Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Tân Giáo Hoàng Phanxicô mang lại luồng gió mới cho Tòa thánh

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp nữ tổng thống Achentina Cristina de Kirchner tại Vatican, 18/03/2013
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp nữ tổng thống Achentina Cristina de Kirchner tại Vatican, 18/03/2013
REUTERS

Huê Đăng / Tú Anh
Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, không khí vui tươi và tự nhiên tràn ngập Tòa thánh. Đây là nhận định chung của AFP và báo chí Tây phương một ngày trước khi tân giáo chủ Giáo Hội Công giáo La Mã chính thức đăng quang vào ngày 19/03/2013. Theo dự kiến, hơn 1 triệu người sẽ hiện diện. Do những đức tính nào mà vị linh mục Dòng Tên của Achentina đã chinh phục được trái tim của tín hữu và công luận ?

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường thuật :

Được mô tả là một tu sĩ vui tính và bình dị. Những đức tính này đã được Giáo Hoàng Phanxicô thể hiện ra sao mà tín hữu công giáo có vẻ rất hài lòng ?

Nếu trong quá khứ Giáo Hoàng Wojtyla Gioan Phaolô đệ nhị được giáo dân nhớ đời và tôn vinh bởi câu nói bất hủ trong bài diễn văn đầu tiên ngay sau khi được bầu làm Giáo chủ của Giáo Hội Công giáo: “Nếu ta có sai lầm, thì các con nhớ sửa sai ta”, thì ngày nay, tân Giáo Hoàng Bergolio Phanxicô chắc cũng sẽ được nhắc đời với câu nói bất hủ cũng trong bài diễn văn đầu tiên trước giáo dân: “Các Hồng y cử tri đã lần ra được Đức Giáo Hoàng mới ở nơi tận cùng thế giới”, ý ám chỉ vùng đất của Achentina kéo dài đến tận vùng nam cực của quả đất.
Tân Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergolio thuộc Dòng Tên, 76 tuổi, người Achentina gốc Ý, là Tổng Giám mục của giáo phận Buenos Aires và rất nổi tiếng vì tánh tình đơn giản và đời sống giản dị gần gũi với giáo dân. Chẳng hạn như ở Buenos Aires, Tổng Giám mục Bergolio sống trong một căn hộ đơn sơ, không dùng xe hơi riêng mà lúc nào cũng di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như hàng triệu giáo dân bình thường khác. Hoặc ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, lúc rời khỏi nhà nguyện Sistine nơi đã diễn ra Mật nghị Hồng y, tân Giáo Hoàng Phanxicô đã từ chối lên xe hơi riêng dành cho Đức Giáo Hoàng, và vẫn tiếp tục đi xe bus cùng với các Hồng y khác để về nhà trọ. Khi biết sẽ có rất nhiều giáo dân đến từ Achentina để mừng thánh lễ nhậm chức, thì chính Bergolio đã khuyên người Achentina nên tiết kiệm tiền bạc để đến Roma và dùng tiền ấy đem tặng cho những người nghèo khó.
Người lên thay Giáo Hoàng Benedicto 16 được bầu trong bối cảnh nào?
Tân Giáo Hoàng này cũng được xếp hạng “đầu tiên” trong nhiều khía cạnh: Giáo Hoàng đầu tiên không thuộc vào sắc dân châu Âu, Giáo Hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ, đúng hơn là từ Nam Mỹ, Giáo Hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên, Giáo Hoàng đầu tiên lấy tên thánh là Phanxicô, vốn là vị thánh khổ hạnh Phanxicô nổi tiếng của thành phố Assisi ở trung Ý.
Đức Giáo Hoàng PhanxicôI được đánh giá là một trong những Hồng y thuộc “trường phái” canh tân, chính nhóm các Hồng y thuộc phái canh tân đã dồn phiếu và động viên các Hồng y khác dồn phiếu cho Bergolgio. Và theo một số thông tin đến từ “hậu trường” của Mật nghị Hồng y thì đầu tiên nhóm canh tân tính chọn Hồng y Angelo Scola, Tổng Giám mục của giáo phận Milano (bắc Ý), nhưng chính vì những tai tiếng và những đấu đá tranh giành quyền lực trong những năm gần đây trong hàng giáo phẩm Ý đã khiến nhóm canh tân muốn “cắt đứt với quá khứ” bằng cách chọn một Giáo Hoàng không phải là người Ý, và sau đó họ đã chọn Bergolio. Cũng nên nhớ là hồi năm 2005, chính Hồng y Bergolio là người có phiếu cao chỉ sau Hồng y Ratzinger, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Benedito XVI.
Bên cạnh sức thu hút tín hữu, tân Giáo Hoàng có bị những phê phán nào không?
Hôm qua 17/03 là ngày Chúa nhật đầu tiên của lễ Kinh thánh Truyền tin của Đức Giáo Hoàng mới. Quảng trường Thánh Phê rô trước Tòa thánh và các khu lân cận tràn ngập trên dưới khoảng 300 000 tín đồ khắp nơi kéo về, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra tận ngoài đường phố để trực tiếp chào mừng và bắt tay với giáo dân.
Sau một số bê bối nổ ra gần đây ở Tòa thánh, cùng với những căng thẳng trong giáo triều của người tiền nhiệm là Benedicto XVI, Giáo hội muốn thể hiện quyết tâm “sang trang” và việc “bất ngờ” bầu ra một Giáo Hoàng không nằm trong danh sách của các “ứng cử viên” được nói đến trong thời chuẩn bị Mật nghị Hồng y, thậm chí là một Hồng y đến từ nơi “tận cùng thế giới” phần nào cũng thể hiện được mục tiêu của Giáo hội.
Trong hàng loạt những lời tán dương và tôn vinh tân Giáo Hoàng, có một vài ý kiến phê phán thái độ im lặng của Bergolio trong thời kỳ độc tài quân phiệt ở Achentina, và nhất là có trách nhiệm trong việc không bênh vực hai tu sĩ Dòng tên thuộc quyền và để họ bị bắt mất tích. Về trách nhiệm này, ký giả Argentina Horacio Verbitsky đã viết lại trong quyển sách mang tựa đề “Hòn đảo câm lặng”. Thể theo lời của người phát ngôn viên của Vatican, phía Tòa thánh, hoàn toàn bác bỏ các luận điệu phê phán kể trên, thậm chí còn cho rằng đấy là những hành động nằm trong chiến dịch nhằm bêu xấu thanh danh của tân Giáo Hoàng. Cũng theo lời của Vatican thì chính Bergolio khi trở thành Tổng Giám mục đã tích cực cổ võ Giáo hội Achentina đứng ra xin lỗi giáo dân vì đã không làm trọn vẹn bổn phận trong thời kỳ độc tài quân phiệt.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ