Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Bức ảnh "sự thật thà của người Canada" gây xôn xao cư dân mạng.

 


Một bức ảnh chụp tại một ga tàu điện ngầm tại Canada đã khiến cộng đồng mạng thế giới thán phục vì sự thật thà của người dân nước này. Bức ảnh đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội.

Tại một ga tàu điện ngầm (chưa xác định địa điểm) của Canada, máy bán vé tự động bị hỏng. Và thay vì bỏ qua thao tác mua vé để nhảy qua hàng rào đi vào trong sân ga, những người Canada đã chủ động đặt tiền lên máy kiểm soát vé.
Qua bức ảnh, có thể thấy rằng tiền đã bắt đầu được đặt lên máy từ khá lâu trước đó và vun thành một đống, nhưng không chưa có ai có ý định "xơ múi".
Bức ảnh này đã xuất hiện trên mạng một thời gian, nhưng phải đến tuần này, nó mới thực sự gây được sự chú ý khi nhiều trang mạng xã hội và blog của phương Tây chia sẻ lại. Trên một trang facebook, chỉ sau một tiếng đăng tải bức ảnh, đã có gần 100 nghìn lượt "thích".
Một số người Canada bình luận rằng họ cảm thấy tự hào về hình ảnh này. Một số khác bình luận hài hước: "Canada đã đi nước cờ của mình, giờ đến lượt các anh đấy, Nhật Bản" - ám chỉ tới việc người Nhật thường xuyên được đem ra làm hình mẫu cho sự lịch sự và chân thật. "Ở nước Ý thì mọi thứ đã biến mất trong vòng một miligiây" - một người Ý cảm thán.
 

18 điều khiến người Mỹ ngưỡng mộ người Việt...


Mới đọc qua tưởng lại một bạn ngọai quốc chê Việt Nam một cách khéo léo, ai dè là một góc nhìn rất chân thật, mộc mạc và có phần dí dỏm. Những điều đáng yêu này không thể tìm được ở đâu ngoài Việt Nam...

1. Tôi ngưỡng mộ sự cần cù chăm chỉ của người Việt Nam. Nhiều người làm việc cật lực từ 6 giờ sáng đến nửa đêm hàng ngày, dù thành quả chỉ là một vài USD.

2. Tôi ngưỡng mộ sự bẽn lẽn và ngây thơ như trẻ con của nhiều thanh niên. Các chàng trai và cô gái trong lứa tuổi 20 tán tỉnh và đùa cợt với nhau theo cách mà bạn không bao giờ nhìn thấy ở Mỹ nữa. Người ta mất thời gian để tìm hiểu nhau hơn và có thể hẹn hò nhiều tháng trước khi có một mối quan hệ yêu đương chính thức.

3. Tôi ngưỡng mộ việc người Việt Nam có thể ăn một loại trái cây bốc mùi khủng khiếp như sầu riêng. Đối với tôi, nó có mùi như thuốc đắng trộn với… nước đái mèo.

4. Tôi ngưỡng mộ việc rất nhiều người dân ở đây có thể mặc chiếc áo khoác dày cộp khi trời nóng 35 độ C và nói rằng đó là cách làm “mát”. Rõ ràng nó không mát theo cách thông thường mà người Mỹ hiểu, nhưng có lẽ nó làm họ dễ chịu hơn là bị mặt trời đốt cháy.

5. Tôi ngưỡng mộ cách những người đàn ông say xỉn và nằm lăn quay trên phố. Điều này tốt hơn là nửa tỉnh nửa say và đâm phải ai đó bằng chiếc xe của mình.

6. Tôi ngưỡng mộ sự kiên nhẫn của mọi người trong sự kẹt xe giao thông. Nếu là dân Mỹ như tôi, hẳn họ sẽ không ngớt chửi rủa và rên rỉ khi ngồi trong một chiếc xe máy lạnh mát mẻ của mình.

7. Tôi ngưỡng mộ cách các bậc cha mẹ ở Việt Nam chăm chút các đứa trẻ của mình. Họ nói chuyện và chơi với con của họ liên tục và chạy sau lũ trẻ để đảm bảo rằng chúng không bị ngã. Ở Mỹ, hầu hết các bậc cha mẹ dường như không mấy vồ vập khi thấy đứa trẻ của mình sau một ngày dài làm việc.

8. Tôi ngưỡng mộ cách người dân hành xử trong các vụ va chạm giao thông. Họ có thể bị ngã, nhưng vẫn bỏ qua cho nhau và ngồi lên xe đi tiếp, không gọi cảnh sát và nhờ luật sư kiện tụng như ở Mỹ.

9. Tôi ngưỡng mộ cách người Việt Nam có thể có vẻ ngủ bất cứ nơi nào. Đàn ông thường xuyên ngủ trên xe máy hoặc trên mặt đất, trẻ nhỏ thì ngủ khi ngồi giữa bố mẹ trên xe máy, và tất cả mọi người đều có thể ngủ trên chiếc xe buýt xóc như rang ngô trên chuyến đi Gia Lai, ngoại trừ tôi.

10. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ những người phụ nữ ở Việt Nam. Họ có thể làm những công việc khó khăn và kéo dài, nhưng vẫn mong muốn được tự tay chăm sóc những đứa trẻ và chuẩn bị các bữa ăn gia đình.

11. Tôi ngưỡng mộ cách mọi người có thể “ngồi xổm kiểu châu Á” trong nhiều giờ. Tôi đã thử ngồi như vậy một vài phút, và nó đã làm lưng tôi tê liệt.

12. Tôi ngưỡng mộ người Việt Nam vì họ có thể ngủ bất kể xung quanh ồn như thế nào. Đó có thể là tiếng ồn của xe cộ, các công trình xây dựng hang tiếng nhạc từ phòng karaoke nào đó.

13. Tôi thậm chí còn ngưỡng mộ những con chó ở Việt Nam. Chúng chắc chắn là một trong những động vật thông minh và bền bỉ nhất trên thế giới. Những chú chó ở Việt Nam tránh ô tô và xe máy rất giỏi, đồng thời cũng phải đủ khôn ngoan để không bị biến thành bữa ăn của ai đó.

14. Tôi ngưỡng mộ đức tin đặc biệt của của những người tham gia giao thông. Nó giống như việc các tín đồ Do Thái băng qua Hồng Hải nhờ vào phép màu của nhà tiên tri Moses.

15. Tôi ngưỡng mộ việc những đứa trẻ và người già đi bán vé số thay vì chỉ đi ăn xin. Tôi luôn luôn cố gắng giúp đỡ họ bất cứ khi nào có thể.

16. Tôi ngưỡng mộ việc những người đi xe máy có thể chở nhiều đồ hơn khối lượng mà tôi chở được trên chiếc xe tải nhỏ của mình.

17. Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của những đứa trẻ đi bộ và đi xe đạp trên đường phố trong giờ cao điểm. Chúng di chuyển bình thản như thể chẳng có chiếc xe nào xung quanh cả.

18. Trên hết, tôi ngưỡng mộ tình yêu và sự kính trọng mà người Việt Nam dành cho người thân, tổ tiên và bạn bè. Hầu hết các gia đình sẽ cầu nguyện, thắp hương và dâng cúng không chỉ cho ông bà cha mẹ đã mất của mình mà cả các thế hệ trước đó và thậm chí là cả các mối quan hệ xa xôi. Tôi đã thấy người thân đi xa hàng trăm dặm chỉ để tỏ lòng tôn kính với ông bác quá cố của tôi trong dịp Tết. Con cái có thể thay mặt cha mẹ đến và tỏ lòng tôn kính với những người mà họ chưa bao giờ gặp trong đời. Đây chỉ là danh sách của tôi bây giờ. Tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều điều khác để những người ở nước khác ngưỡng mộ về người Việt Nam.





Bạn thật, bạn giả




Nhiều người vẫn cho rằng một trong những hạnh phúc trên đời là tình bạn. Điều này thì ai cũng dễ dàng đồng ý thôi. Thế nhưng, để có tình bạn thực sự thì cần có những người bạn thực sự. Như thế nào gọi là một người bạn?


Liệu có phải những ai ta vẫn giao du đều là bạn cả? Không đâu, số người ấy gồm cả “bạn” lẫn “bè”, và phần nhiều là bè hơn là bạn. “Bạn bè” không phải là cách nói cho xuôi tai, cũng không phải là “từ láy” này nọ như nhỉều người tưởng mà là “từ ghép” của hai chữ “bạn” và “bè”. Bạn, nói đơn giản, là người đồng hành cùng chia vui sẻ buồn với ta trên những chặng đường đời. Bè là những kẻ tạt ngang qua đời ta trong chốc lát, rồi đường ai nấy đi mà không chút vấn vương. “Bè” trong những chữ “bè phái”, “kết bè, kết đảng” gợi lên ý tưởng không mấy hay ho. Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, lắng đọng hơn là sôi nổi. Những kẻ ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có hoặc có rất ít bạn (và không biết phân biệt đâu là bạn, đâu là bè).

Bạn lại có “bạn thật” và “bạn giả”. Bạn thật là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. Bạn giả là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt, con người vừa có bạn thật lại vừa có bạn giả. Bạn giả lúc nào cũng nhiều hơn bạn thật, đến với ta vì lợi ích nào đó chứ không vì tình thật. Bạn giả là người đóng giả vai người bạn, ngoài mặt tỏ ra thân thiện nhưng có thể bất ngờ tặng cho ta những nhát dao trí mạng từ phía sau lưng hoặc phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ. Đôi lúc có kẻ thù còn dễ chịu hơn có những người bạn giả. Bạn giả cũng tựa như bạc giả vậy, đã không xài được mà để trong túi có khi mang họa.

Khác với bạn giả, bạn thật là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho người bạn mình và vui sướng trông thấy bạn mình hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống (dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Bạn thật không ngại nói thẳng nói thật về những sai trái của bạn mình để giúp bạn cải thiện bản thân cũng như không ngại tán thưởng về tài năng hoặc thành công của bạn mình để giúp bạn thêm tự tin trong cuộc sống. Bạn thật luôn nói tốt về bạn mình sau lưng bạn. Bạn thật là người đến với ta trong lúc ta trần trụi hay trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời, và cũng là người mà ta có thể đến gõ cửa một cách thoải mái khi cần sự giúp đỡ.

Những người bạn như thế làm sao có nhiều được, thường chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay (và ít khi đếm hết được). Đến một tuổi nào đó người ta khó mà có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, cảm thông và tin cậy.

Với những người tôi thực lòng quý mến, tôi vẫn nói: “Tôi mong cho anh/chị không có bạn hơn là có những người ‘bạn giả’. Có được chừng vài ba người ‘bạn thật’ thì anh/chị là người may mắn và hạnh phúc.”

Đừng quên gọi tôi nhé ...

Nếu một ngày bạn muốn khóc
Hãy gọi tôi !
Tôi không dám hứa là tôi có thể làm bạn cười
Nhưng tôi có thể khóc cùng bạn

Nếu một ngày bạn muốn bỏ đi thật xa
Ðừng ngại gọi tôi nhé!
Tôi không dám hứa là tôi có thể làm bạn cười
Nhưng tôi có thể đi cùng bạn.

Nếu một ngày bạn không muốn nghe bất kỳ ai
Hãy gọi tôi nhé
Tôi hứa sẽ rất im lặng để nghe bạn.

Nhưng nếu một ngày bạn gọi cho tôi
Và không nghe thấy tôi trả lời
Hãy đến nhanh bên tôi nhé
Có thể lúc đó tôi đang cần đến bạn !
Lê Hữu

Giải đáp phụng vụ: Câu "Xin Chúa tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin" được hiểu thế nào?



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Nhiều người chúng con hơi bối rối với bản dịch Sách Lễ Rôma về lời nguyện nhập lễ của Chúa Nhật 27 mùa Thường niên, nhất là về ý nghĩa của câu "Xin Chúa đổ tràn trên chúng con lòng thương xót của Chúa, để tha thứ những gì lương tâm chúng con áy náy lo sợ, và tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin". Thưa cha, ý nghĩa chính xác của “điều chúng con chẳng dám cầu xin” là gì? Người ta tự hỏi liệu đó có phải là một bản dịch chính xác của văn bản Latinh không, và nếu như vậy, câu ấy được hiểu thế nào. Con thấy rằng, lời nguyện nhập lễ này dường như ít liên quan đến các bản dịch "tương đương năng động" của một trong các lời nguyện của Chúa Nhật 27 này, trong bản dịch trước đó. - S. C., Chambersburg, Pennsylvania, Mỹ.



Đáp: Bản dịch đầy đủ của Lời nguyện nhập lễ này là: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, lượng từ ái hải hà của Chúa vượt quá công phúc và ước mơ của những kẻ kêu cầu. Xin Chúa đổ tràn trên chúng con lòng thương xót của Chúa, để tha thứ những gì lương tâm chúng con áy náy lo sợ, và tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin. Chúng cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời” (Bản dịch của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam).

Lời nguyện này là rất cổ xưa và được tìm thấy ở hầu hết các bản thảo đầu tiên của Lễ Rôma, mặc dù vào các ngày Chúa Nhật và các mùa khác nhau.

Bản gốc Latinh của lời nguyện này là: "Omnipotens sempiterne Deus qui abundantia pietatis tuae et merita supplicum excedis et vota; effunde super nos misericordiam tuam, ut dimittas quae conscientia metuit, et adicias quod oratio non praesumit...”.

Mối quan tâm của bạn đọc này bắt nguồn từ cách dịch câu "quod oratio non praesumit".

Bởi vì lời nguyện này cũng được Anh giáo sử dụng trong cuốn “Sách Kinh Anh giáo” (the Book of Common Prayer), nó có nhiều bản dịch theo thời gian. Năm 1549, nó được dịch là "xin ban điều chúng con chẳng dám cầu xin”. Năm 1662, bản dịch trở thành “xin ban cho chúng con những điều tốt lành mà chúng con không xứng đáng cầu xin, nhưng nhờ công nghiệp và trung gian của Chúa Giêsu Kitô..." Bản dịch thứ hai này đi hơi xa bản gốc Latinh một chút.

Bản dịch của ‘Ủy ban Quốc tế về bản dịch tiếng Anh trong phụng vụ’ (ICEL) năm 1973 là ít giống với bản gốc Latinh: "Lạy Cha, tình yêu của Cha vượt quá tất cả các hy vọng và mong ước của chúng con. Xin tha thứ mọi thiếu sót của chúng con, xin giữ chúng con trong an bình của Cha, và dẫn chúng con vào con đường cứu độ..."

Vì vậy, bản dịch này chắc chắn không là một bản dịch chính xác, mặc dù người ta có thể lập luận rằng Phiên bản Anh giáo năm 1549 ("chẳng dám cầu xin") nắm bắt tốt hơn ý nghĩa ban đầu.

Về việc giải thích, chúng tôi phải suy tư rằng lời kinh phụng vụ là một trường cầu nguyện đích thực cho mọi người Công Giáo, nhưng được soạn thảo trong đặc tính súc tích của truyền thống La Mã. Lời nguyện trên chắc chắn là hoa quả của việc suy niệm sâu lắng và kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng, và việc rút ra ý nghĩa đầy đủ của nó cũng có thể là kết quả của sự suy tư thân tình và kinh nghiệm cá nhân trong cách thức cầu nguyện.

Trước hết, lời nguyện nhắc nhớ rằng sự tiến bộ đường thiêng liêng là chủ yếu sáng kiến của Thiên Chúa; sự dồi dào tình thương mến của Chúa "vượt quá các công nghiệp và ước muốn của những người cầu xin Chúa". Sự siêu vượt của Chúa là chìa khóa giải thích cho hai lời khẩn cầu trên.

"Xin tha thứ những gì lương tâm chúng con áy náy lo sợ". Tất cả chúng ta có thể có các lĩnh vực mà chúng ta không nhìn vào thật sát sao – đó là các điều về bản thân mà chúng ta thấy khó đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta có thể xin Thiên Chúa tha thứ ngay cả các khía cạnh đau đớn của cuộc đời chúng ta, và bởi vì Chúa vượt quá các công nghiệp và ước muốn của chúng ta, Chúa sẽ dìu dắt chúng ta để cuối cùng chúng ta thách thức chúng và thắng vượt chúng.

"Xin tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin". Về mặt thuyết, không có điều gì tốt mà chúng ta không thể cầu xin khi cầu nguyện. Tuy nhiên, đời sống con người không được sống trong lý thuyết. Thánh Âutinh vật lộn rất nhiều với các dục vọng của ngài, và ngài cầu nguyện để sống khiết tịnh và tiết dục...”nhưng chưa được”! Cuối cùng, ngài qui phục Chúa qua ân sủng Chúa.

Nhiều linh hồn không dám cầu nguyện cho đủ thứ chuyện, chẳng hạn, cho ơn đi theo một ơn gọi, cho ơn từ bỏ một số tật xấu nguy hiểm, cho ơn phục tùng ý Chúa trong mọi sự. Chúng ta không dám cầu xin bởi vì chúng ta lo sợ rằng Chúa có thể thực sự đáp trả lời cầu xin của chúng ta. Một lần nữa, lòng thương xót của Chúa vượt quá các ước muốn và công nghiệp của những ai kêu xin Chúa.

Thật là táo bạo để nghĩ rằng tôi đã nói hết mọi khả năng của lời cầu xin ngắn gọn nhưng tuyệt vời này, vì vậy tôi dành phần cho bạn đọc của chúng tôi khám phá sự phong phú mà phụng vụ đã cung cấp. (Zenit.org 29-7-2014)

Nguyễn Trọng Đa
:: Giải đáp phụng vụ: Câu ''Xin Chúa tặng thêm điều chúng con chẳng dám cầu xin'' được hiểu thế nào? ::

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN A






Chủ đề: ĐÂU LÀ CHỌN LỰA KHÔN NGOAN NHẤT?
“Tìm được một viên ngọc quý,
ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có
mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,46)



I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I  (1V 3,5.7-12)
Khuôn mặt của vua Salomon lần đầu tiên được giới thiệu trong bối cảnh ông đi dâng ‘một ngàn lễ vật toàn thiêu’ cho Đức Chúa tại Gabaon. Chính điều này đã làm đẹp lòng Đức Chúa và Người đã ban cho ông một điều ước.
Nổi bật ba điểm chính trong lời đối thoại của Salomon dâng lên Chúa: 1) Vua Salomon luôn xác tín những gì ông được thừa hưởng từ vua Đavid, thân phụ của ông, đều là ân ban nhưng không của Thiên Chúa; 2) đồng thời vua cũng luôn ý thức rằng mình nhỏ bé, thấp hèn và không có khả năng để có thể chu toàn sứ mạng quá nặng nề vừa được Chúa trao phó; 3) chính vì thế ưu tư duy nhất của vua lúc bấy giờ, trong tư cách là tôi tớ của Chúa, là ước mong có được một “quả tim biết lắng nghe” để cai trị dân Chúa và để biết phân biệt phải trái.
Lời cầu xin cho được tài phân biệt để xét xử của vua Salomon đã hoàn toàn đẹp lòng Chúa. Chính vì thế, vua chẳng những được Chúa ban gấp bội phần ơn đã xin: là một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn; mà Người còn ban cho vua những điều tốt lành khác như: giàu có, vinh quang, sống lâu, bách chiến bách thắng…

2. Bài đọc II  (Rm 8,28-30)
Thánh Phaolô cho thấy rõ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua mấy động từ chính: tiền định – kêu gọi – làm cho nên công chính – cho hưởng vinh quang. Chuỗi hành động này của Thiên Chúa được đặt nền trên nguyên tắc căn bản: mọi người được đồng hình đồng dạng với Con của Người, “Trưởng Tử của một đàn em đông đúc.” Và như thế, Thánh Phaolo muốn mọi người đi đến xác tín quan trọng là: tất cả những gì Thiên Chúa làm đều nhằm sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.
Vấn đề được đặt ra cho những tín hữu thành Rôma là hãy sống sao để chứng tỏ mình là người yêu mến Thiên Chúa đồng thời hãy biết đón nhận mọi sự Thiên Chúa muốn gởi đến như những phương thế để sinh ích lợi cho cuộc sống của mình.

3. Bài Tin Mừng (Mt 13,44-52)
Đoạn Tin Mừng này là phần cuối cùng của một loạt các dụ ngôn mà thánh sử Matthêu xếp chúng vào phần “bài giảng bằng dụ ngôn.” Hai dụ ngôn đầu, ví Nước Trời giống như kho báu và ngọc quý, có cùng một bố cục như nhau: tìm thấy - bán tất cả - mua bằng được. Tuy nhiên điểm khác biệt chính của hai dụ ngôn “sinh đôi” này là kho báu được chôn trong ruộng – điều mà người ta không chủ ý đi tìm nhưng chỉ vô tình phát hiện ra; đang khi viên ngọc quý – điều mà giới thương buôn luôn ráo riết chủ ý săn lùng. Và cho dù vô tình tìm thấy hay chủ ý tìm kiếm, nhưng một khi đã khám phá ra thì thái độ khôn ngoan chỉ là một: bán mọi sở hữu để được chiếm hữu điều quý giá nhất.
Dụ ngôn Nước Trời được ví như chiếc lưới thả xuống biển bắt được mọi loài nhấn mạnh tới tính bất ngờ khi ngày tận thế đến và không ai có thể thoát ra khỏi “chiếc lưới tận thế” này; kẻ gian ác sẽ được tách ra khỏi người công chính để bị ném vào lò lửa, nơi họ phải khóc lóc và nghiến răng.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Khi ý thức sự nhỏ bé, hèn kém của mình trước sứ mạng nặng nề phải thi hành, vua Salomon đã không xin cho được giàu có, vinh quang hay sống lâu… mà chỉ xin cho được một quả tim biết lắng nghe để phân biệt phải trái khi cai trị dân chúng. Lời cầu xin cho có đủ khả năng để làm tròn bổn phận mình hằng ngày của vua Salomon đã trở nên lời cầu xin mẫu mực và ưu tiên hàng đầu cho mọi lời cầu xin hằng ngày. Xin ơn cho đủ khôn ngoan sáng suốt để chu toàn cách tốt nhất bổn phận mình, có là nỗi bận tâm lớn nhất trong cuộc trò chuyện hằng ngày của tôi với Chúa hay không?
2. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.” Thiên Chúa đã làm tất cả mọi sự chỉ để muốn cho con người được cứu độ, tuy nhiên Người hoàn toàn tôn trọng tự do của mỗi người và kiên nhẫn đợi chờ tình yêu đáp trả của con người. Vậy đâu là thái độ khôn ngoan của con người? Mỗi người được mời gọi chọn Chúa làm đối tượng cho tình yêu của mình và luôn xác tín rằng mọi điều Chúa cho xảy đến với mình luôn là cơ hội giúp đức tin trưởng thành hơn nữa.
3. Đâu là hành động khôn ngoan khi đối diện với Nước Trời như kho báu mà vô tình chúng ta gặp được, hay như viên ngọc quý mà chúng ta phải cất công tìm kiếm? Vui mừng chấp nhận “mất” tất cả chỉ để “được” điều quý giá nhất. Hành trình theo Chúa của mỗi kitô hữu là một chuỗi liên tục những biện phân: khám phá – tìm kiếm – tìm thấy – bán mọi sự – thủ đắc Nước Trời. Nước Trời có là đối tượng mà tôi đang ưu tư kiếm tìm, hay muốn sở hữu bằng mọi giá khi dám đánh đổi mọi sự?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nước trời là một kho tàng vô cùng cao quý mà người khôn ngoan dám chấp nhận đánh đổi bằng tất cả những gì mình có. Với lòng khao khát kiếm tìm hạnh phúc nước trời, chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:
1. Vua Salomon xin Chúa ban cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, luôn khôn ngoan và nhiệt tâm trong sứ mạng dẫn đường chỉ lối cho con người thời đại tìm về với Chúa là nguồn Chân - Thiện - Mỹ.
2. Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc quý. Chúng ta cùng cầu xin cho những người thành tâm thiện chí luôn khao khát chân lý, biết mở lòng cho Chúa Thánh Thần soi dẫn, nhận biết Đức Kitô là viên ngọc quý mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, cùng quyết tâm tin theo Người.
3. Người thương gia trở về bán tất cả của cải mà mua viên ngọc ấy. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ, luôn hướng đến nước trời là mục tiêu và lý tưởng cao đẹp nhất của đời người, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức và cả những mơ ước chính đáng để đạt được nước trời.
4. Các kitô hữu được mời gọi nên thánh trong bổn phận hằng ngày. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn khôn ngoan sáng suốt để chu toàn cách tốt nhất bổn phận của mình; đồng thời, biết tích cực trở nên men muối và ánh sáng cho trần gian qua những việc lành bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ! Chúng con cảm tạ Chúa đã hứa ban nước trời cho những ai khao khát kiếm tìm. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn khôn ngoan trong mọi quyết định và hành động ở đời này hầu xứng đáng hưởng phúc thiên đàng đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

CHUYỆN VUI NGÔN NGỮ

Tiếng Việt - Tiếng Mỹ rắc rối quá.


LHV sưu tầm
Johnson vẫn lắc đầu than:
- Tiếng Việt của mấy ông rắc rối quá! Tôi học đã lâu mà vẫn còn lúng túng, nhiều lúc viết sai, nói sai lung tung cả lên. Này nhé, từ xưng hô, ăn uống, giao tiếp... thật lắm từ khác nhau chẳng đơn giản như tiếng Mỹ của tớ, chỉ một từ you là để nói với tất cả người đối thoại, tiếng Việt thì phân biệt ông, bà, anh, chị, em, con, cháu, ngài, mày, thầy, thằng, ... rành mạch. Tiếng Mỹ thì dùng một chữ black để chỉ tất cả những vật gì, con gì có màu đen trong khi đó tiếng Việt thì khác, ngựa đen thì gọi là ngựa ô, chó đen thì kêu là chó mực, mèo đen thì gọi là mèo mun, gà đen thì là gà quạ, bò đen là bò hóng, mực đen là mực tàu, tóc đen thì hóa thành tóc nhung hoặc tóc huyền. Ðã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi, đen thui, rồi đen tuyền, đen thắm, tím đen, đen ngắt, đen bóng, đen sì, đen đủi, đen thẳm, đen óng, đen thùi lùi, đen kịt, đen dòn... Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dung chữ đen hai lần: đen đen.
Tôi cười cười:
-         Thì tiếng Mỹ của ông nhiều lúc cũng rắc rối kia mà. Này nhé, người Việt nói: "Hôm qua, tôi đi tiệm" thì người Mỹ lại nói "Yesterday, I went to the shop". Tiếng Anh, đi là go, nhưng đã đi (quá khứ) thì phải viết là went. Bản thân chữ hôm qua (yesterday) đã là quá khứ rồi thì ai cũng biết mà gì cần phải đổi go thành went chi cho rối mấy người học Anh văn? Nội chuyện học thuộc lòng 154 động từ bất qui tắt của mấy ông cũng đủ làm nhiều người trên thế giới phải thi rớt lên rớt xuống. Người Việt nói hai con chó mà chẳng cần thêm s hoặc es thành hai con chó "sờ" (two dogs) như tiếng Mỹ. Một đứa con nít thì nói là one child là được rồi, vậy mà thêm một đứa nữa thì bắt đầu rối, chẳng phải là two childs mà thành two children. Một con ngỗng là one goose, hai con ngỗng thì thành two geese. Vậy mà viết một con cừu là one sheep nhưng hai con cừu thì cũng là two sheep, chẳng chịu đổi gì cả ?!.

Johnson vẫn không chịu thua:
-         Văn phạm của xứ ông cũng rắc rối bỏ xừ! Xem nè, thắng và thua là hai chữ phản nghĩa chứ gì? Thua và bại là hai chữ đồng nghĩa, đúng hông? Vậy mà, hai câu nói: "Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán" đồng nghĩa với câu "Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán"? Không thể viết là "Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán"!!! Phải không nào? Rồi còn, "áo ấm" tương đương với "áo lạnh", "nín thinh" giống như "làm thinh" trong khi ấm và lạnh phản nghĩa nhau, nín và làm cũng là những động từ đối nhau. Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước, Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ, sao không gọi luôn là lính nước đánh đất??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất?

Tôi tiếp tục "ăn miếng trả miếng":

-         Tiếng Mỹ cũng đâu có tránh khỏi. See và look cũng đều là động từ để cùng chỉ hành động xem, nhìn, ngắm, dòm nhưng oversee (quan sát, trông nom) lại ngược nghĩa overlook (bỏ sót, không nhìn thấy). Wise man là người thông thái, uyên bác, vậy mà thay chữ man (đàn ông) thành woman (đàn bà) thì chữ wise woman thành bà phù thủy, bà đỡ bà lang, bà thầy bói, bà đồng bóng!!! Rồi chữ man và guy (anh chàng, gã) gần gần như nhau thì chữ wise guy thành một kẻ hợm hĩnh, khoác lác. Sao lại "park on driveways" (đậu xe trên đường nội bộ) nhưng "drive on parkways" (lái xe trên xa lộ)?

Johnson ôm bụng cười:

-          Tên món ăn Việt Nam cũng lạ, miền Nam có bánh da lợn, tưởng làm bằng thịt lợn nhưng thực chất là bằng bột, có lẽ giống như các lớp da lợn, nhưng sao không gọi là bánh da heo theo từ miền Nam mà gọi theo chữ lợn miền Bắc? Bánh bò cũng chắng có miếng thịt bò nào. Bánh tiêu thì không rắc tiêu mà lại rắc mè. Gọi rau má mà chẳng liên quan đến má hay mẹ gì cả. Bánh tét mà gói thật chặt, chẳng thể nào tét được. Bánh dày thì lại mỏng hơn bánh chưng. Bánh chưng thì phải nấu thật lâu mới chín chứ không phải dùng cách chưng hơi hay chưng hấp. Nước lèo trong nồi hủ tiếu thì chẳng phải theo kiểu nước Lào (hay Lèo). Trái sầu riêng thì ăn vô chẳng thấy sầu riêng hay sầu chung chi cả. Bưởi Năm roi rất tuyệt nhưng sao đúng là năm roi? Trái vú sữa, Cây dái ngựa thì thật là tượng hình. Hi hi... Ngôn từ bây giờ cũng thế, cò đất, cò nhà... thì chẳng dính dáng gì đến "con cò, cò bay lả, lả bay la..." cả.

Tôi cũng chẳng vừa:

- Thế cái món hot dog của mấy ông có liên quan gì đến con chó không? Món bánh mì kẹp thịt bò băm Hamburger của Mc Donald thì đâu có thịt heo (ham). Trái thơm, trái khóm "pineapple" thì chẳng có gì liên quan đến pine (cây thông) và apple (trái táo) cả? Vào phòng thí nghiệm sinh học, ông Giáo sư bảo bắt một con "Guinea pig", nghe qua tưởng đâu là con heo xứ Guinea (ở Tây Phi Châu, giáp với Senegal, Mali, Liberia, Sierra Leone và biển Bắc Ðại Tây dương) nhưng ngờ đâu là một giống chuột tên là Guinea (ở Guinea không có giống chuột này!). Ðáng lý chữ football (bóng đá) thì phải viết là legball chứ, bởi vì người ta đá banh bằng cả cái chân (leg) chứ đâu chỉ cái ống chân foot từ dưới đầu gối đến trên bàn chân? Mới đây, khi dân Pháp không chịu ủng hộ Mỹ trong vụ chiến tranh Iraq thế là mấy dân biểu Mỹ giận đòi đổi tên món khoai tây chiên French fries bằng chữ American fries thì mấy ông Tây lại ôm bụng cười chế riễu rằng món French fries không phải xuất xứ từ Pháp mà từ ... Mỹ và là món ăn của dân Mỹ. Có lẽ mấy ông Mỹ tiền bối xưa, khi làm món này đặt tên là khoai tây Pháp cho nó có vẻ ... ngoại cho sang, giống như bây giờ một số quán ăn Việt Nam có thực đơn Lẫu Thái, Bún Singapore, Bánh bao Mã lai, Cá chiên viên Singapore, Hủ tiếu Nam Vang, ... mặc dầu nguyên liệu và cách nấu gần như 100% của Việt Nam???

Johnson gật gù:

- Ừ, cũng đúng. Nhưng lúc đầu học tiếng Việt, tôi thấy khó quá, đã lấy 24 chữ cái A, B, C của vần La tinh rồi mà bày ra thêm a, â, ă, u, ư, ơ, d, đ, ... nữa. Lại thêm kèm 5 dấu sắc ('), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.) và không dấu ( ) nữa. Như le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ, mỗi chữ mang một nghĩa khác nhau. Rồi phải học cách bỏ dấu ở đâu trong từ cho chính xác nữa chứ. Hòa hay là hoà. Li hay là ly? Có câu thơ về dấu này cũng hay:

Chị Huyền mang nặng ngã đau,
Sao không sắc thuốc, hỏi sao cho lành ?!

Trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi thấy nhiều chữ ghép với chữ ăn mặc dầu nó chẳng ăn nhập đến chuyện bỏ thực phẩm vào miệng, nhai và nuốt xuống gì cả. Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mùng, ăn cưới, ăn giỗ, ... thì có lý nhưng sao lại ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn lương, ăn cắp, ăn mày, ăn chặn, ăn quỵt, ăn diện, ăn đòn, ăn công, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh, ...

Tôi bật cười chận ngang khi Johnson tiếp tục ghép chữ với từ ăn:

- Thì như tiếng Mỹ của ông vậy thôi. Chữ to get khó dịch gì ra hồn cả. Tôi cũng có nghĩ là khi mình chưa tìm ra động từ nào thích hợp thì dùng tạm luôn chữ to get! Khi quân đội Mỹ bắt sống được Saddam Hussen ở Iraq thì tuyên bố "We got him!", sao không dùng động từ to catch, to caught, to force, to find, to capture, to pick up, ...cho rõ nghĩa? Rồi động từ to get đi kèm các giới từ in, into, on, out, up, at-able... thành một loạt động từ mới. Các động từ to take, to put, to be... cũng vậy.

Johnson chuyển qua phần khác:
-         Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón... nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người.... Ðồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Ðờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes)...

Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này: Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Hôm hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen: "Con hồ này đẹp quá!". Vợ tôi "chỉnh" liền: "Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!". Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói: "Cái sông này bẩn quá!" thì vợ tôi "sửa" ngay: "Ậy, anh phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!". Tôi la lên: "Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?". Vợ tôi ôn tồn giải thích: "Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy, còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?". Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị: "À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái... cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con ..., còn của... em, nó nằm im một chỗ nên phải gọi là cái, cái... Ha ha...". Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng, nhưng bù lại, có được một đêm hạnh phúc.

Tôi thấy tức cười vô cùng với anh bạn Mỹ này:

-         Tôi cũng có chuyện hiểu lầm trong phát âm tiếng Mỹ như thế này.

Trong một bữa tiệc với các sinh viên quốc tế, tôi nhận phần phục vụ nước uống. Gặp bà giáo người Mỹ đã đứng tuổi, tôi đến chào lịch sự và nói theo kiểu cách theo kiểu của người Việt: "Good evening, Madam. May I have a honour to serve you? Do you like my Coke?" (Chào bà, Tôi có thể hân hạnh phục vụ quí bà. Bà có muốn món Coke (Coca Cola)?). Bà này trợn mắt nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên, rồi lắc đầu bỏ đi. Tôi băn khoăn chẳng hiểu chuyện gì? Hôm sau, tôi đánh bạo đến hỏi bà: "I am sorry, yesterday I have found your strange look when hearing my invitation. Was there a wrong?" (Xin lỗi, hôm qua tôi thấy bà nhìn tôi kỳ lạ khi nghe lời mời của tôi. Có điều gì không ổn vậy?). Bà giáo mỉm cười độ lượng: "Yes, I had misunderstood yours. Today, I just find out that your pronunciation is not correct. You said "Coke" not sound like "Coke" but "Cock". Cock is a male chicken but it also has a dirty meaning else. You should be careful when saying this word to a lady". (Vâng, tôi đã hiểu lầm anh. Hôm nay, tôi mới hiểu ra là anh phát âm không đúng. Anh nói chữ "Coke" mà không giống "Coke" mà thành "Cock". Cock là con gà trống,,nó mổ người .,nó cũng có một nghĩa khác xấu. Anh phải cẩn thận khi nói từ này với một phụ nữ).


Johnson "gỡ gạc":
-         Hi hi... Anh bạn người Việt dẫn tôi đến thăm nhà, đến trước ngôi nhà của mình anh nói: "Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi", gặp vợ anh ta ra đón trước cửa, anh ta lại giới thiệu: "Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi". Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi và bước vào nhà, nhà anh ta thật đẹp (vợ anh ta cũng vậy!). Tôi ra lịch sự nên khen chủ nhà và nói: "Nhà anh và nhà anh thật đẹp". Hai vợ chồng nhìn nhau cười. Vì đi lâu ngoài đường, lại không có WC công cộng, nên tôi hỏi anh chủ nhà "Đây là chỗ đi toilet của nhà tôi .?" Hi hi... lúc đó tôi không nghĩ đến cái sự buồn cười của câu này, hôm sau nghĩ lại tôi mới thấy.

Tôi cười to kể tiếp:

-         Lần đầu tiên sang Châu Âu cách đây 10 năm, tôi quen một cô sinh viên Hà Lan. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Cô rủ tôi ra bãi biển nằm phơi nắng và nói chuyện. Hôm đó, tôi chẳng đem theo cái gì để trải xuống bãi cát để nằm cả. Nói với cô này, thì cô mỉm cười: "Oh, never mind. You can lie down at my top" (Ồ, không sao. Anh có thể nằm trên cái top của tôi). Tiếng Anh của tôi cũng chẳng giỏi gì nên chẳng hiểu là nằm trên top là nằm ở đâu? Tôi chỉ biết top có nghĩa là đỉnh, là ở trên. Vậy nằm ở trên là nằm đâu? Nằm trên đầu thì chắc là không đúng rồi, ai lại nằm trên đầu mà nói chuyện với phụ nữ. Chẳng lẽ nằm trên... mình cô này? Hồi lúc trước đi Tây, tôi nghe nhiều thằng bạn kháo nhau rằng, phụ nữ Tây nó... Tây lắm, thích thì sẵn sàng... chiều! "Tình cho không biếu không" mà. Vậy là... lẽ nào ??? Tới nơi, tôi mới bật cười và thấy mắc cỡ trong lòng khi thấy cô này cởi áo khoác ra, trải dưới bãi cát và chỉ tôi nằm trên đó. Tối đó, về đến nhà, tôi lặng lẽ lật từ điển Anh - Việt ra xem, mới biết thêm là top còn có nghĩa là cái áo khoác ngoài của phụ nữ. Trời ơi!

Johnson vỗ vai tôi:

- Chút xíu nữa bạn là... hố to rồi. Ha ha... Năm ngoái, tôi có đến thăm miệt vườn Nam bộ, tôi có nghe một câu thế này mà lúc đó chẳng thế nào hiểu được: "Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua. Hôm nay, qua hổng nói qua mà qua lại qua".................

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bất ngờ đến quán ăn của khu công nghiệp để ăn trưa

Hôm nay chủ quán và đầu bếp hoàn toàn ngỡ ngàng khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ xuất hiện để ăn trưa ngày thứ Sáu với công nhân.
 Đây là tiệm ăn bình dân dành cho những công nhân lao động mặc màu áo xanh và những người lao công trong "khu công nghiệp" nhỏ ở Vatican.

Bỗng dưng vào giờ ăn chúng tôi thấy ngài xuất hiện, tay cầm khay đứng xếp hàng chờ đến nơi quầy thức ăn để chọn những thứ đã làm sẵn, và chúng tôi đã may mắn được phục vụ ngài. Anh Paini nói mà giọng anh vẫn còn đầy xúc động và hồi hộp. "Xin hãy thông cảm cho tôi, vì tôi vẫn vui mừng qúa nên tường thật mà vẫn cứ như run lên vậy.



Tôi thấy ngài chọn một đĩa mì ống mà không có nước sốt, một phần cá Kabeljau, một cuộn mì sợi, một số rau, một ít khoai tây chiên, một quả táo, và một chai nước suối loại không có ga, và tự bưng đến bàn ăn ngồi chung với những công nhân. Ngài hành động rất tự nhiên bình thường, như những người lao động.

Anh Paini cho biết: Đức Thánh Cha làm cho mọi người cảm thấy thoải mái. Chúng tôi giới thiệu mình, ngài hỏi làm việc thế nào, có thoải mái không? Chúng tôi kể về những công việc ở đây ngài lắng nghe, và ngài đã khen ngợi những công việc làm của chúng tôi. Ngài nói: Nó đã thực sự tốt đẹp vì các quán ăn và quán cà phê ở khu công nghiệp Vatican đã phục vụ những nhân viên làm việc, như kỹ thuật viên, thợ điện, thợ ống nước, thợ tiện, thợ máy, thợ thủ công, mà còn cả nhân viên của tờ báo Vatican, L'Osservatore Romano nữa.

Ngài còn nói về những di sản của Ý. Trong những câu chuyện cũng bao gồm cả đá banh và nền kinh tế các tờ báo của Vatican đã đưa tin. Toàn bộ thời gian Đức Giáo Hoàng vừa ăn vừa trò chuyện thoải mái. Người ta đã lấy máy ảnh, điện thoại di động và iPad của họ và chụp hình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không cảm thấy bị làm phiền một chút nào cả. Nhiều máy nhấp liên tục, ngài vẫn mỉm cười và ăn ngon lành.

Anh Paini cho tờ báo cho biết. Sau khoảng 40 phút ăn uồng và trò chuyện Đức Giáo Hoàng đã không ở lại cho đến hết giờ ăn trưa.

Claudia Di Giacomo, người đang ngồi sau quầy thu ngân nói: Tôi không có can đảm để tính hóa đơn cho ngài.

Sau khi mọi người chụp hình chung với ngài tấm ảnh của cả nhóm, ngài chúc bình an cho tất cả mọi người nơi đây, rồi ra xe có tài xế chờ sẵn của ngài và tài xế lái xe trở lại nơi cư trú ở Domus Sanctae Marthae.

Paini cho biết chuyến thăm bất ngờ như một tia chớp trong màu xanh. Ai có thể nghĩ rằng! Đức Thánh Cha đến đây và ăn với chúng tôi? Đúng là qúa bất ngờ! Tất cả chúng tôi như còn trong mơ, nhưng nó là một trong những điều tốt nhất đã xảy ra. 









Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Khủng bố Hồi Giáo nổ bom đánh sập ngôi hầm mộ tiên tri Giôna

Hôm 24 tháng 7, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã đặt bom làm nổ tung khu hầm mộ của tiên tri Giôna. Khu hầm mộ với hàng trăm năm lịch sử và truyền thống đã biến mất chỉ trong một vài giây.

Khu hầm mộ này ghi dấu nơi chôn cất tiên tri Giôna, được tôn kính trong nhiều thế kỷ bởi cả người Hồi giáo và người Kitô Giáo. Hôm thứ Năm, địa điểm này đã trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến dịch tàn phá các đền đài bởi bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan ISIS.



Video thu được bởi người dân địa phương cho thấy hậu quả của sự phá hủy khu hầm mộ này. Toàn bộ các phần của cấu trúc bị sụp đổ. Những phần khác xem ra vẫn đứng vững, nhưng bị hư hỏng nặng.

Một đoạn video khác do chính bọn khủng bố ISIS tung lên YouTube cho thấy một tên khủng bố đang sử dụng một búa tạ để phá hủy các bia mộ thiêng liêng cổ đại.

Điều đáng nói là khu hầm mộ chôn cất tiên tri Giôna này nằm trong một đền thờ Hồi Giáo, và được người Hồi Giáo địa phương rất sùng mộ.

Hôm 29 tháng Sáu, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi Giáo bao gồm cả Iraq và Syria. Từ đó, nhiều đền thờ Hồi Giáo Shiite và các nhà thờ Kitô Giáo lần lượt bị đặt bom để đánh sập.

Trong một diễn biến tệ hại khác, hôm thứ Bảy 19 tháng 7, người Kitô hữu cuối cùng của Mosul, nơi đã từng là thủ phủ Kitô Giáo trong 16 thế kỷ, đã phải rời khỏi thành phố theo sau một tối hậu thư của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS. Các Kitô hữu ở thành phố Mosul bị buộc phải từ bỏ Kitô giáo và nhận Hồi giáo làm tôn giáo của mình, hoặc phải nộp thêm thuế cho các tòa án Hồi giáo Sharia, nếu không sẽ bị tử hình.

Cho đến nay, thành phố, nơi đã từng có 60,000 Kitô hữu trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, đã không còn một sự hiện diện Kitô giáo nào.

Liên Hiệp Quốc đã mô tả cuộc đàn áp chống người Kitô hữu này là tội ác chống lại nhân loại.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Định mệnh và nghiệp quả.


Bài viết của Bác sĩ Thái Minh Trung, chuyên khoa Tâm Thần. Tác giả viết về một triết lý sống có thể giúp ta có hạnh phúc ngay trong đời này, và đưa những dẫn giải y khoa rất lý thú.




Định mệnh là gì?

Một số người tin rằng những diễn biến xảy ra trong cuộc đời đã được an bài sẵn. Khoa chiêm tinh (astrology) tin rằng những diễn biến trên quả địa cầu và tánh tình con người đều bị ảnh hưởng bởi những vị trí ngôi sao trên trời. Nếu ta sanh vào ngày tháng nào đó thì sẽ bị dấu ấn của những vì sao ảnh hưởng lên tánh tình và những diễn biến trong cuộc đời. Những người đó tin rằng ngay khi sinh ra là định mệnh đã an bài rồi, không ai chạy khỏi hết. Thí dụ người tuổi Sửu thì trong cuộc sống sẽ trải qua những năm thuận và năm kị tuổi. Năm thuận và kị như những cái đèn xanh đèn đỏ của đời người. Năm thuận thì gặp đèn xanh nhiều, làm gì cũng êm xuôi và năm kị thì trường hợp ngược lại.
Người đạo Ki tô giáo tin rằng những gì xảy ra cho họ là do ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa đặt đâu ta ngồi đó. Có người Chúa đặt vào hoàn cảnh giàu sang, còn người khác bị lâm vào hoàn cảnh nghèo đói. Ta không cãi ý Chúa được. Ta cần cầu nguyện để cho Chúa thương xót mà thay đổi hoàn cảnh cho ta. Có thể những hoàn cảnh khó khăn là những thử thách nên ta không nên than trời trách phận. Một số con chiên còn mang mặc cảm tội lỗi là mình đã làm gì khiến Chúa phật lòng nên Ngài mới đặt mình vào hoàn cảnh khổ sở.

Người Phật tử thì tin rằng định mệnh là nghiệp. Mình đang ở hoàn cảnh xấu là do mình tạo nghiệp xấu từ kiếp trước. Mình nên "trả nghiệp" bằng cách chịu đựng một thời gian thì nghiệp sẽ hết. Khi cái nghiệp xảy ra thì mình không thay đổi được. Nhiều người cũng không muốn thay đổi vì e rằng làm như thế nghiệp sẽ nặng hơn. Giống như thiếu nợ thì phải trả cho chủ nợ, cứ khất nợ hoài thì nó chồng chất, mình sẽ trả không nổi. Có nghĩa là mình muốn thoát hoàn cảnh này thì sợ gặp phải hoàn cảnh xấu hơn nữa, như tục ngữ có câu: chạy ông mồ mắc ông mả.

Những người tin hoàn toàn vào định mệnh thì sẽ rất thụ động. Nói đúng hơn họ sợ làm cái gì đó khác hơn để thay đổi hoàn cảnh, nên phải đứng yên cắn răng chịu đựng. Đó là những người rất lo âu trước cái vô định của cuộc sống nên thích tin vào một đường lối đã vạch định sẵn.

Quyền lựa chọn

Khi phân tích kỹ ta thấy rằng khoa chiêm tinh không có đưa ra một định mệnh không thể thay đổi. Con người có quyền chọn lựa ngày tháng tốt để bắt đầu công việc làm ăn quan trọng, chọn lựa chồng hay vợ hạp tuổi để tránh những mâu thuẫn về tánh tình. Ngoài ra dân gian có câu: cái đức thắng cái số. Nếu ta ăn ở hiền lành thì nếu gặp "năm tuổi" thì sự xui xẻo sẽ ít hơn. Ngày nay khoa học hiểu rằng mỗi người chúng ta đều có một nhịp điệu sinh hóa (bio rhythm) thay đổi theo sức hút các ngôi sao. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt có nhịp điệu sinh hóa thấy rõ. Khi ta bắt đầu công việc quan trọng vào thời điểm nhịp sinh hóa cao thì dễ thành công hơn. Tuy nhiên ảnh hưởng của nhịp sinh hóa không đáng kể so với ảnh hưởng của ý định (intention). Ngay khi ta ở giai đoạn nhịp sinh hóa cao mà có ý định xấu (tham lam, hờn giận) thì ý định sẽ làm biến đổi nhịp sinh hóa theo chiều xấu.
Đạo Ki tô cũng thế, đề cao sự chọn lựa và ý định tốt. Chúa Jesus không lên án người đàn bà ngoại tình bị dân làng muốn chọi đá cho chết, như người dân làng thường tin là định mệnh của những người đàn bà ngoại tình. Ngược lại Chúa khuyên dân làng hãy dừng lại và có những lời khuyên đề cao sự tha thứ. Chúa khuyên chúng ta nên có ý định tốt và chọn lựa sự tha thứ để thoát khỏi định mệnh an bài. Khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện này thì ta thấy rõ rằng ta có quyền chọn lựa 2 con đường: con đường buộc tội và con đường tha thứ. Con đường buộc tội là con đường của định mệnh: ta buộc tội và bị người khác buộc tội lại. Con đường tha thứ là con đường của giải thoát.
Nghiệp trong Phật giáo cũng là một sự chọn lựa. Ta có quyền chọn lựa tạo dựng cơ sở của những nghiệp tốt, như cố gắng học hành để giúp ích xã hội. Ta có quyền chọn lựa nghiệp xấu như hút sách và rượu chè, như thế ta đạp phá những tiềm năng tốt. Thí dụ như uống rượu đến xơ gan làm sức khỏe suy tổn.. Thoạt đầu ta có sự tự do chọn lựa nhưng nếu ta chọn con đường rượu chè, xì ke ma túy thì dần dần khả năng chọn lựa của ta bị mất dần. Khi bị nghiện rồi thì ta hoàn toàn mất sự tự do chọn lựa và trở thành nô lệ cho những thói quen xấu này. Những căn bệnh hiểm nghèo kéo đến làm khả năng thay đổi cuộc sống càng khó hơn gắp ngàn lần.

Thế nào là nghiệp?

Nghiệp (karma) không có gì huyền bí hết, nghiệp là tác động của những động lực. Động lực đó có thể ở dạng thân, khẩu hay ý. Bất kỳ lực (force) nào cũng gây ra phản lực (counter force). Cái mục đích của lực và phản lực là để trở lại điểm yên tịnh ban đầu (initial stillness). Thí dụ như con lật đật, ta đẩy nó qua bên phải thì nó bật trở về bên trái. Cuối cùng là nó đứng yên một chỗ. Sự đứng yên một chỗ có thể coi là niết bàn hay thiên đàng vì nó tượng trưng cho trạng thái bình thản, không căng thẳng đau khổ.

Nói về cường độ của phản lực thì trên thế giới vật chất ta có: ý nghĩ yếu hơn lời nói, và lời nói yếu hơn hành động. Thí dụ phản ứng của ta trước lời phê bình mà ta không thích: ta chửi thầm người ta ghét (ý) hậu quả ít hơn là ta la lối chửi người đó trong buổi tiệc (khẩu). Hậu quả của lời chửi bới ít hơn là hậu quả ta nhảy lại đánh người đó bầm mình (thân).
Xã hội chỉ có hình phạt khi ta làm chấn thương người khác, còn tôn giáo thì muốn khuyên ta nên trị tận gốc nghiệp dữ bằng cách dừng suy nghĩ giận dữ lại. Khi ý khởi dậy thì nó tạo một tiềm năng hành động (potential of action) rồi. Thí dụ nói theo phàm tục, khi cái ý ghét đã khởi dậy rồi thì ta muốn chửi cho đã miệng. Chửi thầm thì ngủ không được.. Nhưng khi chửi bằng miệng mà bị đối phương chửi lại thì ta càng tức hơn. Nếu ta dằn không được đi đánh lộn đến bị thương tích hay bị bỏ tù, về nhà lại càng tức hơn nữa. Như thế mà ta cứ tạo nghiệp thân-khẩu-ý thành một chuỗi lực và phản lực (chain of action and reaction).

Sở dĩ chiến tranh trên thế giới xảy ra liên tục là vì con người không có đời sống tâm linh, dùng sự giết chóc để mong cầu trở về chỗ yên tịnh ban đầu. Người lính cảm tử quân Hồi giáo có cái ảo tưởng rằng khi giết chết kẻ thù ngoại đạo họ sẽ được sống trên thiên đàng, có nghĩa là trở về chỗ yên tịnh ban đầu. Đó là sự lầm lẫn vô cùng tai hại vì khi họ tạo một động lực căm thù thì sẽ để lại cái phản lực căm thù, như thế cứ lưu truyền mãi không ngừng trên thế gian từ thế hệ này qua thế hệ kia.

Tuy nhiên nghiệp lực, khác như dân gian nghĩ, là khi kiếp trước ta lỡ ăn trộm người nào đó 10 đồng thì kiếp này ta phải trả lại 10 đồng chẵn. Trên phương diện tâm linh, cái điểm yên tịnh ban đầu có được không phải khi ta trả lại 10 đồng mà khi ta nhận thức ta nên vui lòng bỏ qua khi bị người khác giựt tiền rồi thực hiện được điều đó. Khi đọc những thí dụ của nhà soi kiếp E. Cayce thì ta thấy rằng chỉ có sự vui lòng bỏ qua thì con người mới "trả" được cái nghiệp.
Nói một cách khác, sở dĩ ta mang cái nghiệp (bị phản lực/quả) vì ta không nhận thức được những đau khổ mà ta đã tạo ra cho người khác (lực đã tạo/nhân), nên cái nghiệp nó xảy ra khiến ta bị đau khổ để ta thông cảm nỗi khổ của người kia. Lúc có sự thông cảm thì lực và phản lực sẽ trung hòa với nhau. Nhưng nếu trong đau khổ, ta lại thù người đó thì sanh thêm cái nghiệp nữa, và như thế sẽ tạo ra cái vòng lẩn quẩn mà Phật gọi là bánh xe luân hồi.


Tha thứ là giải thoát khỏi định mệnh

Hiểu được lực nhân quả tương tác ở nội tâm thì ta mới hiểu được tại sao các vị lãnh tụ tôn giáo kêu gọi sự tha thứ. Nếu không có tha thứ thì không ai có thể trở về cái vị trí an lạc ban đầu được. Ý nghĩa cứu thế của Chúa Jesus là Ngài tự nguyện tha thứ những người hại Ngài, như một gương sáng giúp nhân loại vượt qua được sự vay trả đời đời của hận thù. Thù qua ghét lại có thể coi như là tội nguyên thủy của loài người. Tha thứ mới là phép mầu nhiệm thật sự. Phép mầu này ít ai nhận thấy được vì nó trong sáng trong sự khiêm nhượng tột bực chớ không phải là sự màu mè hào nhoáng của Superman hay điệp viên 007 làm được những điều phi thường.

Hiểu như thế Chúa cứu thế không đến với ta từ hành tinh khác mà Chúa sẽ hiện diện trong chính ta nếu ta thực hiện được sự tha thứ trong đời ta. Khi sống trong khiêm nhượng và tha thứ thì ta như con nhộng xé được cái vỏ của ngạo mạn để trở thành con bướm muôn màu. Ta không đợi đến khi chết mới được Chúa rước. Khi ra khỏi được cái vỏ của ngạo mạn thì ngay trong giây phút đó ta thấy Chúa hiện diện trong lòng ta.

Phật thì khuyên ta nên hỷ xả, có nghĩa là bỏ qua trong sự vui vẻ. Ở dưới biển, có một loài cua thích sống trong vỏ sò (hermit crab), khi cua lớn lên thì nó phải vui vẻ bỏ cái vỏ sò nhỏ để tìm cái lớn hơn chọn làm nhà. Hỷ xả cũng như thế, là từ bỏ sự nhỏ mọn để nhìn thấy sự rộng lượng. Hỷ xả là một phương pháp trị cái bịnh của ngã (cái tôi). Nếu ta cứ bám vào tiền tài, sắc đẹp, danh lợi thì cái lòng tham và sân của ta càng ngày càng lớn. Khi cảm thấy ta được càng nhiều (sở đắc) thì ngạo mạn càng tăng theo. Sự đời vô thường làm cho ta không bao giờ giữ được mãi mãi những gì mình muốn vì thế lòng tham ngày càng tăng trưởng. Khi có ai tước đoạt những gì ta đang được thì ta sanh lòng bực tức sân hận.

Tham và sân là nguyên nhân chính của lo âu. Tham có thể hiểu theo nghĩa rộng là muốn đem về cho ta vì sợ để lâu thì ta sẽ hết được phần lợi đó. Sân là sự bực bội khi gặp hoàn cảnh nghịch ý ta. Bề mặt bạo động của sân là chửi bới đánh lộn, còn mặt thụ động là "tự ái", hờn dỗi để bụng. Bụt dạy ta nên thấy cái vô thường của cuộc đời để lúc được thì không tham và lúc mất thì không sân. Ta phải tập hạnh hỷ xả thì mới phát triển từ bi được. Ta không thể nào thương được người mà ta không tha thứ!
Tại sao tôn giáo nào cũng khuyên con người bố thí? Ta có thể hiểu tham, sân, si trên lý thuyết nhưng chỉ có hành động thực hiện sự ban cho mới giúp ta nhận thức rõ những hạn chế của ta. Thí dụ như khi cho mà ta thấy còn quyến luyến vật ta muốn cho thì lúc đó mới chợt nhận ra mình còn lòng ham muốn. Khi bớt lòng ham muốn đem về cho mình rồi thì mình mới thông cảm kẻ khác được. Đây là cách bố thí nhận thức của người có căn cơ cao. Người căn cơ thấp thì áp dụng bố thí trao đổi chớ không phải bố thí nhận thức. Bố thí trao đổi là bố thí để được hưởng phước lộc. Ta cho để lấy lòng đấng nào đó mà ta thờ phụng. Ta bố thí để được Chúa hay Phật ban phước lành hay phù hộ. Chỉ có bố thí nhận thức mới giúp ta phát triển tâm linh được.
Thực tập tâm tĩnh lặng

Làm người ai cũng muốn thay đổi cuộc sống cho nó tốt đẹp hơn. Khi thay đổi không được hay không dám thay đổi thì ta đổ thừa cho số phận hay định mệnh. Hoàn cảnh rất khó thay đổi khi ta duy trì tập quán, thói quen cũ. Nếu ta bị tiểu đường mà không chịu bỏ cái sở thích ăn đồ béo ngọt (tham) thì bịnh làm sao mà hết được. Một số người thì mong có phép lạ để được cứu khỏi hoàn cảnh khổ. Có nghĩa là họ muốn ăn cho ngon miệng sau đó thì cầu xin phép lạ không bị tiểu đường. Nếu phép lạ không đến thì họ sẽ có hai phản ứng. Phản ứng thứ nhất là mất hết niềm tin ở một đấng nào đó mà họ tin tưởng. Thí dụ người công giáo mất niềm tin ở Chúa cứu thế, còn Phật tử thì mất niềm tin nơi Phật Bà Quan Âm hay Phật A Di Đà. Phản ứng thứ hai là mang mặc cảm tự ti vì một số người nghĩ rằng họ bị tội nhiều quá hay nghiệp nặng quá nên không được cứu rỗi.

Nói về sân hận, khi ta không thay đổi ý mà ráng kềm chế miệng lưỡi hay thân thể thì mặc dù ta không tạo nghiệp dữ nhưng cảm thấy rất khổ sở, gò bó khó chịu. Khi ta nuôi dưỡng những suy nghĩ bực bội sân hận chắc không có phép lạ nào giúp cho ta an tâm để ngủ ngon được. Nói theo nhân quả, ta tạo một động lực nhân thì cái phản lực quả sẽ núp chờ đâu đó. Rồi sự căng thẳng nội tâm ngày càng tăng dần đến một lúc ta hết đè nén nổi và gây ra nghiệp qua lời nói hay hành động. Đó là lúc cái phản lực xảy ra ngoài thế giới vật chất để làm dịu bớt cái lực tư tưởng của sân hận đang bị đè nén. Tuy nhiên đa số không trở về được cái trạng thái yên tịnh an lạc ban đầu vì lý do dễ hiểu là khi ta chửi mắng người ta ghét thì có bao giờ họ chịu để cho ta yên thân đâu. Sớm muộn gì họ sẽ tìm cách trả đũa. Đó là cái vòng lẩn quẩn của nghiệp vay trả.

Tâm lý học cho ta thấy rõ sự lý luận và tranh luận không làm giảm được tham và sân. Khi lý luận ta hiểu được mọi chuyện nhưng những hiểu biết đó không có khả năng thăng hoa (sublimation) được tham và sân thành những tình cảm tốt đẹp hơn. Đôi khi tranh luận đúng sai nhiều còn tạo thêm sân nữa. Những nghiên cứu chụp hình não bộ cho ta thấy rằng khi lý luận ta chỉ xài vỏ não bộ (cortex) và không liên kết được với những miền sâu hơn trong não bộ, nơi tình cảm xuất phát. Hiện tượng này phân tâm học gọi là hợp lý hóa (rationalization). Khi ta dùng lăng kính hợp lý hóa trong cuộc sống thì dễ sanh ra thành kiến chia rẽ con người. Thí dụ ta nghĩ màu đen là màu của tội lỗi vì thế người da đen là kẻ xấu.

Chỉ có khi ta tập tâm tĩnh lặng thì ta mới có khả năng hiểu qua sự cân bằng của trí tuệ và tình cảm. Cái hiểu này toàn diện hơn là cái hiểu qua suy luận. Suy luận thường hay trừu tượng và chỉ giúp ta hiểu được một khía cạnh nhỏ của cuộc đời. Những bậc thánh nhân đều phải trải qua giai đoạn thực tập tâm tĩnh lặng rồi mới thấy được ánh sáng của chân lý. Chúa Jesus đã vào sa mạc để cầu nguyện trong tĩnh lặng. Chỉ khi Ngài cảm nhận được ánh sáng của Thượng Đế thì Ngài mới đủ can đảm chịu cái chết đau đớn trên thập tự. Đức Phật Thích Ca đã ngồi với tâm tĩnh lặng dưới cây bồ đề 49 ngày. Nhờ thế Ngài mới hiểu được ý đồ lừa bịp của ma vương Maya, chiến thắng ma vương và giác ngộ được chân lý. Có lẽ lúc Phật còn tại thế, người dân thời đó có nhiều mê tín trong việc tôn thờ nên Bụt gọi Ánh sáng chân lý là Phật tánh chớ không gọi là Thượng đế. Hiểu theo Phật giáo, Thượng đế không phải là Cha mà là Chân lý tối cao.

Hiểu bằng ý thức khi tâm tĩnh lặng rất khác với cái hiểu của suy nghĩ. Những nghiên cứu đo điện từ não bộ (EEG) cho thấy rằng khi tâm tĩnh lặng thì những làn sóng não thay đổi rõ rệt, từ dạng sóng (beta waves: 15- 45 Hz) trở thành dạng sóng (alpha waves: 8-12 Hz) và (theta waves: 3-7 Hz). Sóng thường thấy ở những người suy nghĩ lăng xăng, còn sóng và được thấy khi ta thư giãn. Sóng còn được gắn liền với khả năng sáng tạo. Hình fMRI scan cho thấy khi tâm tĩnh lặng, máu dồn về những vùng của não bộ tạo cảm giác thoải mái hạnh phúc và có sự liên kết hài hòa giữa vỏ não và những vùng sâu hơn của não. Nói một cách khác, tâm tĩnh lặng đồng bộ hóa (synchronize) nhiều vùng trong não bộ giúp ta liên kết được nhiều mạch thần kinh và nhờ đó mà mở rộng tầm nhận thức ra.
Tóm lại

Định mệnh có hay không là do ta. Khi ta biết tập những phương pháp mở rộng nhận thức tâm linh thì cái khả năng ta thay đổi cuộc đời rất cao. Nếu ngược lại ta thụ động đổ thừa cho số mạng hay ngồi đó chờ một phép lạ xảy ra thì lúc đó định mệnh có thật vì ta không tận dụng khả năng thay đổi cuộc sống của ta. Nói một cách khác, nếu ta tin có ma thì sẽ gặp ma, ta tin có Phật hay Chúa thì sẽ gặp những đấng mà ta tin.

Nếu có người ở trình độ thấp thì tin vào định mệnh cũng có cái lợi của nó là lòng tin đó giúp họ chấp nhận những biến cố xấu và trải qua những đau khổ cuộc đời dễ dàng hơn. Họ không than trời trách phận hay sanh lòng ganh ghét hoặc hận thù vì "đó là số mệnh của mình".

Tuy nhiên nếu ta có trình độ cao thì nên tập những phương pháp giúp tâm tĩnh lặng vì đó là phương pháp nhanh và gọn để "chuyển nghiệp" dẫn ta đến hạnh phúc ngay trong đời này. Phương pháp này cũng giúp ta hiểu các tôn giáo một cách sáng tạo chớ không kẹt vào chữ nghĩa văn tự nữa.

Bất kỳ độc giả ở tôn giáo nào, khi mỗi người trong chúng ta phát triển được ý thức tâm linh qua tâm tĩnh lặng thì ý thức này sẽ cộng hưởng với nhau. Rồi một ngày nào đó nó sẽ trở thành ý thức tâm linh cộng đồng (collective spiritual consciousness) làm xoay chuyển xã hội vật chất. Chúng tôi hy vọng sẽ có một ngày ý thức tâm linh cộng đồng sẽ phát triển đến độ mà con người sẽ nhận thức rằng những tôn giáo đều hướng về một con đường chung: đó là con đường tâm linh (spiritual way). Lúc đó con người sẽ sống hạnh phúc an bình ở một kỷ nguyên mới.