CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A
(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)
Chủ đề: TỈNH THỨC ĐỂ CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN CỨU ĐỘ
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ,
thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Phụng Vụ mới bằng Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa của hân hoan mong đợi với ba tâm tình: 1) chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, lễ kính nhớ Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; 2) hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế; giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình 3) sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp người Kitô hữu sống tốt ba tâm tình đó.
1. Bài đọc I (Is 2,1-5):
Bài đọc I hôm nay trích từ sách Ngôn sứ Isaia tiên báo về cuộc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã chọn cách đến làm người và sống với Dân Israel để cứu độ họ, và nơi đó, được biểu tượng bằng Núi Thánh Sion. Núi Thánh-Nhà Đức Chúa sẽ “kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi”, vì đó là nguồn ơn cứu độ. Chính vì thế, “dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi” để “đến đây, ta cùng lên Núi Đức Chúa” hầu cùng được hưởng ơn cứu độ. Đây là viễn ảnh ngày cánh chung. Đó là ngày hoan lạc, ngày của bình an đích thực, khi mà Người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Nước này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”.
Vì đã giao hòa với nhau, nhờ “ánh sáng Chúa soi đường”, muôn dân sẽ tuôn về Nhà Đức Chúa trên Núi Thánh Sion để phụng thờ Thiên Chúa (liên hệ đến ánh sao lạ của Đức Chúa đã chỉ đừng cho các đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi giáng sinh ở Bếtlêhem), để gia nhập Israel mà lãnh nhận ơn cứu độ đã được Thiên Chúa hứa ban. Đó là thời bình an đích thực, bình an cứu thoát.
Nhà Đức Chúa trên núi Thánh Sion này là hình ảnh tiên trưng của Giáo Hội do Đức Giêsu thiết lập. Nhở Giáo Hội và qua Giáo Hội, Đức Giêsu sẽ giao hòa mọi người với Thiên Chúa và với nhau. Nhiều người từ muôn dân nước sẽ gia nhập Giáo Hội để hưởng bình an cứu độ mà Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể đem lại cho “loài người Chúa thương”.
2. Bài đọc II (Rm 13,11-14):
Bài đọc II trích thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma nhắc nhở chúng ta rằng dù con người có thái độ hướng về ngày tận thế như thế nào đi chăng nữa, thì ngày đó đã gần đến, ngày mà chúng ta sẽ đối mặt với Đức Giêsu Kitô Quang Lâm. Thánh Phaolô lấy hình ảnh ngày sắp ló rạng để nói về thời khắc Chúa đến, và vì thế chúng ta đang ở trong đêm tối của sự lầm lạc mê muội của tội lỗi. Do đó, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức sẵn sàng chứ đừng ngủ mê nữa, vì ngày Thiên Chúa cứu độ-ngày tận thế sắp đến gần rồi.
Tỉnh thức sẵn sàng là từ bỏ lối sống với những việc làm đen tối trước kia, và cầm lấy vũ khí của sự sáng, là Thiên Chúa. Đó là thực hành các nhân đức và các hành vi luân lý Kitô giáo mà chiến đấu để khử trừ các tệ nạn xã hội, loại trừ sự dữ và cổ vũ sự lành, dấn thân cho hòa bình và công lý. Bên cạnh, tỉnh thức còn là đổi mới cuộc sống: không còn theo lối sống của bóng đêm, là ma quỷ và sử dữ; chẳng hạn như không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cõ ghen tương, cũng không chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Nói cách khác, cần canh tân lối sống để có một đời sống mới mặc lấyChúa Giêsu Kitô. Đó là thái độ và lối sống mà người Kitô hữu phải có để chuẩn bị đón Chúa đến.
3. Bài Tin Mừng (Mt 24,37-44):
Bài Tin Mừng hôm nay, thuộc phần Bài giảng về thời cách chung trong Mt 24-25, giúp chúng ta hướng về ngày tận thế bằng cách sống tỉnh thức và sẵn sàng ở giây phút hiện tại trong Mùa Vọng này. Bài Tin Mừng cho thấy Con Người sẽ đến bất ngờ trong ngày tận thế, với uy quyền của một vị vua và cũng là thẩm phán. Sự bất ngờ đó nhắc nhở người Kitô hữu phải tỉnh thức sẵn sàng. Đức Giêsu sẽ đến xét xử, nên lúc này người Kitô hữu cần có lối sống xứng đáng, vì mỗi người sẽ được thưởng phạt tùy theo các hành vi mà mình đã thực hiện trước đó. Như thế, hướng về tương lai bằng cách chuẩn bị ở hiện tại.
Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, đó là họ nghĩ rằng Chúa sẽ đến nay mai. Vì thế, xảy ra hai trường hợp: hoặc là thụ động, không còn thực hiện các nghĩa vụ trần thế nữa mà chỉ chờ Chúa đến; hoặc ngược lại, vì chờ lâu quá rồi đâm ra chán nản nên lơ là, không còn sẵn sàng và tỉnh thức.
Tin Mừng nhắc lại cho các Kitô hữu tiên khởi và cũng cho mọi người chúng ta hôm nay rằng Chúa sẽ đến nhưng không ai biết được giờ nào. Chính vì thế, cần có một thái độ tích cực trong việc chờ đón này. Đó là không thụ động, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình, đồng thời phải nghĩ tới yếu tố bất ngờ để có thái độ và lối sống xứng đáng, trong tư thế sẵn sàng ra đón Chúa. Bài Tin Mừng nhấn mạnh rằng hai người đều làm một việc bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng chỉ một người được đem đi, vì họ đã sẵn sàng từ bên trong để lên đường ngay khi được Chúa gọi. Quả thật chỉ người nào có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng thì mới có thể được gia nhập vào đoàn người của Chúa mà thôi.
I. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Trong tương lai, núi Nhà Ðức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: “Ðến đây, ta cùng lên núi Ðức Chúa.” Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 1 của Mùa Vọng. Khi dân Israen đang sống trong tình cảnh bi đát, thất vọng tột cùng vì phải sống trong chiến tranh, bị đàn áp bởi ngoại bang, thì ngôn sứ Isaia lại thắp lên một niềm hy vọng mãnh liệt nói về viễn ảnh tương lai: sống trong cảnh hòa bình và muôn dân sẽ về Núi Thánh Sion để cùng thờ lạy Đức Chúa. Mùa vọng là mùa chuẩn bị để kỷ niệm việc “Ngôi Hai làm Người” đem bình an cứu độ cho toang thể nhân loại. Như thế, lễ Giáng sinh là lễ của quy tụ mọi người để làm nên một Hội Thánh của những người được cứu thoát, và để hướng về lễ đó, cần có thái độ giao hòa, dẹp bỏ mọi sự chiến tranh hận thù. Chúng ta có ý thức được điều đó để sống tốt tâm tình Mùa Vọng hay không?
2. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 2 và thứ 3 của Mùa Vọng. Quả thật, Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta hướng về ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để ban cho chúng ta ơn cứu độ cách viên mãn. Hướng về ngày đó không phải bằng sự chờ đợi thụ động mà là một sự chờ đợi chủ động bằng cách chuẩn bị tâm hồn, canh tân đời sống: ăn ở cho đứng đắn, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương, không chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Chúng ta có ý thức rằng chuẩn bị đón Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh bằng những hình thức bên ngoài hang đá nguy nga, những cây thông cao vút, những tháp đèn sao lộng lẫy, những hoạt cảnh công phu… là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm hồn hay không?
3. Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. cúng nhue trogn bài đọc II, lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 2 và thứ 3 của Mùa Vọng. Có lẽ tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời, ngược lại với cuộc sống hằng ngày với những bận rộn lo toan trước mắt: ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột…do đó, người ta dễ chần chừ, “để mai tính”. Chính vì thế, lời Chúa đã nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ nhằm giúp chúng ta luôn trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng. Thật ra, ngày tận thế không bất ngờ vì nó cũng như cái chết mà mỗi người có thể phải đối mặt, nhất là trong thời đại ngày nay, không ai đoán trước được do luôn có những cái chết bất chợt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là tai nạn. Chúng ta có ý thức rằng khi nghĩ về ngày tận thế, cũng như nghĩ về cái chết đến bất ngờ sẽ giúp chúng ta biết cách sống thế nào cho phải lẽ, không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, không quá lo lắng sự đời, nhưng luôn tỉnh thức và sẵn sàng hầu có thể được Chúa đem đi về Thiên đàng với Người hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bước vào một chu kỳ phụng vụ mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải luôn tình thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Đó chính là tâm tình để sống Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Trong tâm tình hân hoan chào đón Chúa, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1.Hội Thánh có sứ mạng mời gọi mọi người “bước đi trong ánh sáng của Chúa.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực sống và làm chứng cho Phúc Âm, giúp con người thời đại nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất.
2. Thiên Chúa sẽ quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang hoang mang lạc hướng vì thiếu niềm tin trong cuộc sống, được ơn nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới đem lại ý nghĩa cho đời người.
3.Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hãy từ bỏ những hành vi đen tối và mang lấy khí giới ánh sáng. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết hướng về ngày Chúa quang lâm bằng một thái độ tích cực: tránh xa tội lỗi và canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm.
4. Chúa Giêsu nói: “Hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức, bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, và tích cực làm việc lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ý nguyện của cộng đoàn chúng con, và ban ơn Thánh Thần giúp chúng con luôn can đảm vững lòng tin cậy nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ