Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô: không thay đổi mà thay đổi thật nhiều

Đức Phanxicô: không thay đổi mà thay đổi thật nhiều
Vũ Văn An3/14/2013

Đúng như nhận định của linh mục Matt Malone, S.J., chủ bút tạp chí America, phát biểu vào ngày đầu tiên của Cơ Mật Viện, các hồng y của Giáo Hội đã chọn một vị giáo hoàng với ba đặc điểm: quản trị, truyền giảng Tin Mừng và trên hết thánh thiện. 
Ngài là một hồng y càng ngày càng nổi tiếng về tâm linh và tài lãnh đạo mục vụ tại một vùng có số tín hữu Công Giáo đông đảo nhất thế giới. Từ năm 1998, ngài là tổng giám mục của Buenos Aires, nơi tác phong của ngài khá khiêm nhường và gần gũi dân. Ngài sử dụng xe buýt, thăm viếng người nghèo, sống trong một căn hộ đơn giản và tự nấu lấy các bữa ăn. Với nhiều người tại Buenos Aires, ngài đơn giản chỉ là “Cha Jorge”.

Ngài từng thành lập nhiều giáo xứ mới, tái tổ chức các văn phòng quản trị, đưa ra nhiều sáng kiến phò sự sống và khởi sự nhiều chương trình mục vụ mới như một ủy ban cho người ly dị. Ngài từng đóng vai đồng chủ tịch Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2001 và được bầu vào ủy ban thường trực của thượng hội đồng, nên không xa lạ gì với các giám mục thế giới.

Ngài cũng soạn tác nhiều cuốn sách về linh đạo và suy niệm và là người mạnh dạn lên tiếng chống phá thai và hôn nhân đồng tính. Năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Châu Mỹ Latinh đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, ngài khuyến khích hàng giáo sĩ toàn quốc thúc giục tín hữu biểu tình chống lại luật này vì nếu đem ra thi hành, nó sẽ trấn thương gia đình một cách trầm trọng. Ngài cũng cho rằng việc các cặp đồng tính được nhận con nuôi sẽ “tước đoạt khỏi trẻ em quyền được lớn lên một cách nhân bản, quyền mà Thiên Chúa muốn chúng được hưởng qua một người cha và một người mẹ”.

Năm 2006, ngài chỉ trích một dự luật của Argentina nhằm hợp pháp hóa việc phá thai trong một số hoàn cảnh, cho đó là bất kính đối với các giá trị được đa số người Argentina tôn trọng, và nhằm thuyết phục Giáo Hội Công Giáo “dao động trong việc bảo vệ phẩm giá con người”.

Vai trò của ngài cũng buộc ngài phải công khai nói tới kinh tế, các vấn đề xã hội và chính trị mà xứ sở ngài đang phải đối phó. Các bài giảng và diễn văn của ngài luôn nhắc tới sự kiện: mọi người đều là anh chị em với nhau và Giáo Hội cũng như xứ sở phải làm hết sức sao cho mọi người cảm thấy mình được chào đón, kính trọng và chăm sóc. Dù không quá chính trị, Đức HY Bergoglio không tránh né tác động chính trị và xã hội của sứ điệp Tin Mừng.

Không thay đổi mà thay đổi thật nhiều

Từ lúc được bầu làm giáo hoàng và trong suốt ngày đầu tiên, Đức Phanxicô gây hết từ ngạc nhiên thú vị này tới ngạc nhiên thú vị khác mà theo Giám Đốc Tin Tức của EWTN, thì chẳng có gì thay đổi đối với ngài nhưng là thay đổi rất nhiều đối với người khác, và những người lo lắng hơn cả đối với sự thay đổi này là đa số chức sắc trong Giáo Triều.

Ngạc nhiên đầu tiên, như lời Đức Hồng Y Dolan của New York kể lại là việc ngài đứng để nhận sự “thần phục” của các hồng y anh em, chứ không “ngự” trên ngai tại Nhà Nguyện Sistine, một việc mà ngài nhận thấy rất bình thường. Thái độ tự nhiên quay qua quay lại ngay trên bancông đầy nghi lễ của Vatican, trước hàng nửa triệu tín hữu và “quân cách” phía dưới cũng là một hình thức lạ với nhiều người, nhưng với ngài, thì chẳng có gì lạ cả. Hình như nửa triệu tín hữu kia cũng vẫn chỉ là anh chị em của ngài, như những anh chị em của ngài tại Buenos Aires. Ngoài bộ áo chùng trắng ra, chưa có gì khác chứng tỏ ngài ra khác, không biết chiếc nhẫn ra sao, nhưng cây thánh giá trên ngực thì, theo Cha Lombardi, vẫn là cây thánh giá khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires. Không ai không chú ý tới cử chỉ cuối cùng trước khi ngài tạm biệt đám đông tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô khi ban phép lành đầu tiên cho họ: các chức sắc nghi lễ nhắc ngài rời khỏi khán đài, nhưng ngài quay qua phụ tá đòi mang micro tới để ngài chúc họ ngủ ngon và hứa cầu nguyện cho họ vào ngày hôm sau. Với người khác, đó là phá lệ, nhưng với ngài, đó là việc bình thường, không có gì thay đổi.

Người ta nhắc đến chuyện ngài “bông đùa” trên bancông Vatican về việc các hồng y anh em phải lặn lội vượt trùng dương, tới tận chân trời góc bể, để tìm ra ngài. Nhưng chuyện “bông đùa” còn vui hơn, được Đức Hồng Y Dolan kể lại, là lúc trở lại Nhà Thánh Marta, bằng minibus quen dùng lúc dự cơ mật viện chứ không phải “limousine” của giáo hoàng, ngài nói với các hồng y anh em: “Xin Chúa tha tội cho anh em (vì đã dại chọn tôi làm giáo hoàng)!” Vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi.

Nhưng sự không thay đổi này hiện đang làm đau đầu nhiều giới chức Vatican, cụ thể là các người có nhiệm vụ tháp tùng ngài và các nhân viên an ninh. Về việc này, có người so sánh ngài với Đức Gioan Phaolô I, vị giáo hoàng là chính mình đến độ một mình ra khỏi khuôn viên Vatican. Quả tình nụ cười của Đức Phanxicô không khác bao nhiêu so với nụ cười của vị Giáo Hoàng Mỉm Cười. Giám Đốc Tin Tức của EWTN phúc trình rằng Đức Phanxicô muốn đi đâu thì đi, đi thế nào thì đi, ngài là người của chính ngài, khiến giới chức an ninh không biết đâu mà mò. Về điểm này, phát viên ngôn viên Tòa Thánh Là Cha Lombardi xác nhận: các nhân viên an ninh đang tìm cách thích ứng với phong cách đi đứng hết sức đặc trưng của Đức Phanxicô. Ngài vẫn là ngài, không thay đổi. Nhưng sự không thay đổi này đang làm thay đổi nhiều người.

Ngài không theo cửa chính của Đền Thờ Đức Bà Cả, vì lúc đó, chưa mở cửa, thì “ta” vào theo lối phòng áo, rất tự nhiên, không thắc mắc, tay tự mang bó bông “con thảo” từ ngoài, vòng hết gian chính nhà thờ, tới tượng Mẹ, bằng một nhịp bước không cần chờ ai, tự đặt bó bông đơn giản trước tượng Mẹ để cầu cho anh chị em mình. Nếu để ý, thì đây là một bó bông hết sức tầm thường, một bó bông mà bất cứ bà nội trợ nào cũng có thể ngắt từ thửa vườn sau nhà.

Điều gây ngạc nhiên hơn cả là sau một đêm ngủ ngon, như ngài nói với các hồng y anh em, mọi sự xem ra cũng vẫn không có gì thay đổi đối với ngài. Rời Vatican lần đầu tiên trong tư cách giáo hoàng, ngài vẫn không dùng “limousine” giáo hoàng, mà dùng một trong các xe của cảnh sát Vatican để kính viếng Đền Thờ Đức Bà Cả. Lúc đến cũng như lúc đi, chỉ vỏn vẹn mấy chức sắc tháp tùng. Trên đường trở về, ngài làm mọi người ngạc nhiên khi gửi lời chào tới các trẻ em của một ngôi trường gần đó, rồi bắt tài xế dừng lại Domus Internationalis Paulus VI, gần Piazza Navona, nơi ngài cư ngụ trước khi tham dự cơ mật viện, để lấy đồ đoàn gửi tại đó và nhất là trả tiền trọ! Điều này không biết có phá bỏ mọi nghi thức liên quan tới vị giáo hoàng tân cử hay không, nhưng nhất định đánh đổ câu trả lời của linh mục Matt Malone, S.J., chủ bút tạp chí America khi ngài trả lời một câu hỏi của độc giả rằng: khi được bầu, đức giáo hoàng có đi lấy đồ đoàn của mình và mang tới Rôma hay không? Linh mục Malone nói như “đinh đóng cột” rằng: vị tân giáo hoàng sẽ ở lại Vatican, mọi đồ đoàn sẽ được mang tới cho ngài bằng bất cứ giá nào! Câu trả lời này ít nhất không đúng đối với Đức Phanxicô.

Con đường dẫn tới Phục Sinh

Sự thay đổi mà Đức Phanxicô, trong những ngày tới sẽ mang lại, chắc chắn rất sâu xa không phải chỉ là cung cách bề ngoài mà còn cả trong tư duy con người nữa. Sự thay đổi này đã được ngài vạch ra cho anh chị em ngài ở Buenos Aires nhân dịp đầu Mùa Chay vừa qua (cách nay mới có một tháng thôi). Trong sứ điệp này, Đức tổng giám mục Bergoglio khẩn khoản nói với anh chị em của ngài rằng: “Nước Thiên Chúa cần trái tim anh chị em bị xé nát bởi ý nguyện hồi tâm và yêu thương, ngập tràn ơn thánh và các cử chỉ hữu hiệu để thoa dịu nỗi đau của anh chị em vốn đang cùng đồng hành với chúng ta”.

Sứ điệp ấy khẩn thiết kêu mời mọi người chống lại tác phong dửng dưng và cái ác xã hội do tội lỗi tạo nên. Chính tội lỗi tạo ra sự suy đồi trong xã hội, một suy đồi đang phá hoại các gia đình, khu xóm, cộng đồng và nói chung toàn bộ nền văn hóa của ta. Chống lại thứ văn hóa lạnh lùng với người yếu thế hơn cả, ta phải để thân phận của anh chị em ta đâm thấu trái tim ta bằng cách trở về với Thiên Chúa. Ta không thể gần gũi Chúa Kitô mà lại dửng dưng trước cảnh thối nát và tha hóa xã hội mà tội lỗi đã gây ra trên bình diện cơ bản nhất của xã hội là gia đình, liên hệ vợ chồng, liên hệ giữa cha mẹ và con cái.

Cái vết thương do tội lỗi gây ra trên sâu đến độ không thể chữa chạy bằng những hành vi và cử chỉ bên ngoài. Nếu ta biết quan tâm tới xã hội, thẳm sâu tâm hồn ta phải tan nát vì sự kiện ta phạm tội. Tội lỗi làm trái tim ra ra cứng cỏi. Chính cái trái tim ra cứng cỏi ấy khiến ta coi trẻ chưa sinh, hôn nhân truyền thống, người già, người bệnh và người nghèo như những bất tiện cần tránh né. Ta không bảo vệ và yêu thương người yếu thế nhất trong xã hội đủ vì ta không đếm xỉa gì tới thực tại tội lỗi trong đời ta. Hãy xé nát trái tim, đừng xé nát quần áo. Hãy trở về với Thiên Chúa, Đấng từ bi nhân hậu, chậm nổi giận và thật giầu xót thương (Ge 2:13).

Chỉ khi nào trở về với tình yêu Thiên Chúa, ta mới bắt đầu thực sự yêu thương nhau, trong gia đình, chòm xóm, cộng đồng và xa hơn thế. Sự hồi tâm này là đường dẫn tới sự sống, dẫn tới Phục Sinh. Ta diễm phúc có được một nhà truyền giảng như thế trên Ngai Tòa Phêrô.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ