm môn đệ Đức Giêsu. Nhờ đó, họ được tự do thanh thoát và có thể mở ra một tương quan mới rộng lớn hơn hướng đến mọi người và giúp mọi người được đón nhận ơn cứu độ. Tin Mừng Mátthêu đã xây dựng hình ảnh người môn đệ như một mẫu gương lý tưởng cho mọi Kitô hữu. Do đó, cách đáp trả của các môn đệ và sứ vụ của họ cũng là của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta có ý thức rằng Nước Thiên Chúa có được mở rộng hay không một phần tùy thuộc vào việc các môn đệ, là mỗi người Kitô hữu chúng ta, có quảng đại đáp trả lời kêu gọi của Chúa và nghiêm túc thực thi lệnh truyền loan báo Tin Mừng để quy tụ mọi người vào trong Giáo Hội hay không?


III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đã ban tặng Đức Giêsu Kitô là ánh sáng chiếu soi và dẫn đường cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và thân thưa với Người những tâm tình và ước nguyện chân thành:
1. “Ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức sứ vụ giới thiệu và làm chứng về Đức Kitô là ánh sáng thật cho thế gian, để soi chiếu những người đang ở trong bóng tối của bất công, bạo lực, gian dối, và thù hận.
2. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ với lời mời gọi: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, cách riêng những tâm hồn thành tâm thiện chí nhưng chưa tin nhận Đức Kitô, được đón nhận Tin Mừng cứu độ, hầu thay đổi tận căn đời sống cho phù hợp với Nước Trời.
3. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình.” Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu biết vượt qua những khác biệt gây chia rẽ, tìm được sự đồng tâm nhất trí trong các cộng đoàn và với cộng đoàn khác, để giữ gìn và xây dựng sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
4. Các môn đệ đầu tiên đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người cùng các gia đình trong cộng đoàn chúng ta, biết quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa và dấn thân trọn vẹn cho Tin Mừng qua việc từ bỏ triệt để, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin nhận lời chúng con chân thành cầu nguyện và rộng ban mọi ơn lành hồn xác, giúp chúng con luôn trung thành và sống xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, con Cha. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN A




Chủ đề: ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29)
Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34
Đức Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Ngài. Người đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và giải chiếu trên họ ánh sáng vĩnh cữu của ơn cứu độ. Gioan Tẩy Giả đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu. Ông tin và giới thiệu Đức Giêsu cho những người khác.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is 49,3.5-6)
Dân Do Thái đang sống lưu đày tại Babilon vào khoảng thế kỷ thứ VI trước CN. Giữa hoàn cảnh u buồn và thất vọng đó, Thiên Chúa đã cho xuất hiện vị ngôn sứ để loan báo những lời đầy hi vọng. Người tôi trung trong đoạn sách Isaia hôm nay là một hình ảnh bí nhiệm, có thể là biểu tượng của một số người Do Thái trung thành với Lề Luật hay một nhân vật nào đó. Truyền thống Kitô giáo nhìn thấy người tôi trung này là chính Đức Kitô. Qua người tôi trung này, Thiên Chúa sẽ biểu lộ vinh quang của mình: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang”. Vinh quang của Thiên Chúa không chỉ chiếu tỏa trên dân Israel, mà còn trên mọi dân tộc. Quả thật, ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho hết thảy mọi dân tộc, chứ không dành riêng cho Israel: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Để thực hiện sứ mệnh cao cả này, chính Thiên Chúa trở nên nguồn nâng đỡ và sức mạnh của người tôi trung: “Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”. Tất cả những lời tiên báo này đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đến đem ơn cứu độ cho mọi người.

2. Bài đọc II (1 Cr 1,1-3)
Trong lá thư thứ nhất gởi cho các tín hữu ở Côrintô, Phaolô xác định về ơn gọi Tông đồ của mình. Ơn gọi làm Tông đồ của Đức Giêsu Kitô là do ý định của Thiên Chúa, chứ không do ý muốn của con người. Phaolô được kêu gọi để loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho mọi dân để họ trở nên “những người được thánh hiến trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh” cùng với tất cả mọi người khắp nơi kêu cầu danh Đức Giêsu. Các tín hữu là những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Họ được kêu gọi hiệp nhất trong Hội Thánh của Thiên Chúa cùng với những người tin vào Đức Giêsu và trở nên thánh thiện. Người Kitô hữu là người thuộc về Thiên Chúa và là chứng nhân của Thiên Chúa giữa thế gian như “muối cho đời, ánh sáng cho thế gian, men trong bột”. Họ có trách nhiệm làm cho người khác nhận biết Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người bằng chính đời sống của mình.

3. Tin Mừng (Ga 1,29-34)
 Gioan Tẩy Giả rao giảng và kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn để dọn đường cho Thiên Chúa ngự đến. Trong khi Gioan đang ở sông Giođan để làm phép rửa thống hối cho dân chúng, Đức Giêsu tiến về phía của Gioan. Vừa thấy Đức Giêsu, Gioan liền nói về Đức Giêsu với những lời thật ý nghĩa: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Đức Giêsu là Đấng đến để xóa bỏ tội lỗi của con người qua hiến tế trên thập giá. Trong Cựu Ước, con chiên là vật dùng để dâng tiến lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi của con người. Nhưng máu của các con vật không thể nào tẩy xóa hết tội lỗi con người được, như thư gởi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi” (Hr 10,4). Vâng, chỉ có hiến tế của Đức Giêsu, là Chiên Thiên Chúa, mới tẩy sạch tội lỗi của con người mà thôi. Gioan đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu là nhờ quyền năng của Thiên Chúa mặc khải cho ông: “Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Gioan đã nhận ra dấu chỉ mà Thiên Chúa đã nói về Đức Giêsu trong biến cố Đức Giêsu đến lãnh nhận phép rửa tại sông Giođan: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Thánh Thần Chúa, tựa hình chim bồ câu, ngự xuống trên Đức Giêsu ngay lúc Người lên khỏi nước (x. Mt 3,16; Mc 1,10; Lc 3,22).

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Thiên Chúa đã chọn, đặt người tôi trung làm ánh sáng và trở nên dụng cụ truyền ban ơn cứu độ cho muôn dân. Tôi cũng được Thiên Chúa mời gọi trở nên những chứng nhân của tình yêu và ơn cứu độ cho người khác. Tôi có ý thức và sống trọn bổn phận này trong đời sống? Cuộc sống tôi có trở nên ánh sáng và dụng cụ truyền giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa?
2. “Những người được thánh hiến trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh”. Tôi được mời gọi trở nên thánh khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để trở nên những thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô. Mỗi ngày sống tôi có nỗ lực để sống lời mời gọi này? Tôi có sống thuộc về Thiên Chúa và bước theo lời chỉ dạy của Ngài?
3. “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Đức Giêsu đã đổ máu mình ra như của lễ đền thay tội lỗi của con người khỏi sự chết đời đời do tội lỗi gây nên. Tôi có sống và ý thức được tình yêu thương cao cả này của Đức Giêsu trong cuộc sống của mình? Tôi có can đảm chia sẻ cảm nghiệm của ơn tha thứ của Đức Giêsu và giới thiệu Người cho những ai mà tôi gặp gỡ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế:Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ nhân loại. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng và chỉ cho mọi người nhận biết khi Chúa đến. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và hiệp ý cầu nguyện:
1. Thánh Gioan nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn nỗ lực trong sứ mạng Phúc Âm hóa, biết dùng mọi khả năng và phương tiện để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho mọi người.
2. Công cuộc loan báo Tin Mừng tại nhiều nơi trên thế giới còn gặp khó khăn cấm cách. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo ở những nơi đó biết mở lòng trước tình thương của Thiên Chúa, để người dân của họ được nghe loan báo Tin Mừng cứu độ.
3. “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết dùng lời nói, việc làm và cách sống của mình để làm chứng và giới thiệu cho người khác về Đức Giêsu Kitô, là hiện thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
4. Thánh Phaolô nói: “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức ơn gọi và tích cực sống sứ vụ của mình, để luôn được Thiên Chúa chúc phúc.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con. Xin nhận lời chúng con thành tâm cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con biết loan báo và làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa giữa mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Mùa xuân Ả rập và Myanmar.



Myanmar, giành độc lập năm 1948, bị hết thống tướng này đến thống tướng khác cai trị sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Trong ngôn ngữ của chính trị học, đó là chế độ Qủa đầu (độc tài nhóm), một hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân.

Dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước. Đó là nguyên nhân Myanmar từ vị thế là một đất nước phát triển hàng đầu châu Á đầu thập kỷ 1960 đã tụt hậu và kiệt quệ thành một nước lạc hậu nhất ở Đông Nam Á những năm qua.
Đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào cường quốc láng giềng, giới lãnh đạo Myanmar đã có những thay đổi kịp thời và ngoạn mục.
Cuộc bầu cử dân sự năm 2010 tưởng như chỉ là mang tính hình thức để hợp thức hóa sự cai trị của những tướng lĩnh cũ, mà Tổng thống được bầu vào Mùa xuân 2011 Thein Sein nằm trong số này. Lần đầu tiên nắm quyền cao nhất ở Myanmar, vị tướng cũ đã từ bỏ đường lối cai trị độc tài, bằng cách chấm dứt những dự án của cường quốc láng giềng gây nguy hại cho Myanmar, công nhận đảng đối lập và tổ chức cuộc bầu cử bổ sung tự do vào Mùa xuân 2012, phóng thích hàng loạt tù nhân lương tâm, và cho phép tự do báo chí.
Myanmar còn có một nhân vật vĩ đại nữa làm biểu tượng cho quá trình dân chủ hóa: Aung San Suu Kyi, người đã để lại gia đình của mình ở nước Anh để trở về nước vận động dân chủ năm 1988 bất chấp bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ, cấm tranh cử, rồi bị giam lỏng trong thời gian bầu cử năm 1990. Kết quả: bà chiến thắng áp đảo cùng Đảng của mình (82% số phiếu) nhưng bị từ chối chuyển giao quyền lực và tiếp tục bị giam lỏng, và bà từ chối rời khỏi đất nước để tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ. Ngày đó đã đến như mong mỏi của bà và nhân dân Myanmar, cho dù Đảng của bà chỉ tranh cử ở cuộc bầu cử bổ sung 45/664 ghế.
Một người từ bỏ quyền lực độc tài để đưa đất nước đến với dân chủ, và ca ngợi đối thủ từng bị phe mình giam giữ. Một người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ nhưng chấp nhận sự cai trị của chính phe phái từng tước đoạt quyền lực của mình, thậm chí vận động quốc tế xóa bỏ cấm vận với chính quyền đương nhiệm, để tìm kiếm sự khởi đầu mới cho quá trình dân chủ hóa đất nước. Qúa trình dân chủ hóa của Myanmar, nhờ vậy, đồng thời là quá trình hòa giải dân tộc, giúp Myanmar không chỉ giữ được hòa bình mà còn giảm nguy cơ bị chia rẽ.
Đó là lý do cả hai được xếp hàng đầu trong danh sách 100 nhà tư tưởng của thế giới năm 2012 do Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) lựa chọn. Riêng Thein Sein được tờ Straits Time (Singapore) bình chọn là Nhân vật châu Á của năm 2012. Vì từ bỏ độc tài quyền lực để trả quyền lực về cho nhân dân luôn là lựa chọn vô cùng khó khăn của mọi chế độ độc tài trong lịch sử.
Nhưng đó là lối thoát duy nhất cho một quốc gia muốn phát triển, và ngay lập tức đầu tư nước ngoài đã xếp hàng vào Myanmar. Và cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra với “Mùa xuân Ả rập”.
Ba ngàn năm trước, nhà tư tưởng chính trị Khương Tử Nha đã thấu hiểu điều đó khi nhắc nhở Chu Văn Vương rằng: Thiên hạ không của riêng ai, thiên hạ là của cả thiên hạ, chung lợi ích với thiên hạ thì được thiên hạ, đoạt lợi ích của thiên hạ thì mất thiên hạ. Nhờ tư tưởng đó, nhà Chu tồn tại tới tám trăm năm, và là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về tư tưởng, triết học, binh pháp, kỹ thuật của Trung Quốc cổ và trung đại.
Ngày nay, không cần phải thông thái như Khương Tử Nha cũng biết điều đó. Quá nửa quốc gia trên thế giới là những nền dân chủ, thể chế buộc chính quyền phải chung lợi ích với thiên hạ, thay vì chờ đợi chính quyền tự nguyện như triều đại nhà Chu. Nhờ thế, những quốc gia thịnh vượng nhất, văn minh nhất đều là những nền dân chủ.
Hồng Ngọc

Hồng Ngọc
Hồng Ngọc