Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Giải đáp phụng vụ: Bài giảng có cần được viết sẵn hay không?


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hòi: Trong nhiều năm trong chủng viện, và bây giờ sắp kết thúc khóa đào tạo chủng sinh và chuẩn bị cho hoạt động tông đồ, con đã nhận thấy rằng một số linh mục, ngay cả các Giám mục, hoặc ở trong các chủng viện hay trong giáo xứ, đã viết bài giảng sẵn vào giấy, và trong Thánh lễ, họ đọc bài giảng viết sẵn. Trái lại, các vị khác không dùng bài giảng viết sẵn, nhưng giảng từ tâm hồn của mình. Con xin hỏi cha: Đâu là lập trường chính thức của Giáo Hội về việc giảng lễ? Liệu bài giảng có cần được viết sẵn hay không? Có điều khoản giáo luật nào về việc này không? – A. M., Enugu, Nigeria.

Đáp: Bạn thân mến, có rất ít qui định chính thức về bài giảng. Một điều chắc là Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn của Ngài "Evangelii Gaudium" (Niềm vui của Tin Mừng), đã bàn rộng rãi chủ đề này, và đã đề cập đến nó thường xuyên, nhất là trong các cuộc gặp gỡ với các giáo sĩ. Một số Giám mục đã nói với tôi rằng Ngài cũng đề cập đến việc giảng lễ trong các cuộc gặp riêng tư, khi các ngài có chuyến thăm chính thức Tòa Thánh "Ad Limina", cứ năm năm một lần. Như thế, rõ ràng bài giảng là điều gì đó thân thiết với tâm hồn của Đức Thánh Cha.

Trong số các lời khuyên về chuẩn bị bài giảng, Đức Thánh Cha nói như sau trong Tông huấn của Ngài:

"156. Một số người nghĩ mình có thể là người giảng giỏi vì họ biết phải nói cái gì, nhưng họ không chú ý tới việc phải nói thế nào, nghĩa là cụ thể phải cấu tạo một bài giảng như thế nào. Họ phàn nàn khi người ta không nghe hay trân trọng họ, nhưng có lẽ họ không bao giờ chịu khó tìm cách thích hợp để trình bày sứ điệp. Chúng ta nên nhớ rằng “nội dung loan báo Tin Mừng có tầm quan trọng hiển nhiên nhưng không được làm che mờ tầm quan trọng của cách thức và phương tiện loan báo Tin Mừng”. Cũng vậy, quan tâm tới cách chúng ta giảng là một sự quan tâm thiêng liêng sâu xa. Nó bao gồm việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách đặt tất cả các năng khiếu và óc sáng tạo của mình vào việc phục vụ sứ mạng Ngài đã trao cho chúng ta;
 đồng thời, nó chứng tỏ một tình yêu tinh tế và tích cực bằng cách từ chối không cống hiến một sản phẩm có chất lượng tồi. Trong Kinh Thánh, chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy những lời khuyên về cách chuẩn bị một bài giảng thế nào để có thể đến được với dân một cách hiệu quả nhất: “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” (Hc 32:8).

"157. Chỉ dùng một vài ví dụ, chúng ta hãy nhớ lại một số nguồn trợ giúp thực hành có thể làm bài giảng của chúng ta phong phú và hấp dẫn hơn. Một trong những điều quan trọng nhất là học cách sử dụng hình ảnh khi giảng, cách khêu gợi hình ảnh. Đôi khi các ví dụ được dùng để làm sáng tỏ một điểm nào đó, nhưng các ví dụ này thường chỉ khêu gợi trí khôn; trái lại, các hình ảnh giúp người nghe nhiều hơn trong việc quí chuộng và chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt. Một hình ảnh hấp dẫn có thể làm cho người nghe cảm nếm được sứ điệp, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng. Một thầy giáo cũ từng nói với tôi, một bài giảng tốt phải có “một ý tưởng, một tình cảm, một hình ảnh.”

158. Đức Phaolô VI nói rằng “các tín hữu... mong đợi nhiều từ bài giảng, và sẽ được rất nhiều lợi ích từ bài giảng, miễn là nó đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và thích hợp”. Đơn sơ là về ngôn ngữ chúng ta sử dụng. Phải là ngôn ngữ người dân có thể hiểu được, bằng không chúng ta như nói vào chỗ không người. Những người giảng thuyết thường sử dụng các từ ngữ họ đã học trong thời kỳ học tập và trong các môi trường chuyên môn không nằm trong ngôn ngữ thông thường của người nghe. Các từ ngữ này thích hợp trong thần học và huấn giáo, nhưng ý nghĩa của nó thì đa số các Kitô hữu không hiểu được. Nguy cơ lớn nhất đối với một người giảng thuyết là họ quá quen với ngôn ngữ riêng của mình khiến họ nghĩ mọi người khác tất nhiên
 cũng hiểu và sử dụng được nó. Nếu chúng ta muốn thích nghi với ngôn ngữ của dân chúng và đem lời Chúa đến được với họ, chúng ta cần chia sẻ đời sống của họ và có sự quan tâm trìu mến đối với họ. Đơn sơ và rõ ràng là hai chuyện khác nhau. Có thể chúng ta dùng ngôn ngữ đơn sơ nhưng cách giảng của chúng ta không rõ. Rốt cuộc là bài giảng khó hiểu vì nó vô tổ chức, thiếu trình tự lôgích hay cố nói đến quá nhiều điều một lúc. Vì vậy chúng ta cần bảo đảm bài giảng của chúng ta có một chủ đề thống nhất, có trật tự rõ ràng và có sự mạch lạc giữa các câu, để dân có thể dễ dàng theo một cách dễ dàng và nắm được triền lý luận của bài giảng.

"159. Tích cực là một đặc trưng nữa của một bài giảng tốt. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý chúng ta có thể làm gì tốt hơn. Bất luận thế nào, nếu kêu gọi chú ý tới một điều gì tiêu cực, nó cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc. Giảng tích cực luôn luôn cống hiến hi vọng, vạch ra tương lai, không để chúng ta mắc kẹt trong tiêu cực. Tốt biết bao khi các linh mục, phó tế và giáo dân định kỳ tụ họp lại với nhau để khám phá ra các nguồn hỗ trợ có thể giúp cho việc giảng thuyết hấp dẫn hơn!" (Bản dịch của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Các lời khuyên thích hợp của Đức Thánh Cha cần được mọi người giảng thuyết thuộc nằm lòng. Tuy nhiên, Ngài không đề cập trực tiếp đến câu hỏi cụ thể của bạn đọc của chúng tôi.

Quan điểm của tôi là bài giảng nên luôn luôn được chuẩn bị tốt, trong đó có cách trình bày bài giảng nữa. Bài giảng luôn luôn phải được rao giảng từ trái tim, nhưng không nhất thiết được rao giảng bởi trái tim và thuộc lòng. Một bài giảng đọc từ giấy cũng có thể là từ trái tim.

Vì vậy, giả sử rằng bài giảng được chuẩn bị tốt, quyết định về việc có nên viết nó đầy đủ, viết vài nét chính, hoặc ghi nhận thuộc lòng trong đầu trước khi giảng, là hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng và thiên hướng của người giảng, các nhu cầu của tín hữu, và bối cảnh đặc biệt của lễ cử hành.

Một Giám mục hay linh mục có thể lựa chọn cách viết ra và đọc bài giảng của mình, vì ngài cho rằng độ chính xác của ngôn ngữ là quan trọng trong bối cảnh nhất định, đặc biệt là nếu sau đó bài giảng được in ra.

Một số linh mục và phó tế đọc bài giảng của mình, đơn giản chỉ vì họ có trí nhớ không tốt. Một số người giảng viết ra bài giảng hoặc vài nét chính, và khi giảng là giảng thuộc lòng, nhưng thỉnh thoảng mới nhìn vào bài viết mà thôi. Sự hiện diện đơn thuần của bài giảng giải thoát họ khỏi các lo lắng về thiếu sót hoặc quên điều cần nói mà thôi.

Một số vị khác, chẳng hạn Giám mục Fulton Sheen (người Mỹ) nổi tiếng, thích không sử dụng bài giảng viết sẵn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng hình thức này thường đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ hơn, để mọi sự tốt đẹp trong khi giảng. Về quan điểm hùng biện, việc này có hiệu quả hơn, tạo dễ dàng cho các yếu tố khác, chẳng hạn sự giao tiếp trực tiếp với thính giả.

Cũng có những người rao giảng từ một bài viết soạn sẵn, và đã chu toàn việc tiếp xúc này, và hình thức ấy không nên được xem trong bất kỳ cách nào là tốt thứ hai. Các Đức Thánh Cha Biển Đức và Phanxicô, với phong cách khác nhau, cả hai đều chứng tỏ hình thức này có thể là một phương pháp giảng hiệu quả nhất.

Điều thường không có hiệu quả là đọc một bài giảng chỉ đơn giản được tải về từ Internet hoặc một vài nguồn khác. Thậm chí nếu bài giảng này được đọc tốt, nó cũng thiếu chất lượng của một kết quả suy niệm cầu nguyện, sự thẩm thấu sứ điệp và xác tín cá nhân trong sự thật của nó – vốn nhất thiết phải đi qua chặng đường này, nếu một bài giảng là một sự thông chuyển thật sự đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng minh họa điểm này như sau:

"144. Nói từ trái tim có nghĩa là trái tim chúng ta không chỉ phải bừng cháy, mà còn phải được soi sáng bởi sự sung mãn của mặc khải và bởi con đường mà lời Chúa đã đi qua trong trái tim của Hội Thánh và dân tộc trung thành của chúng ta trong suốt lịch sử. Căn tính Kitô hữu của chúng ta, như là vòng tay Cha ôm ấp chúng ta trong bí tích rửa tội, làm cho chúng ta, như những đứa con hoang đàng - và những đứa con cưng của Mẹ Maria - ao ước nhận được một vòng tay khác nữa, vòng tay của Cha nhân từ đang đợi chúng ta trong vinh quang. Giúp dân chúng cảm nhận rằng họ đang sống giữa hai vòng tay này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đẹp đẽ của người rao giảng Tin Mừng” (Bản dịch, như trên). (Zenit.org 1-7-2014)

Nguyễn Trọng Đa
http://vietcatholic.info/News/Html/125822.htm

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ