2Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16; Rm 16, 25-27;Lc 1, 26-38
SẴN SÀNG CHÀO ĐÓN CHÚA
“Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa […].
Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”
(Lc 1, 35.37)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: 2Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16
Vua Đavíd được kể là người tôi tớ của Thiên Chúa (x. c5). Không thể nào có cảnh tôi tớ được ở trong nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện với Dân Người, lại ở trong lều vải. Sự khác biệt giữa lều vải và nhà bằng gỗ bá hương là rất lớn. Vua Đavíd đã nghiệm thấy điều ấy, và vua không thể để tình trạng này tiếp diễn, khi Thiên Chúa đã cho vua được yên cửa yên nhà, và thảnh thơi tư bề (x. c1). Cần phải có một ngôi nhà (Đền Thờ) thật xứng đáng cho Chúa ngự. Nếu tôi tớ được ở trong nhà bằng gỗ bá hương, thì Thiên Chúa lại càng phải được ngự ở nơi cao sang hơn nữa.
Ngôn sứ Natan đã ủng hộ ý định của vua Đavid (x. c3). Nhưng Thiên Chúa, sau khi đọc được ý định tốt đẹp của vua Đavid, lại có kế hoạch khác. Qua ngôn sứ Natan, Thiên Chúa cho vua Đavid biết thánh ý của Người: không phải vua Đavid sẽ mang lại vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa, khi vua định xây một Đền Thờ xứng đáng làm nơi Người ngự; nhưng chính Thiên Chúa sẽ mang lại vinh quang cho dòng dõi vua khi Người hứa lập “một nhà” cho vua Đavid (x. c11). Làm như vậy, Thiên Chúa thể hiện quyền năng tuyệt đối của mình. Trong câu chuyện này, Thiên Chúa sẽ là người đi bước trước. Có gì Người muốn mà Người lại chẳng thực hiện được.
Ôn cố tri tân! Thiên Chúa khiến nhà vua nhớ đến những điều lạ thường Người đã làm cho vua và cho dân Israel. Quả thật, từ một kẻ chăn chiên, Đavid trở thành thủ lãnh dân Israel. Có Thiên Chúa ở bên, vua Đavid thắng mọi quân thù. Vua được kể vào số những bậc vĩ nhân. Qua vương triều Đavid, dân Israel được sống trong cảnh thanh bình (x. cc8-10). Ôn lại những điều lạ lùng ấy, Đavid như được tiếp thêm sức để đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa, vốn được kể là một Giao Ước Thiên Chúa ký kết với nhà Đavid: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (c16).
Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với nhà Đavid hàm chứa nhân tố vượt quá phạm vi không gian và thời gian. Những cụm từ như “tồn tại mãi mãi” và “vững bền mãi mãi” thực sự hướng lòng người nghe đến với Đấng Emmanuel, mang tước hiệu “Con Vua Đavid” sau này trong Tân Ước, Đấng sẽ thiết lập vương quyền trường cửu của Người trên muôn dân nước, vì Người là Con Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2: Rm 16, 25-27
Đây là bài Vinh Tụng Ca được thánh Phaolô dùng để kết thúc bức thư ngài gửi cho tín hữu Rôma. Qua ba câu cuối cùng này của bức thư, thánh Phaolô trào dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa quyền năng (x. c25), vì Người là Đấng khôn ngoan thượng trí (x. c27).
Thiên Chúa là Đấng quyền năng vì Người đã làm cho các tín hữu Rôma được vững mạnh bước theo Tin Mừng mà thánh Phaolô loan báo, khi ngài rao giảng về Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí, vì qua các ngôn sứ, nhất là qua Con yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã mặc khải cho muôn dân biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Người. Mục đích để họ tin mà vâng phục Người (x. c26).
Qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta được hiệp phần kính dâng Thiên Chúa mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời (x. c27).
3. Bài Tin Mừng: Lc 1, 26-38
Có thể nhìn biến cố Truyền Tin dưới nhiều góc độ khác nhau. Khi trình thuật Truyền Tin đi liền với bài đọc một và bài đọc hai như được trình bày trên đây, một yếu tố quan trọng nổi lên tạo nên điểm nhấn của đoạn Tin Mừng. Có thể nói bài Tin Mừng muốn làm nổi bật chủ đề này: Nơi hài nhi Giêsu được hứa ban, Thiên Chúa thể hiện quyền năng yêu thương của Người cho nhân loại.
Một trẻ nam được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra. Người được đặt tên là Giêsu. Trong tương quan với Thiên Chúa, Người “sẽ nên cao trọng” (c32), là “Đấng Thánh” (c35), và được gọi là Con Đấng Tối Cao” (c32), là “Con Thiên Chúa” (c35).
Trong tương quan với dân tộc Israel, Người sẽ thừa hưởng và hiện thực hóa Giao Ước Thiên Chúa ký kết với nhà Đavid: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (cc32-33).
Vương triều của Đấng Thánh, Con Thiên Chúa, sẽ vượt quá phạm vi không gian và thời gian, để đạt đến tầm mức “đến muôn đời” và “vô cùng vô tận”. Như thế, trước hết triều đại của Người không chỉ giới hạn vào dân tộc Israel mà vươn sang mọi dân mọi nước, đụng chạm đến mọi người thuộc mọi thế hệ, mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa và tôn giáo. Thật vậy, khi Người bước vào đời sống công khai sau này, ai ai cũng được mời gọi thuộc về Vương Quốc của Người.
Thêm nữa, Vương quyền của Đấng Thánh, Con Thiên Chúa, như được sứ thần Thiên Chúa hứa với Đức Trinh Nữ Maria, sẽ vươn xa khỏi phạm vi “đời này” để đạt đến cảnh giới “trường tồn”. Người sẽ là Vua muôn đời muôn thuở.
Tất cả những điều kỳ điệu và mầu nhiệm này chỉ có thể thực hiện được nhờ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, là Đấng “không có gì là không thể làm được” (c37). Nhờ quyền năng tuyệt đối ấy, mà “một hài nhi” được ban tặng cho nhân loại để trở nên Đấng Cứu Độ muôn người. Xin kính dâng Thiên Chúa mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen. (x. Rm 16,27).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Vua Đavid đã tỏ tấm lòng thảo hiếu và tôn kính đối với Thiên Chúa, khi ngài bày tỏ ý định xây dựng Đền Thờ xứng hợp cho Thiên Chúa ngự trị. Còn tôi, trong Mùa Vọng này, tôi có một kế hoạch hay dự án gì để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa trước biến cố Con Thiên Chúa giáng trần vì tôi?
2. Thiên Chúa không “chịu thua” lòng quảng đại của vua Đavid. Người đi bước trước: chính Người sẽ xây cho vua Đavid “một nhà”. Có bao giờ trong cuộc đời tôi, tôi cũng nghiệm thấy được điều này: Thiên Chúa quảng đại với tôi gấp nhiều lần so với những gì tốt đẹp tôi đã làm cho Người?
3. Lòng tràn ngập niềm yêu mến, thánh Phaolô đã dâng lên Thiên Chúa quyền năng lời tán tạ tri ân vì Người đã làm các tín hữu tại Rôma được vững tin vào Tin Mừng. Như thánh Phaolô, tôi thấy mình cần ca tụng Thiên Chúa vì những điều gì trong Mùa Vọng này?
4. Đấng Thánh mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại là Con Đấng Tối Cao, là Con Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập triều đại yêu thương vĩnh cửu của Người cho nhân loại. Chuẩn bị mừng kính biến cố Con Thiên Chúa giáng trần, tôi thấy mình được kêu gọi dấn thân thế nào cho Vương Quốc của Người? Tôi đã, đang, và sẽ làm gì cho Vị Vua cao cả này trong đời sống thường ngày của tôi?
5. “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Tôi có kinh nghiệm nào về điểm này trong cuộc đời tôi, hay nơi cuộc đời những người thân quen? Điều này gợi lên tôi tâm tình gì?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay, Hội Thánh làm nổi bật hình ảnh Đức Maria như là gương mẫu cho tất cả những ai đang khao khát đón nhận Đấng Cứu Thế. Trong tâm tình cảm tạ và với quyết tâm sống theo gương Mẹ, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn ý thức và tích cực dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người thời đại hôm nay.
2. Triều đại của Đấng Thánh sắp đến sẽ bền vững trường tồn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới biết qui phục vương quyền của Thiên Chúa cùng nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình và chan chứa tình yêu thương huynh đệ.
3. Thiên thần nói với Đức Maria: “không có việc gì mà Chúa không làm được.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang gặp thử thách trong đức tin được thêm niềm hy vọng để luôn tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa.
4. Đức Maria thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết đón nhận và quảng đại cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa theo gương Mẹ Maria.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương nhậm lời chúng cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria sẵn sàng đón nhận và cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.