Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Linh đạo là gì?



Ban Từ Vựng Công Giáo (BTV) trong Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã định nghĩa “Linh đạo là hướng dẫn về mặt thiêng liêng” (x. Từ Điển Công Giáo 500 mục từ. NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2011, tr. 204-205; Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1947, tuần lễ từ 7/3 đến 13/3/2014, tr. 4). Chúng tôi thiển nghĩ: hình như câu định nghĩa này phù hợp hơn cho mục từ “linh hướng” đã khá quen thuộc với quần chúng công giáo Việt Nam. Tiếc rằng BTV không giải thích tại sao chọn cách hiểu chữ “đạo” trong “linh đạo” theo nghĩa một động từ (đạo là hướng dẫn, như lãnh đạo, chỉ đạo…), thay vì danh từ (đạo là con đường). Sau đây, xin được góp vài ý kiến với BTV:


Hướng dẫn về mặt thiêng liêng là một việc làm mang tính “chủ quan”, theo nghĩa tích cực là hành động của một chủ thể chỉ vẽ cho một hoặc nhiều chủ thể khác biết cách sống đời sống thiêng liêng cho tốt, nghĩa là đi đúng con đường thiêng liêng, “đưa con người đến sự thánh thiện, đến với Thiên Chúa, qua Đức Kitô, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần” (chúng tôi mạn phép gạch dưới những chữ đặc biệt quan trọng). BTV viết tiếp: ”Trong lịch sử Giáo Hội, mỗi thời đều xuất hiện những người … được Chúa Thánh Thần thúc đẩy trình bày những cách sống dựa trên căn bản của Phúc Âm, những đường lối sống đạo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để giúp con người nên thánh”. Những chữ viết nghiêng này là những kiểu diễn tả rất xác đáng của BTV. Tuy nhiên Ban này không phân biệt hành động chủ quan trong hiện tại của một vị “linh hướng” (tức người hướng dẫn kẻ khác về mặt thiêng liêng) và “những cách sống dựa trên căn bản của Phúc Âm”, “những đường lối sống đạo”, là những thực tế hiện hữu một cách khách quan bên ngoài vị linh hướng và thường có trước cả vị linh hướng. Nói cho cùng, “những cách sống dựa trên căn bản của Phúc Âm” là gì, nếu không phải là chính giáo huấn, hành động và gương sáng của Chúa Giêsu-Kitô được ghi lại trong Phúc Âm (x. Cv 1, 1)? Ngài không chỉ là vị “Linh Hướng”, vị Thầy có uy tín nhất, nhưng Ngài còn là “con đường” khách quan và chắc chắn nhất dẫn ta đến với Thiên Chúa Cha (x. Ga 14, 6) dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Sách Tân Ước cho thấy rằng mọi hành động của Chúa Giêsu trong khi thi hành thừa tác vụ công khai đều diễn ra dưới tác động của Thần Khí (x. ĐGH Phaolô VI, Constitutio Apostolica de Sacramento Confirmationis ngày 15-08-1971, trong Ordo Confirmationis, Editio typica 1973, tr. 8). Vậy thì các môn đệ, hay các Kitô hữu, khi “sống nhờ Thần Khí, cũng phải nhờ Thần Khí mà tiến bước ( Gl 5, 25), nghĩa là “tiến bước theo dấu chân Chúa Kitô” (1 Pr 2, 21), đến với Chúa Cha (x. Ga 14, 6) để đón nhận thánh ý Người mà thi hành và hưởng tình thương, ơn cứu độ và sự sống vĩnh hằng của Người, và đến với mọi người để phục vụ họ theo gương Chúa Kitô (x. Mt 20, 28). Khi một vị linh hướng cụ thể nào đó hướng dẫn kẻ khác về mặt thiêng liêng, vị ấy phải giới thiệu cho người thụ giáo chính Chúa Giêsu-Kitô, Đấng vừa là vị Linh Hướng hoàn hảo, vừa là Con Đường Thiêng Liêng khách quan hoàn hảo đó. Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là “con đường” (tiếng Hy-lạp là “hè hodos”, La-tinh: “via”), chắc hẳn Ngài không hiểu “con đường” theo nghĩa đen như đường đất, đường đá, đường nhựa…, nhưng theo nghĩa bóng là một định hướng cho cuộc sống, một phương pháp hành động để đạt được mục đích cao quý của cuộc đời (nên biết: “phương pháp” là bản dịch của “méthode” gồm hai cấu tố từ nguyên “meta, với” + “hodos, con đường”= cách làm với đường lối, có đường lối), hoặcmột sự nối kết khởi điểm với đích điểm, một sự trung gian tạo sự gặp gỡ và hiệp thông…; Thánh Luca cũng dùng danh từ “con đường” (hè hodos, via) theo nghĩa bóng đó để chỉ Giáo Hội sơ khai, gồm những môn đệ đang đi theo Con Đường-Giêsu và đang bị Sao-lô bắt bớ (x. Cv 9, 2). Các bản dịch tiếng Việt đã dịch rất đúng từ ngữ Hy-lạp ấy thành “đạo”, là danh từ Hán-Việt chỉ con đường. Như vậy, Giáo Hội cũng là một “con đường”, và “Con-Đường-Giáo-Hội” dẫn vào “Con-Đường-Giêsu”, nối dài “Con-Đường-Giêsu”. Hai Con Đường này tuy hai mà một, bởi lẽ Giêsu đã tự đồng hóa mình với Giáo Hội đang bị Sao-lô bách hại (x. Cv 9, 4-5). Tóm lại, các dữ liệu của Tân Ước cho thấy: Giêsu-và-Giáo-Hội là con đường thiêng liêng cơ bản, là “linh đạo” chung của mọi Kitô hữu. Và từ ngữ “con đường” chỉ là một biểu tượng, một hình ảnh diễn tả đời sống, gồm giáo huấn,  hoạt động và gương sáng của Chúa Kitô được nối dài sang đời sống và truyền thống của Hội Thánh như là định hướng và mẫu mực cho đời sống người Kitô hữu.  Chúa Kitô cá thể là Đầu và Hội Thánh là Thân Mình (x. Cl 1, 18; Ep 1, 22-23): Đầu và Thân Mình ấy làm thành Đức-Kitô-Toàn-Thể (Christus Totus theo cách gọi của Thánh Augustinô). Linh đạo cơ bản này có thể được gọi là “linh đạo Phúc Âm”, “linh đạo Kitô giáo”, linh đạo mẫu mực mà mỗi vị Thánh, mỗi Dòng tu hay mỗi trường phái tu đức trong lịch sử Giáo Hội đón nhận làm nển tảng và điểm xuất phát để hình thành ra những con đường thiêng liêng hoặc linh đạo riêng, bằng cách làm nổi bật đặc biệt một vài nét nào đó trong linh đạo chung, tùy theo sự linh hứng của Chúa Thánh Linh. Chữ “linh” trong mục từ “linh đạo” cho thấy rằng mọi “linh đạo”, dù là linh đạo Phúc Âm chung, hay bất cứ linh đạo riêng nào, đều có liên hệ tất yếu với Chúa Thánh Linh, Đấng đã thúc đẩy Chúa Kitô hành động trong vai trò Thiên Sai Cứu Thế, Đấng là linh hồn của Hội Thánh, linh hoạt mỗi chi thể và toàn bộ Thân Mình Chúa Kitô trong hành trinh bước theo dấu chân Vị Thủ Lãnh, và là Đấng hướng dẫn mỗi vị Thánh hay mỗi Dòng tu chọn những điểm nhấn cho linh đạo riêng của mình.
Điều vừa nói chứng tỏ rằng vai trò của Chúa Thánh Linh mang tính quyết định trong “linh đạo Kitô giáo”. Nhìn dưới góc độ ngữ học, có lẽ chữ “linh” còn quan trọng hơn chữ “đạo”, vì chữ “linh” có nghĩa chỉ “tâm linh” hay “tinh thần”, là từ ngữ tương ứng với các mục từ ngoại văn La-tinh, Anh, Pháp: “spiritualitas, spirituality, spiritualité” do BTV đưa ra. Chúng tôi ưu tiên tập trung vào mục từ La-tinh “spiritualitas” thuộc ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Danh từ La ngữ này là nguồn gốc của hai mục từ Anh, Pháp vừa nêu, và của các mục từ tương đương trong nhiều ngôn ngữ khác nữa của châu Âu. “Spiritualitas” là một danh từ trừu tượng, phái sinh từ danh từ cụ thể “spiritus” (tương đương với danh từ Híp-ri “rouah” và danh từ Hy-lạp “to pneuma”), với nghĩa cấp một, tức nghĩa đen, vừa cụ thể vừa mang tính vật chất, là “hơi thở, luồng khí, luồng gió”, rồi được dùng theo nghĩa bóng hoặc nghĩa biểu tượng, ở cấp hai, cao hơn, mang tính siêu vật chất, là “tinh thần” hoặc “tâm linh”. Danh từ trừu tượng “spiritualitas” được dùng để chỉ tất cả những gì mang tính chất tinh thần, tức thuộc phạm vi đời sống tâm linh của con người: đó là các sinh hoạt của những cái gọi là “năng khiếu tâm linh” (les facultés spirituelles, les puissances de l’âme), như: cảm giác, cảm xúc, ký ức, trí tưởng tượng, trí hiểu hoặc lý trí, ý chí, tình yêu vị tha, lương tâm…, và thành quả của các sinh hoạt ấy. Khi đề cập “đời sống tâm linh hoặc đời sống tinh thần”, người ta thường nghĩ ngay tới đời sống tinh thần của con người, tức đời sống tâm linh nhân bản. Những người không có một niềm tin tôn giáo hữu thần vẫn có thể có một đời sống tâm linh phong phú mang tính chất thuần túy nhân bản đáng trân trọng. Nhìn chung, đời sống tâm linh nhân bản đó hướng về (nghĩa là tìm kiếm, phát huy và thưởng thức) các giá trị thuộc ba lãnh vực: chân, thiện, mỹ. Văn chương Thánh Kinh, đặc biệt Thánh Kinh Tân Ước, cho chúng ta biết rằng: đời sống tâm linh của người Kitô hữu không chỉ bao gồm những sinh hoạt của tinh thần nhân bản như vừa nêu, mà còn có thêm những hoạt động của Tinh Thần Thiên Chúa, được sách Tân Ước gọi là “Thần Khí Thánh Thiện” (Pneuma haghion: Lc 1, 35; Cv 10, 38; “to haghion Pneuma: Mt 28, 19)  hoặc “Chúa Thánh Thần (Spiritus Sanctus)”, và thích hợp nhất với đề tài đang bàn là tên gọi ”Chúa Thánh Linh”. Chính thánh Phaolô đã nói với chúng ta: Hãy nhờ Thần Khí mà sống và tiến bước (x. Gl 5, 25), tức tiến bước  trên “Con Đường Giêsu-Hội Thánh” để đến với Chúa Cha và đến với mọi người anh em. Đời sống tâm linh nhân bản và tự nhiên của con người vốn có khả năng sở hữu những giá trị thuộc các lãnh vực chân, thiện, mỹ, thì nay, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, lại có thêm khả năng phát huy ba nhân đức hướng thần: Tin, Cây, Mến tô điểm cho đời sống siêu nhiên, còn gọi là “đời sống thiêng liêng”, hay theo cách nói của anh em Tin Lành Việt Nam, “đời sống thuộc linh”, phát xuất từ Chúa Thánh Linh, lệ thuộc vào hoạt động của Chúa Thánh Linh, và thuộc trọn về Chúa Thánh Linh. Cũng chính thánh Phaolô, trong thư Rôma (x. Rm 8, 16), cho chúng ta biết có hai tầng sinh hoạt tâm linh trong người Kitô hữu: sinh hoạt của Tinh Thần Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Linh (to Pneuma, mà tại Rm 8, 14 thánh nhân nói rõ là “Tinh Thần của Thiên Chúa, Thần Khí của Thiên Chúa”), và sinh hoạt của tinh thần nhân bản trong người Kitô hữu: “Chính Thần Khí (tức Chúa Thánh Linh) chứng thực cho thần trí (hay tinh thần) của chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”. Trong câu này, thánh tông đồ dùng chữ “to pneuma (spiritus)” hai lần: một lần để chỉ Tinh Thần của Thiên Chúa (thường được dịch thành”Thần Khí Thiên Chúa”, viết hoa) và một lần để chỉ tinh thần (hay thần trí) của chúng ta, mà các dịch giả viết bằng chữ thường, để phân biệt. Như thế tinh thần con người đón nhận tác động của Tinh Thần Thiên Chúa. Tác động này không chỉ là “làm chứng rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (x. Rm 8, 16), mà còn làm cho chúng ta thực sự trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa và ban cho chúng ta khả năng kêu lên: “Abba, Cha ơi” (x. Rm 8, 15), thậm chí chính Thần Khí đích thân kêu lên “Abba, Cha ơi” trong lòng chúng ta (x. Gl 4, 6), như một “tiếng rên siết khôn tả” (x. Rm 8, 26). Thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chúa Thánh Linh trong đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu. Do đó, khi nói tới linh đạo Phúc Âm hay linh đạo Kitô giáo có giá trị chung cho cả Giáo Hội, hoặc các dòng linh đạo riêng trong Giáo Hội, người ta phải nhìn nhận rằng Chúa Thánh Linh chính là nguồn mạch và linh hồn của linh đạo theo quan niệm Kitô giáo. Tính từ “spiritualis” (pneumatikos, spiritual, spirituel) và danh từ “spiritualitas, spirituality, spiritualité” quy chiếu cách tất yếu về Chúa Thánh Linh (hoặc Thần Khí viết hoa, “to haghion Pneuma, Spiritus Sanctus, The Holy Spirit, Le Saint-Esprit”) là tác nhân linh hoạt, nâng cao và phong phú hóa sinh hoạt của tinh thần hoặc tâm linh con người.

Tạm kết: Chúng ta thấy mục từ “linh đạo” theo cách hiểu khá phố biến của giới Kitô giáo Việt Nam là “con đường thiêng liêng” mang một ý nghĩa độc đáo, và hình như khác với cách hiểu của giới Kitô giáo Trung Quốc khi họ dùng cụm từ “linh tu” để dịch “spiritualitas”, trong đó “tu” là một động từ với nghĩa “sửa sang, uốn nắn, huấn luyện” linh hồn. “Tu” trong “linh tu” là một hành động chủ quan, tương ứng với “đạo” mà BTV đã hiểu là một động từ với nghĩa “hướng dẫn” linh hồn. Mục từ “linh đạo” (với chữ “đạo” được hiểu như một danh từ chỉ một thực tại khách quan là “con đường”, theo Kinh Thánh Tân Ước là “Con Đường Giêsu và Hội Thánh”, và với chữ “linh” là một tính từ quy chiếu về Chúa Thánh Linh đang tác động trên tâm linh hoặc tinh thần con người), làm nổi bật đặc biệt vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống thiêng liêng của chính Chúa Giêsu và của từng môn đệ cũng như của cả Thân Mình Chúa Giêsu là Hội Thánh. Và đối với chúng ta, “linh đạo”, với biểu tượng “con đường”, chính là định hướng của người Kitô hữu đang sống và tiến bước, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh (x. Gl 5, 25), đi theo dấu chân Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha trong tư cách con thảo, và đến với mọi người như anh em.

Thực ra sự “hướng dẫn về mặt thiêng liêng” vẫn có một vị trí trong định nghĩa của mục từ “linh đạo”, nhưng vị trí đó nẳm ở phần ngọn, còn “con đường thiêng liêng” nằm ở phần gốc.

Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm
Đàlạt, ngày 31-07-2014
(Xin Quý Vị Độc Giả vui lòng cho biết ý kiến: có gì không đúng hoặc chưa đủ hoặc thiếu quân bình trong bài viết này? Xin cám ơn).

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ