Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C




(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)
GIỮ LỆNH CHÚA TRUYỀN: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình
(Lc 10,27).

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh việc thực hành điều cốt lõi và quy tóm mọi mệnh lệnh Thiên Chúa truyền đó là  “mến Chúa và yêu người”. Hai điều răn này không chỉ là những mệnh lệnh ghi trên giấy nhưng đã được khắc ghi trong tâm khảm con người.


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Đnl 30,10-14)
Sách Đệ Nhị Luật gồm có 34 chương, thuật lại ngày cuối đời của ông Môsê, chính xác hơn, thuật lại bốn bài diễn từ cuối đời của ông (diễn từ I: 1,1‒4,43; II: 4,44‒28,66; III: 28,69‒32,52; IV: chương 33). Bài đọc I là đoạn trích trong diễn từ thứ ba, trước khi ông nhắm mắt lìa đời. Trong bối cảnh linh thiêng từ biệt Dân và để chuẩn bị cho họ vào Đất Hứa, ông Môsê đã truyền cho Dân vâng phục Đức Chúa bằng cách lắng nghe và tuân giữ các mệnh lệnh và thánh chỉ của Người. Ông Môsê nhấn mạnh rằng những giới răn đó đã được ghi trong sách Luật, tức là trong Torah/ bộ Ngũ Thư. Đối với Dân Israel, vì muốn họ đi đúng đường lối của Thiên Chúa, nên Người đã ban cho họ Lề Luật như một hành lang bảo vệ để giúp họ đi đúng đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên, với thời gian, vì quá vụ luật theo hình thức bên ngoài mà người ta đánh mất tinh thần ở bên trong, quên mất việc thể hiện tinh thần của Lề Luật qua đời sống. Bài đọc hôm này nhấn mạnh rằng việc tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền không phải dựa vào những hình thức bên ngoài, vì “lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em” và cốt để đem ra thực hành. Những lời đó được quy tóm vào trong hai giới răn, đó là “Mến Chúa và yêu người”.
2. Bài đọc II (Cl 1,15-20)
          Đoạn trích trong bài đọc 2 là một thánh thi ngợi khen Đức Giêsu Kitô về địa vị và vai trò độc nhất của Người trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Xét về bản thể, Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Xét về vai trò trong công cuộc tạo dựng, Người là nguyên nhân và cùng đích của mọi sự vì muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người. Xét về vai trò trong công cuộc cứu độ, Người là Đầu của Hội Thánh, là Đấng trung gian duy nhất hòa giải con người với Thiên Chúa bằng máu đổ ra trên thập giá, và Người đã đem lại bình an cho mọi loại trên trời dưới đất; đồng thời, làm cho tất cả mọi sự được viên mãn nơi Người. Đây không chỉ là một bài thánh thi cầu nguyện, mà còn là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô của các tín hữu tiên khởi.
Mặc dù cộng đoàn Côlôxê đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô như thế nhưng đời sống của họ chưa thể hiện hoa trái của lòng tin. Vì vậy, bài thánh thư tuyên xưng đức tin này như là tiền đề, để sau đó thánh Phaolô khuyên họ có đời sống bác ái xứng hợp với lòng tin: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, ... Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-14). Như thế, đã tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô và được Thiên Chúa yêu thương thì phải đáp lại bằng đời sống bác ái “mến Chúa yêu người”.   

3. Bài Tin Mừng (Lc 10,25-37)
Bài Tin Mừnghôm này kể lại dụ ngôn người Samari tốt lành. Đây là một dụ ngôn chỉ có trong Luca và đã góp phần làm nổi bật chủ đề “lòng thương xót” rất đặc trưng của Tin Mừng này. Dụ ngôn này như là một câu trả lời về phương diện thực hành của răn yêu thương, khởi đi từ việc người thông luật đặt câu hỏi để thử Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25).
Thiên Chúa đã tiên liệu cho Israel đi đúng đường lối hầu được sự sống đời đời qua việc ban cho họ Lề Luật, được đúc kết trong Mười Điều Răn và được tóm lược trong kinh Shema (Hãy nghe đây) mà người Dothái đọc mỗi ngày 2 lần: “Nghe đây, hỡi Israel,…” (Đnl 6,4-9). Lời kinh này không chỉ là lời cầu nguyện đơn thuần, mà còn là lời tuyên xưng đức tin của họ về “mến Chúa” và được bổ túc ở nhiều nơi khác trong Torah về “yêu người” (x. Lv 19,18). Tuy nhiên, qua dòng thời gian, Mười Điều Răn được các kinh sư và giới lãnh đạo Dothái giải thích thành 613 điều luật khác nhau, trong đó có 365 điều cấm không được làm và 248 điều buộc phải làm. Các điều luật này nhiệm nhặt đến mức người Dothái không còn biết điều nào là quan trọng nhất.
Trong khi các Tin Mừng khác thuật lại rằng chính Đức Giêsu đã trả lời người thông luật bằng cách tóm lược các điều răn vào hai điều răn quan trọng nhất là “mến Chúa yêu người” (x. Mt 22,36-39; Mc 12,29-31), thì trong Tin Mừng Luca, chính người thông luật đã tự trả lời cho mình là cần phải “mến Chúa và yêu người”, rồi Đức Giêsu chỉ xác nhận là “ông trả lời đúng lắm” (Lc 10,27-28). Qua đó, Luca cho thấy người thông luật hiểu biết rất rõ về mặt lý thuyết nhưng lại thiếu phương diện thực hành, nhất là thực hành vế thứ hai của điều răn yêu thương: “yêu người thân cận như chính mình”. Người Dothái đã tranh luận “ai là người thân cận của tôi” và không có câu trả lời giống nhau. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu kể dụ ngôn này như là một lời giải đáp giúp người thông luật kia ý thức rằng điều quan trọng không phải là tìm xem ai là người thân cận của mình, mà ngược lại cần tự xét xem mình đã trở thành người thân của người ai, nhất là của những người cần đến lòng thương xót.
Xét về lịch sử, người Samari được xem là dân ngoại và kẻ thù của dân Israel, không thể là người thân cận của Israel, nhưng trong dụ ngôn, người Samari lại trở nên người thân cận của một người Israel bị nạn bên đường đi từ Giêrusalem về Giêrikhô nhờ ra tay thi hành đức ái. Trong khi đó, hai người khác là thầy Tư tế và thầy Lêvi trên đường trở về sau khi làm việc phụng thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem thi lại không thi hành đức bác ái với tha nhân. Có thể hai ông này vụ luật, vì không muốn đụng chạm đến nạn nhân mà các ông nghĩ là đã chết, để tránh ô uế. Tuy nhiên, vì vụ luật mà các ông lại quên việc thi hành bác ái với tha nhân.
Mệnh lệnh của Đức Giêsu “ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (tức là như người Samari tốt lành đã làm) không chỉ dành cho người thông luật mà cho mọi người chúng ta để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.


II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành. Chúng ta có ý thức được rằng những gì Thiên Chúa truyền dạy chúng ta tuân giữ như là một rào chắn bảo vệ để chúng ta đi đúng lối ngay đường, nên không phải là gánh nặng cũng không vượt quá khả năng của chúng ta hay không? Chúng ta đã tập cho mình có sự nhạy cảm với những lời Chúa nói với chúng ta ngay trong chính lương tâm của mình và đem ra thực hành trong cuộc sống hay không?
2. Tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người (Đức Giêsu Kitô) và nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài trên trời dưới đất . Chúng ta có tin vào Đức Giêsu Kitô như thế hay không? Chúng ta có ý thức rằng một đức tin như thế sẽ dẫn tới hành động bằng đức ái (x. Gl 5,6) và nhất là yêu mến tha nhân “vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Gl 5,14)?
3. Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp và Ai là người thân cận của tôi?” Có thể chúng ta cũng giống như người thông luật: biết rõ lý thuyết nhưng lại thiếu thực hành. Chúng ta có ý thức rằng điều quan trọng đối với đời sống Kitô hữu không phải là biết một số điều, thậm chí biết hết về giáo lý, mà là sống giáo lý đó hay không? Có khi nào chúng ta quá nhiệm nhặt và cứng ngắc với những quy định như thầy Tư tế và Lêvi mà để cho anh em mình “chết ngất” bên vệ đường vì thiếu sự quan tâm của chúng ta hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thờ kính Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người như chính mình là giới răn căn bản của đạo Chúa và là đường đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Trong niềm xác tín và với quyết tâm chu toàn lề luật, chúng ta cùng tha thiết cầu xin Chúa giúp chúng ta biết sống yêu thương như Chúa truyền dạy.
1. Hội Thánh có sứ mạng tiếp nối sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn lắng nghe và nhận ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua những dấu chỉ thời đại, để tích cực dấn thân phục vụ những nhu cầu chính đáng của con người.
2. Nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình cho mọi loài trên trời dưới đất. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết tôn trọng sự thật và luôn hành động theo công lý, để chung xây một thế giới hòa bình thịnh vượng, đảm bảo cuộc sống dồi dào hạnh phúc cho mọi người.
3. Người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn khao khát cuộc sống vĩnh cửu, biết gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, sống theo lời Người truyền dạy, và ngày càng thêm xác tín Người chính “là đường, là sự thật và là sự sống.”
4. Chúa Giêsu nói với người thông luật “Ông cũng hãy đi và làm như vậy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy, tích cực dấn thân trong các hoạt động tông đồ bác ái, luôn nhạy bén trước nhu cầu của người chung quanh và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha từ ái, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu nguyện và xin ban Thánh Thần, để Ngài đốt lửa yêu mến Chúa trong lòng chúng con, giúp chúng con luôn trung thành tuân giữ mọi huấn lệnh Chúa truyền. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ