Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - A




Ed 18,25-28 – Pl 2,1-11 – Mt 21,28-32
QUÁ KHỨ HAY HIỆN TẠI? LỜI NÓI HAY VIỆC LÀM?
“Con không muốn! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.” (Mt 21,29)


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Ed 18,25-28
Đây là một phần trong những lời phán quyết của Đức Chúa khi muốn nhấn mạnh với dân Israel rằng: trước mặt Đức Chúa đã không còn giá trị câu ngạn ngữ: ‘Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ghê răng.’ (Ed 18,2) mà đã đến lúc ‘Ai phạm tội kẻ ấy phải chết.’ (Ed 18,4). Như thế trách nhiệm cá nhân được đặc biệt đề cao trong lời tuyên sấm này của Đức Chúa.
Trong câu liền trước của bài đọc thứ nhất, Đức Chúa đã nói lý lẽ như sau về số phận của kẻ công chính nhưng lại làm những điều ghê tởm: ‘Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết’ (Ed 18,24). Đối với dân Israel, lối suy nghĩ này của Đức Chúa dường như quá nghiêm khắc! Bởi vì, theo logic của Đức Chúa, những việc công chính trong quá khứ sẽ chẳng có thể biện hộ được điều gì cho những sự dữ mà họ đang thực hiện.
Hành động ‘mạnh tay’ này của Chúa đã bị dân Israel phản ứng thật mạnh mẽ khi cho rằng: ‘Ðường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng’ (Ed 18,25). Trước thái độ đó của dân Israel, một lần nữa Đức Chúa đã đặt lại vấn đề: Đường lối của Ta hay đường lối của các ngươi không ngay thẳng? Và cuối cùng Ngài như muốn củng cố lại quan điểm của mình về số phận của hai hạng người:
Người công chính  bỏ lẽ công chính để phạm tội ác                              nó phải chết
Kẻ gian ác              bỏ đàng gian ác để thực thi công bình chính trực   nó sẽ được sống

2. Bài đọc II - Pl 2,1-11
Nếu được liên kết với Đức Kitô, được tình yêu khích lệ, được hiệp thông trong Thần Khí, cũng như sống thân tình và cảm thương nhau, theo thánh Phaolô, điều này chắc chắn phải dẫn tín hữu Philipphê tới chỗ có cùng một cảm nghĩ, một lòng mến, một tâm hồn, một ý hướng. Do vậy, thánh nhân mời gọi họ thay đổi động cơ khi làm việc: ‘Ðừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh’ (Pl 2,3). Muốn được vậy hãy cố gắng khiêm nhường khi nỗ lực sống tự hạ: không tìm ích lợi cho cá nhân nhưng vì lợi ích của người khác theo gương Chúa Kitô.
Thánh thi Philipphê nhấn mạnh nỗ lực từ hai phía: a/ Từ phía Ngôi Lời: đó là sự tự hủy (Kenosis) cho đến cùng: dẫu thân phận là Thiên Chúa – nhưng đã mặc lấy thân nô lệ – chấp nhận cái chết của một kẻ tử tội; b/ Từ phía Thiên Chúa: đó là sự siêu tôn Đức Giêsu đến tột đỉnh: ban cho danh hiệu vượt trên ngàn danh hiệu – muôn vật phải bái quỳ khi nghe danh Giêsu – mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ngài là Kitô, là Đức Chúa.’ Như thế, cái chết vừa là tận điểm của đau khổ nhưng cũng vừa là khởi điểm của vinh quang.

3. Bài Tin Mừng – Mt 21,28-32
Đoạn Tin Mừng này đã được thánh sử Matthêu xếp sau hai sự kiện: cây vả không sinh trái và bị khô héo – người Do thái chất vấn Chúa Giêsu về quyền của Người. Bối cảnh của đoạn tin mừng liền trước Mt 21,23-27 đã giúp hiểu rõ ‘các thượng tế và các kỳ mục trong dân’ chính là đối tượng mà Chúa Giêsu muốn họ phải suy nghĩ và trả lời khi Ngài đặt vần đề: ‘Các ông nghĩ sao...’
Dụ ngôn xoay quanh thái độ của hai người con trước lời mọi gọi làm vườn nho cho cha mình:
a. Người con thứ nhất  : “Con không muốn!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
b. Người con thứ hai    : “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi.
Sau khi các thượng tế và kỳ mục đã thừa nhận: người con thứ nhất đã làm theo ý muốn của cha. Chúa Giêsu liền đưa ra một khẳng định về số phận của hai hạng người:
A. Những người thu thuế và những cô gái điếm tin vào Gioan.    
A’. Người con thứ nhất: “Con không muốn!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
B. - Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy.
- Ngay cả khi đã thấy người thu thuế và những cô gái điếm tin vào Gioan, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.
B’. Người con thứ hai: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết. Kẻ gian ác bỏ đàng gian ác và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống.’ Quá khứ, dù tốt hay xấu, không còn là điều quan trọng trong ánh nhìn của Thiên Chúa. Vấn đề hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người vào thời điểm hiện tại. Sám hối để bỏ đàng tội lỗi vẫn luôn là chìa khóa dẫn con người đi vào sự sống của Thiên Chúa.
2. Ganh tị và hư danh luôn là cơn cám dỗ của con người trong khi làm việc, nhiều khi nó còn được bao bọc bởi một công việc với vẻ bên ngoài rất đạo đức. Thái độ tự hủy đến cùng của Con Thiên Chúa là một kinh nghiệm đắt giá giúp cho mỗi Kitô hữu sống triệt để thái độ khiêm nhường trước mặt Chúa cũng như trong tương quan với anh chị em của mình.
3. “Con không muốn!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi - “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Điều người cha đợi chờ không phải là một lời nói suông đầy hoa mỹ, nhưng là một hành động như ý muốn của người cha. Hành vi hối hận chính là ngưỡng cửa quan trọng để đưa người con bước từ việc bỏ ý riêng mình sang việc thi hành ý muốn của cha.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực hằng mong muốn tất cả mọi người được công chính hóa qua việc vâng nghe và thi hành thánh ý của Người. Với quyết tâm sống theo ý Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy thành khẩn nguyện xin:
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng và hàng Giám mục. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các  vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn bừng cháy lòng nhiệt thành cùng sáng suốt trong việc chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên Chúa đã trao phó trên hành trình tiến về quê trời.
2. Cầu cho Đại hội chung của Thượng Hội Đồng Giám mục về gia đình sắp nhóm họp. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần trên các tham dự viên để kỳ họp đạt được thành quả tốt đẹp và tìm ra những giải pháp cho các vấn nạn của đời sống gia đình.
3. Cầu cho các kitô hữu đang bị bách hại trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những anh chị em đang chịu nhiều đau khổ vì Đức Kitô, xin cho họ được bình an và luôn kiên vững vượt qua mọi gian nan thử thách để tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin của mình.
4. Cầu cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tỉnh thức nhận ra lời mời gọi của Chúa và mau mắn đáp trả bằng việc tích cực dấn thân cộng tác để mọi sinh hoạt của cộng đoàn luôn hiệp nhất và thêm phong phú.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân lành, xin khứng nhận những ước nguyện chân thành của chúng con và xin dùng quyền lực Thánh Thần biến đổi, giúp chúng con luôn biết vâng nghe và thực thi ý Chúa trong sự khiêm tốn và tín thác. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

CÁO PHÓ CHA PHAO-LÔ MARIA BÙI VĂN HUYÊN QUA ĐỜI

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)
CÁO PHÓ
Trong niềm tín thác vào Chúa Kitô Phục Sinh
Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh kính báo:


Linh Mục Phaolô - Maria
BÙI VĂN HUYÊN
Sinh ngày 01 tháng 01 năm 1932
Tại giáo họ Trị Sở, giáo xứ Kẻ Mui, giáo phận Vinh
(xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Đã được Chúa gọi về hồi 12h45’ ngày 21 tháng 09 năm 2014
(tức ngày 28 tháng 08 năm Giáp Ngọ).
Hưởng thọ 83 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu từ 17h00’ ngày 21 tháng 09 năm 2014
Thánh lễ An táng vào lúc 08h thứ Tư, ngày 24  tháng 09 năm 2014,
tại giáo họ Yên Lĩnh, giáo xứ Gia Hòa, giáo phận Vinh
(thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Xin quý Cha, quý Tu Sỹ và Anh Chị Em
hiệp ý dâng Thánh lễ và cầu nguyện
cho Cha Phaolô-Maria.
Xin vì Danh Chúa nhân từ
ban cho Cha Phaolô-Maria được nghỉ yên bên Chúa
cùng các thánh trên Quê Trời.
R.I.P

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Thư tường trình vụ việc mới xảy ra ở Gia Hòa



Trọng kính Đức Cha,
Con xin kính trình Đức Cha về một chuyện khá bức xúc mới xảy ra với giáo xứ Gia Hòa chúng con :
Vào sáng thứ tư ngày 17/09 vừa qua công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh bắt giam hai người giáo dân trong giáo xứ, đó là anh Trần Quang Tâm và anh Hồ Ngọc Phi với tội danh là “ phá rối trật tự công cộng” và sẽ giam giữ hai người trong 3 tháng để điều tra. Họ cho rằng hai anh có liên quan đến vụ việc xảy ra từ hôm 19 tháng 03 Lễ Thánh Giuse bổn mạng của giáo họ Yên Hòa, vì xích mích chuyện làm ăn với nhau đã lâu, gây nên oán thù nhau nay gặp nhau mới gây chuyện thì một người ở nơi khác đến đã thuê xã hội đen đến đâm chết một người trong Ban Hành Giáo Họ là anh Giuse Nguyễn Minh Nhiên khi anh đứng ra can ngăn – con đã có trình và xin Đức Cha cho cử hành lễ đồng tế an táng cho anh- chuyện tưởng chừng như đã yên vì hai bên gia đình bị hại cùng bên làm hại đã dàn xếp ổn thỏa chấp nhận mọi đền bù thỏa đáng- và không kiện cáo gì nhau nữa. Nhưng rồi bên điều tra vụ án đã không thể kết thúc vụ án cho êm xuôi, nên vẫn tiếp tục điều tra và dẫn đến việc có những cuộc triệu tập bất thường các nhân chứng có liên quan. Việc bắt giữ này đã gây nên sự lo lắng, bức xúc cho các gia đình hai anh cũng như cho đông đảo giáo dân trong xứ, vì đây là một hành vi bắt người cách không minh bạch: gọi điện thoại lên xã làm việc rồi đọc lệnh bắt đi luôn. Và tội danh gán ghép rất sai trái : “Phá rối trật tự công cộng”. Trong khi các anh cũng như nhiều người khác chỉ là người tự bảo vệ dân mình tại vùng đất của mình khi có kẻ xấu đến gây án mạng nơi giáo họ mình. Vậy mà… ! lại trở thành tội phạm. Chắc chắn với cách bắt bớ này với tội danh gán ghép sai trái đó sẽ làm tổn thương danh dự cá nhân, gia đình, giáo họ và giáo xứ.
Giáo xứ đã rất đau buồn vì chuyện mất đi một người thân yêu, để lại người vợ non dại với bốn con thơ, chưa nguôi ngoai nỗi đau, nay lại thêm chuyện buồn bị bắt người này nên rất bức xúc và sẵn sàng để đấu tranh cho ra lẽ. Hiện đã có những cuộc đối thoại hai bên giữa giáo xứ với các cấp chính quyền Xuân An, Công An Huyện Nghi Xuân, đại diện Công An, Tổ Điều Tra, Trật Tự Xã Hội và Ban Tôn Giáo Tĩnh Hà Tĩnh nhưng chưa có kết quả như ý muốn  là thả người về cho giáo xứ và gia đình.  Trong tinh thần là con cái trong giáo phận nên chúng con kính trình và chờ xin lĩnh ý Đức Cha để biết cách hành động cho đúng đắn theo tinh thần của người Kitô hữu. Kính xin Đức Cha  soi sáng cho chúng con biết việc phải làm. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha.
Lm Quản xứ
Phao-lô Nguyễn Thanh Hải

Giải đáp phụng vụ: Linh mục cử hành lễ an táng cho người Tin lành được không?



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Một linh mục Công Giáo có thể cử hành lễ an táng cho một người Tin Lành tại một nơi như khuôn viên trường đại học được không? Theo Bộ Giáo luật, điều 1183.3, "người đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài Công Giáo, được an táng theo nghi lễ Giáo Hội" trong một số điều kiện nhất định. Liệu điều này có hàm ý rằng buổi lễ phải diễn ra trong một nhà thờ Công Giáo không? - F. D., Montreal, Canada.


Đáp: Điều 1183.3 của Bộ Giáo luật (tương ứng với điều 876.1 của Bộ luật phương Đông và số 120 của Hướng dẫn Đại kết) nói như sau:

"Tùy theo sự phán đoán khôn ngoan, Bản Quyền sở tại có thể cho những người đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài Công Giáo, được an táng theo nghi lễ Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và miễn là không thể có một thừa tác viên riêng để cử hành" (Bản dịch Việt ngữ do các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện).

Các chuyên viên giáo luật bình luận rằng sự cho phép có thể được ban, ngay cả khi sự hiệu lực của bí tích rửa tội bị nghi ngờ. Thừa tác viên không Công Giáo có thể là không sẵn sàng về mặt thể lý, vì không có vị nào trong khu vực ấy cả. Thừa tác viên này cũng có thể không sẵn sàng về mặt luân lý, chẳng hạn, nếu vị này chỉ là trên danh nghĩa một thành viên của một giáo phái nhưng không thực hành đức tin của mình, trong khi người bà con của ông là một người Công Giáo ngoan đạo.

Tương tự như vậy, việc cho phép có thể được ban, nếu người không Công Giáo đã bày tỏ ước muốn trở lại đạo Công Giáo, ngay cả khi ước muốn này chưa được chính thức hóa bằng việc đăng ký vào một chương trình học trở lại đạo.

Hướng dẫn Đại kết đưa thêm một điều kiện:

"Điều 120. Trong sự phán đoán thận trọng của Đấng Bản Quyền địa phương, các nghi thức an táng của Giáo Hội Công Giáo có thể được ban cho các thành viên của một Giáo Hội không Công Giáo hay Cộng đồng Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và không thể có một thừa tác viên riêng để cử hành, và nếu các điều khoản chung của Bộ Giáo Luật không cấm đoán việc ấy”.

Các "điều khoản chung" của Giáo luật được nhắc đến là các điều cấm một tang lễ Công Giáo. Đó là:

"Ðiều 1184: § 1 Nếu họ không tỏ một dấu hiệu thống hối nào trước khi chết, thì phải từ chối an táng theo nghi lễ Giáo Hội:

1. những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo cách tỏ tường;

2. những người chọn hỏa táng thi hài của mình vì những lý do nghịch với Ðức Tin Kitô Giáo;

3. những tội nhân trống trải khác, mà việc an táng theo nghi thức Giáo Hội chắc chắn sẽ sinh gương xấu công khai cho các tín hữu.

§ 2 Khi gặp trường hợp hoài nghi, thì phải hỏi ý kiến Bản Quyền sở tại và làm theo sự phán quyết của Ngài.

Ðiều 1185: Người nào không được mai táng theo nghi thức Giáo Hội, thì cũng không được làm lễ quy lăng cho họ”. (Bản dịch như trên).

Một khi tất cả các điều kiện này được đáp ứng, thì các vấn đề khác, chẳng hạn như các nghi thức được sử dụng và địa điểm cử hành lễ an táng, được dành cho “sự phán đoán khôn ngoan" của Giám mục địa phương.

Bởi vì lễ tang luôn đòi hỏi sự nhạy cảm mục vụ lớn, và mỗi tình huống có một sự đặc biệt nào đó, nên Giám mục cùng với các linh mục hữu quan là những người cần quyết định các lựa chọn phù hợp tốt nhất, vốn tôn trọng ý muốn của người quá cố, gia đình và tất cả các người khác có liên quan.

Vì lý do này, Giáo Hội đã không cố gắng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các trường hợp như thế.

Một trong ít điều kiện nghi thức là, nếu một Thánh Lễ an táng được cử hành, tên người quá cố không Công Giáo không được đọc lên trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Điều này là khá hợp lý, vì một sự đọc tên như vậy có thể hàm ý rằng người quá cố đã sống hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. (Zenit.org 16-9-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
 
 
 
 
 
:: Giải đáp phụng vụ: Linh mục cử hành lễ an táng cho người Tin lành được không? ::
Thông Tấn Công Giáo Việt Nam - Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ và Việt Nam - VietCatholic News Agency