CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Chủ đề: DẤU CHỨNG YÊU THƯƠNG
“Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Cv 14, 21-27)
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các Tông đồ đã đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng về các điều mình giảng dạy. Bên cạnh việc rao giảng Tin Mừng, các Tông đồ còn củng cố niềm tin của các tín hữu, an ủi họ trong những thử thách gian nan. Các ngài thực hiện sứ vụ của mình với một niềm xác tín là chính Thiên Chúa hoạt động trong các ngài; các ngài chính là những khí cụ Thiên Chúa dùng để đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Với niềm xác tín như thế, các Tông đồ đã loan báo Tin Mừng cách nhiệt thành, bằng hết lòng yêu thương để xây dựng những cộng đoàn Kitô hữu và những Kitô hữu. Cũng với tình yêu của Chúa Phục Sinh, các ngài đã khao khát đem Tin Mừng cho mọi dân, không giới hạn màu da sắc tộc. Tình yêu Phục sinh là tình yêu phổ quát, được trao tặng cho tất cả mọi người để cùng được cứu độ và cùng xây dựng xã hội mới và con người mới với yêu thương là đặc tính tiêu biểu và căn tính.
2. Bài đọc 2 (Kh 21, 1-5a)
Trong bài đọc II hôm nay tác giả sách Khải huyền thuật lại việc nhìn thấy trời mới đất mới cùng với thành Giêrusalem mới. Đây là các hình ảnh diễn tả một cuộc tạo thành mới, trong đó Thiên Chúa làm mới mọi sự. Người sẽ hiện diện ở giữa dân Người và xóa tan những đau buồn tang tóc cũng như tiêu diệt sự chết. Những hình ảnh tác giả nhìn thấy có thể nói đó là hình ảnh chiến thắng của Đức Kitô Phục sinh, khi Người trỗi dậy từ cõi chết là Người bẻ gãy xiềng xích của sự chết, giải thoát con người khỏi sự thống trị của tội lỗi, giao hòa mọi người với Thiên Chúa. Nhờ hồng ân của Chúa Phục sinh mỗi người cũng đang được thanh luyện đổi mới để trở nên những thụ tạo mới cùng bước vào trong sự sống mới. Điều quan trọng là cần đón nhận Tin Mừng và để cho Tin Mừng biến đổi mình nên những Kitô hữu đích thực.
3. Bài Tin Mừng (Ga 13, 31-33a. 34-35)
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của buổi chiều Tiệc Ly. Có thể coi đây là những lời tâm huyết của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của mình, những lời lưu dấu sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Ngài gọi họ là “các con bé nhỏ” để cho thấy ý nghĩa sâu sắc của những lời trăng trối sau cùng. “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy”. Đây là lệnh truyền, là điều răn mới, hay hơn thế nữa, là quà tặng được trao ban cho nhau. Yêu thương là điều răn quan trọng vì xuất phát từ chính tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con.”
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho các môn đệ khi cúi xuống rửa chân cho từng người. Người cũng muốn các môn đệ học theo gương của mình: yêu thương và phục vụ. Yêu thương không phân biệt, yêu thương cả người sẽ phản bội mình, yêu thương những người yếu đuối tội lỗi, yêu thương người đau khổ khốn khó. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến dâng hiến chính mạng sống mình để cứu độ loài người. Tình yêu của Ngài đã được tôn vinh. Chính khi Ngài tự hiến vì yêu thương trên thập giá là chính lúc Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Tình yêu của Ngài không dừng lại ở mức độ giác quan tình cảm, nhưng còn mang lại ơn cứu độ và sự sống.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thuơng nhau”. Mỗi người chúng ta đã yêu thương những anh chị em xung quanh mình chưa? Cộng đoàn của chúng ta có phải là cộng đoàn yêu thương không?
2. Những hành động cụ thể chúng ta có thể làm để bày tỏ tình yêu cho những người xung quanh: giúp đỡ, an ủi, thăm viếng, chia sẻ thời giờ hay của cải... Chúng ta có làm một cách mau mắn không tính toán hơn thua hay lợi lộc?
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ