Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Đức Giáo hoàng Phanxicô qua cái nhìn của một người bạn cũ

Share
Pope Francis 06Cha Gustavo Larrazabal, dòng Thừa sai Claret, một người bạn cũ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nói chuyện về quá khứ của ĐGH hồi còn ở Argentina và ý nghĩa của nó đối với tương lai Giáo Hội.
Larrazabal
Thưa cha, cha đã quen biết Đức tân Giáo Hoàng trong hoàn cảnh như thế nào?
ĐHY Jorge Bergoglio đã giảng và chia sẻ về những mối bận tâm khác nhau của ngài, chẳng hạn như tham gia các hoạt động dân sự và giáo dục. Một lần nọ ngài đã ghé thăm nhà xuất bản của dòng ở Argentina, nơi mà tôi đang làm giám đốc vào thời điểm đó, và đã đề nghị chúng tôi xuất bạn những đề tài đó. Chỉ trừ ra tiểu sử của ngài và cuộc trò chuyện với một rabbi đã được Vergara xuất bản, chúng tôi xuất bản mọi thứ ngài trao cho chúng tôi.
Và tôi đã từng gặp Đức hồng y. Chúng tôi trò chuyện và trao đổi về những ý tưởng. Suốt 1 năm trời, chúng tôi đã xây dựng được một mối tương quan thân thiết. Ngài đánh giá cao nhà xuất bản và chẳng bao giờ muốn nhận tiền nhuận bút cả. Ngài nói rằng số tiền đó cần dành cho những việc tông đồ. Ngài thậm chí muốn kí một tài liệu trong đó nói rằng nếu có bất cứ điều gì xảy ra đối với ngài do những điều ngài viết, ngài không muốn bất cứ ai đến và đòi hỏi bất cứ điều gì từ các tu sĩ dòng Claret. Tôi đã có chút bối rối về điều này và phần nào không muốn. Thực tế là tờ giấy đã chẳng bao giờ được kí và đó là lỗi của tôi.
ĐHG Phanxicô là một văn sĩ cừ chứ?
Vâng, ngài là một văn sĩ rất giỏi. Ngài đã không có thời gian để biên tập. Ngài xuất hiện tại văn phòng của tôi, ôm một bọc giấy tờ trong tay và nói, “Đây là tất cả. Cha hãy sắp xếp lại tốt nhất như cha có thể.” Chúng tôi, những nhà biên tập, cách riêng là bản thân tôi đã biên tập, đọc lại và gửi bản thảo cuối cùng để ngài duyệt. Ngài có thể đưa ra một vài ý kiến riêng, nhưng sự thật là chúng tôi hoàn toàn được tự do.
Một chút tranh luận giữa chúng tôi là chuyện của những cái bìa sách. Đối với tôi, bìa sách rất quan trọng vì nó có mục đích quảng bá cho cuốn sách. Có hai lần tôi đã để hình của ngài trên trang bìa và ngài không hài lòng. Tuy nhiên, tôi nói với ngài rằng, “Không có một trang bìa tốt, sách sẽ không bán được. Vì thế, ĐHY có thể không ưng ý nhưng bìa vẫn sẽ giữ như thế ạ.”
Ngài là một người khiêm nhường đúng không?
Chắc chắn rồi. Năm 1998, sau khi vị tiền nhiệm của ngài là ĐHY Guarracino qua đời, ngài đã trở thành Tổng Giám Mục Buenos Aires. Ngài đã ngay lập tức quyết định rời tòa giám mục, vốn trước đây là một dinh thự nằm trong khu vực mà tổng thống và gia đình của ông cũng cư ngụ. Ngài đã cho một dòng tu thuê và chọn một căn phòng giản dị trong trên lầu ba của tòa nhà Văn phòng giáo phận.
Ngài cũng có một văn phòng rất giản dị ở tầng 2. Khi ngài đi lại trong thành phố Buenos Aires, ngài đã không cần dùng xe ô tô riêng hay một tài xế. Ngài đi bộ, tàu điện, xe buýt hoặc lúc khẩn trương ngài sẽ đi taxi. Tôi thường mời ngài đến một vài nơi để dâng Thánh Lễ hoặc làm phép nhà cho một hiệu sách. Khi tôi đề nghị được đưa đón ngài, ngài luôn nói rằng: “Không, không. Đừng lo, tôi sẽ tự lo được. Cha phải dành thời gian chăm lo cho người dân.”
Ngài cũng không có một thư kí hay các đức ông ở chung quanh phục vụ, mặc dầu tổng giáo phận khá lớn với 6 vị giám mục phụ tá. Nhưng khi giáo dân muốn gặp ngài, họ luôn luôn cảm thấy ngạc nhiên khi nhận thấy rằng thật dễ dàng biết bao để có một cuộc hẹn gặp ngài. Thỉnh thoảng ngài thậm chí tự mở cửa cho khách, vì nhiều buổi chiều ngài ở nhà một mình. Nếu bạn biết lối đi thì cứ tự nhiên lên tầng 2. Nếu không, ngài sẽ đi xuống để mở cửa cho bạn. Thậm chí khi đã làm Giáo Hoàng ở Rôma, ngài đã báo riêng cho người vẫn bán báo cho ngài ở Buenos Aires rằng ngài sẽ không cần đặt báo hàng ngày nữa. Ngài rất nồng hậu, rất cá tính và giàu tình cảm.
Khi tôi mừng sinh nhật 50 tuổi, tôi đã mời ĐHY Bergoglio đến dâng lễ và dự tiệc mừng. Ngài đã đến, nhưng từ chối chủ tế. Ngài nói rằng vị trí chủ tế dành cho tôi và ngài sẽ đồng tế cùng với các cha các thầy Claret đang hiện diện. Sau đó, trái với thói quen của ngài là hiếm khi dự tiệc và rất thận trọng trong việc ăn uống vì lý do sức khỏe, ngài đã ở lại chia vui với mẹ của tôi, các thành viên trong gia đình và mọi người hiện diện khá lâu. Khi ngài cáo từ, một vài người đã tiễn ngài một đoạn để đón taxi vì ngài từ chối việc sẽ có người rời bữa tiệc để đưa ngài về nhà.
Trong cương vị là một giám mục, ngài rất nổi tiếng. Không phải nổi tiếng theo nghĩa đề cao bản thân nhưng về lòng trắc ẩn, sự thân mật, gần gũi và cách cư xử nồng hậu của ngài dành cho mọi người.
Mọi thứ sẽ thay đổi ở Rôma? Ngài có thể sẽ thay đổi chăng?
Khi bạn đã 76 tuổi, bạn không dễ gì thay đổi nữa. Ngài đã chứng minh điều đó trong những ngày đầu tiên ở Vatican. Ngài không muốn sống trong dinh thự. Nhưng không hẳn chỉ là vì tuổi tác. Ngài vẫn giữ phong cách đi lại ở Buenos Aires của ngài tại Vatican. Có nhiều thứ đã được hoàn toàn hội nhập trong con người của ngài.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một bậc thầy về phong cách. Ngài biết phong cách của một người có thể để lại nhiều ấn tượng. Ngài không làm những cử chỉ đó như một kiểu biểu diễn nhưng diễn tả một đức tin sâu xa. Điều đặc biệt thú vị đó là trong vài ngày qua ngài đã không tự gọi mình là giáo hoàng nhưng là giám mục Rôma. Điều đó diễn tả sự hiểu biết cụ thể về sứ vụ giáo hoàng.
Vậy thì rõ ràng ĐHY Bergoglio là một vị mục tử rồi. Còn một thần học gia thì sao?
Trên hết, ngài là một mục tử, nhưng không vì nói thế mà khẳng định ngài không phải là một nhà thần học. Ngài rất quan tâm đến mục vụ. Ví dụ, dù ngài dồn mọi quan tâm đến vấn đề xã hội và người nghèo, ngài chưa bao giờ ủng hộ thần học giải phóng, nhưng cũng không kiềm hãm nó. Khi nói về việc huấn giáo, ngài nói: “trong tư cách là một mục tử, tôi cho phép những điều đó diễn ra. Tôi muốn rằng nó sẽ không phải là một bản giáo lý độc nhất, bởi vì nó làm cho thực tế phong phú hơn. Tôi cho phép những điều đó diễn ra, cung cấp mọi thứ trong phạm vi mà tín lý Giáo Hội cho phép và không để rơi vào tình trạng lạc giáo hay những suy tư gây phiền phức.” Tôi nghĩ rằng đây là cách ngài dùng để tiếp cận thần học giải phóng. Ngài đã không loại trừ cũng không cỗ võ nó.
Khi có những điều đi trệch với quan điểm của Giáo Hội, ngài đã phải đương đầu với chúng. Điều đó đã đặt ngài trong thái độ đối kháng với chính quyền trong một vài trường hợp.  Bởi vì, mặc dầu nhiều cơ quan trong chính quyền Argentina, đặc biệt là những đơn vị lo về vấn đề xã hội và giáo dục thật sự ủng hộ và hỗ trợ những dự án phát triển và giáo dục của Giáo Hội, nhưng khi đụng đến những vấn đề của luân lý và học thuyết xã hội, ngài cần phải mạnh mẽ lên tiếng. Đó là trường hợp liên quan đến vấn nạn nóng bỏng là hôn nhân đồng tính, vốn là biểu ngữ của chủ nghĩa giải phóng và bình đẳng giới. ĐHY Bergoglio đã cố gắng đàm phán để tìm kiếm 1 giải pháp nhằm ngăn chặn việc công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng có thể cho phép một điều khoản liên quan đến những công đoàn vốn sẽ bảo vể các đôi bạn. Những nỗ lực của ngài gặp phải các thế lực khác làm trệch hướng và cuối cùng chính phủ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Ngài muốn đối thoại và đàm phán, dĩ nhiên luôn luôn duy trì lập trường của Giáo Hội.
Những vấn nạn hôm nay đối với Giáo Hội tại Argentina là gì, thưa cha?
Vấn nạn quan trọng nhất thật sự mang tính toàn cầu chứ không riêng gì Giáo Hội Argentina. Điều quan trọng đối với chúng tôi là làm sống lại những nỗ lực truyền giáo và mục vụ cho các gia đình. Những người không kết hôn đang là chủ để khẩn cấp nhất không phải bởi vì họ không thể kết hôn nhưng vì họ đơn giản không muốn kết hôn. Chúng tôi cũng phải đối diện với vấn đề ly dị và tái hôn cũng như vấn đề độc thân linh mục.
Sau khi sự hưng phấn vì một người Argentina được bầu làm Giáo hoàng lắng xuống, thách đố mà Giáo Hội đang đối diện chính là việc nhìn thấy làm thế nào tất cả những điều này sẽ được sử dụng cho một cuộc tái sinh đức tin. Chúng tôi sẽ phải nhận ra đâu là những cử chỉ cụ thể để Giáo Hội dấn thân vào và làm thế nào để chuyển tải tất cả nguồn năng lượng này. Tôi tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn, người ta sẽ bắt đầu phản tỉnh về ý nghĩa của việc bầu chọn này một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn.
Có người quan ngại rằng ĐGH Phanxicô là một người ngoài ở Vatican? Sứ mạng và hiệu quả của ngài có thể ảnh hưởng thế nào?
Tôi tin và đây là ý kiến riêng của tôi rằng ngài biết rất rõ những gì ngài phải làm. Chỉ trong vòng có vài ngày mà ngài đã thiết lập một nhịp độ rất rõ ràng. Ngài biết rõ nhiều người ở giáo triều. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải chờ xem ai sẽ là người bước vào giáo triều. Chủ đề liên quan đến những bổ nhiệm rất tế nhị và có những vấn đề nhạy cảm và khó khăn trong tình hình Giáo Hội vốn cần nhiều sự thận trọng và nhận định. Nhưng tôi tin ĐGH Phanxicô nhìn thấy rõ những thách đố cần phải được giải quyết và ngài ý thức sâu sắc rằng ngài phải hành động nhanh chóng bởi vì tuổi tác của ngài, ngài không có nhiều thời gian.
Điều e ngại duy nhất của tôi là sức khỏe của ngài. Ngài sống rất mực thước nhưng nhịp sống tại Vatican sẽ rất bận rộn so với cuộc sống trước đây của ngài. Ở Buenos Aires, trong một mức độ nào đó, ngài có thể kiểm soát thời gian của mình. Nhưng bây giờ, trong tư cách là người đứng đầu bộ máy, sẽ có những vấn đề về lễ tân ngoại giao vượt ngoài tầm kiểm soát. Dẫu sao đối với ngài, ngài biết chính xác ngài cần phải làm gì.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện và biên dịch bởi biên tập viên Carmen Aguinaco của US Catholic.
Dịch và biên tập từ bản tiếng Anh của http://www.uscatholic.org/articles/201303/inside-look-pope-francis-27083
Chỉnh Trần, SJ
(Nguồn: dongten.net)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ