Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN A




Gr 20,7-9 ; Rm 12,1-2 ; Mt 16,21-27

CHỦ ĐỀ: CÁI ĐƯỢC - CÁI MẤT CỦA NGƯỜI THEO CHÚA
“Anh em hãy hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Rm 12,1)


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gr 20,7-9)
Cơn khủng hoảng nội tâm, được thuật lại trong bài đọc I, đã xảy ra cho Ngôn sứ Giêrêmia đang khi ông và toàn dân miền Giuđa phải sống trong thời kỳ ‘dầu sôi lửa bỏng’: tình hình chính trị của vương quốc Giuđa (miền nam) gần đi dến chỗ cáo chung, loạn lạc đang xảy ra khắp nơi vì  đạo quân của vua Babyblon, Nabucodonosor đã rất gần Giêrusalem.
Trong bối cảnh đó, Giêrêmia đã tuyên sấm. Ông chẳng có môn đệ, cũng chẳng có nhóm đạo đức nào hậu thuẫn cho ông. Những lời đe dọa của ông chỉ gây ra sự nhàm chán cho nhiều người. Các thủ lãnh và tư tế trong dân thì tức giận vì ông đang lên án một xã hội do họ tạo ra hay được họ chấp nhận.
Cơn khủng hoảng nội tâm của Giêrêmia cho thấy mấy điểm chính: vị ngôn sứ nhận ra rằng Chúa đã quyến rũ ông, và ông cũng phải thú nhận rằng ông hoàn toàn tự do chấp nhận sự quyến rũ này. Sự chấp nhận để cho Chúa quyến rũ này không hề dễ dàng cho Giêrêmia chút nào. Tâm hồn ông bị giằng co, day dứt vì thái độ dửng dưng của dân chúng trước những lời sấm thật gay gắt của ông và lòng oán ghét thù nghịch của giới lãnh đạo. Nhiều lúc ông không còn muốn nghĩ đến Chúa nữa, miệng ông không còn hứng khởi để cao rao Danh Ngài. Tuy nhiên, ông phải thú nhận rằng Đức Chúa đã mạnh hơn ông, Lời của Ngài ‘bừng cháy trong tim ông, âm ỉ trong xương cốt ông.’ Ông đã cố sức thoát khỏi sự quyến rũ của Chúa, nhưng điều này là không thể.
2. Bài đọc II (Rm 12,1-2)
Thánh Phaolô đã chỉ ra cho các tín hữu Rôma thấy đâu là việc thờ phượng phải lẽ, đâu là lễ tế sống động, thánh thiện và đẹp lòng đối với một Thiên Chúa nhân từ. Ngài nài xin họ hiến dâng thân mình làm lễ tế và đó chính là việc thờ phượng thật phải lẽ.
Nhưng hành động cụ thể của việc hiến dâng thân mình làm lễ tế là gì? Vị Tông đồ dân ngoại đưa ra hai chỉ dẫn: 1) Đừng rập khuôn theo (thói hư tật xấu) đời này; 2) Hãy thay đổi bản chất  bằng việc đổi mới nếp suy nghĩ. Nhờ đó, người tín hữu có khả năng nhận ra đâu ý Thiên Chúa, đâu là điều tốt lành, đâu là điều đẹp lòng và đâu là điều thiện hảo.
3. Bài Tin Mừng (Mt 16,21-27)
Trong lăng kính thần học của thánh sử Matthêu, chỉ sau khi thánh Phêrô tuyên tín: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’ Chúa Giêsu mới tiên báo về cuộc thương khó mà Ngài sắp phải chịu. Thế nhưng ‘Phêrô kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người...’ Phản ứng thật nhanh, thật dứt khoát và đầy bất ngờ của thánh Phêrô trước lời tiên báo về cuộc thương khó của Chúa Giêsu cho thấy hai rõ hai điều:
1/ Trước một xác tín thật mạnh mẽ mà thánh Phêrô vừa thể hiện, Chúa Giêsu dường như đã an tâm để tỏ cho các môn đệ biết về cuộc thương khó và hy vọng các ông có thể hiểu để đồng cảm mà chấp nhận với Ngài Thánh ý của Chúa Cha;
2/ Thời gian dài được ở với Chúa Giêsu trước đó dường như vẫn chưa đủ để các môn đệ có thể tẩy xóa đi nếp suy nghĩ, cách phản ứng đầy tính con người nơi các ông; và như thế, họ vẫn chưa thể có được cùng một suy nghĩ, cùng một thao thức với Thầy của mình.
Nhân cơ hội này và từ chính kinh nghiệm luôn kiếm tìm và sống thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho các môn đệ những điều kiện để có thể bước theo Ngài, đó là ‘từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.’ Sau đó, Chúa Giêsu còn đưa ra một nguyên tắc sống đầy nghịch lý xoay quanh hai khái niệm: ĐƯỢC – MẤT ‘Ai cứu sự sống mình thì sẽ mất – Ai đành mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được’ nhằm dẫn dắt thính giả phải đi đến một chọn lựa: ĐƯỢC cả thế gian này mà MẤT linh hồn nào có ích gì?

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!’ Ngôn sứ Giêrêmia dường như muốn thoái thác sứ mạng quá sức chịu đựng của ông, nhưng rồi cuối cùng ông đã chấp nhận để cho Chúa hành động. Và chọn lựa này buộc ông phải trả một giá đắt! Mỗi khi phải quyết định hay thực hiện điều gì tôi có kiên nhẫn để tìm kiếm, lắng nghe và can đảm quyết định theo những soi sáng của Chúa không?
2. ‘Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa... Hãy thay đổi bản chất bằng cách đổi mới nếp suy nghĩ.’ Mọi hành động chỉ có thể thay đổi nếu như dám thay đổi nếp suy nghĩ. Cuộc sống vốn là một cuộc giằng co giữa ý tôi và ý Chúa. Tôi vẫn quyết định hành động theo ý ai?
3. Nếu hình ảnh thánh Phêrô tuyên tín là một hình ảnh thật đẹp đẽ bao nhiêu, thì hành động can gián Chúa Giêsu của ông lại thật tương phản bấy nhiêu. Như thế, hai khuôn mặt trái ngược lại xuất hiện nơi cùng một con người và ở cùng một thời điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra cho người môn đệ Chúa Kitô. Những toan tính, suy nghĩ và hành động của tôi hôm nay đến từ đâu? Từ Chúa Giêsu hay từ những khôn ngoan thế gian?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Ngài mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và bước đi trên con đường thập giá. Với niềm tin tưởng và quyết tâm vác thập giá theo Chúa Kitô, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh đang phải đương đầu với bao chống đối và bách hại, luôn vững tin vào sức mạnh của thập giá để can đảm đón nhận và vượt qua những khó khăn thử thách hầu góp phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô.
2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia đang trải qua xung đột và chiến tranh. Xin cho các nhà lãnh đạo ở đó biết đặt lợi ích của người dân và hòa bình cho đất nước lên trên quyền lợi các phe nhóm, để có những lựa chọn khôn ngoan và chính sánh phù hợp.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đã chọn cuộc sống dâng mình cho Chúa, cách riêng các ứng sinh linh mục và tu sĩ, luôn xác tín với chọn lựa của mình, biết quảng đại từ bỏ những tiện nghi hưởng thụ, để luôn hân hoan bước theo Chúa trên đường thập giá.
4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa hôm nay: “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì”, để trong cuộc sống hằng ngày biết hướng về đời sau qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến đổi thập giá thành thánh giá đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con can đảm từ bỏ bản thân và trung thành vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ