Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Hang đá và Máng cỏ: Một cảm hứng độc đáo của Thánh Phanxicô Átsidi

 

Tu sĩ Phanxicô thành Átsidi (1181-1226) trước hết là vị thánh có nhiều nhân đức, và đặc biệt ngài được mệnh danh là vị thánh nghèo hèn và khiêm hạ thành Átsidi.

Mặc dầu ngài là đấng thánh lập Dòng Anh em hèn mọn, ngài tự nguyện là phó tế vĩnh viễn. Hang đá Bêlem là biểu tượng của khó nghèo. Vì vậy, thánh nhân yêu mến lễ Giáng sinh. Chính ngài đã nghĩ ra việc dựng máng cỏ Giáng sinh, để tôn kính Chúa Hài đồng và Thánh gia. Trước khi thuật lại chiếc máng cỏ Giáng sinh đầu tiên được thực hiện theo sáng kiến của thánh Phanxicô, thiết tưởng nên nhắc lại một vài sự kiện nói lên nhân đức khó nghèo của đấng sáng lập Dòng Anh em hèn mọn.
Năm 1223, thánh nhân từ thành Assise đến Rôma để thỉnh cầu Đức Thánh Cha Hônôriô IV (1210-1287) phê chuẩn Luật Dòng. Nhân dịp này, Đức Hồng y Hugolin mời Phanxicô dùng bữa cùng với một số quan khách. Thánh nhân khiêm nhường tới và ngồi vào bàn tiệc, rút ngay trong túi áo mầu nâu sồng vài mẩu bánh mì vừa xin được ngoài phố và mời các vị khách. Đức Hồng y không mấy vui vẻ trước cử chỉ này của thánh nhân, vì ngài khoản đãi bữa tiệc theo nghi lễ. Nhưng tất cả đều vui lòng san sẻ cùng thánh nhân.
Sau bữa tiệc, Đức Hồng y nói với thánh nhân:
- Này người anh em của tôi, sao con lại làm ta cực lòng vì con phải ăn xin, trong khi con là khách quý của ta? Con không biết nhà ta chính là nhà của con, và những gì có trong nhà này là của con hay sao?
- Thánh nhân lễ phép đáp lại: Lạy cha, bởi vì không có gì làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn nhân đức khó nghèo. Không phải là con muốn làm ngài phải xấu hổ. Trái lại, con muốn làm vinh danh cha, nên nghênh đón Chúa ngự trong nhà cha. Thiên Chúa đã chấp nhận sống nghèo ở trần gian chỉ vì yêu mến chúng ta.
- Đức Hồng y ôm chầm lấy thánh nhân nghẹn ngào nói tiếp, con ơi, con cứ làm theo ý con đi. Bởi vì, Thiên Chúa ở cùng con. Chính Ngài đã dẫn đường chỉ lối cho con.
Sau mẫu đối thoại làm xao xuyến lòng người, thánh nhân kính cẩn chào quý khách và trở lại hang đá của mình. Hai tuần lễ trước Giáng sinh năm 1223, trên đường từ Rôma về Átsidi, thánh nhân dừng chân ở thị trấn Greccio, và gặp Jean Velita, một điền chủ giàu có vừa từ bỏ binh nghiệp để nhập Dòng. Gần Greccio là dãy núi đá bao quanh một thung lũng rộng. Trên núi đá thẳng đứng có một cái hang, được che khuất bằng một hàng cây.
Phanxicô nói: “Tôi mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bê Lem, nhưng làm sao thể hiện được nỗi cơ cực và khổ đau của Ngài ngay từ thuở còn thơ để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, tôi xin anh làm một hang đá giống như thật với cỏ khô. Anh dẫn theo một chú lừa và một con bò, giống như bò lừa đã chầu quanh Chúa Hài Đồng năm xưa”.
Xong mọi việc. Vừa được tin, từng đoàn người trong vùng lặn lội men theo triền núi gập ghềnh, khúc khuỷu tới trước hang đá. Bao nhiêu hang động xung quanh dội lại lời ca nguyện của các tu sĩ, chen lẫn đồng ca điệp khúc của cộng đoàn. Thánh lễ được diễn ra, và thánh nhân mặc tu phục phó tế, giúp vị chủ lễ. Ngài công bố Tin Mừng cho mọi người và chia sẻ Lời Chúa. Ngài dùng những lời dịu ngọt để nhắc lại việc chào đời của Hài Nhi Giêsu.
Trong bút ký của thánh Bonaventura có đoạn chép rằng: “Ba năm trước khi từ trần, thánh Phanxicô quyết định mừng lễ Giáng sinh trọng thể. Sau khi được Đức Thánh Cha cho phép, Ngài sai làm máng cỏ, bảo người mang cỏ khô và dẫn một con lừa và một con bò. Máng cỏ Greccio đã ban ơn thiêng cho nhiều”.
Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio, hàng năm tại các Nhà thờ, Nhà Nguyện và tư gia, người ta lại làm hang đá, máng cỏ cùng với cây thông để mừng Lễ Giáng Sinh với những ánh đèn lung linh, trông rất sinh động.
Ngày nay, vào dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh, khắp nơi hang đá được tạo dựng trang hoàng theo nhiều kiểu khác nhau. Lễ mừng Chúa Giáng Sinh mà không có hang đá, thì kể như chưa là Lễ Giáng Sinh, ở bên ta cũng như bên tây!
Ngay nay, người ta dựng hang đá mừng lễ, không phải chỉ trong thánh đường hay tại các tư gia. Nhưng còn được bày dựng trong cả các cửa tiệm hoặc để hấp dẫn những người qua lại, đến xem và mua hàng, và hang đá, máng cỏ đã bị thương mại hóa mất rồi!
Ngày nay, ở những nước văn minh tiêu thụ, mùa mừng Lễ Chúa Giáng Sinh là dịp rất thuận tiện bán được nhiều hàng hóa, thiệp mừng, qùa tặng và qua đó thúc đẩy mãi lực của nền kinh tế quốc gia phát triển tích cực. Đó cũng là Tin Mừng cho nhân gian. Nhưng mừng kỷ niệm Chúa sinh ra làm Người đâu chỉ dừng lại ở điểm đó.
Chúa sinh ra làm người, đem ơn lành từ trời cao: Sứ điệp tình yêu của Chúa được gởi đến cho hết thảy mọi người, điều này những ai có đức tin, thì sẽ cảm nhận được một cách dễ dàng.
Đọc lại Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta nhận ra Đức Mẹ Maria hạ sinh Hài nhi Giêsu giữa cánh đồng Bethlehem trong chuồng thú vật ngoài cánh đồng và nôi nằm của Hài Nhi là một máng đựng thức ăn cho súc vật. Có những chuồng thú vật thời đó trên cánh đồng Bethlehem được xây dựng trong một hang của gò núi đá hay được làm bằng gạch đá.
Hang đá cùng chiếc máng Hài nhi Giêsu đêm giáng sinh nằm như thế nào, không ai biết rõ. Dựa theo Tin Mừng và theo dòng lịch sử, người ta đã làm ra nhiều kiểu về hang đá cùng máng cỏ Chúa Giáng Sinh.
Theo tập tục bên Đông phương: Máng cỏ, nôi Chúa Giêsu nằm lúc mới được sinh ra, được làm bằng đá có hình thể trông giống như một quan tài. Và Hài Nhi Giêsu được quấn khăn tã đặt nằm trong đó như xác một người qua đời. Hình ảnh này muốn diễn tả Hài Nhi Giêsu sinh ra trong hang đá và lúc qua đời cũng được mai táng trong mồ đá. Trong hang đá sự sống đã khởi đầu, khi Hài Nhi Giêsu sinh ra làm Người và cũng trong mồ đá Ngài đã sống lại, khởi đầu một đời sống mới.
Nghệ thuật cùng tập tục bên Tây phương, xây dựng hang đá, máng cỏ như một bàn thờ. Hình ảnh này muốn diễn tả Lễ Tế Tạ ơn, Bí tích Thánh Thể. Bethlehem có nghĩa là “nhà làm bánh mì”. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể là tưởng nhớ lại sự sinh ra làm Người của Chúa khi xưa trong hang đá ngoài cánh đồng Bethlehem. Và trong mỗi thánh lễ chúng ta cùng tiếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể từ trời cao, ngày xưa đã sinh xuống trên đồng Bethlehem, là lương thực cho Niềm Tin và hy vọng vào Thiên Chúa.
Hang đá máng cỏ vì thế không nhất thiết phải bằng đá thiên nhiên, nhưng đa số làm bằng gỗ. Trong đó Chúa Giêsu được đặt nằm trên rơm cỏ, có đàn súc vật bò lừa ngồi nằm thở hơi ấm chung quanh. Hình ảnh này nói lên sự khó nghèo, khiêm hạ của Đấng Toàn Năng.
Lòng đạo đức kính thờ Thiên Chúa sinh ra làm Người, đã thúc đẩy người ta vẽ kiểu làm ra hang đá và máng cỏ. Việc này không có gì xấu cả, trái lại là một việc tốt lành và nâng đỡ rất nhiều cho đức tin của những người bình dân, chân thành.
Tuy nhiên, hang đá máng cỏ Chúa Giáng Sinh dù xây dựng bằng vật liệu gì và làm theo kiểu cách nào hay trang trí thế nào đi nữa, đều muốn gợi lại đấy chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và cũng phần nào nói lên tâm tình yêu mến của con người đối với Thiên Chúa tình yêu
 Lm. Paul Vũ Xuân Quế, OFM

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Uống cà phê, đàm luận và xưng tội nhân dịp Giáng sinh



 

Tại hạt Colerain, Ohio, một vài ngày đầu mùa mua sắm Giáng sinh tại khu mua sắm Northgate, linh mục Dan Anderson đứng ở trước cửa tiệm nằm giữa Sci-Fi City và studio Loveable You Portrait.


Một cặp vợ chồng cao tuổi đi ngang qua và chầm chậm chăm chú nhìn ngài. Cha Anderson, 66 tuổi, mặc áo dòng màu nâu của đan sĩ dòng Phanxicô, giản dị và người ta chỉ nhận ra ngài là Dan qua cái bảng tên gắn trên áo. Trong cửa hiệu bán giày trước đây ngài đặt các đồ trang trí Giáng sinh, một bình cà phê đầy ấp và tượng vị sáng lập dòng Thánh Phanxicô thành Assisi to bằng người thật. Trên bàn có đặt một chậu thủy tinh để đựng lời xin cầu nguyện.

Đôi vợ chồng già hỏi cha Anderson là họ có thể xưng tội được không, và ngài dẫn họ đến một góc yên tĩnh. Họ nói và ngài lắng nghe. Sau khoảng 15 phút, họ lấy can đảm hỏi về đan sĩ và vũ trụ: Một người thân của họ đã tự tử, vậy người đó có được lên thiên đàng không?

Mặc dù cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên, nhưng đó cũng chính là lý do mà cha Anderson và khoảng 25 đan sĩ ở gần đó trong vùng Cincinnati mở quán tại khu mua sắm Northgate. Họ mở cửa vào ngày thứ Sáu Đen, nhưng đã được họ đổi thành ngày thứ Sáu Nâu có ý ám chỉ đồ họ mặc, và họ sẽ mở quán cho đến chiều lễ Giáng sinh.

“Nó xuất phát từ nền tảng thần học của Thánh Phanxicô”, cha Anderson nói. “Đối với ngài, điều kỳ diệu nhất đó là Chúa yêu thương chúng ta nên đã đến ở với chúng ta. Và Ngài đến với chúng ta cách giản dị và ngây thơ của một đứa trẻ”, ngài ám chỉ Thánh Phanxicô.

Linh mục Jeffrey J. Scheeler, 61 tuổi, bề trên tỉnh dòng Phanxicô thuộc vùng trung tâm phía Bắc Hoa Kỳ, lấy cảm hứng trong Kinh Thánh từ sách Gioan câu 14 chương 1. Trong khi cụm từ chính trong câu Kinh Thánh này thường được dịch là “Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta”, cha Scheeler nói ngài thích dịch là “Ngài đã dựng lều ở giữa chúng ta”.

Nguồn: NY Times

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG A


(Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)
Chủ đề: EMMANUEL- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
“Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Thiên Chúa hứa đến và ở với con người hầu kế hoạch yêu thương của Ngài được thực hiện. Lời hứa ấy đã được thực hiện từ xa xưa, nay ứng nghiệm qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel. Chúng ta được mời gọi đón nhận Đức Giêsu vào trong cuộc đời của mình để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

1. Bài đọc I (Is 7,10-14)
Vương quốc Giuđa đang ở trong tình thế khó khăn trước sự đe dọa xâm chiếm của liên minh hai nước Aram và Israel. Acaz, vua Giuđa, muốn chạy sang cầu cứu với Assur. Ngôn sứ Isaia yêu cầu vua xin một dấu chỉ từ Thiên Chúa: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”. Nhưng Acaz đã từ chối lời đề nghị của Thiên Chúa, bởi vì, Acaz đã tin tưởng vào Assur. Acaz đã dối lòng khi thưa với ngôn sứ: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Quả thực, Acaz đã chạy theo Assur để tìm kiếm sự ổn định chính trị. Đứng trước sự chối từ của Acaz, Thiên Chúa vẫn không từ bỏ kế hoạch của Ngài. Ngài vẫn yêu thương dân mình và ban một dấu chỉ để minh chứng Ngài ở với họ: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”. Thiên Chúa vẫn luôn can thiệp vào trong lịch sử vì phần rỗi con người. Ngài đi bước trước dù con người có chối từ kế hoạch của Ngài.
2. Bài đọc II (Rm 1,1-7)
Phaolô khẳng định với các tín hữu Rôma rằng ngài được Thiên Chúa kêu gọi để trở nên Tông Đồ rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: “Tôi, Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô; tôi được gọi là Tông Đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa”. Tin Mừng mà Phaolô loan báo chính là Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Người là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban qua miệng các ngôn sứ. Người mang lấy và chia sẻ thân phận con người. Người là sự hiện hữu cụ thể của Thiên Chúa giữa con người; Người quả thật là “Emmanuel”. Người yêu thương con người cho đến cùng, bằng chính cái chết và phục sinh hầu đem ơn cứu độ cho nhân loại. Phaolô cảm nghiệm điều này và mời gọi các tín hữu hãy sống kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô, vì trong Người chúng ta tìm được nguồn bình an và hiệp nhất với Thiên Chúa.
3. Tin Mừng (Mt 1,18-24)
Tin Mừng Matthêu tường thuật cho chúng ta việc truyền tin cho thánh Giuse và qua đó tác giả Matthêu cho thấy lời hứa của Thiên Chúa nay được hiện thực hóa. Giuse đã thành hôn với Maria. Tuy nhiên, trước khi hai người về chung sống với nhau, Maria thụ thai bởi quyền năng của Thiên Chúa. Giuse là một người công chính. Ông không muốn hạ nhục Maria cách công khai, nên đã tìm cách lìa bỏ Maria. Có lẽ Giuse đã phải đau khổ, chiến đấu với những nỗi day dứt nội tâm trước sự việc của Maria. Cả Giuse và Maria đều có kế hoạch riêng cho mình, họ muốn xây dựng một tổ ấm gia đình như bao bạn trẻ cùng trang lứa. Thế nhưng, Thiên Chúa muốn họ cộng tác vào kế hoạch lớn lao của Ngài. Thiên Chúa đã mặc khải kế hoạch này qua giấc mộng cho Giuse: “Này Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Những điều này là lời ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia rằng Thiên Chúa yêu thương con người và muốn ở với họ. Giuse đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa và mau mắn cộng tác: “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.

II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và đi bước trước để thực thi kế hoạch cứu độ, dù con người có khước từ. Tôi có nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa, cách riêng qua đời sống của tôi? Tôi có có đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel?
2. “Tôi, Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô; tôi được gọi là Tông Đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa”. Tôi có biết rằng tôi cũng được mời gọi trở nên vị tông đồ loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho những người khác? Tôi có là người tôi tớ trung thành của Đức Giêsu?
3. “Này Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Giuse mau mắn đón nhận thánh ý Thiên Chúa khi được Ngài mặc khải. Tôi có can đảm và mong mắn cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa qua việc Ngài mời gọi tôi sống và thực thi sứ điệp của Ngài trong cuộc sống mình? Thái độ sống của tôi đáp trả thế nào trước những dấu chỉ, biến cố yêu thương mà Thiên Chúa trao ban cho tôi trong từng ngày sống?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã đến và ở với con người để thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel. Tin tưởng vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết sẵn sàng đón nhận ơn Chúa:
1. “Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh biết mở lòng đón nhận ơn Chúa và cộng tác với Chúa Thánh Thần, tích cực đem Tin mừng cứu độ cho con người trong thế giới hôm nay.
2. “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những dân tộc chưa nhận biết Thiên Chúa, được nghe loan báo Tin mừng nước trời và khám phá nguồn hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa.
3.“Chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang lầm đường lạc lối, biết ý thức tình trạng tội lỗi của bản thân, nhận ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa, và thành tâm quay về với Người để sống trong ân sủng và bình an.
4.“Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày, qua việc tận tâm chu toàn mọi bổn phận mà Chúa trao phó.
Chủ tế:Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã yêu thương và ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết dấn thân cộng tác vào công trình yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG A



HÃY LÀM SÁNG DANH CHÚA
Thời gian qua, sự việc anh Hồ Kim Hậu Tài xế bị người dân Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai "hôi bia"  khiến dư luận bức xúc. Sự việc này sau đó đã được lên bản tin thời sự của nước Nga khiến nhiều cộng đồng người Việt trong nước cũng như nước ngoài cảm thấy xấu hổ vì hành động của một số người trong vụ hôi bia.
Mới đây, trong đề thi học kỳ môn văn của Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) câu chuyện này một lần nữa được nhắc lại.
Vào trưa 4/12, tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp (thuộc KP.1, P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), xe tải chở một lượng bia khá lớn 1.500 thùng và két bia của anh Hậu thuộc Công ty Trang Tuấn gặp nạn, đổ ập xuống đường. Hàng trăm người dân nhanh tay tới hôi của mặc cho anh Hậu tài xế van xin, can ngăn. Sau đó có thông tin anh Hậu có thể phải đền bù 310 triệu đồng trong khi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Đặc biệt với hình ảnh anh khắc khổ ngồi ăn mỳ tôm trong căn nhà nhỏ khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Độc giả Xuân Hùng viết: "Đổ môṭ xe bia trôi hết bao nhiêu liêm sỉ." Tờ Tuổi Trẻ nói đây là những hình ảnh "hết sức xấu xí" của người dân "vô cảm" trong khi có báo dùng từ "dân man rợ" để chỉ những người hôi của. Đông đảo độc giả đã lên án hành động hôi của của người dân.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền trong bài chia sẻ TIN MỪNG CN4MV đã viết lại một cuộc đối thoại về chuyện hôi của này mà tôi rất tâm đắc:
Có một em bé về kể với mẹ: Mẹ ơi, hôm nay khi một chiếc xe chở bia bị lật, con thấy nhiều người ra hôi bia về uống.
Mẹ nói: Vì họ là người tham lam. Họ phạm tội ăn cắp một cách công khai đáng bị lên án.
Đứa bé: Nhưng con thấy có cả chú tư, cô ba gần nhà mình cũng vui vẻ bưng một thùng bia về nhà.
Mẹ: Vì chú tư, cô bà đã bán sĩ diện mình bằng vài lon bia.
Đứa bé: Con thấy không một ai nhặt giúp bia cho người bị nạn mà ai cũng tranh thủ chộp một vài lon hay vài thùng rồi lên xe chạy hết.
Mẹ: Vì họ sống theo bản năng đói thì ăn, khát thì uống mà không còn xét về luân lý được ăn hay không?
Đứa bé: Vậy nếu xã hội mà con người chỉ biết sống theo bản năng thì xã hội sẽ ra sao?
Mẹ: Thì xã hội sẽ chẳng còn luật lệ, người ta sẽ mạnh ai người ấy sống, hay “cá lớn nuốt cá bé”. Xã hội sẽ loạn lạc, chẳng còn ai tin vào ai.
Đứa bé: Vậy sống trong một xã hội mà con người không còn thân thiện, giúp đỡ nhau thì mình phải làm sao?
Mẹ: Mình phải là một ánh sáng cho thế gian bớt u tối bằng việc làm tốt, không hùa theo đám đông làm chuyện xấu. Dù chỉ là ánh sáng lẻ loi nhưng vẫn phá tan những đêm tối của lòng người. Nhất là mình là người Công giáo phải sống chứng nhân cho Chúa qua dấu chỉ yêu thương để người ta nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa, và đừng bao giờ vì một vài lon bia mà làm ô danh đạo thánh của chúng ta.
Cách đây hơn hai ngàn năm giữa một khung trời đầy những bóng tối của tội lỗi, của sự ích kỷ lòng người Ngôi Hai Thiên Chúa đã ngự xuống trần gian. Ngài là Emanuel ở cùng chúng ta. Ngài đến để thắp sáng trên trần gian ánh sáng của tình bác ái, của sự hiệp thông. Ngài là ánh sáng cho trần gian. Ngài soi chiếu ánh sáng chân lý để đầy lùi bóng tối gian tà. Ngài thắp sáng ánh sáng tình yêu để xua tan bóng đêm của ích kỷ, lạnh lùng. Ngài đi vào trần đời để ném ngọn lửa yêu thương, lửa bác ái, lửa tin yêu cho trần gian.
Thế nhưng, vẫn có những con người khước từ ánh sáng. Họ thích sống trong tăm tối. Họ thích sống theo bản năng, nuông chiều tính xác thịt. Họ ngồi trong u tối nhưng không muốn ra ánh sáng. Vì theo ánh sáng phải bỏ bóng tối. Bóng tối của ích kỷ, của dửng dưng, của gian tà. Nhưng tiếc thay, con người lại thích sống theo bản năng nên họ khước từ ánh sáng.
Ngày nay cũng có nhiều người không muốn theo một đạo nào. Không phải là họ không tin mà điều quan yếu là họ sợ phải sống đạo, phải giữ đạo. Họ thà không theo đạo để sống theo bản năng của mình. Thế nhưng, bản năng thường ích kỷ, thường lầm lỗi và hẹp hòi nên vẫn còn đó những việc làm thiếu tình liên đới, hiệp thông yêu thương trong tình người.
Ngày nay Thiên Chúa vẫn đang cần chúng ta hãy trở thành ánh sáng cho trần gian. Hãy chiếu sáng cho thế gian ánh sáng của yêu thương, của tình liên đới và hiệp thông. Hãy dẫn dắt con người đến cùng ánh sáng đích thực là chính Chúa Giê-su là nguồn mạch ánh sáng.
Thánh Giu-se và Đức Maria năm xưa đã cộng tác với Chúa để mang ánh sáng vào trần gian. Mẹ đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để đón nhận hài nhi ngự trong cung lòng Mẹ.
Thánh Giuse đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để trở thành cha nuôi của Chúa Giê-su. Cả hai cùng thưa xin vâng như lời dâng hiến cuộc đời để trở thành khí cụ của Chúa mang ánh sáng vào trần gian. Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể cư ngụ giữa chúng ta là nhờ tấm lòng hy sinh của hai thánh nhân. Chính các ngài đã từ bỏ ý riêng, từ bỏ nếp sống của mình để hành xử theo ý Thiên Chúa.
Nếu cuộc đời mà ai cũng biết từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa thì cuộc đời tốt đẹp biết bao. Nếu dòng đời ai cũng biết chế ngự bản thân để sống cho tha nhân thì dòng đời sẽ không còn vẫn đục bởi tính xấu hôi của, bởi dửng dưng, vô cảm trước khốn khó của đồng loại mà ai cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Nhiều gương sáng vẫn còn đây đó: Nhiều nhà hảo tâm đã gửi tiền giúp đỡ cho anh tài xế gặp tai nạn đó. Dù sau đó anh được công ty tha khỏi phải bồi thường thiệt hại 310 triệu trong vụ hôi bia nhưng nhiều người thương hoàn cảnh gia đình khó khăn của anh Hậu đã gọi điện, xin số tài khoản để tiếp tục chuyển tiền giúp đỡ anh có vốn làm ăn. Chính anh Hậu đã quyết tâm hoàn trả lại tất cả số tiền các nhà hảo tâm hổ trợ cho anh lên đến 228 triệu khi họ xin lại.
Câu chuyện những người dân ở Biên Hòa lao vào giành giật từng lon bia của chiếc xe tải bị lật em cập nhật liên tục từ hôm đó đến nay. Đó là hình ảnh xấu xí mà không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận được. Nhưng trong những sự xấu xí đó, em thấy cũng có rất nhiều người thật sự tốt trong xã hội này. Ngay từ khi bác tài bị lâm nạn, biết hoàn cảnh của anh nên nhiều người dù chưa một lần biết mặt đã tìm cách giúp đỡ. Họ giúp đỡ bác tài như chính mình đã tham gia vào việc “hôi bia” vậy, đó là sự tự trọng cao đẹp của người Việt chúng ta. Còn về bác tài xế, ngay cả khi gặp hoạn nạn, gia đình còn nhiều khó khăn như thế nhưng sau khi biết mình không phải bồi thường, bác đã tự nguyện hoàn lại số tiền mà các nhà hảo tâm đã giúp đỡ. Đây là hình ảnh sáng hiếm hoi trong câu chuyện xấu xí này.
(Học sinh Đỗ Gia Hân - lớp 11C1 Trường THPT chuyên Hùng Vương)
Mùa Noel nữa lại đến như mời gọi chúng ta hãy là ánh sáng cho trần gian. Xin đừng vì những quyến luyến trần tục, những tham lam bất chính mà bản rẻ lương tâm, nhân phẩm của mình. Nhưng mỗi người hãy là những vì sao sáng trên bầu trời loan báo tin vui Chúa giáng sinh cho nhân trần. Xin Đấng Emaul mãi ở lại trong tâm hồn chúng ta ban niềm vui và hạnh phúc để chúng ta cũng ra đi xây dựng tình yêu và hạnh phúc cho nhân trần. Amen