Thư Tổng Phục Vụ Dòng Phanxicô gửi nhân dịp Lễ Phục sinh 2013
" LẠY CHÚA, CON TIN, NHƯNG XIN GIÚP LÒNG TIN YẾU KÉM CỦA CON" (Mc 9,24)
“Người đã trỗi dậy” (Lc24,6)
Anh chị em thân mến,
Đây là kinh nghiệm của những người đã từng ăn, từng uống với Chúa Giêsu sau khi Người sống lại (x. Cv 10,41) và cũng là kinh nghiệm của những người đã được tái sinh “trong niềm hy vọng sống động và thừa hưởng gia tài không bao giờ hư nát” (1 Pr 1,4). “Người đã trỗi dậy!” Đây chính là nền tảng của đức tin chúng ta, là lý do biện minh cho đức cậy và đức mến của chúng ta: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Nếu không có kinh nghiệm ấy, thập giá của Đức Giêsu cũng như thập giá của chính chúng ta hẳn chỉ trở thành một thảm kịch và cuộc đời của Kitô hữu là một điều phi lý. Tuy nhiên, khởi đi từ đây, chúng ta có thể hát lên cùng với phụng vụ, “O Crux, ave, spes unica”, “Kính lạy Thánh giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.” Đấng chịu đóng đinh “đã trỗi dậy vào ngày thứ ba, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,4). Đây là trung tâm điểm của đức tin chúng ta cũng như của kerygmatiên khởi; “Đây là điều chúng tôi rao giảng” (1 Cr 15,11). Sự Phục sinh là tiếng “có/đồng ý” của Chúa Cha nói với Con của Người, và nơi Người Con ấy, Chúa Cha cũng nói với chúng ta như thế. Đây cũng là chủ đề của việc loan báo và là nền tảng đức tin của chúng ta.
“Vâng, Người đã sống lại thật”
Tôi luôn có ấn tượng mạnh bởi cách các Kitô hữu Đông phương chào nhau trong mùa này: “Đức Kitô đã sống lại”, và câu đáp: “Vâng, Người đã sống lại thật.” Vâng, Người đã sống lại! Chúng ta tuyên xưng niềm tin này vào dịp này trong bối cảnh Năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI muốn có “để Giáo Hội canh tân lòng nhiệt thành trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới, để lại thắp lên niềm vui được bước đi trên con đường Người đã chỉ cho chúng ta, và để làm chứng cụ thể về sức mạnh biến đổi của đức tin” (Đức Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến 17/10/2012).
Tin, một hành trình kéo dài suốt đời
Có lẽ anh chị em lấy làm lạ khi tôi dành lá thư Phục Sinh này để nói về chủ đề đức tin. Hẳn là có những người nghĩ rằng đức tin là một tiền đề hiển nhiên trong đời sống của một người Phan sinh và một tu sĩ. Tôi lại không cho là như thế. Đức tin thực sự không bao giờ có thể là một điều đương nhiên, đặc biệt trong thời đại chúng ta, khi mà “cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức tin đã ảnh hưởng tới nhiều người” (CCĐT 2). Hơn nữa, do đang bước qua “cánh cửa đức tin” (Cv 14,27) “bước vào con đường kéo dài cả cuộc đời khởi đầu bằng việc thanh tẩy (x. Rm6,4) [...] và kết thúc bằng việc vượt qua cái chết, tiến đến sự sống đời đời (CCĐT 1), nên chúng ta nhất thiết phải canh tân đức tin của mình vào mọi thời buổi và trong mọi hoàn cảnh. Nhờ đó, đức tin của chúng ta mới có thể tăng trưởng mỗi ngày và “làm nổi bật niềm vui và niềm hưng phấn mới của cuộc gặp gỡ Đức Kitô” (CCĐT 2). Chúng ta phải can đảm tự hỏi: Tôi có phải là một tín hữu hay chỉ là một người vô thần thực hành? Tình trạng “sức khỏe” hiện nay đức tin của tôi như thế nào? Chúng ta cũng cần phải có một sự minh bạch cần thiết để đưa ra câu trả lời chân thật và sâu sắc cho những câu hỏi cốt thiết như thế.
Tôi không cho rằng tôi xa sự thật khi nói rằng cuộc khủng hoảng đức tin đang xảy ra bên trong Giáo Hội – như Đức Giáo Hoàng vẫn luôn nhìn nhận – cũng đang xảy ra giữa chúng ta. Khi nói như thế, tôi không nghĩ nhiều đến một đức tin lý thuyết hay một đức tin của các khái niệm, nhưng là một đức tin được cử hành, được sống và được tuyên xưng mọi ngày đời. Chúng ta không thể phủ nhận rằng hầu hết mọi anh em, mỗi ngày, không vênh vang, không tìm kiếm sự tán thưởng, vẫn đang nêu ra một chứng từ khiêm tốn về một đức tin được tuyên xưng, được sống và được cử hành, trong khi vẫn trung tín ngược lại mọi hy vọng và làm cho đời sống mình thành nơi cư ngụ của mầu nhiệm Vượt Qua. Cũng đúng là xu hướng duy thế tục – hiểu như là một khuynh hướng bao gồm những thái độ thù nghịch với đức tin đang tác động đến nhiều vùng rộng lớn của xã hội – có thể đã thâm nhập vào các huynh đệ đoàn và đời sống chúng ta. Cũng đúng là sự sa sút của chân trời vĩnh cửu và việc giản lược cái có thật hoàn toàn vào chiều kích trần thế đã tạo ra trên đức tin một hiệu quả giống như cát, khi quăng vào lửa, sẽ làm ngộp và cuối cùng dập tắt lửa. Tôi cho rằng chúng ta cần phải dừng lại (moratorium) để suy nghĩ sâu xa về đức tin của chúng ta, nhất là trong Năm Đức Tin này. Thật hợp thời những lời mà Đức Hồng Y Ratzinger khi ấy đã tuyên bố vào năm 1989, “tình trạng chối đạo của thời hiện đại chủ yếu là do đức tin được phản ánh quá ít nơi đời sống các Kitô hữu.”
Đức tin là đời sống
Đức giáo hoàng đương kim, trong giáo huấn đầu tiên của ngài về đức tin (17/10/2012), đã nói: “Tin vào Chúa không phải là chuyện chỉ liên hệ đến trí tuệ, lãnh vực của kiến thức thuộc trí tuệ mà thôi, nhưng là một sự thay đổi liên hệ đến toàn bộ đời sống chúng ta, liên hệ đến tất cả những gì làm nên bản thân chúng ta: các tâm tình, con tim, trí tuệ, ý chí, thể lý, các cảm xúc và các mối tương quan nhân loại.” Và cũng vào dịp này, Đức giáo hoàng Bênêđitô đã đặt câu hỏi: “Đức tin có thực sự là một sức mạnh biến đổi trong đời sống chúng ta, trong đời sống tôi chăng? Hay chỉ là một trong những yếu tố thuộc về đời sống chứ không phải là một yếu tố quyết định bao gồm toàn thể đời sống?” Anh chị em thân mến, đây là điều chúng ta phải tự hỏi vì đức tin không phải là một điều tách biệt khỏi đời sống nhưng là chính linh hồn của đời sống: “Đức tin Kitô giáo, năng động trong đức mến và mạnh mẽ trong đức cậy, không giới hạn nhưng làm cho đời sống trở nên nhân bản, quả thật đức tin làm cho đời sống nên nhân bản hoàn toàn” (Đức Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến nói trên).
Chúng ta không thể nói về đức tin mà không quy chiếu về đời sống vì chính đức tin làm cho đời sống nên dễ hiểu và hấp dẫn (x. Sant 2,1tt). Đức tin và đời sống cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau. Hơn thế nữa, khi đứng vững trong đức tin, chúng ta tin tưởng nghĩ đến việc dấn thân nhằm thay đổi những cơ cấu tội lỗi, “đang khi mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13). Chỉ nhờ liên kết đức tin với đời sống cũng như liên kết đức tin với việc dấn thân nhắm đến một xã hội sống hài hòa hơn với các giá trị Tin Mừng, chúng ta mới trở nên “những dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Đức Chúa Phục Sinh trong thế giới” (CCĐT 15). Tổng Tu nghị 2006 đã có lý khi nói trong văn kiện chung kết: “Đức tin bao hàm tất cả những gì làm nên thực chất của chúng ta... Đời sống trong đức tin là nguồn suối đích thực làm phát sinh niềm vui và niềm hy vọng cho chúng ta, là khởi điểm của hành trình bước theo dấu chân Đức Giêsu Kitô và của công cuộc chúng ta làm chứng cho Người trước mặt thế giới” (CNVCTTĐĐ, 18). Vì thế, đức tin và đời sống không thể tách rời nhau.
Trong Lời tựa của tác phẩm Breviloquium, thánh Bonaventura đã định nghĩa đức tin bằng ba hình ảnh mà tôi cho là soi sáng rất tốt cho những gì chúng ta đang đề cập đến. Đó là “fundamentum stabiliens” (nền tảng đưa lại sự bền vững), “lucerna dirigens” (ngọn đèn dẫn đường), “ianua introducens” (cửa đưa vào). Là nền tảng, đức tin là điều đưa lại cho ta sự bền vững trong cuộc sống; là ngọn đèn, đức tin là ánh sáng cho phép ta nhìn thấy và chỉ cho ta lối đi đúng hướng; và là cửa đưa vào, đức tin là điều cho phép ta tiến về phía trước và đưa ta vào sự hiệp thông với Đấng Cực Thánh. Đức tin là ánh sáng cho phép ta đi đến cửa và mở cửa ra để đi vào thế giới của Thiên Chúa và tiến đến với Người.
Đức tin: Ân sủng và trách nhiệm
Tin trước hết là đón nhận một món quà nhờ đó chúng ta được chúc lành dù không xứng đáng: Đó là món quà đức tin. “Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói.” Đây là điều sách Công vụ tông đồ thuật lại khi nói về bà Lyđia (Cv 16,14). Thánh Phanxicô cũng đã nhận ra điều này khi ngài nói trong Di Chúc: “Chúa đã ban cho tôi ơn đức tin [...] Chúa đã ban cho tôi và sẽ còn ban cho tôi ơn tin mạnh mẽ...” (x. DC 4.6). Đối với thánh Phanxicô cũng như đối với chúng ta, mọi sự đều là ân sủng (x. DC 1.2.4.6.14.25). Đức tin cũng là một ân sủng. Vì lý do này, đức tin luôn luôn nhắm đến hành động và biến đổi con người từ bên trong để đạt tới sự hoán cải lòng trí con người.
Tuy nhiên, đức tin cũng là một cam kết của cá nhân là bảo toàn và làm cho đức tin tăng trưởng. Nhằm mục tiêu này, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã đề nghị rằng trong suốt Năm Đức Tin này, chúng ta hãy “luôn ghi nhớ quà tặng đức tin cao quý ấy” (CCĐT 8). Ngay vị Giám mục thành Hyppô, ở một trong số các bài giảng của ngài về việc dâng trả tín biểu, nghĩa là khi chuyển giao Kinh Tin Kính, đã nói: “Anh chị em đã nhận [Kinh Tin Kính], nhưng anh chị em cũng phải luôn mang trong trí trong lòng mình; anh chị em phải ngâm nga trên giường ngủ, phải nghĩ tưởng lại trên các quảng trường và không được quên khi dùng bữa. Và ngay cả khi thân xác an nghỉ, anh chị em cũng phải để ý gìn giữ trong lòng” (Thánh Âutinh, Bài Giảng 215, 1). Giáo Hội tiên khởi yêu cầu phải học thuộc lòng Kinh Tin Kính (x. CCĐT9) để giữ vững đức tin và luôn nhớ hoàn cảnh riêng của các tín hữu. Việc nhớ lại và chuyển qua lòng trí một lần nữa không phải chỉ là chuyện thuộc về quá khứ, nhưng đưa đức tin vào hiện tại, thẩm định đời sống ta và đưa tới một sự tăng trưởng trong tương lai giống như hạt cải trong Tin Mừng (Mt 13,31). Vì vậy, nội dung Kinh Tin Kính – bản tóm tắt đức tin của chúng ta – làm nên lịch sử, trở nên đời sống và mở ra với những mirabilia Dei (những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa), mà Thiên Chúa vẫn đang thực hiện trong ta.
Đức tin còn là ân sủng mà ta đón nhận với lòng biết ơn chân thành và sâu sắc, là trách nhiệm giúp ta ý thức về đức tin, nhằm “khôi phục, thanh tẩy, xác nhận và tuyên xưng đức tin” (Đức Phaolô VI, Tông huấn Petrum et Paulum Apostolos, 1967). Nếu không muốn để cho đức tin cũng như ơn gọi làm muối, làm ánh sáng cho trần gian (Mt5,13-16) của mình bị tàn lụi, chúng ta phải không ngừng tái khám phá đức tin (x. CCĐT 4), phải sống trong niềm vui làm sao để chúng ta có thể tuyên xưng đức tin ấy, cả ở bình diện cá nhân và cộng đoàn, bên trong và bên ngoài (x. CCĐT8.9). Đức tin đã được ban cho tôi, cũng đã được trao phó cho tôi để tôi gìn giữ và làm cho tăng trưởng. “Với tấm lòng, ta tin [...]; với miệng lưỡi, ta tuyên xưng đức tin” (Rm 10,10). Đón nhận và trách nhiệm không thể tách rời nhau.
Đức tin: Sự trung tín với Đức Kitô và với Giáo Hội
Có một từ ngữ tóm tắt được và mô tả được đức tin, đó là sự gắn bó: sự gắn bó thân tình với một con người, với Đức Kitô, và là một sự gắn bó tươi vui với một số nội dung đã được Giáo Hội đề nghị trong Kinh Tin Kính và qua Huấn quyền. Sự gắn bó với con người Đức Giêsu Kitô, là điều thiết yếu trong cuộc sống tín hữu, bao hàm một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu qua một đời sống cầu nguyện liên lỉ, một đời sống bí tích phong phú và việc đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng trong lĩnh vực đức tin, tất cả mọi sự đều có liên hệ đến việc gặp gỡ với con người Đức Giêsu. Không có cuộc gặp gỡ ấy, sự gắn bó của chúng ta chỉ là gắn bó với một thứ ý tưởng hay với một ý thức hệ, chứ không bao giờ gắn bó với một con người hay với một lối sống. Hơn nữa, việc gắn bó với nội dung đức tin mà Giáo Hội trình bày còn bao gồm việc nhận thức, suy tư sâu sắc về nội dung ấy, cũng như một cách nhìn cùng một Giáo Hội ấy trong đức tin. Đây không phải là chuyện tuyên xưng “đức tin của tôi”, nhưng còn là nhận lấy đức tin của Giáo Hội làm đức tin của chính tôi, điều này được diễn tả trong sự vâng lời vì đức mến (x. Hn3,6) và chấp thuận “hoàn toàn đồng tâm nhất trí với tất cả những gì Giáo Hội đề nghị chúng ta tin” (CCĐT 10; MK 5; Dei Filius III). Tôi coi như là của tôi lời mời gọi của Thượng Hội Đồng vừa qua là hãy hâm nóng tâm tình nhiệt thành chúng ta vì được thuộc về Giáo Hội (x. Instrumentum Laboris 87). Chỉ khi xuất phát từ lòng nhiệt thành ấy, chúng ta mới có khả năng “tu bổ lại” Giáo Hội như thánh Phanxicô đã làm.
Đức tin theo thánh Phanxicô
Trong tư cách là những anh em hèn mọn hay những môn đệ của thánh Phanxicô, chúng ta cần phải dừng lại dù chỉ là trong giây lát, để suy tư về hành trình đức tin cũng như những lời nói của ngài. Khi đọc Tác phẩm của ngài, chúng ta có thể dễ dàng khám phá ra rằng trên hết mọi sự, đức tin của Phanxicô mang tính hướng thần với một cấu trúc rõ ràng mang tính Ba Ngôi và quy Kitô (x. Hn 1; L Ksc 22,41-55; 23,11; ĐT9,7). Kinh nghiệm thiêng liêng của ngài có đặc điểm là một tương quan mật thiết với Ba Ngôi. Mặt khác, điều bất ngờ là đức tin của ngài mang một chiều kích giáo hội, và như thế vượt khỏi một cách nhìn chỉ có tính cá nhân chủ nghĩa. Phanxicô, cũng như Giáo Hội, dạy chúng ta phải đọc: “Tôi tin” và “Chúng tôi tin” (x. CCĐT 9). Trong Di Chúc, Phanxicô đã tuyên xưng niềm tin của mình vào các nhà thờ và vào các linh mục (x. DC 4-7). Điều này cho phép chúng ta hiểu một khía cạnh khác cũng đáng lưu tâm, đó là tầm quan trọng cốt thiết của Giáo Hội trong đời sống đức tin của Phanxicô. Tầm quan trọng ấy không tùy thuộc vào sự hoàn hảo của các thành viên trong Giáo Hội, đặc biệt là hàng giáo phẩm và các linh mục, nhưng tùy thuộc việc Giáo Hội gặp gỡ Đức Kitô. Thiên Chúa đã nói với Phanxicô trong và qua Giáo Hội, ngay cả khi Giáo Hội đang gặp “nguy cơ đổ nát” (x. 2Cel10-11; BNB 13), vì khi ấy Đức Kitô cũng vẫn hiện diện trong Giáo Hội. Phanxicô không bao giờ xem Giáo Hội Rôma như một mối đe dọa đối với lối sống Tin Mừng, cho dẫu đó là một Giáo Hội “đầy thương tích” và “tội lỗi”. Khi đề cập đến các linh mục, ngài nói: “Tôi không muốn xem xét tội lỗi nơi các ngài vì tôi nhìn thấy Con Thiên Chúa nơi các ngài và các ngài là tôn chủ của tôi” (DC 9). Khởi đi từ niềm tin vào Đức Kitô như thế, cũng là niềm tin vào Giáo Hội, và là niềm tin đi qua niềm tin “vào các nhà thờ và các linh mục”, ta có thể hiểu tại sao Người nghèo thành Assisi đã chấp nhận lối sống do Đấng Tối Cao mặc khải cho (x. DC 14), để được Giáo Hội chuẩn nhận, và đã hứa trong Bản Luật là “vâng lời và kính trọng Đức Giáo Hoàng Hônôriô, các đấng kế vị được bầu chọn theo giáo luật và Hội Thánh Rôma” (L 1,2). Cũng từ quan điểm này, người ta có thể hiểu tại sao ngài đã yêu cầu anh em mình phải sống theo “đức tin và đời sống Công giáo” và tại sao đây là điều kiện để được ở lại trong huynh đệ đoàn (x. L Ksc 19,1). Cũng dễ hiểu vì sao đối với thánh Phanxicô, “đức tin Công giáo” là một trong những tiêu chuẩn nền tảng giúp biện phân một ứng sinh (x. L 2,2) và Giáo Hội là một tiêu chuẩn để phân định đức tin chân chính (x. T. Matura, Thánh Phanxicô nói về Thiên Chúa, Milano 1992).
Còn có một sự kiện khác nữa! Dọc theo hành trình của ngài, “đối với Phanxicô, mầu nhiệm Thánh Thể là trung tâm đời sống đức tin của ngài” (P. Martinelli, Dammi fede diritta, Porziuncula 2012), như chúng ta đọc được trong Huấn ngôn 1, giữa nhiều bản văn khác. Đứng trước mầu nhiệm này, theo cách diễn tả của thánh Âutinh, cần phải vận dụng con mắt trí khôn hoặc cặp mắt đức tin, để tránh nhìn theo xác thịt, và do đó, “không nhìn không tin” (x. Hn 1,8) (x. C. Vaiani, Vedere and credere. L’esperienza Christian di Francesco [Thấy và Tin. Kinh nghiệm Kitô giáo của Phanxicô], Milan 2000). Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng, đối với thánh Phanxicô, mầu nhiệm Thánh Thể được liên kết mật thiết với Lời đến nỗi Lời được nhìn xem trong cùng một lô-gích với mầu nhiệm Thánh Thể, nên ngài yêu cầu phải “tôn kính” Lời (x. T TD 34-37), bởi vì chúng ta phải tôn kính “Chúa” hiện diện trong cả hai mầu nhiệm này (x. T TD 36). Đàng sau các lời, Phanxicô đã “nhìn thấy” Lời; trong các lời, ngài nghe được Lời cứu độ của Chúa Cha vang lên trong hiện tại (x. 2 T Th 34).
Như anh chị em có thể nhận thấy, đức tin của Phanxicô không phải là một đức tin hoàn toàn trừu tượng. Ngày nay, đối với chúng ta, ngài trở thành như một chứng nhân đức tin, một đức tin ngài đã thừa nhận, đã tuyên xưng, đã cử hành và đã làm chứng bằng cả cuộc đời mình trong một môi trường không mấy thuận lợi. Phanxicô đang nói với chúng ta điều gì trong tư cách là một người tuyên xưng đức tin? Khi đề cập đến đức tin, chúng ta được mời gọi phải thay đổi điều gì?
Kết luận
Anh chị em thân mến, người ta thường cho rằng vấn đề của Giáo Hội chính là những người “ở xa”. Nhưng riêng tôi, tôi lại cho rằng vấn đề không chỉ là những người ấy, nhưng còn có thể là những người “ở gần”, khi họ không chịu bước qua nhưng chỉ đứng bên ngoài “Cánh cửa Đức tin”.
Năm Thánh chúng ta đang trải nghiệm là một lời mời gọi khẩn thiết chúng ta hãy bước qua Cánh của Đức tin và nhìn chính mình như là những người lữ hành bước đi trong bóng đêm để tìm gặp Đấng chúng ta không bao giờ có thể gặp được nếu Người không đi bước trước để tìm gặp chúng ta (x. Thánh Âutinh, Tự Thuật13,1). Như Đức Hồng Y Martini đã từng nói: Đức tin luôn luôn là một “đức tin hành khất”, giống như đức tin của các Hiền sĩ, chứ không bao giờ là đức tin theo kiểu “tiền chế” của các kinh sư (x. Mt2,1tt). Thánh Phaolô đã yêu cầu Timôthê, môn đệ của ngài, hãy “tìm kiếm đức tin” (x. 2Tm 2,22) cách kiên định như ông đã thực hiện khi còn thơ ấu (x. 2Tm 3,15). Vậy, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi này như lời mời gọi dành cho chính chúng ta và hãy tận dụng Năm Ân Sủng này để “nhớ lại quà tặng đức tin quý giá ấy” (CCĐT 8).
Chúa Kitô đã sống lại!
Vâng, Người đã sống lại thật!
Anh chị em thân mến, Chúc anh chị em một lễ Phục Sinh hạnh phúc! Chúc anh chị em hăng hái lên đường trong Năm Đức Tin này!
Roma – Ngày 19 tháng 3 năm 2013
Lễ Kính trọng thể thánh Cả Giuse
Người anh em, tôi tớ và phục vụ của anh chị em
tu sĩ José Rodríguez Carballo, ofm
Tổng Phục vụ OFM
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ