Vụ xử Đoàn Văn Vươn : Đáng buồn cho nền tư pháp Việt Nam
Ông Đoàn Văn Vươn (giữa) tại phiên tòa, Hải Phòng, 05/04/2013. REUTERS/Doan Tan |
Trả lời RFI hôm nay, tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội) cho rằng bản án này "bộc lộ sự khốn cùng của nền tư pháp Việt Nam", "cho thấy một căn bệnh trầm kha của toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam (…). Đấy là một căn bệnh nếu không thực sự sửa chữa về căn bản, thì đây là căn bệnh ung thư và sẽ làm cho toàn bộ hệ thống sụp đổ nhanh chóng".
RFI : Xin ông cho biết nhận định của ông về phán quyết của Tòa án.
Nguyễn Quang A : Có lẽ cũng không ngoài dự đoán về mức án, và nó chỉ bộc lộ một sự khốn cùng của nền tư pháp Việt Nam. Tôi tin rằng những ông công tố và thẩm phán ở Hải Phòng, họ chỉ được lệnh là phải làm như vậy. Vì theo dõi, khi thấy tranh luận, qua báo chí, thì thấy các luật sư đã nêu ý kiến của mình. Bản thân các bị cáo cũng nêu các ý kiến của mình, và bên thẩm phán vẫn giữ nguyên mức phán quyết, theo như của Viện kiểm sát họ đưa ra, thì thực sự tôi thấy rằng đây là một kết quả hết sức là đáng buồn, cho nền tư pháp Việt Nam nói chung và cho toàn bộ cái hoạt động, từ điều tra cho đến khởi tố, phán xét của Việt Nam.
RFI : Trong vụ án, có một số chi tiết khiến nhiều người ngạc nhiên, cụ thể là trong quá trình xét xử, án do Viện kiểm sát đề nghị thấp hơn rất là nhiều so với khung hình phạt, mà trong cáo trạng đã nêu ra trước đó, với tội danh « Giết người thi hành công vụ ». Xin ông cho biết nhận xét của ông về chuyện này.
Nguyễn Quang A : Tôi cho rằng, với phán xét của tòa, mà mức án chỉ bằng chưa đến một nửa mức tối thiểu của cái tội danh đấy. Bản thân việc đó cũng nói lên là người ta đã làm hết sức là bậy bạ. Bởi vì, như thế chứng tỏ rằng là tội danh đấy là không đúng. Và đúng như là nhận xét của rất nhiều người, thì tội danh, gọi là « giết người » đấy là hoàn toàn không có một cơ sở gì cả. Theo luật của Việt Nam, theo mọi các tiêu chuẩn, thì việc quy chụp cho các bị can cái tội đấy, thì tôi cho là chính Tòa án Hải Phòng đã phạm một cái tội vu cáo. Tức là gì, thực ra là : có lẽ là tội danh là tội khác, nhưng mà người ta cứ cố ép vào tội « giết người », thì tôi thấy đấy là… Nếu đúng là tội giết người thì tối thiểu phải xử 12 năm tù, chứ không thể 5, 6 năm tù được. Tức là một sự mâu thuẫn. Bản thân phán quyết của tòa, thực sự nó lột cái sự dối trá của tòa về sự phán xử sai tội.
RFI : Thưa ông, có ý kiến đánh giá là chính quyền làm như vậy là để kiểu như « giơ cao, đánh khẽ », tức là đưa ra một tội nặng như vậy để làm người ta sợ hãi, rồi sau đó giảm án để các bị cáo cảm thấy được khoan hồng. Ông nghĩ gì về cách giải thích này ?
Nguyễn Quang A : Tôi không biết, nhưng giả sử là họ nghĩ như vậy, thì họ hoàn toàn sai lầm. Vì sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật, xét xử của tòa án, thì tội nào phải ra tội đó, và phải xử một cách nghiêm minh. Không thể gọi là vu cho người ta một cái tội. Xong rồi, bị áp lực của dư luận, rồi xử chưa bằng nửa cái mức tối thiểu của án đó. Tôi nghĩ đây là một cách làm hết sức tùy tiện.
Đây là một căn bệnh trầm kha của toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam và toàn bộ hệ thống nhà nước của Việt Nam, trong đó có nhánh tư pháp. Đấy là một căn bệnh nếu không thực sự sửa chữa về căn bản, thì đây là căn bệnh ung thư và sẽ làm cho toàn bộ hệ thống sụp đổ nhanh chóng. Tội là tội, xử là phải xử nghiêm. Không thể một tội này là đi xử một tội khác, dùng một cái tội rất là nghiêm trọng để răn đe người ta được.
RFI : Thưa ông, phán quyết của tòa án ở Việt Nam, tòa án Hải phòng, đã để lại những hệ quả gì, cụ thể là trong trước mắt ?
Nguyễn Quang A : Phán quyết này của tòa án Hải phòng là một trong những cách rất hiệu quả để làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với hệ thống tòa án của Việt Nam nói riêng, và đối với toàn bộ hệ thống chính trị nói chung. Chính họ là người làm hại nhiều nhất cho uy tín của nhà nước, của lòng tin của người dân vào nhà nước. Bản thân lòng tin của người dân vào nhà nước là hết sức quan trọng để phát triển đất nước. Như thế, theo đánh giá chủ quan của tôi, là những người hành xử tùy tiện như vậy là những người phá hoại đất nước rất là kinh khủng. Tuy họ vẫn luôn luôn lên tiếng vu cho những người khác là « phá hoại đất nước », hoặc là « theo các thế lực thù địch », hoặc cái gì đấy… Nhưng tôi nghĩ rằng, chính họ, nếu xét nghiêm túc (thế nào) gọi là thù địch của đất nước, thì họ là những kẻ đầu têu của những thế lực thù địch với đất nước này.
Còn tất nhiêu, còn nhiều hệ quả nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng đấy là một hệ quả hết sức nghiêm trọng.
Còn có một hệ quả đối với bản thân họ. Những người ra phán quyết này chắc chắn họ sẽ bị lịch sử lên án. Và nếu mà còn có lương tâm, thì nếu họ không cắn rứt lương tâm, thì con cháu họ cũng sẽ phải cắn rứt lương tâm trong một thời gian dài dài dài.
Tất nhiên, tôi nghĩ rằng ông Đoàn Văn Vươn và gia đình, chắc chắn người ta sẽ kháng án. Và tòa án nhân dân cấp trên vẫn còn có một khả năng là để chữa cái sai lầm hết sức là nghiêm trọng này, bằng cách là xét xử lại một cách hết sức là công minh.
RFI xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Trọng Thành
(Nguồn: RFI Tiếng Việt)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ